“Ngọn tre” Việt Nam đang ngả về Mỹ?

“Ngọn tre” Việt Nam đang ngả về Mỹ?
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày 25/9/2024 tại Hoa Kỳ. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN.
Tòa soạn duyệt bài ngày 27/9/2024 và đăng ngày 18/12/2024. Để độc giả hiếu đúng bối cảnh của bài viết, tòa soạn đề ngày đăng là 27/9. 

Những gì xảy ra trước và trong chuyến đi Mỹ của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Tô Lâm cho thấy “ngọn tre” Việt Nam đang có xu hướng ngả về phía Mỹ và phương Tây. Ở đây, chúng ta tạm dùng tư duy “ngoại giao cây tre” vốn được coi như phát kiến của ông Nguyễn Phú Trọng, người tiền nhiệm của ông Tô Lâm, để bàn về xu hướng ngoại giao của người đứng đầu bộ máy cầm quyền. [1]

Chúng ta hãy điểm lại một số dấu hiệu nổi bật.

Chỉ vài giờ trước chuyến bay của ông Tô Lâm sang Mỹ, chính quyền Việt Nam đã đột ngột trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức, một người bất đồng chính kiến nổi tiếng, sớm tám tháng so với bản án 16 năm. Cùng ngày, họ cũng thả Hoàng Thị Minh Hồng, một người được coi là “anh hùng khí hậu” của Việt Nam, sớm 20 tháng so với bản án ba năm tù của bà. [2][3]

Hành động vội vàng này nói lên rằng chính quyền muốn tạo ấn tượng ban đầu với chính quyền và báo giới Mỹ về một nhà lãnh đạo cởi mở hơn về nhân quyền và cách ứng xử với những người bất đồng chính kiến.

Động thái này cũng thể hiện tinh thần hòa giải và đoàn kết dân tộc mà nhà lãnh đạo mới này muốn tập trung. Đây chính là một vấn đề nhức nhối đã tồn tại suốt 49 năm sau chiến tranh mà chính quyền Việt Nam chưa hề tạo được một sự tiến bộ nào; cả sự nghiệp vốn được gọi là “hòa hợp hòa giải” chỉ là khẩu hiệu rỗng tuếch trên những phát ngôn truyền thông. Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng được nêu ra như vậy cũng là một tín hiệu tích cực.

Hành động dẹp loạn của chính quyền trước phong trào đấu tố Đại học Fulbright Việt Nam (FUV), một thực thể được coi là biểu tượng cho sự hợp tác giáo dục Việt - Mỹ. Việc này cũng có ý nghĩa vun xới cho cái “cây” chung mang tên Mỹ và Việt Nam. [4]

Chi tiết này có thể nói lên những thách thức mà ông Tô Lâm đang phải đối mặt; có thể lắm những hành động tấn công với danh nghĩa đấu tranh chống “cách mạng màu” này là do những nhóm thân Trung Quốc đứng đằng sau. 

Một biểu hiện rõ nét là phóng sự về Trường Đại học Fulbright Việt Nam với nhan đề “Không để cách mạng màu đổi màu giáo dục” của Kênh Truyền Hình Quốc Phòng đã được trang Tổng Lãnh Sự Trung Quốc tại Đà Nẵng cho đăng tải lại vào ngày 11 tháng Chín năm 2024. [5]

Rõ ràng, ông bạn “vàng” đang nỗ lực khuếch trương độ dễ sợ của con ma “cách mạng màu” với Việt Nam, nhưng có vẻ hành động dọa ma này yếu ớt, không hiệu quả với ê-kíp mang tên Tô Lâm.

Ngay sau khi nhậm chức tổng bí thư lâm thời, ông Tô Lâm đã chỉ đạo nộp hồ sơ ranh giới thềm lục địa mở rộng của Việt Nam lên Liên Hợp Quốc, khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. [6]

Đồng thời, ông cũng đẩy mạnh việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong hệ thống giáo dục, thay vì tiếp tục ưu tiên tiếng Nga và tiếng Trung như trước đây. [7]

Những động thái này cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong cách tiếp cận đối ngoại của Việt Nam, khi quốc gia dần chuyển hướng từ Trung Quốc sang các đối tác phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm chắc chắn là một cột mốc quan trọng, đánh dấu bước tiến trong quan hệ Việt - Mỹ. Chuyến đi có mục đích chính là tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA 79), nhưng các cuộc gặp gỡ bên lề với giới chức Mỹ, bao gồm Tổng thống Joe Biden, Quốc hội Hoa Kỳ, và các tập đoàn hàng đầu như Boeing, Meta, Google, đã phản ánh nỗ lực của ông Tô Lâm nhằm củng cố quan hệ song phương, đặc biệt trong bối cảnh chiến lược đối ngoại của Việt Nam đang dịch chuyển theo hướng cân bằng quyền lực với Trung Quốc.

