‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Cuốn sách “Empress Dowager Cixi: The Concubine Who Launched Modern China” (tạm dịch: “Từ Hi Thái hậu - Vị phi tần mở đường cho Trung Hoa hiện đại”) của nhà văn Trương Dung (Jung Chang) không chỉ mô tả về vị nữ hoàng không ngai - Từ Hi Thái hậu mà còn là bức tranh sinh động về chính trị Trung Quốc thời nhà Thanh. [1]
Người ta nói quyển sách này của Trương Dung như một nỗ lực đòi lại công bằng cho Từ Hi và nhiều người phụ nữ đã trị vì, thay đổi nhiều khía cạnh trong xã hội của Trung Quốc nhưng đã bị lịch sử bỏ quên. Bốn phần của quyển sách tập trung kể về cuộc đời và quá trình nhiếp chính của Từ Hi từ khi bà là một cung nữ cho đến khi nắm quyền tuyệt đối để điều hành nhà Thanh cho đến khi qua đời.
Từ Hi sinh năm 1835, thuộc dòng dõi nhà Na Lạp thị, một gia tộc Mãn Châu. Bà tiến thân vào cung lúc 16 tuổi sau cuộc thi tuyển chọn tú nữ cho dòng họ hoàng gia Ái Tân Giác La năm 1862.
Do thuộc dòng dõi Mãn Châu, Từ Hi không phải chịu đựng tục lệ bó chân như phụ nữ Hán. Bà được gia đình giáo dục khá toàn diện, không chỉ học thêu thùa mà còn được dạy đọc viết, tuy nhiên, kiến thức về đọc viết của bà còn khá hạn chế. Mặc dù tiếng Mãn là ngôn ngữ chính thức của triều Thanh, nhưng Từ Hi không thông thạo ngôn ngữ này. Thời điểm đó, chỉ dưới 1% dân số biết đọc viết cơ bản.
Từ nhỏ, Từ Hi đã bộc lộ trí thông minh vượt trội. Khi cuộc chiến tranh thuốc phiện nổ ra (do người Anh phát động để đáp trả việc Trung Quốc cấm buôn bán thuốc phiện), gia đình Từ Hi đã phải đối mặt với tổn thất lớn vì triều đình nhà Thanh thu hồi tài sản từ các quan chức và phi tần để nộp phạt cho Anh. Từ Hi mới 11 tuổi nhưng đã phải làm việc để giúp gia đình trang trải khó khăn. Là con cả, ý kiến và sự giúp đỡ của Từ Hi được cha mình đánh giá cao. Do đó, trong thời kỳ khủng hoảng này, bà trở thành cánh tay đắc lực của cha, thường xuyên được cập nhật về tình hình chính sự và quản lý tài chính của gia đình.
Sau khi vua Hàm Phong qua đời, con trai của bà là Đồng Trị lên ngôi khi còn nhỏ tuổi. Trong thời kỳ này, Từ Hi Thái hậu và Từ An Thái hậu cùng thực hiện việc nhiếp chính cho Đồng Trị. Trong thời gian đó, Từ Hi Thái hậu đã dần dần khẳng định mình và trở thành nhân vật quyền lực chủ chốt trong triều đình nhà Thanh. Mặc dù không làm một cuộc đảo chính theo nghĩa đen nhưng bà đã khéo léo lấn át các quan khác trong triều để củng cố quyền lực. Bà cũng tiến hành một số cải cách quan trọng và nhiều trong số đó nhằm tập trung quyền lực cũng như duy trì sự ổn định chính trị trong triều.
Từ Hi Thái hậu chủ trương khuyến khích các quan chức học hỏi từ phương Tây. Bà tin rằng Trung Quốc không nhất thiết phải đối đầu với các quốc gia phương Tây mà thay vào đó nên xem họ là đối tác để học hỏi và hợp tác phát triển.
Mặc dù phải đối mặt với sự chỉ trích và gièm pha từ các triều thần, Từ Hi Thái hậu không cấm đoán tiếng nói bất đồng chính kiến. Phong cách lãnh đạo của bà được miêu tả là “trong cương có nhu". Bà đã bỏ qua một số nghi lễ phức tạp như yêu cầu các quan chức cấp cao phải quỳ lạy, nhưng cũng không ngần ngại khôi phục những nghi thức này nếu cảm thấy các quan nam giới tỏ ra kiêu ngạo và thiếu tôn trọng đối với bà.
