Mắt lác là tại hướng đình?

Mắt lác là tại hướng đình?
Photo by Mathieu Stern / Unsplash.

Việc các phóng viên, cộng tác viên bị kết án về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”, tống tiền doanh nghiệp xưa nay không mới mẻ.  Tuy nhiên, khi đối tượng vi phạm không phải là một hay một vài cá nhân thuộc cơ quan báo chí mà là cả bộ sậu từ cấp cao nhất, đến các cấp phó, trưởng ban và phóng viên, như trường hợp xảy ra tại Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, thì đúng là chuyện hy hữu.

Vừa qua, Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Tổng biên tập Đồng Xuân Thụ, Phó Tổng biên tập Nguyễn Thị Ánh Hồng cùng sáu thuộc cấp khác của Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam để điều tra về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.

Nếu như theo cáo buộc của cơ quan điều tra, lãnh đạo của tạp chí này đã bật đèn xanh và đồng lõa với phóng viên để tống tiền doanh nghiệp. Điều này làm dấy lên những lo ngại về vấn đề liêm chính và rằng những giá trị nghề báo bị thui chột, nhất là trong bối cảnh nhiều báo, tạp chí đang trầy trật giải bài toán tự cân đối ngân sách.

Tôi lên án và không có gì để biện minh cho những hành vi trái pháp luật và vi phạm đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo đó, nếu cáo buộc là đúng sự thật. Nhưng nhân sự việc, tôi muốn bàn đến một bối cảnh rộng hơn về báo chí hiện nay ở nước ta và cái nạn báo chí tống tiền doanh nghiệp này.

Từ cơ chế đến trào lưu ký hợp đồng quảng cáo

Tính đến năm 2023, cả nước có sáu cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 tờ báo, 671 cơ quan tạp chí và 72 đài phát thanh, truyền hình. Trong đó, có 39% đơn vị báo chí tự chủ tài chính hoàn toàn, 25% đơn vị được ngân sách nhà nước đảm bảo và 36% đơn vị tự chủ một phần.

Tuy là báo chí nhà nước nhưng thực tế nhà nước không nuôi và đang rút dần sự hỗ trợ bằng việc cắt giảm ngân sách. Đa số các báo phải tự tìm kiếm nguồn thu để nuôi bộ máy.

Điều này tạo ra một áp lực tài chính rất lớn lên các cơ quan báo chí, đặc biệt khi họ phải cạnh tranh với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội. Trong khi đó, nhiệm vụ tuyên truyền cho đường lối và chính sách của đảng - nhà nước thường được đặt lên hàng đầu trong hoạt động báo chí, khiến báo chí Việt Nam ngày càng xa rời với bạn đọc. Những rào cản về kiểm duyệt thông tin cũng góp phần làm giảm đi sự tin cậy và kết nối giữa báo chí và công chúng.

Nhà nước cắt ngân sách, mạng xã hội lấn át thông tin, bạn đọc dần mất niềm tin và không còn chi trả cho các ấn phẩm báo chí, v.v. Tất cả những điều này dẫn đến nguồn thu của báo chí tại Việt Nam bắt đầu phụ thuộc chủ yếu vào quảng cáo (nhất là từ cơ quan nhà nước và doanh nghiệp).

Tại một hội thảo quốc tế vào tháng 6/2024, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết doanh thu từ quảng cáo của các cơ quan báo chí luôn chiếm trên 60%, thậm chí ở một số cơ quan lên đến 90%.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện nay ít coi trọng vai trò của báo chí, bởi họ có thể tự sản xuất nội dung và chạy quảng cáo trực tiếp mà không cần phải thông qua báo chí như xưa. Chỉ những báo có uy tín lớn, lượng bạn đọc đông đảo mới có thể thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp.

Nói cách khác, đi kèm với những thách thức mới của thời đại, nguồn thu chủ yếu của các cơ quan báo chí cũng đang bị sụt giảm. 

Các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý đã nhiều lần kêu cứu nhà nước giảm thuế cho các hoạt động báo chí. Bộ Tài chính đề xuất mức thuế 15%, giảm 5% so với hiện tại, trong khi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị giảm về mức 10%. Điều này nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính, giúp báo chí có thêm nguồn chi cho các chi phí nhân sự và nâng cao chất lượng thông tin.

Trong bối cảnh này, nhiều cơ quan báo chí áp dụng một chiến lược: đặt chỉ tiêu về doanh thu quảng cáo cho các phòng ban chuyên môn, văn phòng và phóng viên. Nói cách khác, để có nguồn thu về, báo chí đã chấp nhận hy sinh một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của nghề, đó là tách bạch hoạt động sản xuất nội dung và kinh doanh.

Nhiều văn phòng đại diện của một số cơ quan báo chí bị giao khoán chỉ tiêu doanh thu. Đổi lại, các văn phòng đại diện sẽ được phép tự tổ chức, tuyển dụng phóng viên, cấp giấy giới thiệu để phóng viên tác nghiệp. Khi các văn phòng bị áp chỉ tiêu, các phóng viên phải mang về hợp đồng quảng cáo để đạt định mức doanh thu. Nhiều nơi còn lên kế hoạch “đánh đấm" một doanh nghiệp, cơ quan nhà nước nào đó để lấy được hợp đồng truyền thông.

