Tín đồ Cao Đài độc lập đưa chính quyền ra tòa vì bị thu hồi giấy phép kinh doanh

Tín đồ Cao Đài độc lập đưa chính quyền ra tòa vì bị thu hồi giấy phép kinh doanh
Đồ họa: Ngọc Giàu/ Luật Khoa.

Bản tin tôn giáo tháng 10/2024 của Luật Khoa tạp chí có các sự kiện nổi bật:

  • Tín đồ Cao Đài độc lập kiện chính quyền vì bị rút giấy phép kinh doanh
  • Việt Nam bị cáo buộc bắt giữ tùy tiện tín đồ Phật giáo Khmer Krom
  • Cao Bằng xóa bỏ hoàn toàn đạo Dương Văn Mình

Tín đồ Cao Đài Chơn Truyền 1926 kiện chính quyền vì bị thu hồi giấy phép kinh doanh

Vào cuối tháng 9/2024, Tòa án Nhân dân thành phố Tân An, tỉnh Long An, đã mở phiên tòa xét xử vụ kiện giữa ông Lê Văn Một, tín đồ Cao Đài Chơn Truyền 1926 và Phòng Tài chính - Kế hoạch Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Tân An.

Trước đó, vào năm 2022, ông Lê Văn Một đã thành lập hộ kinh doanh mang tên Trại Hòm Phước Thiện 257 và được Phòng Tài chính - Kế hoạch UBND thành phố Tân An cấp giấy phép kinh doanh.

Tuy nhiên đến cuối năm 2023, giấy phép kinh doanh này bị thu hồi. Theo trang Bàn Tròn Đa Tôn giáo, lý do là vì ông Lê Văn Một treo biển hiệu giới thiệu mình là người Cao Đài Chơn Truyền 1926 tại cơ sở kinh doanh này.

Được biết, trong khoảng thời gian từ tháng 12/2022 đến tháng 1/2023, chính quyền đã nhiều lần tới nhà ông Lê Văn Một, yêu cầu ông tháo dỡ biển hiệu, nhưng ông không đồng ý.

Biển hiệu tại cơ sở kinh doanh của ông Lê Văn Một tại thành phố Tân An. Ảnh: Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Việt Nam.

Tại phiên tòa, hội đồng xét xử thừa nhận biển hiệu của ông Lê Văn Một không phải là biển quảng cáo kinh doanh, tuy nhiên lại không cho phép ông treo biển mà không đưa ra bất kỳ lý do nào.

Đến ngày 11/10, Tòa án Nhân dân thành phố Tân An tiếp tục mời ông Lê Văn Một lên làm việc, nhưng đến nay chưa có thông tin cụ thể nào về kết quả của buổi làm việc này.

Cao Đài Chơn Truyền 1926 là một tổ chức tôn giáo độc lập. Các tín đồ theo tổ chức tôn giáo này thường xuyên bị sách nhiễu và phân biệt đối xử.  

Gần đây, nhà nước đã tăng cường các biện pháp để hạn chế hoạt động của đạo Cao Đài. Cụ thể, vào tháng 3/2022, chính quyền đã đồng loạt làm việc với các tổ chức Cao Đài ở Đà NẵngBến TreTây NinhLong An, Kiên Giang và Tiền Giang, theo Đề án của Trung ương về “Tổng kết 30 năm thực hiện Thông báo số 34-TB/TW ngày 14/11/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chủ trương công tác đối với đạo Cao Đài”.


Việt Nam bị tố lên Liên Hợp Quốc vì bắt giữ tín đồ Phật giáo Khmer Krom

Vào ngày 22/10, Quỹ Nhân quyền (HRF) và Liên đoàn Khmers Kampuchea-Krom (KKF) đã đệ trình một bản kiến ​​nghị chung lên Nhóm công tác của Liên Hợp Quốc về Giam giữ Tùy tiện (UNWGAD).

Trong đó, họ tố cáo chính quyền Việt Nam đã bắt giữ tùy tiện hai tín đồ Phật giáo Khmer Krom là Tô Hoàng Chương và Thạch Cương. Hai tổ chức này cho rằng đây là hành động trái với luật pháp quốc tế và yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho hai người này.

Tô Hoàng Chương và Thạch Cương là hai tín đồ theo Phật giáo Khmer Krom tại Đồng bằng sông Cửu Long. Cả hai đều là những nhà hoạt động ủng hộ việc công nhận người Khmer Krom là dân tộc bản địa, cũng như các quyền tự do tôn giáo và bảo tồn văn hóa Khmer Krom.

Ông Tô Hoàng Chương (trái) và Thạch Cương tại phiên xử phúc thẩm ở Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh hôm 23/5. Ảnh: Báo Trà Vinh.

Trước đó, vào ngày 20/3, Tòa án Nhân dân huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh đã tuyên phạt ông Thạch Cương bốn năm tù và ông Tô Hoàng Chương 3,6 năm tù đến về tội "lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Đến nay, một số người Khmer Krom tại Việt Nam thường biểu tình, đòi quyền lợi về đất đai, quyền của người bản địa, tự do tôn giáo và bảo tồn văn hóa truyền thống.

Chính quyền Việt Nam khẳng định rằng người Khmer Krom được đối xử bình đẳng và bác bỏ các cáo buộc về đàn áp hay phân biệt đối xử. Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều chính sách đặc biệt đối với cộng đồng này. Nhiều tín đồ Phật giáo Khmer Krom đã vượt biên qua Campuchia vì họ cho rằng bị đàn áp và phân biệt đối xử từ các chính sách này.


