‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Điểm sách: The Calculus of Consent: Logical Foundations of Constitutional Democracy (1962)
Tác giả: James Buchanan và Gordon Tullock
“The Calculus of Consent” khám phá các quyết định và hoạt động chính trị qua lăng kính kinh tế học. Thay vì mô tả các đại diện chính phủ như những người quan tâm đến lợi ích công cộng, cuốn sách nhấn mạnh rằng họ, như mọi cá nhân, hành động dựa trên lợi ích cá nhân.
Cuốn sách này được coi là một tác phẩm kinh điển của lý thuyết lựa chọn công (public choice theory), một lĩnh vực giao thoa giữa kinh tế học và khoa học chính trị. Những người theo trường phái bảo thủ và tự do cá nhân thường khá quen thuộc với các khái niệm trong sách này, vì nó cảnh báo về nguy cơ chính phủ có thể làm băng hoại các giá trị dân chủ khi có quá nhiều quyền lực.
Sau hơn 60 năm, quan điểm thực tế về nền dân chủ trong sách càng trở nên quan trọng: niềm tin vào các nền dân chủ trên thế giới đang suy giảm. Trong bối cảnh này, “The Calculus of Consent” có thể được coi là tài liệu để hiểu và đối phó với những hạn chế trong cơ chế dân chủ. Các nhà hoạt động nên chuẩn bị tinh thần đối mặt với những điểm yếu này một khi đã thiết lập được một nền dân chủ.
Ý tưởng cốt lõi của lý thuyết lựa chọn công là mọi hiện tượng xã hội đều được quy về lựa chọn của mỗi cá nhân. Nhà kinh tế học Milton Friedman ủng hộ quan điểm này khi viết bài luận "The Social Responsibility of Business Is to Increase Its Profits" (Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là tăng lợi nhuận của nó) trên báo The New York Times năm 1970:
“[Doanh nhân] có thể có nhiều trách nhiệm khác mà anh ta tự nguyện đảm nhận — với gia đình, lương tâm, từ thiện, nhà thờ, câu lạc bộ, thành phố, quốc gia... Nếu đây là ‘trách nhiệm xã hội’ thì đó là trách nhiệm xã hội của cá nhân, chứ không phải của doanh nghiệp.”
Phương pháp này dẫn đến hai kết luận quan trọng để nhận ra những điểm yếu của nền dân chủ bầu cử.
Lựa chọn chính sách theo lợi ích cá nhân: Đây là yếu tố thiết yếu để hiểu chính trị. Kết luận này chỉ ra rằng các đại diện chính phủ thường dựa vào lợi ích cá nhân khi đưa ra quyết định, thay vì vì lợi ích chung.
Một ví dụ điển hình là áp lực từ các nhóm vận động hành lang ở Mỹ thông qua các nguồn tài trợ ẩn danh từ các cá nhân giàu có nhằm chi phối chính sách theo hướng có lợi cho họ, như chống các biện pháp bảo vệ môi trường hay kiểm soát thuốc lá. Các khoản đóng góp này thường thông qua các tổ chức từ thiện để được miễn thuế và tránh công khai danh tính. Phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ trong vụ Citizens United vs. Federal Election Commission năm 2010 càng gia tăng ảnh hưởng của các đại gia này khi cho phép các cá nhân, tổ chức được tài trợ không giới hạn cho các chiến dịch tranh cử.
Nhiều nhu cầu khó thỏa mãn hoặc bị chế ngự bởi cơ chế bầu cử: Hệ thống bầu cử, đặc biệt khi chỉ cần đa số tối thiểu (trên 50%) để giành chiến thắng, không phản ánh nhu cầu thực sự của công chúng mà thiên về lợi ích của những người biết cách vận động.
“The Calculus of Consent” làm rõ cách các chính trị gia sử dụng nhuần nhuyễn phương pháp “có qua có lại” (logrolling) — tức là trao đổi phiếu bầu - để ủng hộ các chính sách mang lại lợi ích cho họ. Hai học giả John Thrasher và Gerald Gauss đã tổng kết vấn đề này:
“Dù nền dân chủ tuyên xưng là ‘sự cai trị của nhân dân’, nhưng trên thực tế, chúng ta lại thấy sự cai trị của một nhóm người này đối với nhóm người khác… Thật nghịch lý khi nền dân chủ bắt đầu với tự do và bình đẳng, nhưng kết thúc bằng việc liên minh đa số áp đặt chính sách lên thiểu số chỉ vì họ có đủ số phiếu để làm vậy.”
Cuốn sách này đặt ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời về cách áp dụng các nguyên tắc dân chủ. Chẳng hạn: Làm thế nào để cân bằng giữa tự do cá nhân và bình đẳng xã hội? Mối quan hệ giữa chính phủ và thị trường nên như thế nào để tránh can thiệp quá mức, tránh tư bản thân hữu, hay tránh chạy theo lợi nhuận bất chấp đạo đức?
Tuy vậy, “The Calculus of Consent” (và nhiều nhà kinh tế học hiện đại) chưa đề xuất được giải pháp áp dụng khả thi.
Khi đối mặt với những khuyết điểm của nền dân chủ, các lý thuyết khác như chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa vô chính phủ có thể hủy hoại các giá trị dân chủ và chủ nghĩa tư bản. Trái lại, lý thuyết lựa chọn công nhắm đến cải thiện nền dân chủ để hỗ trợ khởi nghiệp, xây dựng lưới an toàn xã hội, và bảo vệ quyền của người tiêu dùng.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.