‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Trước cảnh thiên tai lũ lụt đang diễn ra ở miền Bắc, người dân cả nước đang tìm nhiều cách chia sẻ và hỗ trợ.
Việc nhiều người nấu cơm, làm bánh thiện nguyện gửi cho đồng bào các vùng khó khăn nhưng không chuyển được đến người cần. Có một số nơi đồ bị chất đống chờ hỏng. Người dân phải tự lên mạng xã hội kêu gọi đừng chuyển đồ đến một số nơi nhất định.
Nhiều người buông lời trách làm từ thiện theo phong trào, không có hiểu biết, không hiệu quả.
Những chỉ trích này có phần oan ức.
Đúng, việc làm từ thiện có thể là theo “phong trào”. Điều này không hẳn là đáng trách. Trước cảnh thương tâm bão lũ, nhiều người mở lòng thương và muốn góp công sức, quà bánh. Đó là điều đáng quý.
Không thể đòi hỏi những người này phải có tài tổ chức, phải nắm được đầy đủ cung cầu và có mạng lưới thông tin đầy đủ để biết chuyển đồ tới nơi chính xác đang cần. Đây là những năng lực cần được đào tạo bài bản và rèn luyện qua thời gian dài. Các nhóm thiện nguyện nhất thời không dễ gì có được các năng lực trên.
Mặt khác, khả năng tổ chức có bài bản và thông suốt thường là tố chất của hai lực lượng khác: chính quyền và các tổ chức dân sự chuyên nghiệp. Chính quyền là một lực lượng quan trọng trong cứu trợ, nhưng luôn có giới hạn về nguồn lực và năng lực.
Trong khi đó, nhóm thứ hai - các tổ chức dân sự, lẽ ra có thể vươn rộng và trợ giúp nhiều hơn nữa, nhưng đã bị làm suy yếu rất nhiều ở Việt Nam. [1]
Nhiệm vụ hàng đầu của các chính quyền địa phương ở Việt Nam là theo dõi và bảo đảm không có bất ổn chính trị. Họ có thể nắm rất vững làng xóm nào, khu phố nào có “thành phần bất ổn", đảng viên nào có phát biểu không đúng chủ trương, hay thậm chí thanh niên nào có phát ngôn sai lệch về lý tưởng.
Ở các vùng dân tộc thiểu số, chính quyền địa phương còn dồn nhiều nguồn lực để nắm rõ nhóm dân tộc thiểu số nào đang theo lời kêu gọi tôn giáo nào, sinh hoạt cầu nguyện ra sao.
Nhưng rõ ràng, không chính quyền địa phương nào, dù nỗ lực đến mấy, có thể đủ nguồn lực để cứu trợ hết những người gặp khó khăn trong thiên tai.
Nếu có được chi thêm nguồn lực, chính quyền địa phương cũng không có đủ năng lực để bao quát hết mọi hoạt động của người già trẻ nhỏ, với nhiều nhu cầu về vật chất hay tinh thần khác nhau.
Ngay cả khi, theo một kịch bản hoàn hảo nào đó, chính quyền địa phương có đủ nguồn lực và năng lực để lo cho người dân, thì cũng không có lý do chính đáng nào để loại bỏ việc các tổ chức dân sự và các nhóm thiện nguyện chuyên nghiệp được lo cho người dân.
Để thực hiện các nhiệm vụ xã hội chuyên nghiệp, cần có các tổ chức chuyên nghiệp. Các tổ chức này có thể là INGO (International Non Governmental Organization - tổ chức phi chính phủ quốc tế), NGO (Non Governmental Organization - tổ chức phi chính phủ), NPO (Non Profit Organization - tổ chức phi lợi nhuận), và các nhóm hoạt động xã hội bán chuyên nghiệp khác.
Phần lớn nhân viên làm việc trong các tổ chức phi chính phủ/ phi lợi nhuận là những người được đào tạo tốt, được chuyển giao kiến thức từ các tổ chức quốc tế. Đội ngũ này có khả năng và sức mạnh lớn trong việc đào tạo, kết nối với cộng đồng. Họ có khả năng tổ chức bài bản, làm việc dài hơi trong một chương trình. Có rất nhiều loại tổ chức phi chính phủ trên mọi lĩnh vực: cứu trợ nhân đạo, bảo vệ môi trường, trợ giúp pháp lý, bảo vệ phụ nữ và trẻ em, bảo vệ sức khoẻ, v.v.
Sau bão, sẽ còn nhiều việc cần làm giúp đỡ cho người dân, những việc cần nhiều chuyên môn chứ không chỉ là tài vật ứng cứu như cung cấp nước sạch, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, dọn dẹp và bảo vệ môi trường, chia sẻ và trị liệu tâm lý, trợ giúp pháp lý.
Làm tốt những việc làm hàng ngày trong điều kiện bình thường chính là chuẩn bị tốt cho những thiên tai sắp tới.
Những kỹ năng này cần có sự đào tạo bài bản và rèn luyện lâu dài. Nếu các tổ chức này càng được mở rộng chân rết để hoạt động trong điều kiện bình thường, khi có thiên tai hoạn nạn, họ càng có sức mạnh trợ giúp cộng đồng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, chính quyền đã ngày càng can thiệp quá sâu và gây khó dễ cho các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận. [2] Việc bắt giữ những người đứng đầu các tổ chức phi chính phủ/ phi lợi nhuận tạo ra một làn sóng hoảng sợ trong giới này. [3] [4]
Chính quyền luôn nhìn thấy một sự mâu thuẫn về quyền lợi với các tổ chức này.
Thứ nhất, họ e sợ các tổ chức này sẽ chiếm chỗ trong lòng người dân, từ đó hình ảnh độc tôn của chính quyền sẽ bị phai mờ bớt.
Thứ hai, và căn bản hơn, chính quyền độc tài luôn có nỗi lo ngại thường trực người dân sẽ đứng lên kháng cự lại. Họ lo sợ bất cứ một tổ chức bên ngoài hệ thống nào có mối quan hệ cố kết với người dân.
Chính sự lo sợ phải san sẻ bớt quyền lực khiến cho các chính quyền độc tài luôn tìm mọi cách kiểm soát tối đa và khống chế hoạt động của các tổ chức dân sự bài bản. Mặc dù, chính năng lực hoạt động bài bản của các tổ chức dân sự sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.