Các sự kiện nổi bật:
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có những cuộc gặp gỡ đáng chú ý ở Mỹ và Cuba
- Việt Nam trả tự do cho hai nhà hoạt động xã hội trước thềm chuyến công du của ông Tô Lâm
- Xét xử đại án “Vạn Thịnh Phát" giai đoạn 2
Tô Lâm ra vũ đài thế giới
Sau hơn bốn tháng được bầu làm chủ tịch nước (ngày 22/5) và một tháng giữ chức tổng bí thư (ngày 3/8), ông Tô Lâm có cơ hội đầu tiên để chứng minh năng lực ngoại giao của mình ở vũ đài chính trị lớn nhất thế giới: New York.
- Tại Mỹ, ông tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79, nhấn mạnh các thách thức như biến đổi khí hậu, kêu gọi hợp tác toàn cầu và cam kết đóng góp của Việt Nam.
- Trong ngày 22/9, ông Lâm có nhiều cuộc gặp gỡ thân mật với cộng đồng trí thức Việt Nam; và Hồng y Pietro Parolin - Thủ tướng Tòa thánh Vatican; tiếp ông Brendan Nelson, chủ tịch Boeing toàn cầu; làm việc với các tập đoàn công nghệ lớn, thảo luận về việc hợp tác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn.
- Ngoài ra, ông Tô Lâm đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 24/9, bày tỏ lo ngại về xung đột và kêu gọi hòa bình, nhấn mạnh lập trường giải quyết tranh chấp qua biện pháp hòa bình.
- Cùng ngày, ông phát biểu tại Đại học Columbia và trả lời phỏng vấn cử tọa dưới sự điều phối của sử gia Nguyễn Liên Hằng - giáo sư của trường này. Sự xuất hiện của ông gây tranh cãi vì hồ sơ nhân quyền của Việt Nam. Các sinh viên và nhà hoạt động đã bày tỏ lo ngại về đàn áp chính trị và kiểm duyệt tại Việt Nam. Dân biểu Michelle Steel (R-Calif.) đã gửi thư cho Chủ tịch lâm thời của Đại học Columbia, Katrina Armstrong, yêu cầu rút lại lời mời dành cho Tô Lâm vì chính phủ Việt Nam đang giam giữ 170 "tù nhân lương tâm". Tuy nhiên, trong bài phát biểu của mình, ông Tô Lâm không đề cập trực tiếp đến vấn đề nhân quyền mà chỉ tập trung vào quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Mỹ.
- Đáng chú ý, dù đây không phải chuyến thăm chính thức, song vị nguyên thủ quốc gia đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc vào chiều 25/9, để thảo luận về các biện pháp phát triển quan hệ song phương.
- Sau đó, ông Tô Lâm đã tới thủ đô Havana (hay La Habana) để thăm cấp Nhà nước Cộng Hòa Cuba, thăm Đặc khu phát triển Mariel cùng Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez.
- Theo nhận định của BBC News Tiếng Việt, chuyến công tác của ông Tô Lâm không chỉ nhằm trấn an các nhà đầu tư quốc tế trong bối cảnh biến động chính trị trong nước, mà còn được xem như phép thử cho năng lực ngoại giao của ông Tô Lâm khi mới nắm quyền.
Hai tù nhân chính trị nổi tiếng được trả tự do
Trước chuyến công tác tại Mỹ của ông Tô Lâm, chính quyền đã trả tự do trước thời hạn cho hai nhà hoạt động nổi tiếng là Trần Huỳnh Duy Thức và Hoàng Thị Minh Hồng.
- Ông Thức là cựu doanh nhân và nhà đấu tranh dân chủ. Ông bị bắt vào năm 2009 và phải ngồi tù với bản án 16 năm với tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
- Bà Hồng, một nhà hoạt động môi trường, phải gánh bản án 3 năm tù năm 2023, với tội danh trốn thuế liên quan đến tổ chức phi lợi nhuận CHANGE.
- Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà quan sát chính trị, đây là động thái quan trọng trước chuyến thăm Mỹ của ông Tô Lâm, nhằm giảm bớt áp lực về vấn đề nhân quyền trong các cuộc đàm phán với Mỹ.
- Nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung - người cùng bị đem ra xét xử và bỏ tù cùng vụ án với ông Thức - và ông Ben Swanton - đồng giám đốc Dự án 88 - chia sẻ với BBC News Tiếng Việt rằng ông không không lạc quan với việc cải thiện nhân quyền của Việt Nam.
- Cũng trước thềm chuyến công tác của ông Tô Lâm, gần 100 trí thức trong và ngoài nước đã ký thư ngỏ kêu gọi trả tự do cho nhà báo Huy Đức (Trương Huy San). Huy Đức, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Bên thắng cuộc”, bị bắt vào tháng 6/2024 với cáo buộc lợi dụng quyền tự do dân chủ.
Bà Nguyễn Phương Hằng ra tù sớm
Vừa qua Trung thu thì “chị Hằng” được thả.
Đăng ký để đọc tiếp
Đăng ký
ngay để đọc toàn văn bài viết này và truy cập tất cả các bài dành cho
thành viên miễn phí (gói Free).
Đăng ký