Thấy báo khác làm được, nhiều lãnh đạo báo đã bắt đầu áp dụng cách làm này, yêu cầu phóng viên chuyên môn thực hiện vai trò của phòng quảng cáo và biện minh rằng “mắt lác là tại hướng đình", “đó là xu thế chung” hay “do khó khăn từ bên ngoài".

Các báo này đã không phân định rõ một ranh giới mà tôi cho rằng vô cùng quan trọng, đó là không nên ký hợp đồng quảng cáo với doanh nghiệp, tổ chức mà phóng viên đang có mối quan hệ nguồn tin hoặc là đang điều tra, phản ánh.

Nói tóm lại, một số tờ báo vẫn thành công nhờ mối quan hệ quen biết, hoặc nhờ có uy tín lớn, nhưng nhìn chung, báo chí hiện nay phải tìm mọi cách để đạt được các hợp đồng truyền thông với doanh nghiệp. Và tất nhiên, đôi khi, mục tiêu không chỉ là đảm bảo tài chính cho cơ quan mà còn để thỏa mãn lợi ích cá nhân của một số người trong ngành.

Tất nhiên tới đây, bạn đọc có thể thắc mắc rằng phóng viên đồng ý với chủ trương đó của tòa soạn mà không phản đối hay sao? Giá trị, đạo đức nghề nghiệp của họ nằm ở đâu?

Câu trả lời là không hẳn vậy.

Tôi vẫn tin rằng việc phóng viên làm quảng cáo không phải là xấu.

Tôi biết nhiều phóng viên mang về nhiều hợp đồng quảng cáo cho tòa soạn nhờ vào uy tín và mối quan hệ rộng rãi của mình. Các hợp đồng này thường dựa trên sự hợp tác có lợi cho cả hai bên, không nhằm che giấu hành vi vi phạm pháp luật nào. Tuy nhiên, điểm chung ở những phóng viên này là họ không bị ép phải làm như vậy, không bị giao chỉ tiêu phải liên lạc với cơ quan A hay doanh nghiệp B nào để ký hợp đồng.

Tôi cũng biết một số phóng viên, vì không chịu nổi cái trào lưu này nên đã nghỉ việc hay chuyển sang cơ quan khác làm việc.

Nhưng vẫn có nhiều phóng viên chấp nhận những chỉ tiêu đó, vì muốn làm tròn trách nhiệm của mình với tòa soạn trong bối cảnh khó khăn.

Chưa kể, hoa hồng từ hợp đồng (từ 10 - 35% giá trị hợp đồng và thậm chí cao hơn), đã cải thiện đáng kể thu nhập của phóng viên, khi mà lương và nhuận bút của họ ở các tòa soạn đang giảm như hiện nay. Trong một số trường hợp, hoa hồng là thu nhập chính của phóng viên.

Còn phía doanh nghiệp thì sao? Tại sao các doanh nghiệp vẫn sẵn sàng chi trả những khoản tiền lớn để quảng cáo trên báo, dù có những báo có lượng bạn đọc rất ít?

Câu trả lời không khó.

Là vì doanh nghiệp muốn báo chí làm ngơ và che giấu những sai phạm. Họ muốn duy trì mối quan hệ với báo chí để khi cần, hoặc lỡ có gì thì còn được truyền thông ưu ái và “giơ cao đánh khẽ".

Ngón đòn của “báo chí bẩn”

Câu chuyện này có lẽ không quá xa lạ với những người trong giới doanh nghiệp và báo chí, khi có những cá nhân tự xưng là nhà báo đến đe dọa, gây áp lực cho các doanh nghiệp vi phạm pháp luật.

Doanh nghiệp vì không muốn những sai phạm bị phanh phui, gây ảnh hưởng đến danh tiếng, thiệt hại về kinh tế hay thậm chí bị các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nên buộc phải xuống nước xin các cơ quan báo chí “thủ hạ lưu tình".

Đổi lại cho sự bưng bít của báo chí là những hợp đồng quảng cáo được ký kết nhanh chóng. Giá trị của hợp đồng từ vài chục đến vài trăm triệu hay vài tỷ đồng, tùy thuộc vào quy mô của doanh nghiệp và mức độ sai phạm bị phát hiện.

“Cái túi” của doanh nghiệp không chỉ bị một đơn vị bào mòn mà đôi lúc, các phóng viên còn lập nhóm, phát tín hiệu cho nhau và thay phiên nhau gây sức ép, sách nhiễu, vòi tiền doanh nghiệp.

Đến khi không còn đủ sức chi để “ém tin”, doanh nghiệp buộc phải lựa chọn giữa việc để sai phạm bị công khai trên báo hoặc tố cáo nhóm phóng viên với cơ quan công an.

Tất nhiên đến đây, sai phạm của doanh nghiệp không còn được một chủ thể khác “ngó lơ” nữa.

Chủ thể đó là chính quyền.

