Đảo Tri Tôn - căn cứ viễn thám của Trung Quốc ở Hoàng Sa
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Đảo Tri Tôn - căn cứ viễn thám của Trung Quốc ở
Kể từ khi kiểm soát Hoàng Sa hơn 50 năm trước, Trung Quốc đã biến Phú Lâm - đảo lớn nhất ở Hoàng Sa thành thủ phủ của “thành phố Tam Sa”, nhằm quản lý tất cả các đảo trên Biển Đông. [1] Đồng thời, quốc gia này còn xây dựng một căn cứ viễn thám ở Tri Tôn - đảo gần đất liền Việt Nam nhất.
Đó là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Việt Nam trong dài hạn.
Đảo Tri Tôn cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) khoảng 121,1 hải lý (224,3 km).
Ngày 17/10, Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về Quan hệ Quốc tế (Chatham House) công bố một số hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy quân đội Trung Quốc đang xây dựng đảo Tri Tôn thành một căn cứ viễn thám hiện đại. [2]
Cụ thể, Trung Quốc đã triển khai hệ thống radar tiên tiến, có khả năng phát hiện máy bay tàng hình và tăng cường năng lực tác chiến điện tử, đồng thời mở rộng khả năng trinh sát và giám sát trong khu vực Biển Đông.
Hệ thống radar này được gọi là SIAR, viết tắt của “synthetic impulse and aperture radar”, tức hệ thống “radar xung lực và khẩu độ tổng hợp”, có dạng sóng tần số trực giao, có nhiều ưu điểm về độ tự do, độ phân giải góc cao hơn và khả năng phát hiện mục tiêu cao hơn so với radar mảng pha truyền thống. [3]
SIAR có cấu trúc hình bát giác tương tự như hệ thống mà Trung Quốc đã xây dựng trên đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa vào năm 2017, sau khi bồi đắp và xây dựng hòn đảo này thành một căn cứ quân sự lớn nhất ở Trường Sa. [4][5]
Hình ảnh vệ tinh do Chatham House công bố cũng cho thấy Trung Quốc đang xây dựng một tòa tháp gần hệ thống radar SIAR trên đảo Tri Tôn. Tòa tháp này có thể là trung tâm điều hành cho hệ thống radar.
Hệ thống radar trên đảo Tri Tôn chắc chắn không hoạt động độc lập. Nó sẽ được tích hợp vào mạng lưới radar khác mà Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông, đặc biệt là quần đảo Trường Sa.
Năm 2023, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố một báo cáo ghi nhận sự gia tăng năng lực thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt tại quần đảo Trường Sa. [6] Theo đó, hệ thống radar trên đá Subi và đảo Tri Tôn không chỉ nhằm viễn thám, nắm bắt hoạt động của các nước trong khu vực, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các hệ thống vũ khí tấn công hiện đại, như tên lửa chống hạm, phòng không. [7]
Các thiết bị do thám cố định tại các đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa và Subi ở Trường Sa cũng được phối hợp với các thiết bị do thám di động.
Vào giữa năm 2021, khi đang phong tỏa bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) do Philippines quản lý, hải quân Trung Quốc đã triển khai một tàu thu thập thông tin tình báo và một máy bay giám sát ở quần đảo Trường Sa. [8] Mục đích của các thiết bị do thám này là theo dõi các hoạt động hỗ trợ của Mỹ và Úc đối với Philippines tại khu vực này.
Trung Quốc đã mở rộng và tăng cường cơ sở hạ tầng quân sự trên các đảo nhân tạo tại Biển Đông, bao gồm 72 nhà chứa máy bay, bến tàu, thiết bị liên lạc vệ tinh, mảng ăng-ten, radar và hầm trú ẩn kiên cố cho các bệ phóng tên lửa. [9]
Trung Quốc tuyên bố các dự án này chủ yếu có mục đích nghiên cứu hàng hải, an toàn hàng hải và cải thiện điều kiện sống cho nhân viên đồn trú. [10] Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng những cơ sở hạ tầng lưỡng dụng này (kết hợp chức năng quân sự và dân sự) cung cấp sân bay, khu vực neo đậu và các cơ sở tiếp tế cho hải quân. Chúng cho phép quân đội Trung Quốc duy trì hiện diện quân sự và bán quân sự một cách linh hoạt và bền bỉ trong khu vực Biển Đông. Từ đó, tăng cường khả năng phát hiện hoạt động của các quốc gia đối thủ, có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông.
Việc triển khai hệ thống radar hiện đại trên đảo Tri Tôn, cách đất liền Việt Nam khoảng 121,1 hải lý, có vai trò chiến lược đối với Trung Quốc về mặt quân sự. Hệ thống này tăng cường khả năng phát hiện và giám sát các hoạt động trên Biển Đông, đồng thời tạo ra mối đe dọa chiến lược đối với Việt Nam.
Kết hợp với các thiết bị viễn thám có thể được lắp đặt tại căn cứ hải quân Ream ở Campuchia trên Vịnh Thái Lan, Trung Quốc có thể kiểm soát mọi hoạt động của Việt Nam ở cả hai đầu. [11]
Ngư dân Việt Nam mỗi khi ra khơi đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa cần lưu ý rằng hệ thống radar ở đó có khả năng phát hiện và theo dõi hoạt động trên biển, bao gồm tàu cá. Ngay cả hải quân Việt Nam cũng có thể gặp thử thách khi hoạt động trong khu vực này, thì những chiếc tàu đánh cá của ngư dân không thể thoát khỏi tầm mắt theo dõi của Trung Quốc.
Đọc thêm:
Mời bạn xem trên website luatkhoa.com.