‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Chắc bạn đọc nghĩ (hoặc đã được nuôi dưỡng, dạy bảo để nghĩ) rằng độc lập là một trong vài giá trị cao quý nhất. Không hẳn thế. Tôi có viết một bài với tiêu đề tương tự cho báo chính thống từ 2006 (tiêu đề và nội dung có thể bị báo biên tập đi một chút). [1] Nay muốn đào kỹ hơn vào chủ đề này.
Độc lập là một từ Hán-Việt (独立)trong đó “独-độc” có nghĩa là một mình, và “立- lập” có nghĩa là đứng thẳng, theo nghĩa từ nguyên là đứng một mình.
Không rõ 独立 được Việt hóa thành từ Hán-Việt “độc lập” từ bao giờ. Trong hai cuốn từ điển tiếng Việt cổ nhất là “An Nam Dịch Ngữ” do Tứ Di Quán (cơ quan phiên dịch của triều Minh, tồn tại từ 1368 đến 1644) soạn khoảng thế kỷ thứ 16 không có từ “độc lập”. “Độc” chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong “độc thư” (đọc sách) mà thôi.
Cũng chẳng thể tìm thấy “độc lập” trong từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes in năm 1651 ở Rome dù có rà soát kỹ lưỡng từ trang 191 đến 244. Chúng ta cũng không tìm thấy từ “độc lập” trong “Đại Nam Quốc Âm Tự vị” của Huỳnh Tịnh Paulus Của in năm 1895 ở Sài Gòn (cũng chẳng thấy như một từ ghép ở cả mục từ “độc”, tr. 312, lẫn ở mục từ “lập” tr. 549-550).
“Độc lập” được dùng một cách rộng rãi theo nghĩa là không phụ thuộc vào ai hay cái gì (các từ gốc latin “independence” cũng có dạng từ nguyên là không [in]-phụ thuộc [dependence]). Theo Từ điển Tiếng Việt của Trung Tâm Từ điển học [2011], trang 534, “độc lập” có hai nghĩa:
Trong tiếng Việt từ “độc lập” có thể được dùng như danh từ, tính từ hay trạng từ tùy thuộc vị trí và ngữ cảnh. [2] Dưới đây chúng ta sẽ xem xét độc lập theo nghĩa thứ nhất và đến cuối sẽ chỉ nhắc ngắn gọn đến nghĩa thứ hai.
Độc lập là một quan niệm chỉ tồn tại trong đầu óc con người, trong trí tưởng tượng, chứ trong thực tế chả có cái gì độc lập cả, ngay cả con người và xã hội. Độc lập tức là chết là theo nghĩa đó.
Thử nghĩ về một đứa trẻ sơ sinh nếu giả như nó độc lập thì sẽ thế nào? Chắc chắn chẳng bao lâu sau nó chết. Nó cần bầu sữa ngọt của người mẹ, sự chăm sóc thương yêu của cha mẹ và cả gia đình.
Bây giờ đã trở thành kiến thức phổ thông rằng kích thước trung bình của bộ não trẻ sơ sinh bằng khoảng một phần tư của bộ não người lớn và nó tăng gấp đôi trong năm đầu tiên, tiếp tục tăng lên 80% kích thước não trung bình của người lớn vào năm ba tuổi và 90% vào năm tuổi.
Trong 5 năm đầu trẻ sơ sinh cần sự chăm sóc đặc biệt vì 5 năm này có ảnh hưởng lâu dài và quan trọng đến trí tuệ, sự phát triển và cả cuộc đời của nó. Và như thế chính sách đối với các bậc cha mẹ và gia đình (hỗ trợ kiến thức về chăm sóc trẻ em từ lúc trong bụng mẹ trở đi, chế độ nghỉ việc có lương cho bà mẹ, v.v.) và toàn xã hội (chính sách nhà trẻ, mẫu giáo, v.v.) nên có những thay đổi triệt để và phải coi chính sách chăm sóc trẻ dưới 6 tuổi là quốc sách. Phải thay đổi não trạng “trời sinh voi trời sinh cỏ” đã ăn sâu vào tâm thức người Việt từ ngàn xưa.
