‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Miền Bắc ít khi phải hứng chịu những cơn bão và trận lũ lụt lớn. Lần gần nhất Thủy Tinh nổi giận với miền Bắc đã là năm 1971. Năm mươi ba năm sau, một thảm họa lớn không kém lặp lại, và mang tên Yagi.
Bắt đầu hình thành từ cuối tháng Tám, đến đầu tháng Chín, bão Yagi đã trở thành một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Việt Nam trong suốt 70 năm qua.
Cho tới ngày 28/9, Yagi đã làm 318 người chết, 26 người mất tích, và 1.976 người bị thương. Thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 81.503 tỷ đồng.
Luật Khoa tạp chí tổng hợp lại diễn biến của cơn bão Yagi, đồng thời ghi nhận, cập nhật những vấn đề liên quan đến công tác cứu trợ, hòng ghi nhớ sự kiện lịch sử này.
30/8/2024
Bão Yagi khởi nguồn từ một vùng áp thấp ở vùng biển phía Đông Philippines, ngoài khơi Thái Bình Dương, và được Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) phát hiện lần đầu.
1/9
Vùng áp thấp phát triển thành một cơn bão nhiệt đới và được JMA đặt tên là Yagi. Cơn bão này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Philippines.
3/9
Bão Yagi tiến vào Biển Đông, tăng lên cấp 10 với sức gió mạnh nhất đạt khoảng 102 km/h.
Trước tình hình này, Thủ tướng ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg, chỉ đạo các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và các tỉnh miền Bắc khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó, bao gồm rà soát tàu thuyền, lên kế hoạch cấm biển, sơ tán người dân khỏi những khu vực nguy hiểm như các vùng ven biển và miền núi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
4/9
Nhiều đài khí tượng quốc tế dự báo Yagi sẽ mạnh lên thành siêu bão. Các cơ quan như Trung tâm Cảnh báo Bão Liên Hợp (JTWC) dự báo Yagi sẽ đạt sức gió từ cấp 15 - 16, với tốc độ từ 183 - 201 km/h, tương đương với một cơn cuồng phong cực mạnh.
5/9
Đúng như dự đoán, Yagi trở thành siêu bão đạt cấp 16 với sức gió mạnh nhất khoảng 201 km/h. Dự kiến, cơn bão sẽ đổ bộ vào khu vực từ Quảng Ninh đến Ninh Bình vào chiều ngày 7/9.
Trong cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp khẩn để lên phương án ứng phó với siêu bão. Các biện pháp bao gồm sơ tán dân, tăng cường lực lượng ứng phó và đảm bảo an toàn trong các vùng có nguy cơ cao.
Cục Hàng không Việt Nam cũng quyết định đóng cửa bốn sân bay gồm Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài và Thọ Xuân từ ngày 7/9 để đảm bảo an toàn trước bão.
Tối cùng ngày, chính quyền đã quyết định sơ tán 13.000 hộ dân tại các tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng đến nơi an toàn để tránh bão.
6/9
Siêu bão Yagi đổ bộ vào tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) với sức gió mạnh nhất lên tới 260 km/h, gây ra thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng và làm mất điện trên diện rộng.
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Việt Nam), bão Yagi sẽ di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ. Dự báo các tỉnh ở khu vực miền Bắc sẽ chịu ảnh hưởng của mưa lớn và giông lốc, kèm theo nguy cơ lũ quét và sạt lở đất. Chính quyền yêu cầu người dân ở các khu vực nguy hiểm khẩn trương sơ tán đến nơi an toàn để tránh bão.
Quân đội huy động hơn 450.000 người và hơn 10.000 phương tiện ứng phó với cơn bão.
Cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng đóng cửa, ngừng tiếp nhận và xử lý hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ.
Nhiều doanh nghiệp cho người lao động nghỉ làm. Người dân ở Hải Phòng, Hà Nội đổ xô đến các chợ và siêu thị mua số lượng lớn thực phẩm dự trữ. Tuy nhiên, đại diện các siêu thị cam kết “không thiếu hàng hóa” trong suốt thời gian bão.
Hàng triệu học sinh, sinh viên cũng được nghỉ học, nhiều trường đã điều chỉnh lịch nhập học để tránh bão.
