Tuần tin: Thủ tướng Trung Quốc thăm Việt Nam sau 11 năm; Campuchia rút khỏi Tam giác Phát triển
0:00
/845.784
Các sự kiện nổi bật:
Thủ tướng Trung Quốc thăm Việt Nam sau 11 năm
Campuchia rút khỏi Tam giác Phát triển
Việt Nam nêu quan điểm về việc dẫn độ Y Quynh Bđăp
Thủ tướng Trung Quốc thăm Việt Nam sau hơn một thập niên
Tuần qua là tuần lễ ngoại giao bận rộn của Việt Nam. Sau hai chuyến công du (chủ yếu là tới các nước phương Tây) của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, từ ngày 12 - 14/10, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Lý Cường tới Việt Nam trên cương vị thủ tướng Trung Quốc, và là lần đầu tiên sau 11 năm một thủ tướng Trung Quốc đến Việt Nam. Trước đó, năm 2013, ông Lý Khắc Cường, người giữ chức thủ tướng Trung Quốc từ năm 2013 - 2023, đã có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam vào tháng Mười.
Trong chuyến thăm lần này, hai bên ký kết 10 văn kiện hợp tác quan trọng, trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, giao thông vận tải, và quản lý biên giới. Đáng chú ý, hai nước đã chính thức khởi động việc vận hành khu hợp tác tại thác Bản Giốc từ ngày 15/10.
Thác Bản Giốc (phía Việt Nam) hay thác Đức Thiên (phía Trung Quốc) là một trong những thác nước lớn nhất tại khu vực biên giới giữa hai nước. Địa điểm này nằm ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam và huyện Đại Tân, thành phố Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc. Thác này không chỉ nổi tiếng vì vẻ đẹp hùng vĩ mà còn do lịch sử tranh chấp về đường biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Năm 1999, hai nước đã ký Hiệp ước biên giới trên đất liền, theo đó khu vực thác Bản Giốc được phân chia làm hai phần.
Ngay trước chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Lý Cường, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đã hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào ngày 11/10.
Dù quan hệ Việt - Trung tiếp tục phát triển trên nhiều lĩnh vực, song hai nước có nhiều căng thẳng, nhất là về tranh chấp biển đảo. Hồi tháng Chín vừa qua, Việt Nam lên án mạnh mẽ trước việc tàu Trung Quốc tấn công, đánh đập, cướp tài sản của 10 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi khi đang đánh bắt tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 12/10, một quan chức Mỹ tiết lộ với Reuters rằng Nga và Trung Quốc đã phản đối tuyên bố chung tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) vào tháng 10/2024 được 10 quốc gia thành viên của ASEAN soạn thảo. Lý do, nội dung của tuyên bố có liên quan đến Biển Đông, đặc biệt là các phần nhắc đến Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) mới đây cho thấy Việt Nam đã tăng cường xây dựng đảo nhân tạo tại khu vực quần đảo Trường Sa trong vòng ba năm qua. Diện tích đất được bồi lấp và nạo vét tại các khu vực này đã tăng gần 9,5 km², chủ yếu nhằm xây dựng các công trình hạ tầng và hỗ trợ hoạt động phòng thủ quân sự. Diện tích mở rộng đảo nhân tạo ở Biển Đông này của Việt Nam vẫn nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc (18,8 km²).
Campuchia bất ngờ rút khỏi sáng kiến hợp tác biên giới mà chính mình khởi xướng
Thời gian qua, Campuchia có nhiều động thái liên quan đến an ninh quốc gia.
Ngày 17/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã có phát biểu liên quan Campuchia, sau khi nước này rút khỏi Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV-DTA). Mặc dù không trực tiếp nhắc đến động thái của nước bạn, bà Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác giữa ba nước trong khu vực tam giác phát triển, và Việt Nam sẽ tiếp tục tham vấn với Lào, Campuchia để thúc đẩy sự hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển chung trong khu vực.
Trước đó, ngày 20/9, Campuchia tuyên bố rút khỏi cơ chế Tam giác Phát triển. Cơ chế này được Thủ tướng Hun Sen đề xuất và chính thức ra mắt vào năm 1999, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao hợp tác trong các lĩnh vực như hạ tầng và thương mại giữa các vùng biên giới của ba quốc gia.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam vừa nhấn mạnh tới ý nghĩa chiến lược của cơ chế trong việc góp phần việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân ba nước. Tuy nhiên, tại Campuchia, các lực lượng đối lập đã chỉ trích mạnh mẽ việc tham gia vào cơ chế này, cho rằng nó dẫn đến việc Phnôm Pênh phải nhượng đất cho Việt Nam. Chính áp lực này đã khiến Thủ tướng Hun Manet quyết định rút khỏi CLV-DTA nhằm xoa dịu các lo ngại về chủ quyền và lãnh thổ, đặc biệt là tại các tỉnh biên giới phía đông bắc của Campuchia.
Trước đó, vào tháng Tám, Campuchia đã khởi động dự án xây dựng kênh đào Techo, với sự hỗ trợ từ Trung Quốc. Dự án này không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn mang tính biểu tượng về an ninh quốc gia. Thủ tướng Hun Manet nói kênh đào sẽ giúp Campuchia "tự thở bằng mũi của mình" trong quan hệ kinh tế khu vực. Tuy nhiên, Việt Nam lo ngại tác động của dự án này đến vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Việt Nam nêu quan điểm về việc dẫn độ Y Quynh Bđăp
Ngày 17/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết việc dẫn độ Y Quynh Bđăp về Việt Nam là “phù hợp” và “nhằm đảm bảo mọi đối tượng phạm tội đều phải xử lý trước pháp luật”.
Trước đó, ngày 30/9, tòa án Thái Lan đã chấp thuận yêu cầu dẫn độ của Việt Nam với Y Quynh Bđăp. Người đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý có thời gian 30 ngày để kháng cáo quyết định này.
Hồi đầu năm nay, cụ thể là ngày 20/1, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã xét xử vắng mặt và tuyên phạt ông Bđăp 10 năm tù giam với tội danh "khủng bố". Ông Bđăp bị cáo buộc giữ vai trò chủ chốt trong vụ tấn công vào hai trụ sở ủy ban nhân dân xã tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào ngày 11/6/2023, làm chín người thiệt mạng và hai người bị thương.
Đăng ký để đọc tiếp
Đăng ký
ngay để đọc toàn văn bài viết này và truy cập tất cả các bài dành cho
thành viên trả phí ($2/tháng cho gói Member và $5/tháng cho gói Supporter).