Đọc 'Phải sống' của Dư Hoa: Ai đau khổ như Phú Quý?

Đọc 'Phải sống' của Dư Hoa: Ai đau khổ như Phú Quý?
Đồ họa: Đ.T/ Luật Khoa.
🎧
Mời bạn nghe bản audio của bài này:
audio-thumbnail
Đọc 'Phải sống' của Dư Hoa: Ai đau khổ như Phú Quý?
0:00
/247.584

Người viết đã từng giới thiệu tiểu thuyết Huynh Đệ của nhà văn Dư Hoa. Nhưng đây không phải là tác phẩm nổi tiếng nhất của tác giả này.

Quyển sách gây tiếng vang lớn nhất của Dư Hoa phải kể đến là tiểu thuyết "Phải sống" (活着), được xuất bản năm 1993. Tiểu thuyết lấy bối cảnh nông thôn miền Nam Trung Quốc và theo chân nhân vật Hứa Phú Quý, con trai của một gia đình địa chủ.

Thông qua cuộc đời của Hứa Phú Quý, Dư Hoa khắc họa những biến động xã hội kéo dài suốt 40 năm của lịch sử Trung Quốc (1940 - 1980), như cuộc nội chiến giữa Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản (1945 - 1949), chiến dịch Đại nhảy vọt (1958 - 1962) và Cách mạng Văn hóa (1966 - 1976).

Tác phẩm này cũng được đạo diễn Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim vào năm 1994. Bộ phim đã giành giải Grand Jury Prize (giải thưởng lớn của ban giám khảo) và Giải Nam diễn viên xuất sắc nhất (cho Cát Ưu) tại Liên hoan phim Cannes năm 1994.

Tuy nhiên, tại Trung Quốc, bộ phim đã bị cấm chiếu trong một thời gian dài. Lý do thì độc giả có thể phần nào hiểu được. Bộ phim này đã đụng chạm những nhạy cảm của lịch sử Trung Quốc, không phù hợp với quan điểm chính trị của chính quyền. Cũng vì lý do đó, Trương Nghệ Mưu bị cấm làm phim trong một khoảng thời gian sau khi bộ phim ra mắt. [1] [2]

***

Là con trai của một gia đình địa chủ, Hứa Phú Quý được nuông chiều từ nhỏ và vì thế trở thành một cậu thiếu gia ăn chơi, ham mê cờ bạc. Những tưởng cuộc sống sẽ mãi sung túc, giàu có như cái tên của Phú Quý, nhưng quãng đời êm đẹp không kéo dài được bao lâu. Chính thói quen cờ bạc đã khiến Phú Quý đẩy gia đình vào cảnh tán gia bại sản.

Sau khi mất hết tài sản và địa vị, Hứa Phú Quý trở thành một nông dân bình thường. Thích nghi với thời cuộc, anh bắt đầu sống một cuộc đời giản dị, chăm chỉ làm việc để nuôi gia đình nhỏ của mình.

Trong giai đoạn nội chiến Trung Quốc giữa Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản, Phú Quý bị cưỡng ép đi lính cho quân đội Quốc Dân Đảng. Sau một trận chiến, Phú Quý bị bỏ lại chiến trường và bị quân đội Đảng Cộng sản bắt làm tù binh. Khi Đảng Cộng sản giành quyền kiểm soát đất nước, Phú Quý được trả tự do và quay trở lại cuộc sống thường dân.

Khi đời sống dần ổn định sau cuộc nội chiến thì Phú Quý lại bị cuốn vào chiến dịch Đại nhảy vọt. Chiến dịch này đã gây ra một trong những nạn đói lớn nhất của lịch sử Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, nhiều thảm kịch cá nhân cũng ập tới Phú Quý, đặc biệt là cái chết của con trai Hữu Khánh.

Để cứu vợ của quan huyện, Hữu Khánh phải hiến máu nhiều lần và cuối cùng mất vì kiệt sức. Ở mạch truyện này, người đọc có thể hình dung ra sự bất công của hệ thống xã hội thời đó, nơi mà mạng của quan đáng giá ngàn vàng và quyền lực của họ lấn át hết tất thảy cuộc sống của dân thường cộng lại.

Chưa nguôi sau cái chết của con trai thì Phú Quý phải nhìn con gái mình là Hứa Phượng Hà qua đời vì không được cứu chữa kịp thời. Đó là một bi kịch xuất phát từ hệ lụy thanh trừng của cuộc Cách mạng Văn hóa, khi bác sĩ và chuyên gia y tế có kinh nghiệm bị chính quyền coi là phản cách mạng và bị đàn áp tàn bạo.

Bi kịch chồng chất bi kịch, không lâu sau cái chết của con gái, vợ của Phú Quý cũng qua đời. Đây là “cú đánh cuối cùng" khiến nhân vật Phú Quý rơi vào cảnh cô đơn và đau khổ tột cùng. Nhịp độ của câu chuyện vì thế mà đạt đến cao trào.

Từ khóa để giải quyết nút thắt này, như Dư Hoa đã thể hiện, chỉ có thể là “khát vọng sống". Dù trải qua vô vàn biến cố, mất đi hết tất cả người thân yêu, cô độc trong một xã hội đầy biến động, nhưng Phú Quý chưa bao giờ từ bỏ khát vọng sống.

Với “Phải sống", Dư Hoa không xây dựng nhân vật theo lối anh hùng hay phản diện một cách rõ ràng. Thay vào đó, độc giả chỉ có thể thấy qua các trang sách những con người bình thường. Họ có lúc yên vui, có lúc reo vang vì hạnh phúc, nhưng có lúc bị đẩy vào những thảm kịch chất chồng và một xã hội đầy biến động. Nhưng sau tất thảy, những con người bình thường đó vẫn không bị bần cùng hóa, mà trái lại, họ trở nên bao dung và sống nhân ái hơn. Đó cũng là thành công của Dư Hoa, khi mà tác giả đã khám phá ra được những khía cạnh sâu sắc của con người lúc đối diện với nỗi đau mất mát.

Đọc thêm:

Tiểu thuyết ‘Huynh đệ’ - tình người trong cơn đảo điên của xã hội Trung Quốc
Những mối quan hệ bị thách thức đến cùng cực.
Hiện thực khốc liệt qua ‘Cây tỏi nổi giận’ của Mạc Ngôn
Một trong những tác phẩm nổi tiếng của Mạc Ngôn được chuyển ngữ sang tiếng Việt với tên ‘Cây tỏi nổi giận’.
‘Ba tầng cửa’ - tiểu thuyết của một thanh niên nổi loạn
Phê phán nền giáo dục nhồi nhét và giả dối của Trung Quốc.

Chú thích

[1] Codings. (2024). TO LIVE《活着》. Orcasia.org. https://orcasia.org/article/144/to-live

[2] To Live (1994). (2024). FilmAffinity. https://www.filmaffinity.com/us/film466295.html

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.