Hay thử nghĩ về một cụ già độc lập xem sao. Chắc chắn cụ sẽ chết trong vòng một hay vài tuần. Chính sách với người già cũng cần thay đổi khi số người già sẽ ngày càng đông.
Ngay cả người trẻ, khỏe mạnh, có thực sự độc lập? Không.
Nếu hiểu độc lập theo nghĩa không phụ thuộc vào ai hay cái gì khác, thì gã thanh viên vạm vỡ ấy chết trong vòng vài phút, hắn phụ thuộc vào không khí (oxy). Về mặt xã hội, hắn cần đến những người khác (trong cộng đồng dù là cộng đồng tự túc) cung cấp các thứ khác (thức ăn, cái mặc) mà hắn không tự làm ra. Hắn cần các dịch vụ (như an ninh) mà cộng đồng cung cấp, hắn cũng cần có những quan hệ bạn bè ở nơi làm việc, kể cả để đôi khi để tán gẫu hay nhậu nhẹt. Không có các mối quan hệ xã hội ấy, hắn chắc không thể là người bình thường được.
Như thế con người không thể độc lập, con người chỉ có thể tồn tại khi phụ thuộc vào những người khác và những thứ khác, hay nói cách khác là môi trường tự nhiên cũng như các định chế xã hội. Độc lập là chết theo nghĩa đen. Và như thế phải hô to “phụ thuộc muôn năm” có phải không?
Cũng tương tự, chúng ta có thể thấy tất cả các động-thực vật cũng thế, độc lập là chúng chết, chúng phải dựa vào nhau, phụ thuộc lẫn nhau và tất nhiên phụ thuộc vào môi trường.
Nhưng ngay cả khi chết con người cũng không độc lập. Chúng ta phụ thuộc vào các vi khuẩn để đưa chúng ta “trở về với cát bụi.” Xác chết phụ thuộc vào chúng để phân hủy. Đến lượt mình, vi khuẩn lại phụ thuộc vào nhiều thứ khác để làm công việc đó. Hãy thử tưởng tượng trái đất sẽ ra sao nếu giả như xác người (tất cả các xác động và thực vật khác) không phân hủy. Sẽ thật khủng khiếp và sẽ không có cuộc sống.
Thậm chí các vật không sống (đá, chất khoáng, hay các thiên thể dù trên đó có sự sống hay không) cũng chẳng thể độc lập. Chúng hút, đẩy lẫn nhau.
Cho nên không có bất cứ thứ gì trên thế gian này có thể “tự mình tồn tại, hoạt động, không nương tựa hoặc phụ thuộc vào cái gì khác” như từ điển nói cả.
Có thể thấy sự phụ thuộc là phổ quát và quan trọng hơn sự độc lập rất rất nhiều. Vì thế, con người hãy khiêm tốn, cần dựa vào nhau, hợp tác, đoàn kết với nhau mới tồn tại được. Và con người bình thường khôn hơn các nhà lý luận cao siêu nghĩ ra khái niệm độc lập rất nhiều. Họ đã tụ tập thành các bầy, các đàn (hay các cộng đồng) để dựa vào nhau cùng kiếm sống, tồn tại và phát triển. Không có sự khôn ngoan này chắc loài người không thể phát triển như ngày nay. Điểm mấu chốt nhất là việc nhận ra sự phụ thuộc lẫn nhau, sự hợp tác và sự đoàn kết với nhau. Không phải là sự độc lập.
Đến đây chắc bạn đọc hiểu rõ con người trong một cộng đồng người chắc chắn không thể độc lập với nhau và với môi trường. Thế hiểu theo nghĩa khác đi một chút, ở mức các cộng đồng, thì liệu các cộng đồng người có thể độc lập với cộng đồng người khác được không? Hiểu theo nghĩa này, các cộng đồng như thế có thể tồn tại nếu chúng tự cung tự cấp.
