‘Vết sẹo và cái đầu hói’ - một quyển tiểu thuyết bàn về trí thức và quyền lực

‘Vết sẹo và cái đầu hói’ - một quyển tiểu thuyết bàn về trí thức và quyền lực
audio-thumbnail
‘Vết sẹo và cái đầu hói’ - một quyển tiểu thuyết bàn về trí thức và quyền lực
0:00
/335.952

"Vết sẹo và cái đầu hói" là một quyển tiểu thuyết nổi tiếng của nhà thơ, nhà văn Võ Văn Trực (1936 - 2019), được xuất bản vào năm 2006. Tiểu thuyết này, cùng với sự ra đời của nhiều tác phẩm khác như "Ba người khác" của Tô Hoài, "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư, v.v, được báo chí bình chọn là một trong những sự kiện văn hóa văn nghệ nổi bật năm 2006.

Tác phẩm không chỉ thu hút độc giả bằng giọng văn châm biếm, dí dỏm mà còn phản ánh nhiều vấn đề nhức nhối của xã hội như tham nhũng, đạo đức giả và sự tha hóa của trí thức trong nền kinh tế thị trường. Lúc mới trình làng, cuốn sách đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận, nhất là trong giới văn chương.

Nhân vật chính của quyển tiểu thuyết, Quách Quyền Lực, là một trí thức lớn lên trong môi trường nông thôn lương thiện. Tuy nhiên, sự ngây thơ ban đầu của Lực nhanh chóng bị những cám dỗ của cuộc sống hiện đại làm cho tha hóa. Để tiến thân trong sự nghiệp, Lực không ngần ngại sử dụng mọi thủ đoạn, từ việc cướp công lao của đồng nghiệp cho tới thao túng và vu khống người khác.

***

Tiểu thuyết “Vết sẹo và cái đầu hói" dựng nên một bối cảnh khi mà học tập không còn đơn thuần là con đường để phát triển bản thân nữa, thay vào đó, nó trở thành công cụ phục vụ cho những mưu toan quyền lực.

Quách Quyền Lực đã khôn khéo thao túng hệ thống để đạt được vị trí lãnh đạo. Từ hồi còn trẻ, Lực đã hăng hái tham gia sinh hoạt đảng, nghiên cứu các văn kiện, tìm hiểu chủ trương, thuộc lòng lời của các vị lãnh tụ để thể hiện sự trung thành và hiểu biết của mình với chính quyền.

Rồi khi trở thành một nhà phê bình văn học và lãnh đạo của một viện văn hóa, sự tha hóa của Lực càng trở nên rõ rệt.

Dù nắm giữ vị trí cao nhưng Lực chẳng mảy may quan tâm đến chuyện chuyên môn của mình: đọc và nghiên cứu các tác phẩm văn học. Thay vào đó, các tác phẩm của anh ta chủ yếu là nhờ "hóng ý cấp trên" và cóp nhặt, sao chép các phân tích của người khác.

Quan điểm "trình độ học thuật và thẩm mỹ là thứ yếu, phẩm chất cao nhất phải là lập trường, tư tưởng" của Lực đã thể hiện rõ thái độ thực dụng và cơ hội nhân vật này. Có một điểm thú vị nữa trong tiểu thuyết là Lực còn thường đi coi bói, cầu nguyện cho con đường tiến thân của mình.

Tác giả đã khắc họa Quách Quyền Lực là một nhân vật đa nghi, lúc nào cũng cảm thấy như có người đang âm thầm chống đối mình. Anh ta dành phần lớn thời gian để theo dõi, truy tìm những ai có ý kiến trái chiều với mình. Ngay cả những cuộc trò chuyện bình thường, với Lực, cũng có thể trở nên nghiêm trọng và người tham gia có thể bị xem như kẻ mưu phản.

Một mặt, Lực thường xuyên đổ lỗi cho cấp dưới, chia rẽ mối quan hệ trong tổ chức và dọa nạt những người xung quanh để củng cố quyền lực của mình. Mặt khác, Lực luôn rao giảng về tư tưởng, đạo đức và ra sức chấn chỉnh người khác.

Có lẽ chỉ cần một câu trong sách cũng đủ khắc họa nên hình tượng nhân vật chính: "Càng dốt, họ càng trèo lên cao. Càng lên cao, họ càng ngộ nhận. Càng ngộ nhận, họ càng làm bừa".

Khi tổ chức các cuộc thi sáng tác, thay vì đánh giá năng lực của các ứng viên, Quách Quyền Lực sẽ quyết định giải thưởng thuộc về ai, dựa trên mối quan hệ cá nhân và tiền bạc. Khi làm chủ bút của một tờ báo, Lực trở thành tuyên truyền viên phục vụ cho lợi ích chính trị thay vì thực hiện sứ mệnh nâng cao giá trị văn hóa.

Để giữ vững vị trí lãnh đạo, Lực trọng dụng những kẻ sẵn sàng làm "tai mắt" cho mình dù người đó có bất tài tới đâu. Anh ta còn dùng tiền và nhiều thủ đoạn khác hòng tiến thân.

Điều đáng nói là trong tiểu thuyết, có những người thấy sự việc sai rõ mười mươi, như cô Chanh, cô Đào, nhưng họ vẫn không dám lên tiếng phản đối hay bày tỏ quan điểm của mình. Bởi lẽ, họ sợ rằng mọi hành động của mình, dù nhỏ nhất, mà làm phật lòng lãnh đạo thì cuộc sống hằng ngày của họ sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, trong mỗi cuộc họp hành, họ phải nói nước đôi, chỉ đưa ra ý kiến an toàn chứ không dám đụng chạm ai hay đề cập tới những vấn đề nhạy cảm.

Quyển tiểu thuyết này cũng chỉ ra rằng sự dối trá và độc ác đã trở thành một phần không thể thiếu trong xã hội. Câu nói "Thời buổi này, chỉ có phục tùng mới có thể làm được việc" mà tác giả viết ra trong tiểu thuyết, như một lời khẳng định tiêng tiếc rằng chỉ những ai biết cúi đầu, chấp nhận sự áp bức mới có thể tồn tại.

Trong bức tranh thao túng quyền lực mà Quách Quyền Lực đại diện, kẻ nịnh thần thì luôn được ưu ái, còn những người có thực lực và chính kiến thường bị nghi ngờ và gạt ra ngoài lề.

Trong khi đó, chiếc ghế lãnh đạo thường thuộc về những người có "lập trường chính trị", bất kể năng lực chuyên môn của họ có thấp đến mức nào. Chính điều này là khởi nguồn cho sự ra đời của một viện nghiên cứu "nửa hàn lâm, nửa văn nghệ quần chúng" như trong tiểu thuyết.

Cá nhân tôi cho rằng "Vết sẹo và cái đầu hói" không chỉ là một tác phẩm văn học mà còn là tiếng nói cảnh tỉnh cho những ai có trách nhiệm trong việc xây dựng và gìn giữ những giá trị đạo đức trong xã hội. Gần hai mươi năm sau khi quyển sách ra đời, thực trạng này vẫn còn tồn tại đâu đó trong xã hội, và nó khiến chúng ta không khỏi trăn trở về tương lai của đất nước mình.

Đọc thêm:

‘Ba người khác’: Tô Hoài viết về Cải cách Ruộng đất
Lời sám hối hay tiểu thuyết mắng vua?

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.