Năm 1875, sau khi Đồng Trị qua đời mà không có con trai nối dõi, Từ Hi đã đưa Tái Điềm (sau này là vua Quang Tự) lên ngai vàng và bà tiếp tục giữ vai trò nhiếp chính, có quyền lực và ảnh hưởng quan trọng trong triều đình nhà Thanh. Tuy nhiên, vào thời điểm này, chính sự Trung Quốc vô cùng biến loạn do chiến tranh Trung - Nhật (1894 - 1895). Trong khi đó, vua Quang Tự và Từ Hi có nhiều xung đột về vấn đề cải cách của quốc gia, đặc biệt là “Cuộc cải cách 100 ngày” (năm 1898) do vua Quang Tự khởi xướng nhằm hiện đại hóa đất nước. Từ Hi Thái hậu phản đối quyết liệt cải cách này vì cho rằng nó quá nhanh và sẽ gây ra sự rối loạn trong triều đình.
Cuối cùng, Từ Hi Thái hậu đã thực hiện một cuộc đảo chính, quản thúc vua Quang Tự. Sự kiện này được coi là một trong những quyết định sai lầm trong những năm cuối đời của bà.
Năm 1908, Từ Hi Thái hậu qua đời, cùng ngày với cái chết của vua Quang Tự, khép lại một thời kỳ đầy biến động của lịch sử Trung Hoa.
Mặc dù cuốn sách tập trung vào phân tích bối cảnh chính trị và quá trình nhiếp chính của Từ Hi, nhưng nó cũng nhấn mạnh rằng bà là một người ham học hỏi và đa tài.
Từ Hi mến mộ đạo Phật và yêu thiên nhiên. Bà cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển Kinh Kịch, đặc biệt là việc thúc đẩy xây dựng các kịch bản về phụ nữ và giúp nâng cao vị thế của thể loại nghệ thuật này để nó trở thành một phần quan trọng trong văn hóa quốc gia.
Bà cũng ủng hộ một số cải cách giáo dục và đầu tư vào sự phát triển công nghiệp, hiện đại hóa đất nước.
Theo tác giả Trương Dung, lịch sử có thể đã không ghi nhận đầy đủ những thành tựu đáng kể của Từ Hi Thái hậu, đặc biệt là những nỗ lực của bà trong việc đặt nền móng cho sự phát triển của xã hội Trung Quốc.
Trương Dung cho rằng hậu thế cần nhìn nhận lại những đóng góp của Từ Hi, nhất là đối với việc bà đã thực hiện nhiều thay đổi để mở đường cho phụ nữ trong xã hội.
Tác giả muốn truyền tải thông điệp rằng để phụ nữ có thể trở thành những lãnh đạo tối cao, cần có sự ủng hộ và tin tưởng từ nam giới cùng những người sẵn sàng xóa bỏ rào cản để đồng hành với họ.
Trong trường hợp của Từ Hi Thái hậu, bà đã nhận được sự hậu thuẫn đáng kể từ cha mình, Cung vương gia (em trai của vua Hàm Phong), Đô đốc Lý Hồng Chương và nhiều triều thần khác. Họ không chỉ ủng hộ bà mà còn giúp bà vượt qua nhiều thách thức để bà có thể củng cố quyền lực và ảnh hưởng của mình trong triều đình.
Cho dù chưa một lần xưng đế như Võ Tắc Thiên nhưng thực chất Từ Hi đã trở thành vị hoàng đế không ngai với nhiều chủ trương mới, như lời của tác giả nhận xét: “Bà đã biến những người dân trở thành công dân thực thụ. Không chỉ dám dấn thân vào lãnh địa vốn xưa nay là của nam giới, bà còn thực hiện nhiều điều mà các nhà lãnh đạo thời kỳ trước không làm được”.
Cầm quyển sách này trên tay, độc giả cũng đang giữ cho mình một tài liệu lịch sử quý giá, ghi lại những thay đổi và chuyển biến của Trung Quốc trong thời kỳ lịch sử đầy biến động.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
[1] Empress Dowager Cixi: The Concubine Who Launched Modern China, 29 October 2013, Jung Chang. https://www.amazon.com/Empress-Dowager-Cixi-Concubine-Launched/dp/0307271609