Và lịch sử loài người cho thấy đã tồn tại các cộng đồng người như thế. Họ di cư đến những nơi xa nhau đến mức các mối liên hệ cũ bị mất và các cộng đồng người đã tồn tại ở những nơi cách xa nhau (hay bị núi, sông, biển cản trở) đến mức họ có thể không có liên hệ gì với nhau. Nhưng vẫn cần nhắc lại bên trong một cộng đồng sự phụ thuộc vẫn là quan trọng nhất, không có sự độc lập giữa những người trong cộng đồng đó.
Nước, quốc gia (dân tộc) hay nhà nước là những khái niệm rất mới, chỉ mới mấy ngàn (hay vài trăm) năm nay. Hàng chục ngàn (hay vài ngàn) năm trước đã chẳng hề có nước, dân tộc hay nhà nước nào cả. Không có biên giới, người dân hay một cộng đồng người có khả năng đi đến đâu thì đi, trước khi bắt gặp những người hay các cộng đồng khác. Và trong quá trình di cư, khi gặp nhau họ có thể hợp tác, đánh nhau tranh giành các nguồn lực và có thể một cộng đồng bị sáp nhập vào một cộng đồng khác hay tránh đi nơi khác. Họ cũng có thể bị tuyệt chủng nhưng họ cũng thường giao phối để sinh ra những người con lai. Minh chứng rõ nhất là những người hiện đại hiện nay ở mọi nơi (trừ châu Phi do chưa có đủ dữ liệu AND cổ) đều mang khoảng 1-1,2% gen của những người Neanderthal (đã tuyệt chủng) và 3-5% gen của những người Denisovan (cũng đã tuyệt chủng) - xem D. Reich [1918].
Tóm lại, trên thế gian không có thứ gì độc lập, không phụ thuộc vào những thứ khác cả. Khái niệm độc lập theo nghĩa thứ nhất là hoàn toàn vô nghĩa. Thế nghĩa thứ hai thì sao?
Như phần trên cho thấy một cộng đồng có thể tồn tại biệt lập, không phụ thuộc vào các cộng đồng khác nếu nó tự cấp tự túc (tức là tiêu thụ chỉ các sản phẩm và dịch vụ do chính nó tạo ra). Họ độc lập theo nghĩa thứ nhất.
Nhưng các cộng đồng độc lập như vậy là rất hiếm trong thời hiện đại và ngày nay chẳng có cộng đồng nào như vậy tồn tại với tư cách một quốc gia hay một nước cả.
Với một nước, một dân tộc thì nghĩa thứ hai của độc lập, “có chủ quyền, không phụ thuộc vào các nước khác hoặc dân tộc khác” về mặt chính trị, xã hội, văn hóa hay kinh tế thường được dùng. Nhất là trong bối cảnh bị nước khác kiểm soát về các mặt đó, như Việt Nam dưới sự đô hộ của ngoại bang, thì việc sử dụng “độc lập” theo nghĩa thoát khỏi ảnh hưởng hay sự đô hộ đó được biện minh.
Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này “độc lập” cũng có nghĩa tương đối. Nó có mức độ trong một phổ rộng của sự độc lập “ít-nhiều” hay trên trục “lệ thuộc-độc lập”, chứ không phải tuyệt đối, cố định. Sở dĩ “độc lập” là tương đối, bởi vì ngày nay bất kể nước nào, dù lớn đến đâu, đều phụ thuộc ở mức độ nào đó về mặt chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa vào các nước khác.
Và quan niệm của "Việt Nam tân từ điển" của Thanh Nghị in ở Sài Gòn năm 1967 là rất đáng chú ý. Khái niệm độc lập theo nghĩa này được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Người ta cũng nói về các tổ chức độc lập, các ứng cử viên độc lập, ý kiến độc lập (hay tư pháp độc lập) theo nghĩa tương đối là chúng không lệ thuộc vào tổ chức khác, ứng viên khác hay ý kiến khác (vào hành pháp và lập pháp).
