‘Số hóa’ chủ nghĩa Lênin

‘Số hóa’ chủ nghĩa Lênin
Đồ họa: Đ.T/ Luật Khoa.

Cuốn sách “Retrofitting Leninism - Participation without democracy” của Phó giáo sư Khoa học Chính trị Dimitar Gueorguiev, được xuất bản vào năm 2021, đã cung cấp những góc nhìn sâu sắc về cách mà Trung Quốc cải cách chủ nghĩa Lênin trong thời đại số hóa, còn được gọi là chủ nghĩa Lênin 2.0. [1]

Tác phẩm này không chỉ mở rộng hiểu biết của người đọc về cách mà Trung Quốc đã áp dụng và điều chỉnh các nguyên tắc chủ nghĩa Lênin hay khái niệm dân chủ, mà còn cung cấp những gợi ý quan trọng để suy ngẫm về các quốc gia có thể chế chính trị tương tự Trung Quốc, như Việt Nam. Người viết nhận thấy có những nội dung nổi bật sau mà độc giả có thể lưu ý từ quyển sách.

Dân chủ hóa hình thức

Các chế độ chuyên chế cực đoan như ở Bắc Triều Tiên, Liên Xô, Đông Đức và Trung Quốc thường sử dụng các từ ngữ như "dân chủ" hoặc "nhân dân" trong tên gọi hoặc hiến pháp của họ, nhằm gây ấn tượng về sự tham gia của dân chúng trong đời sống chính trị.

Dù đã chấp nhận nền kinh tế thị trường và trải qua một cuộc biến động lớn nhưng tại Trung Quốc, Đảng Cộng Sản thống trị vẫn duy trì chính sách chia để trị, dựa vào các yếu tố như lai lịch, nghề nghiệp, tài sản và hành vi của người dân.

Các nỗ lực dân chủ hóa mà họ phô trương không nhằm thúc đẩy một nền dân chủ thực sự, thay vào đó, nó chỉ làm cho người dân giám sát lẫn nhau (crowd-sourced oversight). Để rồi từ đó, chính phủ hưởng lợi, củng cố sự kiểm soát của mình.

Người dân thoạt đầu có thể thấy nhà nước thúc đẩy tiếng nói cá nhân để đưa ra quyết định tập thể, tuy nhiên thực chất đó chỉ là sự dân chủ mang tính biểu quyết. Nó không phản ánh nhu cầu lắng nghe thực sự ý kiến của người dân để cải cách chính sách.

Ngoài ra, tác giả cũng cho rằng không nên đặt niềm tin vào những chiến dịch chống tham nhũng mà đảng tuyên truyền. Tác giả nhận xét: "Chống tham nhũng ở Trung Quốc nên được hiểu là nỗ lực kiểm soát dòng tiền tư lợi (political rents), chứ không phải là loại bỏ chúng. Kiểm soát một chiều không hiệu quả, và thay vào đó là đảng tìm cách để người dân kiểm soát lẫn nhau”.

Theo Dimitar Gueorguiev, một cái dễ thấy khác chính là đảng chỉ cho phép các cuộc bầu cử có kiểm soát, đồng thời triệt đường tự vận động tranh cử của một cá nhân nào đó.

Các kỳ họp quốc hội được giám sát nghiêm ngặt, những nhóm có ý kiến đối lập không thể hợp nhất thành nhóm lớn. Ngoài ra, các đại biểu thường không phản đối quyết định của đảng  và mọi tranh cãi ở nghị trường cũng chỉ là để phô diễn.

Chính sách kiểm soát thông tin ảnh hưởng đến việc quản lý và phản hồi của chính quyền đối với các vấn đề xã hội, dẫn đến sự hình thành của nhiều cơ quan kiểm soát chồng chéo nhau. Ngoài ra, Dimitar Gueorguiev cho rằng việc kiểm soát thông tin giúp chính quyền chỉ tập trung vào một số vấn đề lớn và không chú ý tới các vấn đề nhỏ hơn. Điều này có nghĩa là ý kiến phản biện của người dân chỉ được tiếp nhận khi đảng mời góp ý chính thức và các ý kiến này không thách thức đảng. 

Lịch sử đàn áp người dân tham chính

Chia để trị là một chiến lược phổ biến trong nhiều chế độ độc tài, nhưng sự gắn bó với quần chúng là đặc trưng của các chính quyền theo kiểu Lênin.

