‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Có lẽ độc giả chưa biết, các luật về tự do ngôn luận của Thụy Điển từ thế kỷ 18 có mối liên hệ đặc biệt với Trung Quốc.
Ngày nay, Thụy Điển được công nhận là một quốc gia với tự do ngôn luận đứng hàng đầu thế giới. Theo xếp hạng của Tổ Chức Phóng Viên không biên giới năm 2024, Thụy Điển xếp thứ ba trong tổng số 180 quốc gia, trong khi Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 172 và Việt Nam đứng thứ 174. [1] Luật pháp Thụy Điển là nhân tố hàng đầu quyết định đảm quyền tự do ngôn luận ở quốc gia này.
Thế nhưng, có lẽ độc giả chưa biết, rằng các luật về tự do ngôn luận của Thụy Điển từ thế kỷ 18 có mối liên hệ đặc biệt với Trung Quốc. Ở bài này, người viết xin giới thiệu bài báo “China and the World’s First Freedom of Information Act: The Swedish Freedom of the Press Act of 1766” (tạm dịch: “Trung Quốc và Đạo luật Tự do Thông tin đầu tiên trên thế giới: Đạo luật Tự do Báo chí Thụy Điển năm 1766”, được công bố vào năm 2013 của Giáo sư Lena Rydholm tại Đại học Uppsala, Thụy Điển, để mô tả mối liên hệ này. [2]
***
Vào năm 1766, Quốc hội Thụy Điển (Swedish Diet) đã thông qua chỉ thị của Hoàng gia về tự do viết và báo chí, khiến Thụy Điển, khi đó bao gồm cả Phần Lan ngày nay, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa các quyền tự do thông tin vào hiến pháp, bao gồm quyền tự do báo chí, quyền tự do viết lách và quyền tự do thông tin.
Trên thực tế, sự ra đời của các luật này cũng là một cột mốc quan trọng trong lịch sử Châu Âu cũng như thế giới và thú vị là nó có liên quan đến việc dịch các tác phẩm về Trung Quốc.
Theo tác giả, vào đầu thế kỷ 18, vua Thụy Điển đã mất rất nhiều quyền lực do những cuộc chiến tốn kém và thảm họa dưới triều vua Karl XII, khiến sức ảnh hưởng của Thụy Điển trong khu vực bị giảm đi đáng kể. Sau đó, một hiến pháp mới ra đời và nó đã chuyển giao quyền lực từ vua sang Quốc hội Thụy Điển.
Vào thời điểm đó, Quốc hội Thụy Điển bao gồm hai đảng: Đảng Bảo thủ (cầm quyền) và Đảng Tự do (ủng hộ tự do báo chí và viết lách). Mọi xuất bản đều chịu sự kiểm duyệt, đặc biệt là những bài viết về chính trị.
Anders Nordencrantz và Anders Chydenius là hai nhà tư tưởng chính trị quan tâm đến lý thuyết kinh tế và tự do viết lách. Nordencrantz là một doanh nhân thành đạt đã từng sống và làm việc ở Anh, còn Chydenius là linh mục, nông dân và hành nghề y. Cả hai đều là những trí thức am hiểu về kinh tế và đã công bố những tác phẩm có tầm ảnh hưởng thúc đẩy về tự do thông tin ở Thụy Điển.
Trong thời kỳ tự do ở Thụy Điển, Trung Quốc là đất nước có ảnh hưởng tới xã hội, văn hóa và chính trị Thụy Điển. Quốc gia này nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Trung Quốc như đồ gốm, lụa, trà và các sản phẩm phổ biến khác. Hơn nữa, nhiều hình ảnh của Trung Quốc, hay còn gọi là “phong cách Trung Quốc" - chinoiserie, cũng trở nên thời thượng. Chẳng hạn như việc vua Adolf Fredrik cho xây dựng một lâu đài kiểu Trung Quốc trong cung điện hoàng gia mùa hè. Các tác phẩm của Marco Polo cũng nhắc đến Trung Quốc như một vương quốc trù phú về tài nguyên và đông dân. Do đó, các lập luận của Nordencrantz và Chydenius đều liên quan đến Trung Quốc.
Cả hai chính trị gia này đều tham khảo công trình quan trọng nhất về Trung Quốc tại châu Âu vào thế kỷ 18, đó là tác phẩm của nhà tu sĩ Pháp Jean Baptiste Du Halde với tựa đề “Description géographique, historique, chronologique, politique, et physique de l'empire de la Chine et de la Tartarie chinoise” (tạm dịch: Mô tả về địa lý, lịch sử, thời gian, chính trị và vật lý của Trung Quốc và vùng Tác-ta của người Hoa) được xuất bản tại Paris vào năm 1735.
Tác phẩm đồ sộ với 3.000 trang này đã mô tả toàn diện về Trung Quốc theo quan điểm của các tu sĩ dòng Tên. The Du Halde, đây là một quốc gia thịnh vượng nhờ tuân thủ các luật pháp và phong tục truyền thống cũng như tin vào sự tự lực cánh sinh.