Người ta cũng nói về các thực thể (biến số, quan điểm, v.v.) độc lập tương đối so với các thực thể khác trong thế giới tưởng tượng. Và sau công trình “Những Cộng đồng Tưởng tượng” nổi tiếng của Benedict Anderson [2019], với quan niệm dân tộc là một cộng đồng tưởng tượng, chúng ta có thể hiểu kỹ hơn nội hàm của độc lập trong cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc.
Nó cũng giúp chúng ta hiểu vì sao từ này không xuất hiện trong các từ điển trước thế kỷ thứ mười tám, bởi vì khái niệm này xuất phát từ cuộc đấu tranh của “thế hệ người creole [các hậu duệ thuần Âu châu sinh ra ở ngoài châu Âu] tiên phong” chống lại mẫu quốc để giành độc lập chỉ trong cuối thế kỷ thứ 18 và thế kỷ thứ 19 (ở châu Mỹ). Nói cách khác từ “độc lập” theo nghĩa thứ hai xuất hiện trước ở Bắc và Nam Mỹ, rồi mới lan ra châu Âu (và có lẽ được dùng theo nghĩa thứ nhất sau đó) trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là trong thế giới tưởng tượng. Và trong thế giới tưởng tượng thì mọi thứ đều có thể kể cả việc dùng từ “độc lập”, dù là danh từ hay tính từ.
Trên cơ sở phân tích sơ bộ ở trên, mà chắc chắn còn có thể có nhiều thiếu sót, có lẽ các nhà soạn từ điển Việt Nam nên suy ngẫm lại một cách nghiêm túc việc giải nghĩa từ “độc lập” cũng như nhiều từ khác. Từ điển có thể được coi là “khuôn vàng thước ngọc” đối với một ngôn ngữ, nhưng không phải từ điển nào, dù có chất lượng tốt nhất, cũng đáp ứng được mong muốn đó và cần được cải thiện liên tục.
Đáng chú ý là quan điểm của tôi rất hợp với quan điểm của Từ điển Thanh Nghị (Nhà sách Khai Trí Sài Gòn 1967) khi nó giải thích thêm trong mục từ độc lập:
“Ngày nay ý-nghĩa độc-lập chỉ là một danh từ để chỉ một tình-trạng-không-hoàn toàn lệ-thuộc một cái khác, chứ thực ra sự tương-quan xã hội, sự tương-quan giữa nước nầy với nước kia đã làm mất tất-cả ý-nghĩa chính của danh-từ ấy.”
[1] Nguyễn Quang A. (2006). Độc lập - một khái niệm hẹp! - Tạp chí Tia Sáng. https://tiasang.com.vn/dien-dan/doc-lap-mot-khai-niem-hep-222/
[2] Hán-Việt Từ điển của Đào Duy Anh (1932) do Phan Bội Châu hiệu đính có từ độc lập đầu tiên theo hai nghĩa trên. Sáu từ điển khác (Khai trí, 1931 Saigon, chỉ với nghĩa thứ nhất; Đào Văn Tập 1952 Saigon; Thanh Nghị 1967 Saigon; Lê Văn Đức, 1970 Saigon; Nguyễn Như Ý, 1999, Hà Nội; Nguyễn Lân 2000, Tp. HCM) đều nêu ý nghĩa của độc lập về cơ bản như trên. Tác giả cảm ơn Hoàng Thị Tuyền Linh và Vũ Xuân Lương, Trung Tâm Từ Điển học (Vietlex) vì những thông tin này.
Tứ di Quán [1368-1644] An Nam dịch ngữ, Nhà xuất bản Đà Nẵng 1997, Vương Lộc dịch và chú giải
Alexandro de Rhodes [1651], Dictionarivm Annamiticvm, Rome, bản pdf ở đây
Huỳnh Tịnh Paulus Của [1895], Đại Nam Quốc Âm Tự vị, Saigon
Đào Duy Anh [1932, 1957, 2015], Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Nhà sách Đông Tây
Trung tâm Từ điển học [2011], Từ điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng
Benedict Anderson [2019], Những Cộng đồng Tưởng tượng, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm
D. Reich [1918], Who We Are and How We Got Here. Oxford University Press