Luật Khoa 360: Chile trục xuất cận vệ của Chủ tịch nước Lương Cường vì cáo buộc lạm dụng tình dục
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Luật Khoa 360: Chile trục xuất cận vệ của Chủ tịch nước
Cho đến nay, nhiều người dân Việt Nam vẫn nghĩ có quân và dân ta trú đóng ở Hoàng Sa. Tuy nhiên, sự thật là quần đảo đã bị Trung Quốc kiểm soát từ 50 năm trước. Và Phú Lâm - đảo lớn nhất ở Hoàng Sa - đã được Trung Quốc biến thành một cơ sở quân - dân dung hợp.
Hôm 31/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản đối việc Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam đánh cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, yêu cầu thả ngay các ngư dân bị bắt giữ trái phép, đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại. [1]
Trước đó, ngày 2/10, chính phủ Việt Nam cũng lên tiếng phản đối Trung Quốc “tấn công thô bạo” ngư dân Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.
Ngược lại, phía Trung Quốc tuyên bố quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa) là lãnh thổ của Trung Quốc và kêu gọi Việt Nam “nâng cao nhận thức cho ngư dân”, để họ không hoạt động “phạm pháp” tại vùng biển Hoàng Sa mà Trung Quốc cho là thuộc quyền tài phán của mình. [2]
Có nhiều điều về quần đảo Hoàng Sa mà mỗi người dân Việt Nam cần biết. Đó không chỉ là chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này trong lịch sử, mà còn là việc Trung Quốc đã bóp méo lịch sử, “đòi hỏi chủ quyền” đối với Hoàng Sa ra sao.
Năm 1974, Trung Quốc đã cưỡng chiếm hoàn toàn Hoàng Sa từ tay chính quyền Việt Nam Cộng hòa, và từ đó đến nay, quần đảo này nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Chính điều này đã dẫn đến những cuộc tranh chấp, đụng độ kéo dài giữa hai nước.
Bài viết này sẽ đề cập chủ yếu đến Phú Lâm - đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa - và cũng là nơi Trung Quốc đã phát triển thành trung tâm hành chính và quân sự của thành phố Tam Sa theo mô hình “quân dân dung hợp” (phát triển đồng thời và hợp nhất hai chức năng quân sự và dân sự).
Đảo Phú Lâm bị Trung Quốc chiếm đóng vào năm 1956. Thời điểm đó, Việt Nam Cộng hòa đã dựng cờ và bia chủ quyền trên một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa nhưng chưa kịp xây dựng căn cứ đóng quân. Lợi dụng tình hình này, Trung Quốc đã lén lút đưa quân chiếm đóng đảo Phú Lâm và một số đảo khác trong nhóm An Vĩnh vào đầu năm 1956. [3] [4]
Theo cuốn “Việt sử cương giám khảo lược” của Nguyễn Thông thời nhà Nguyễn, đảo Phú Lâm khi đó còn hoang sơ, chỉ có chim chóc, cây dừa và thông. [5]
Ngày nay, với tham vọng của Trung Quốc, đảo Phú Lâm đã được nước này đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn và hiện đại. Khung cảnh hoang sơ trước đây không còn nữa.
Đảo Phú Lâm hiện là nơi Trung Quốc đặt trụ sở của “thành phố Tam Sa” (Sansha City), một đơn vị hành chính cấp quận do Trung Quốc thành lập năm 2012, có chức năng quản lý hành chính đối với toàn bộ quần đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trong Biển Đông, gồm Hoàng Sa (tên Trung Quốc là Tây Sa), Trường Sa (tên Trung Quốc là Nam Sa) và đảo Pratas (tên Trung Quốc là Đông Sa, hiện do Đài Loan quản lý) và “mọi thứ” nằm trong đường lưỡi bò mà Trung Quốc đòi hỏi trên Biển Đông. [6]
Theo như nước này công bố, thành phố Tam Sa có thẩm quyền trên 280 đảo, bãi cạn, rạn san hô và các thực thể khác trong vùng, bao phủ một vùng rộng khoảng hai triệu km², tương đương 1.000 lần diện tích thành phố Hồ Chí Minh. [7]
Trước khi thành lập thành phố Tam Sa, Trung Quốc đã đầu tư phát triển đảo Phú Lâm một cách bài bản, có hệ thống. Họ xây dựng đường sá và sân bay trên đảo này từ những năm 1990.
Đến năm 2018, Trung Quốc đã cho máy bay ném bom cường kích đáp xuống đảo Phú Lâm và vào tháng 6/2020, máy bay ném bom H-6J chính thức được triển khai lâu dài trên đảo này. [8] [9]
Theo hình ảnh vệ tinh do Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) công bố, đảo Phú Lâm có hai bến cảng nhân tạo. Một số tư liệu cho biết những cảng này có khả năng neo đậu tàu thuyền lên đến 5.000 tấn. [10] [11]