Một chủ thể chưa được nhắc đến

Tất nhiên chính quyền không tài nào biết được hết các sai phạm của doanh nghiệp. Nhưng có những chuyện rõ mười mươi nhưng chính quyền vẫn không xử lý, tất nhiên vì một lý do nào đó. Đến khi cơ quan báo chí phát hiện và chất vấn thì họ mới nhảy vào.

Điều này chẳng mấy xa lạ ở nước ta, đơn cử như vụ xây dựng trái phép gần 500 căn nhà ở tỉnh Đồng Nai mà người ta vẫn hay gọi là “con voi chui lọt lỗ kim”. Ít ai có thể tưởng tượng rằng một dự án lớn như vậy, xây dựng trái phép trên diện tích hơn 18 ha từ năm 2018, lại chỉ bị phát hiện vào năm 2020. Vậy chính quyền địa phương đã ở đâu? Phải chăng họ chỉ chờ báo chí lên tiếng mới hành động?

Tôi nhớ có một bình luận chia sẻ trên mạng về vụ này, rằng mới sửa cái cửa nhà thôi thì đã có người ở phường xuống chất vấn chủ nhà có xin giấy phép chưa, vậy mà một dự án quy mô như thế lại không bị địa phương phát hiện.

Câu hỏi này đi thẳng vào vấn đề: chính quyền địa phương đã làm tròn trách nhiệm giám sát và quản lý chưa?

Đến năm 2023, chủ đầu tư và năm cán bộ địa phương đã bị khởi tố trong vụ án này, trong khi kết luận thanh tra của tỉnh Đồng Nai chỉ ra có hơn 20 cá nhân và 13 tổ chức liên quan đến sai phạm tại dự án.

Tôi cho rằng trong câu chuyện báo chí tống tiền doanh nghiệp, người ta thường chỉ chú ý đến hai bên là báo chí và doanh nghiệp, mà quên đi trách nhiệm của chính quyền địa phương. Dù chính quyền không phải là người “vẽ đường cho hươu chạy”, nhưng ít nhất họ nhìn thấy con đường đó mà không ngăn cản. Thậm chí, đôi khi họ còn gián tiếp giúp cho hươu chạy nhanh hơn.

Nói cách khác, quan chức tham nhũng và “báo chí bẩn" đều tìm cách ăn tiền từ doanh nghiệp.

Do đó, câu chuyện dẹp nạn “báo chí bẩn” phải được nói đến và xử lý cùng lúc ở cả chủ thể là báo chí - doanh nghiệp - chính quyền.

Chính quyền, đặc biệt là cấp địa phương, phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Họ lẽ ra phải là đơn vị đầu tiên phát hiện sai phạm, qua việc tăng cường kiểm tra, thanh tra hay tiếp nhận phản ánh từ người dân để kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm túc.

Doanh nghiệp cũng nên hiểu rằng câu chuyện “đi đêm” với báo chí để che đậy sai phạm không phải là giải pháp. Sai phạm vẫn còn đó và không loại trừ sẽ rơi vào tầm ngắm của một báo khác hay những đòn đánh hội đồng của các nhóm phóng viên.

Bản thân báo chí và phóng viên cũng cần tự nhìn nhận lại trách nhiệm của mình, không thể đổ lỗi cho cơ chế hay tình trạng “cả làng đều mắt lác”. Một cơ quan báo chí thiếu uy tín và mất đi tính chiến đấu sẽ không còn thu hút bạn đọc. Khi không còn bạn đọc, báo sẽ không thể tồn tại trong thị trường truyền thông cạnh tranh khốc liệt ngày nay.

Cốt yếu là liệu lãnh đạo và cơ quan chủ quản của báo chí có dám thẳng thắn nhìn nhận vấn đề hay không, hay vẫn cố chấp để tờ báo tồn tại như một cái xác không hồn, lợi dụng danh nghĩa báo chí để mặc cả với doanh nghiệp và thỏa mãn lòng tham cá nhân. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức và lương tâm của những người làm báo, vì chính họ là người quyết định hướng đi và tương lai của nghề báo.

Đọc thêm:

Kiểm soát báo chí – Kỳ 2: Sự hỗn loạn lý tưởng
Một số chính phủ đã cân nhắc về việc xây dựng luật báo chí quốc tế để hướng dẫn và giải thích cho các quy định ở cấp quốc gia. Tại Liên Hiệp Quốc và các diễn đàn tương tự, không thiếu những kiến nghị như vậy. Một số đã được khởi động dưới ngọn […]
“Không ai có thể luật hóa mọi ngõ ngách đạo đức”
PGS.TS Nguyễn Đức An, nguyên là nhà báo ở TPHCM, hiện giảng dạy và nghiên cứu Báo chí tại Đại học Bournemouth (Anh), cho rằng “dù pháp luật có cụ thể mức nào cũng không thể bao quát được đạo đức” khi Luật Khoa (LK) đề nghị ông trả lời liệu “vi phạm đạo đức […]
Làm báo độc lập là làm gì?
Báo chí chất lượng cao trước hết phải là báo chí độc lập.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.