Thụy Điển dù cũng là vương quốc nhưng vai trò của nhà vua bị hạn chế và vai trò của Quốc hội lớn hơn. Sau nhiều giai đoạn bất ổn, Thụy Điển mong muốn học tập tấm gương của Trung Quốc. Một số chính trị gia của Đảng Cấp tiến trong thập kỷ 1760 cũng lấy Anh làm hình mẫu về tự do viết lách và báo chí (dù ở Anh không có luật quy định về tự do này).
Nordencrantz và Chydenius khẳng định rằng người dân Trung Quốc được tự do viết lách, tự do báo chí và tự do thông tin nhờ pháp luật và sự sáng suốt của đấng quân vương. Việc so sánh với Trung Quốc là một chiến lược của họ, bởi vào thời điểm đó không có người Thụy Điển nào đã đến Trung Quốc, và không ai có thể chứng minh những gì họ mô tả là sai.
Nordencrantz đã viết nhiều tác phẩm kêu gọi tự do ngôn luận vì nó có thể giúp ngăn chặn các nhà độc tài và những kẻ lạm quyền, đồng thời chống lại sự thiếu hiểu biết và thành kiến của đám đông. Ông cho rằng sự kiểm duyệt đã khiến Thụy Điển lạc hậu đến trăm năm so với những quốc gia khác và bưng bít thông tin là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng của Đảng Bảo thủ. Nordencrantz cho rằng chỉ tự do viết lách và tự do báo chí mới có thể ngăn chặn tham nhũng và đảm bảo một chính phủ trong sạch. Tuy nhiên ông không ủng hộ việc bãi bỏ hoàn toàn chính sách kiểm duyệt mà thay vào đó cơ quan kiểm duyệt cần có trách nhiệm giải trình với Quốc hội.
Dựa trên tác phẩm của Du Halde, Nordencrantz dẫn chứng “Kinh Báo” hay Báo Bắc Kinh như một ví dụ về tự do báo chí ở Trung Quốc. Mặc dù Du Halde có mô tả sự kiểm duyệt của triều đình Trung Quốc trước khi báo đến tay dân chúng nhưng Nordencrantz đã cố tình bỏ qua thông tin này để làm cho ví dụ ấy có lợi cho lập luận của ông.
Cùng với Nordencrantz, Chydenius cũng cố tình xây dựng hình ảnh lý tưởng của Trung Quốc ở Thụy Điển để phục vụ mục đích chính trị của mình bằng cách dịch sai tác phẩm của Du Halde.
Chydenius khai thác sự giàu có của Trung Quốc để kêu gọi bãi bỏ các rào cản thương mại - nguyên nhân gây nghèo đói ở Thụy Điển. Ông cho rằng để người dân có thể ảnh hưởng đến các cuộc tranh luận và quá trình hoạch định chính sách, họ cần có quyền truy cập vào các biên bản họp và hồ sơ của Quốc hội. Khác với Nordencrantz, Chydenius kêu gọi bãi bỏ hoàn toàn các quy định về kiểm duyệt trước khi in, ngoại trừ các văn bản tôn giáo. Với Chydenius, sự thật chỉ có thể sáng tỏ khi có các cuộc tranh luận công khai và có tự do in ấn.
Chydenius cho rằng việc cho phép tự do ngôn luận cũng củng cố ngai vàng của các hoàng đế Trung Quốc. Trong các bài viết của mình nhắm tới hoàng gia Thụy Điển, Chydenius nhấn mạnh rằng mặc dù các hoàng đế Trung Quốc có "quyền lực tuyệt đối hoàn toàn" (khác với vua Thụy Điển) nhưng họ vẫn tuân thủ luật tự do viết lách và lắng nghe tiếng nói của nhân dân và không coi điều này xâm phạm quyền lực tối cao của họ. Sự lèo lái ngôn từ của Chydenius đã tạo nên một hình ảnh lý tưởng về Trung Quốc, khác xa thực tế của một đất nước độc tài.
***
Nhờ vào nỗ lực không ngừng nghỉ của Nordencrantz và Chydenius cũng như nhiều bên trong bối cảnh Thụy Điển thay đổi chính trị và xã hội, vào ngày 2/12/1766, Đạo luật Tự do Viết, Tự do Báo chí và Tự do Thông tin đầu tiên của Thụy Điển đã được Quốc hội thông qua. Theo đó, trừ các văn bản tôn giáo thì kiểm duyệt được bãi bỏ hoàn toàn.
Tuy nhiên, vào năm 1772, vua Gustav III đã lật đổ Hiến pháp và Đạo luật Tự do Viết, Tự do Báo chí và Tự do Thông tin, thay thế bằng một đạo luật mới hạn chế tự do báo chí. Dù vậy, Đạo luật năm 1766 đã tạo nền móng cho các luật liên quan sau này trong giai đoạn 1809 - 1812.
[1] Index. (2024). Rsf.org. https://rsf.org/en/index
[2] Rydholm, L. (2013). China and the World’s First Freedom of Information Act: The Swedish Freedom of the Press Act of 1766. Javnost (Ljubljana, Slovenia), 20(4), 45–63. https://doi.org/10.1080/13183222.2013.11009127.