Chúng ta có thể thấy rõ chuyển động của ngọn cây tre ngoại giao của Việt Nam khi điểm lại chuyến thăm Trung Quốc của ông Tô Lâm hồi tháng Tám năm 2024. Trong chuyến đi này, bản "Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc" đã loại bỏ nội dung liên quan đến "Kế hoạch Hợp tác giữa ĐCSVN và ĐCSTQ." [8]

Điều này rõ ràng cho thấy ê-kíp của ông Tô Lâm muốn rạch ròi trong mối quan hệ với Trung Quốc và từ đó có thể giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông một cách hiệu quả hơn.

Đây là một vấn đề lớn dưới thời Nguyễn Phú Trọng, khi Việt Nam bị kẹt với người anh em cùng ý thức hệ. 

Anh em có vẻ hữu hảo thân mật lắm, nhưng quyền lợi chính đáng của ông em thì lại bị chèn ép không ngừng, rất khó ăn khó nói.

Một dấu hiệu nữa là trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện với Ukraine; luôn ghi nhớ sự ủng hộ và giúp đỡ từ nhân dân Liên Xô, trong đó có Ukraine, dành cho Việt Nam. 

Hãy nhớ rằng, chỉ vài tháng trước, trong bữa tiệc chia tay của Nataliya Zhynkina, phó đại sứ Ukraine, chính quyền ở Hà Nội đã có những hành động rất phi ngoại giao, nếu không nói là lỗ mãng và hạ cấp khi cho xe cứu hỏa chặn hai đầu nhà hàng, cắt điện khiến bà Nataliya Zhynkina và bạn bè phải di chuyển bữa tiệc về khuôn viên đại sứ quán Ukraine để tiếp tục cuộc vui. [9]

Chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm là một sự kiện có ý nghĩa chiến lược to lớn đối với tương lai quan hệ Việt - Mỹ và hy vọng cũng mở ra những cơ hội mới về quốc phòng, kinh tế, và công nghệ, giúp Việt Nam dễ bề ứng phó với áp lực từ Trung Quốc, người anh em tuy cùng ý thức hệ nhưng rất khó chơi.

Có vẻ như, “ngọn tre” của cây tre ngoại giao của Việt Nam đang ngả theo làn gió Mỹ, và liệu đây có thể là một dấu hiệu mới tích cực cho vận mệnh của Việt Nam?

Đọc thêm:

Ngoại giao cây tre có phải đặc sản của Việt Nam?
Không.

Chú thích

  1. Đoàn Bảo Châu. (2024, August 7). Ngoại giao cây tre có phải đặc sản của Việt Nam? Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2024/08/ngoai-giao-cay-tre-co-phai-dac-san-cua-viet-nam
  2. VOA Tiếng Việt. (2024, September 20). Việt Nam thả Trần Huỳnh Duy Thức ngay trước chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm. Voice of America; VOA Tiếng Việt. https://www.voatiengviet.com/a/7792497.html
  3. VOA Tiếng Việt. (2024, September 21). Nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng được ra tù sớm 20 tháng. Voice of America; VOA Tiếng Việt. https://www.voatiengviet.com/a/nha-hoat-dong-hoang-thi-minh-hong-ra-tu-som-20-thang/7793047.html
  4. baochinhphu.vn. (2024, August 26). Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng về hoạt động của trường Fulbright Việt Nam. Baochinhphu.vn. https://baochinhphu.vn/nguoi-phat-ngon-bo-ngoai-giao-len-tieng-ve-hoat-dong-cua-truong-fulbright-viet-nam-102240826224303093.htm
  5. Video. (2023). Facebook.com. https://www.facebook.com/watch/?v=1624202335121081
  6. TTXVN. (2024, July 17). Việt Nam nộp đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ở khu vực giữa Biển Đông. TUOI TRE ONLINE; tuoitre.vn. https://tuoitre.vn/viet-nam-nop-de-trinh-ranh-gioi-them-luc-dia-mo-rong-o-khu-vuc-giua-bien-dong-2024071806320361.htm
  7. NGUYÊN BẢO. (2024, September 25). Hợp tác với Mỹ, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. TUOI TRE ONLINE; tuoitre.vn. https://tuoitre.vn/hop-tac-voi-my-dua-tieng-anh-tro-thanh-ngon-ngu-thu-hai-trong-truong-hoc-2024092521053567.htm
  8. hungnm. (2024, August 20). Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc. Https://Dangcongsan.vn. https://dangcongsan.vn/thoi-su/tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-675584.html
  9. Tuan, K. (2024, July 14). Hà Nội đã ứng xử thô bỉ với Đại sứ quán Ukraine – Saigon Nhỏ. Saigon Nhỏ. https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/ha-noi-da-ung-xu-tho-bi-voi-dai-su-quan-ukraine

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.