Phú Yên phạt một tín đồ theo Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên

Vào ngày 3/10, Công an huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền bốn triệu đồng đối với ông Ksor Y Thêm (hay Ma Ní) vì đã lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật, cụ thể là thường xuyên tụ tập cầu nguyện tại nhà riêng và truyền đạo "Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên" trái phép.

Theo cơ quan chức năng, hành vi này vi phạm Điểm c, Khoản 4, Điều 7, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Ông Ksor Y Thêm tại trụ sở công an. Ảnh: Trang thông tin điện tử huyện Sông Hinh.

Trước đó, chính quyền đã nhiều lần đưa ông Ksor Y Thêm ra kiểm điểm công khai nhằm răn đe và ngăn chặn việc truyền bá Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, nhưng ông vẫn không từ bỏ.

Kể từ sau vụ tấn công vào trụ sở công an và chính quyền của huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, chính quyền tỏ ra nhạy cảm và có nhiều động thái siết chặt hoạt động của các tín đồ theo Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên.

Và tỉnh Phú Yên, theo quan sát của phóng viên Luật Khoa tạp chí, là có nhiều biện pháp mạnh mẽ nhất.

Trước đó, vào tháng 1/2024, Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Yên đã tuyên phạt ông Nay Y Blang, một tín đồ theo đạo này, mức án 4,6 năm tù về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".


Đắk Lắk bắt giữ một tín đồ Tin Lành độc lập

Theo thông tin của Người Thượng Vì Công Lý, vào ngày 5/9, chính quyền Đắk Lắk đã bắt giữ ông Y Thinh Niê, một tín đồ theo Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên.

Theo bài viết, một nhóm công an gồm bốn người đã bất ngờ xông vào nhà và bắt giữ vợ chồng ông Y Thinh Niê mà không đưa ra lý do cụ thể. Vợ ông được thả cùng ngày, nhưng ông Y Thinh Niê vẫn bị giam giữ.

Ông Y Thinh Niê. Ảnh: Người Thượng Vì Công Lý.

Chính quyền yêu cầu vợ ông Y Thinh Niê từ bỏ Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên để gia nhập Hội Thánh Tin Lành Việt Nam được nhà nước công nhận, nhưng bà không đồng ý. 

Trước đó, vào tháng 7/2024, ông Y Thinh Niê cùng 14 tín đồ khác đã gửi thư cho lãnh đạo Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, khẳng định quyết tâm không tham gia tổ chức này.

Ngày 24/9, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã kêu gọi trả tự do cho ông Y Thinh Niê, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thông tin mới về tình trạng của ông.


Hà Giang vận động gần 5.000 tín đồ từ bỏ đạo San Sư Khẻ Tọ 

Ngày 16/10, Công an tỉnh Hà Giang cho biết đã vận động được 748 hộ với gần 5.000 tín đồ từ bỏ tà đạo San Sư Khẻ Tọ từ năm 2018 đến nay.

Cuộc vận động này bắt đầu từ khi Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Đề án số 23-ĐA/TU về “Phòng ngừa, đấu tranh, giải quyết tình hình hoạt động của các tà đạo, đạo lạ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2025”.

Chính quyền vận động người dân không theo đạo lạ. Ảnh: Trang thông tin điện tử Công an tỉnh Hà Giang.

Hà Giang là một trong các tỉnh ra sức triệt đạo San Sư Khẻ Tọ. Tính đến tháng 10, chính quyền tuyên bố đã xóa bỏ đạo này tại các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ và Yên Minh.

Hiện nay, tỉnh Hà Giang còn 267 hộ với khoảng 1.079 tín đồ theo đạo San Sư Khẻ Tọ. Dự kiến đến năm 2025 chính quyền sẽ xóa bỏ đạo này trên toàn tỉnh.


Cao Bằng xóa bỏ hoàn toàn đạo Dương Văn Mình

Trang thông tin điện tử Quốc hội cho biết, tỉnh Cao Bằng đã xóa bỏ hoàn toàn đạo Dương Văn Mình trên địa bàn. Trước đó, vào tháng 2/2024, chính quyền tỉnh Cao Bằng đã ngăn chặn hoạt động của đạo Dương Văn Mình trên toàn tỉnh.

Như vậy, tính đến nay, có bốn tỉnh phía Bắc gồm Cao Bằng, Lào Cai, Thái Nguyên và Bắc Kạn đã tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn đạo Dương Văn Mình, hoàn thành nhiệm vụ theo Đề án số 78 do Chính phủ ban hành năm 2021 về "đấu tranh, ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình".

Đọc thêm:

Mảnh tối trên chiếc áo màu nghệ tây của Phật giáo Khmer tại Việt Nam
Những góc khuất trong chính sách đối với Phật giáo Khmer.
Tôn giáo tháng 9/2020: Số phận của những Thánh thất Cao Đài độc lập
Bản tin Tôn giáo tháng 9/2020 tập trung vào đạo Cao Đài với thông tin về việc chiếm đoạt các thánh thất Cao Đài độc lập trong mục [Bàn tay chính quyền], tám năm tín đồ Thánh thất Cao Đài Phù Mỹ bị hành hung trong mục [Ngày này năm xưa], và giới thiệu các […]

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.