Mao Trạch Đông đã sử dụng phương pháp của Lênin để kiểm soát sự tham gia của quần chúng, bằng cách cử đảng viên thâm nhập vào cộng đồng.

Ắt hẳn ai cũng còn nhớ các cuộc cải cách ruộng đất đầy bạo lực, trong đó người dân bị quy chụp và đấu tố lẫn nhau. Mặc dù có vẻ như quy trình này được thực hiện một cách dân chủ, nhưng thực chất nó chỉ là phương pháp để người dân tự giám sát nhau.

Ngay cả khi Đặng Tiểu Bình và các lãnh đạo kế nhiệm thực hiện các cải cách thể chế, sự kiểm soát của đảng  vẫn không hề suy giảm.

Công dân được khuyến khích phản ánh điểm sai của cán bộ và cơ quan nhà nước, nhưng họ sẽ bị trừng phạt bằng cách này hoặc cách khác. Điển hình là chỉ hơn một tháng sau khi Phong trào trăm hoa đua nở (1956 - 1957) bùng nổ, Đảng Cộng sản lại đàn áp những người dám nói thẳng và nói thật về chế độ. Sự đàn áp tự do ngôn luận ấy một lần nữa lại diễn ra vào những năm cuối thập niên 1970 và 1980.

Số hóa việc kiểm soát

Đọc quyển sách này, độc giả có thể nhận thấy các hình thức như xử án công khai và giam giữ tập thể dù có giảm dần, nhưng không hoàn toàn biến mất.

Thay vào đó, sự đàn áp trở nên tinh vi hơn và nó được thực hiện bằng công nghệ cao. Những người bất đồng chính kiến bị giám sát bằng thiết bị GPS, phần mềm gián điệp. Các đơn vị chiến thuật sẽ sử dụng công nghệ, phân tích thuật toán để theo dõi Internet và các nguồn dư luận.

Chính quyền còn áp dụng hệ thống camera giám sát, định vị điện thoại di động và máy bay không người lái để theo dõi vị trí và đám đông.

Những tiến bộ trong viễn thông và xử lý dữ liệu lớn đã làm tăng khả năng thu thập và phân tích thông tin của chế độ. Ví dụ, nhà nước có thể chặn nhiều trang web và buộc người dùng phải sử dụng VPN. Tuy nhiên điều này đồng nghĩa với việc họ đang vô tình nói cho nhà nước rằng họ đang truy cập các trang "nhạy cảm" và tất nhiên họ sẽ bị đưa vào diện theo dõi.

Đọc quyển sách này, người đọc cũng sẽ biết ba yếu tố chính mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khai thác để kiểm soát xã hội: (1) di sản lịch sử cổ đại, (2) những sai lầm và hạn chế của Quốc Dân Đảng, và (3) mô hình tổ chức của Liên Xô. 

Cuốn sách của Gueorguiev cũng cung cấp nhiều đánh giá sâu sắc về sự bất công trong xã hội Trung Quốc, cách thức mà chính quyền đã dùng công nghệ để kiểm soát tinh vi người dân, lợi dụng nhân dân để duy trì quyền lực.

Độc giả có thể hiểu rằng sự tham gia của công chúng không chỉ đơn thuần là việc đi bầu cử, tham gia hội họp hay có các cơ quan đại diện. Điều đó không đồng nghĩa với dân chủ. Việc số hóa thông tin cá nhân cũng không phải là dấu hiệu của sự hiện đại hóa tích cực.

Ngược lại, công nghệ đang kiểm soát người dân một cách tinh vi hơn. Nó là một hình thức ngụy trang khéo léo hơn và được xã hội chấp nhận nhiều hơn, nhưng mục tiêu vẫn là nhằm để chính quyền kiểm soát xã hội.


Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

Chú thích

[1] Tạm dịch: “Cải cách chủ nghĩa Lênin - Tham gia mà không có dân chủ”. Retrofitting Leninism. (2024, September). Oup.com. https://global.oup.com/academic/product/retrofitting-leninism-9780197555675?cc=us&lang=en&

Đọc thêm:

Trung Quốc và cuộc cách mạng giám sát xã hội
Không có tiếng súng.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.