Luật Khoa 360 là dạng bài toàn cảnh về một sự kiện, cung cấp thông tin đa chiều, không kiểm duyệt.
🎧
Mời bạn nghe bản audio của bài này:
Luật Khoa 360: ‘Tinh gọn bộ máy’ - thông điệp mới từ cuộc họp bất thường của Trung ương Đảng
0:00
/533.88
Khi mới nhậm chức, Tổng Bí thư Tô Lâm truyền tải thông điệp đưa đất nước “bước vào kỷ nguyên mới”. Đến nay, cụm từ “tinh gọn bộ máy” - cũng là di sản của vị đại tướng thời còn làm bộ trưởng Bộ Công an - tiếp tục được nêu ra như một công tác trọng tâm của nhà nước sắp tới.
Sáng 25/11, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII đã họp bất thường, với nhiều nội dung quan trọng liên quan tới công tác nhân sự, tinh gọn bộ máy và chương trình điện hạt nhân.
Cuộc họp diễn ra chỉ nửa ngày. Đến buổi chiều, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin.
Vấn đề tinh gọn bộ máy
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ban hành ngày 25/10/2017 do cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký, về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Ông Tô Lâm làm trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương cho công tác này.
Thời còn nắm quyền tại Bộ Công an, ông Tô Lâm đã thực hiện một cuộc đại cải cách, sắp xếp lại bộ máy tại các cơ quan công an cấp trung ương và cấp tỉnh. Trong đó, đáng lưu ý là việc điều động hơn 50.000 công an chính quy về công tác tại các xã trên toàn quốc với lý do nhằm tăng cường an ninh trật tự tại cơ sở.
Để tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18, các cơ quan như Chính phủ và Quốc hội cũng đã thành lập ban chỉ đạo riêng. Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lần lượt đứng đầu các ban chỉ đạo này.
Theo Bộ Nội vụ, giai đoạn 2016 - 2023, cả nước đã giảm gần 100.000 biên chế, vượt chỉ tiêu Bộ Chính trị giao, với công chức giảm 10,01% và viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm 11,67% so với năm 2015.
Chính phủ cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025, cả nước giảm tối thiểu bình quân 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021. Các bộ, ngành cũng sẽ phấn đấu giảm 13,5% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trước cuối năm nay.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang và luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu đã có bài viết trên VnExpress, nêu quan điểm về việc tinh giản biên chế và vai trò của nhà nước trong quản lý xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang viết: “Cắt giảm cơ học nảy sinh nhiều vấn đề, đặc biệt khi các ngành và địa phương có khác biệt lớn về nhiệm vụ và ưu tiên phát triển. Chẳng hạn, quản lý một phường trung tâm của TP. HCM rõ ràng phức tạp hơn rất nhiều so với một phường ở các tỉnh miền núi. Thế nhưng các đơn vị hành chính này lại chịu sự điều chỉnh chung bởi các quy định đồng nhất. Trong khi đó, yêu cầu cắt giảm biên chế không tính đến biến động về khối lượng công việc thực tế”.
Luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu phân tích: “Tôi tin rằng chiến dịch ‘tinh gọn’ lần này cần phải bắt đầu bằng việc tự định nghĩa lại vai trò của nhà nước trong cuộc sống xã hội. Nếu chúng ta vẫn tin rằng việc gì nhà nước quản lý vẫn hơn, thì sẽ khó có một nhà nước 'tinh gọn'. Nhưng nếu tin rằng giải quyết vấn đề xã hội không chỉ là trách nhiệm, mà còn là nhu cầu của người dân, thì khi đó chúng ta sẽ thoải mái hơn với một chính quyền tinh anh và gọn nhẹ”.
Theo quan sát của phóng viên Luật Khoa tạp chí, việc tinh giản biên chế nhằm tinh gọn bộ máy nhà nước, giảm thủ tục hành chính và tiết kiệm ngân sách, và đồng thời là xu hướng chung của nhiều quốc gia hiện đại. Tuy nhiên, tại Việt Nam, quá trình này đôi khi được thực hiện một cách máy móc, không dựa trên nhu cầu thực tế của từng địa phương và ngành nghề. Tại các thành phố lớn như TP. HCM, việc cắt giảm biên chế đã làm tăng áp lực công việc cho cán bộ và đôi lúc kéo giảm chất lượng dịch vụ công. Trong lĩnh vực giáo dục và y tế, tinh giản biên chế đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt giáo viên và nhân viên y tế.
Về Nghị quyết số 35-NQ/TW, ban hành ngày 22/10/2018, nhằm "tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới", Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo 35 để triển khai thực hiện. Chưa rõ ban này sở hữu bao nhiêu lực lượng, song có hoạt động bao trùm từ cấp trung ương tới địa phương.
Tái khởi động chương trình điện hạt nhân
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất tái khởi động chương trình điện hạt nhân, bao gồm việc tiếp tục nghiên cứu Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rằng công việc này cần được tiến hành khẩn trương nhưng phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn và bảo vệ môi trường.
Đăng ký để đọc tiếp
Đăng ký
ngay để đọc toàn văn bài viết này và truy cập tất cả các bài dành cho
thành viên trả phí ($2/tháng cho gói Member và $5/tháng cho gói Supporter).