Đến chiều cùng ngày, bão Yagi cách tỉnh Quảng Ninh khoảng 430 km. Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo các tỉnh miền Bắc sẽ có mưa lớn và giông lốc, đồng thời yêu cầu người dân ở khu vực nguy hiểm sơ tán đến nơi an toàn.
7/9
Bão Yagi đổ bộ vào khu vực miền Bắc, gây ảnh hưởng nặng nề cho các tỉnh Hải Phòng và Quảng Ninh. Do mưa lớn và gió mạnh, nhiều đường dây điện cao thế gặp sự cố, toàn bộ hai tỉnh này mất điện trên diện rộng.
8/9
Bão Yagi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sau khi càn quét qua các tỉnh phía Bắc trong hơn 15 tiếng đồng hồ.
Theo báo cáo tại thời điểm này, bão đã làm 21 người chết, trong đó, hai sĩ quan quân đội và công an hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ.
Nhà chức trách phát đi cảnh báo về nguy cơ sạt lở đất và lũ quét tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là những khu vực có địa hình dốc và chịu ảnh hưởng nặng nề từ mưa lớn do áp thấp nhiệt đới gây ra.
9/9: Sập cầu Phong Châu
Cầu Phong Châu nối liền hai huyện Lâm Thao và Tam Nông thuộc tỉnh Phú Thọ bị sập. Nguyên nhân được xác định là vì nước sông Hồng dâng cao và dòng chảy xiết sau bão Yagi, dẫn đến trụ T7 bị đổ và làm sập hai nhịp giàn chính.
Sự cố nghiêm trọng này khiến nhiều người và phương tiện rơi xuống sông Hồng. Thống kê cho thấy khi sập cầu có 10 phương tiện đang di chuyển, bao gồm 1 xe tải, 2 xe đầu kéo, 6 xe máy và 1 xe máy điện. Sơ bộ xác định có 8 người mất tích. Ba người bị thương đã được đưa đi cấp cứu. Công tác cứu hộ và tìm kiếm các nạn nhân đã được tiến hành ngay sau đó.
10/9: Tang thương ở Làng Nủ
Một trận lũ quét xảy ra tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Trận lũ quét san phẳng toàn bộ ngôi làng chỉ trong vài phút. Làng Nủ là nơi có 167 hộ và 760 nhân khẩu sinh sống, hầu hết là người Tày. Công tác cứu hộ, tìm kiếm gặp nhiều khó khăn do khối lượng đất đá lớn và địa hình phức tạp.
Trong khi đó, chiều cùng ngày tại tỉnh Lào Cai cũng đã xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng tại thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà. Khu vực sạt lở có 15 hộ dân với 80 nhân khẩu.
Tỉnh Yên Bái cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ mưa bão và sạt lở đất. Theo thống kê vào thời điểm này, tỉnh Yên Bái có 29 người chết do sạt lở đất, chủ yếu tại thành phố Yên Bái và các huyện Lục Yên, Văn Chấn. Ngoài ra, có hơn 22.000 ngôi nhà bị hư hại, ngập lụt và 11.000 hộ dân phải sơ tán đến nơi an toàn. Ước tính tổng thiệt hại về kinh tế tại tỉnh này lên tới khoảng 195 tỷ đồng.
Cũng trong ngày, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã tạm đình chỉ chức vụ của ông Nguyễn Đại Cương, giám đốc Điện lực TP. Hạ Long vì yếu kém trong công tác khắc phục lưới điện.
Một diễn biến khác, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã phát động lễ quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão Yagi. Lễ phát động được tổ chức tại Hà Nội, với sự tham gia của nhiều tổ chức và cá nhân hưởng ứng. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh đóng góp tới hơn 120 tỷ đồng.
11/9
Trung Quốc thông báo sẽ xả lũ tại đập thủy điện Ma Lù Thàng (tỉnh Vân Nam) với khối lượng tối đa 200 m³/giây vào lúc 16:30.
Theo các báo cáo, đây là mức xả lũ đã được điều chỉnh giảm từ 250 m³/giây sau khi Việt Nam trao đổi với Trung Quốc nhằm giảm thiểu tác động đến hạ nguồn. Các cơ quan chức năng của Việt Nam khẳng định rằng việc xả lũ này không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực hạ nguồn sông Lô và sông Hồng.