‘Thiên An Môn’ của Sơn Táp: Tự do, công lý và nỗi niềm thị dân

‘Thiên An Môn’ của Sơn Táp: Tự do, công lý và nỗi niềm thị dân
Đồ họa: Đ.T/ Luật Khoa.
🎧
Mời bạn nghe bản audio của bài này:
audio-thumbnail
‘Thiên An Môn’ của Sơn Táp: Tự do, công lý và nỗi niềm thị dân
0:00
/394.536

Porte de la paix celeste (Thiên An Môn) là một tiểu thuyết xúc động của nhà văn Sơn Táp (Shan Sa), tác giả nổi tiếng với tác phẩm “Thiếu nữ đánh cờ vây". Bà sinh ra ở Bắc Kinh và chuyển đến Paris vào năm 1990, sau sự kiện chính phủ Trung Quốc đàn áp đẫm máu cuộc biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4/6/1989.

Cuốn tiểu thuyết Porte de la paix céleste được viết bằng tiếng Pháp, ra đời vào năm 1998 và đã đạt giải Goncourt danh giá của Pháp cho tiểu thuyết đầu tay. Đến nay, quyển sách này vẫn chưa được dịch sang tiếng Việt.


Câu chuyện xoay quanh cuộc rượt đuổi căng thẳng giữa Ayamei, một người phụ nữ trẻ tham gia phong trào đấu tranh vì tự do, và Thiếu úy Zhao, một quân nhân trung thành với chính phủ được giao nhiệm vụ truy lùng Ayamei.

Tác phẩm mở đầu vào cảnh đêm khuya khi Ayamei, cùng với những sinh viên cùng chí hướng, quyết tâm đấu tranh tại quảng trường Thiên An Môn. Đây cũng là một phần của phong trào đòi hỏi sự thay đổi chính trị sau những cải cách kinh tế năm 1978 ở Trung Quốc.

Ayamei chưa bao giờ xem mình là người lãnh đạo hay anh hùng. Đối với cô, phong trào thực ra xuất phát từ khát vọng tự do của hàng nghìn thanh niên Trung Quốc, và Ayamei chỉ là một phần trong đó.

Tuy nhiên, bạn bè nhận ra sự nguy hiểm mà cô phải đối mặt nên họ đã khuyên Ayamei trốn thoát để giữ an toàn.

Ayamei phải quyết định liệu cô có nên trốn đi để bảo toàn mạng sống như bạn bè mong muốn, hay ở lại đối mặt với nguy hiểm, tiếp tục đấu tranh cùng những người còn lại?

Việc chứng kiến cảnh Xiao, một người bạn và đồng chí ngã xuống ngay trước mắt càng khiến Ayamei giằng xé nội tâm hơn.

Cuối cùng, Ayamei vẫn quyết định ở lại. Cô chọn không quay lưng với phong trào, bởi cô cảm thấy rằng việc chạy trốn không chỉ là hành động ích kỷ mà còn làm thui chột đi ý nghĩa của cái lý tưởng mà cô và nhiều người khác đã vì nó mà đứng lên.

Với những người bạn và những ai cùng chí hướng, Ayamei là một người hùng với tinh thần đấu tranh không khuất phục. Nhưng đối với nhà cầm quyền, cô là mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh quốc gia, một tội đồ cần phải bị trừng trị. Thế là chính quyền huy động một lực lượng lớn binh lính, trong đó có Thiếu úy Zhao, để truy lùng Ayamei.

Qua từng trang sách, hai nhân vật chính chưa từng gặp gỡ trực tiếp nhưng lại gắn kết bởi cuộc truy đuổi không ngừng nghỉ.

Sơn Táp điểm qua tuổi thơ của Ayamei với bầu không khí u ám, giả dối và đầy bạo lực của cuộc Cách mạng Văn hóa. Ở cái bối cảnh đó, mọi giá trị truyền thống bị đảo lộn, còn người dân thì sống trong sợ hãi với gọng kìm kiểm soát của chính quyền.

Khi lớn lên, cuộc sống vật chất dần được cải thiện, người dân đã ăn no, mặc ấm, và Bắc Kinh ngày càng hiện đại với những tòa nhà cao tầng lấp lánh mọc lên khắp nơi. Dù vậy, sự phát triển này không làm thỏa mãn những trí thức trẻ như Ayamei.

Họ tìm kiếm cái gì đó cao hơn thế. Nó không phải chỉ dừng lại ở cuộc sống no đủ tầm thường, mà là sự khao khát một đời sống tinh thần tự do hơn, không bị hệ thống chính trị kìm hãm.

Chính từ sự bất mãn đó mà cô và nhiều người trẻ khác đã quyết định đứng lên đấu tranh một cách ôn hòa. Do đó, dễ hiểu khi người ủng hộ Ayamei chỉ là thiểu số, chứ đa phần gia đình và họ hàng của Ayamei đều không đồng tình, thậm chí nguyền rủa và trách mắng cô vì lo sợ bị liên lụy.

