Tôi là cựu giảng viên ĐH Luật Hà Nội. Tôi không ngạc nhiên về hiện tượng Vương Tấn Việt

Tôi là cựu giảng viên ĐH Luật Hà Nội. Tôi không ngạc nhiên về hiện tượng Vương Tấn Việt
Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa.

Tác giả Thị Màu là cựu sinh viên và cựu giảng viên của Đại học Luật Hà Nội. Tác giả sử dụng bút danh vì lý do an toàn. Luật Khoa tạp chí đã xác minh và đảm bảo danh tính thực của tác giả.

***

Tôi không ngạc nhiên về những lùm xùm liên quan đến luận án tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt (Thích Chân Quang) ở Đại học Luật Hà Nội.

Cách tiếp cận đào tạo luật thiếu các tiêu chí để đánh giá chất lượng, phương pháp nghiên cứu và việc tạo ra tri thức mới. Chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ tạo điều kiện cho những cá nhân tham vọng như ông Vương Tấn Việt. Cách ông Vương Tấn Việt “lọt qua” các lỗ hổng của thủ tục tuyển sinh có lẽ cũng giống cách tôi từng “leo cổng” Đại học Pháp lý Hà Nội gần 40 năm trước.

Tôi kể câu chuyện của chính mình với hệ thống đào tạo luật Việt Nam như một cách “bứng học” (unlearn). [1] Câu chuyện của tôi chỉ là một lát cắt nhỏ trong dòng thời gian của những thập niên cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. [2] Với những ký ức thời tuổi trẻ mà tôi cố gắng nhướng trí nhớ của mình để chắp nối, tôi cũng muốn “giải mã cấu trúc” (deconstruct) một hệ thống mà tôi đã là người dự phần trong nó. [3]

Tôi “leo cổng” Đại học Pháp lý Hà Nội [4]

Khi tốt nghiệp trung học phổ thông vào cuối những năm 1980, tôi có một lựa chọn duy nhất là thi đại học. Lý do rất đơn giản: hầu hết bạn bè của tôi đều theo con đường này và tôi không biết làm gì khác nếu không học đại học. Việc thi Đại học Kinh tế Quốc dân của tôi cũng xuất phát từ nguyên nhân tương tự: một số bạn thân của tôi đều thi khối A (gồm các môn Toán, Lý, Hóa) và chọn trường này. [5] Chưa kể, khi công cuộc Đổi mới bắt đầu, ngành kinh tế dường như hứa hẹn một tương lai đỡ nghèo khổ hơn.

Đỗ đại học vào thời điểm đó dường như là “giấc mơ không tưởng” với rất nhiều học sinh và điểm đầu vào của Đại học Kinh tế Quốc dân gần như cao nhất trong các trường đại học. [6] Tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng nhiều đến lựa chọn của tôi vì tôi nghĩ mình học khá và có khả năng viết tốt. Chưa kể, tôi rất chăm chỉ đến lớp luyện thi của các thầy có tiếng. [7] [8] Nhưng năm đó, tôi trượt đại học. Dù thất vọng, tôi vẫn không nản lòng và lao vào học để thi lại. Sau một năm luyện tập các đề thi, tôi tự tin đăng ký thi vào Đại học Kinh tế Quốc dân lần nữa, nhưng lại trượt.

Vẫn không từ bỏ, tôi quyết định thi lần thứ ba và chọn một trường có điểm chuẩn thấp. [9] Khi đọc danh sách các trường, tôi thấy Đại học Pháp lý Hà Nội có điểm tuyển thấp nhất. Đó là lần đầu tiên tôi biết đến Đại học Pháp lý Hà Nội. Trong hình dung mơ hồ của tôi, học ở đây ra là làm ở tòa án. Dù không mặn mà với công việc xét xử và bỏ tù, tôi vẫn quyết định ghi danh.

Thí sinh dự thi Đại học Pháp lý Hà Nội phải qua vòng sơ tuyển. [10] Theo thủ tục áp dụng với thí sinh tự do, phòng giáo dục huyện nhận hồ sơ của tôi để chuyển cho trường thực hiện sơ tuyển. [11] Hai điều kiện mà trường đặt ra để loại bớt hồ sơ đăng ký dự thi là: (i) không thi lại lần thứ ba (tôi không hiểu lý do của quy định này); (ii) có hoàn cảnh gia đình và lý lịch tốt. [12]

Với điều kiện (ii), tôi chắc chắn thỏa mãn vì lý lịch gia đình luôn ghi “công nhân viên chức”. Còn điều kiện (i), tôi “né” bằng cách khai trong hồ sơ là thi lần thứ hai. Việc này không gây nghi ngại gì vì tôi đi học sớm tới hai năm. [13]

Phòng Đào tạo của Đại học Pháp lý Hà Nội chỉ có một người làm công tác sơ tuyển bằng cách đọc hồ sơ và gặp mặt thí sinh tại trường. Đó là một thương binh giải ngũ. Việc sơ tuyển không có tiêu chí cụ thể nào để đánh giá phẩm chất của các thí sinh.

Kết quả kỳ thi lần ba làm tôi vừa choáng váng vừa cười thầm. Tôi đỗ thủ khoa và là một trong số ít thí sinh đạt điểm gần tuyệt đối cho môn vật lý (9,5/10 điểm) dù tôi đã… hiểu sai bản chất của một bài tập trong đề thi. [14] Kết quả không tưởng này có lẽ là do tôi tự rút kinh nghiệm từ các lần thi trước và biết cách phản ứng linh hoạt với cách thiết kế đề.

Hình tư liệu về Đại học Pháp lý Hà Nội do báo Công Lý đăng tải.

Bốn năm đại học

Tôi có chút thất vọng khi nhập học Đại học Pháp lý Hà Nội khi thấy cổng trường thật ở ngoại thành Hà Nội (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) không hề đẹp và “cao vời vợi” như cách ví von trong giao tiếp xã hội. [15]

Bốn năm học trôi qua nhìn chung là êm ả. Ký ức còn đọng lại trong tôi chỉ là những giờ tập quân sự bò trườn ở ruộng lúa đầy gốc rạ; những chuyến xe lèn chặt sinh viên với giảng viên; [16] các câu chuyện phiếm; tin đồn về đời tư, chuyện tình giữa giảng viên và sinh viên; những tranh cãi vô thưởng vô phạt về câu nói “bất hủ” [17] của một giảng viên nào đó hay chuyện một vài nhóm sinh viên kết thân với giảng viên và “hối lộ” họ để biết trước đề thi. Kiến thức cơ bản từ các môn toán, lý, hóa mà tôi vất vả rèn luyện trong suốt ba năm THPT không hề được dùng tới.

Chúng tôi càng không thực hành cách đặt những câu hỏi lớn như: Xã hội được tổ chức thế nào? Công lý là gì? Quyền lực là gì? Hiểu thế nào về đạo đức?, v.v.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.