Họ không hiểu và cũng không tin vào phong trào “nổi loạn” và “nhảm nhí” của thế hệ trẻ, vì đối với họ, những gì Trung Quốc đạt được từ sau cải cách kinh tế năm 1978 là đã quá đủ.

Trong Porte de la paix céleste, tác giả Sơn Táp khéo léo lồng ghép những lý giải tinh tế về thái độ thờ ơ với chính trị của thế hệ người lớn tuổi.

Những người này đã trải qua nhiều biến cố đau thương, đặc biệt là cuộc Cách mạng Văn hóa. Họ đã chứng kiến sự tàn khốc của việc chống lại giới cầm quyền và cảm thấy việc đấu tranh gần như là bất khả thi. Chưa kể, thế hệ này cũng có lòng biết ơn đối với Đảng Cộng sản, vì sau nhiều thập kỷ đói kém và bệnh tật, họ đã có được một cuộc sống mới dưới danh nghĩa Xã hội Chủ nghĩa, với điều kiện sống tốt hơn và ổn định hơn.

Nhưng ẩn sau tấm áo hài lòng với đời sống và chế độ chuyên quyền đó, người dân Trung Quốc có một nỗi niềm sâu kín khác.

Trong hành trình gian nan của mình, Ayamei đã gặp gỡ những con người bình thường. Khi lẩn trốn sự truy đuổi gắt gao của chính quyền, Ayamei được một gia đình người lái xe xa lạ giúp đỡ và che chở. Họ đã bất chấp nguy hiểm để đưa cô ra khỏi Bắc Kinh. Chính nhờ sự che chở của gia đình này mà Ayamei mới có cơ hội thoát khỏi vòng vây của cuộc truy bắt.

Wang - người lái xe nhân hậu, đã nói: “Tôi không dính líu gì đến, nhưng chí ít tôi vẫn hiểu thế nào là công lý. Tôi vẫn biết ai mới là kẻ nổ súng vào những người vô tội, những người không có vũ khí. Đó mới chính là tội phạm, những kẻ phá phách và những bọn âm mưu”.

Tuy nhiên, cũng vì giúp đỡ Ayamei, gia đình Wang phải chịu áp lực và bạo lực khủng khiếp từ phía chính quyền. Sau khi chịu nhiều hình thức tra tấn, vợ của Wang buộc phải tiết lộ nơi Ayamei đang ẩn náu.

Bối cảnh câu chuyện chuyển sang nội dung Zhao tìm đến nhà của Ayamei và được mẹ cô đưa cho cuốn nhật ký. Anh bắt đầu đọc những trang viết tràn đầy tình yêu và khát vọng của cô, về chiến tranh, về khát khao tự do, và về những câu hỏi chất vấn những bất công trong cuộc sống.

Và rồi anh tìm thấy được cái gì đó bừng sáng từ trong góc tối tâm hồn của mình. Anh bắt đầu hoài nghi về con đường mình đang đi và những giá trị mà mình đã từng tin tưởng.

Là một quân nhân, Zhao đã lớn lên trong môi trường nghiêm khắc, lạnh lùng của quân đội. Đối với anh, khái niệm tự do có lẽ chỉ là một chiến thắng sau các cuộc giao tranh, nơi quân đội áp đảo kẻ thù để giành quyền kiểm soát.

Nhưng qua những dòng chữ của Ayamei, anh nhận ra một ý nghĩa khác của tự do, mà cũng vì cái ý nghĩa ấy, nhiều người như Ayamei đã đấu tranh để có được. Đó chính là sự giải phóng tâm hồn, lòng dũng cảm sống thật với chính mình và chống lại bất công.

Cuốn tiểu thuyết kết thúc ở trang cuối cùng, bằng một quyết định của Zhao…


Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hằng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

Đọc thêm:

30 bức ảnh về thảm sát Thiên An Môn Trung Quốc muốn xóa khỏi lịch sử
Ngày 4/6 đánh dấu một sự kiện mà Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn xóa khỏi lịch sử.
Thảm sát Thiên An Môn qua hồi ức của cựu nhà báo quân đội Trung Quốc
Những ngày này, cả thế giới một lần nữa lại hướng ánh nhìn về Trung Nam Hải – trụ sở Đảng Cộng sản Trung Quốc ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh. Đây là nơi mà 30 năm trước, ngày 4/6/1989, các nhà lãnh đạo đất nước lớn nhất châu Á đã ra lệnh đàn […]
Hậu Thiên An Môn: Kiểm duyệt và nỗ lực duy trì ký ức tập thể
Chính quyền Trung Quốc có thể lập nên một hệ thống kiểm duyệt tinh vi và khắc nghiệt, nhưng giới văn nghệ sĩ thì luôn có cách riêng của mình để lưu giữ sự kiện Thiên An Môn vào ký ức tập thể của đất nước này. Hậu quả nặng nề của cuộc thảm sát […]

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.