‘Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín’ - vết thương sâu hoắm của chiến tranh

Những con người bị cuộc chiến cuốn trôi.

‘Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín’ - vết thương sâu hoắm của chiến tranh
Nguồn ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam. Đồ họa: Ngọc Giàu/ Luật Khoa.
🎧
Mời bạn nghe bản audio của bài này:
audio-thumbnail
‘Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín’ - vết thương sâu hoắm của chiến tranh
0:00
/312.528

Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín là tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Một, được xuất bản vào năm 2023, tái hiện bối cảnh xã hội miền Trung và miền Nam Việt Nam trước và sau năm 1975. Tâm điểm của câu chuyện là cuộc đời và mối tình của Sơn và Diễm.

Những gia đình bị chiến tranh chi phối

Sơn sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở miền Trung. Tình cảm anh em trong gia đình bị chia rẽ vì có hai người theo cộng sản và hai người theo cộng hòa. Trong khi đó, Sơn chọn đứng ngoài mọi phe phái và tỏ ra căm ghét cuộc chiến phi nghĩa.

Không muốn con mình bị giằng xé giữa các bên tham chiến, cha mẹ Sơn bán đi tài sản để đưa con đi học tú tài và trốn đi lính.

Nếu như không có quyết định này của gia đình, Sơn sẽ không bao giờ gặp Diễm, con gái của một gia đình Thiên Chúa giáo nhân hậu tại Sài Gòn. Cha mẹ của Diễm đã cưu mang Sơn trong những ngày tháng khó khăn nhất. Và như độc giả có thể đoán được, một mối tình không môn đăng hộ đối đã dần nảy nở giữa hai người.

Dù nỗ lực học hành, Sơn vẫn thi trượt tú tài và đối mặt với nguy cơ nhập ngũ. Cha của Diễm phải đưa Sơn đi trốn, nhưng bất ngờ thay, Sơn rơi vào tay Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và bỗng dưng có được một "lý lịch giải phóng". Đây cũng chính là bàn đạp giúp Sơn thoát hiểm và mở ra con đường tiến thân sau này.

Vật đổi sao dời

Sau khi trốn khỏi quân “giải phóng” và trở lại Sài Gòn, Sơn bị quân đội Việt Nam Cộng hòa bắt giam với cáo buộc là Việt Cộng.

Định mệnh đảo chiều khi chiến tranh kết thúc, Sơn được một người lính miền Bắc giúp thoát thân. Từ đó, quá khứ bị giam giữ của Sơn trở thành một “chứng chỉ tù chính trị”. Nhờ đó, Sơn không phải trải qua những ngày tháng khổ sai trong trại cải tạo.

Trong khi Sơn đứng vững nhờ lý lịch cách mạng và còn được cử đi Liên Xô học thì gia đình Diễm lâm vào cảnh khốn cùng khi tài sản bị tịch thu, còn cha Diễm thì bị đưa đi cải tạo.

Sau “ngày giải phóng”, Sài Gòn trở nên rất khác. Sự phồn vinh bỗng dưng tan tác, nhiều gia đình bị ép buộc rời thành phố để đến vùng kinh tế mới. Những đổi thay chính trị đã xóa sạch nền móng cũ của Việt Nam Cộng hòa.

Trong guồng quay của “ý thức hệ”, cuộc hôn nhân của Sơn không phải là sự lựa chọn trái tim mà là kết quả của những sắp đặt mang tính hệ thống. Còn Diễm, sau bao mất mát, đã tìm thấy lối thoát khi cùng ân nhân vượt biên và đặt chân đến Mỹ.

Chiến tranh cũng khiến con người ta ly tán và sống lùi. Tác giả kể về Hoàng - người bạn tốt của cả Diễm và Sơn và là một thi sĩ từng say mê văn thơ lãng mạn - giờ đây lặng lẽ chối bỏ đam mê của mình vì nó bị tẩy chay trong thời đại mới.

Sự đổi thay trớ trêu khác cũng hiện rõ khi những đứa con lai Mỹ từng bị kỳ thị, giờ lại được người dân săn đón và sẵn sàng trả tiền để trở thành thân nhân, sau khi Mỹ triển khai chính sách cho con lai hồi hương.

Và thêm nhiều điều khác nữa…

Những con người trong quyển sách này rốt cuộc phải sống những cuộc đời rất khác, và mỗi người ôm lấy nỗi đau riêng.

Tôi cho rằng tác phẩm tái hiện một cách chân thực những mảng màu lịch sử phức tạp vốn không ít lần đã bị lãng quên hoặc cố tình chôn giấu.

Tác giả Nguyễn Một cũng lồng ghép nhiều yếu tố lịch sử vùng miền, những con người bị kẹt giữa các luồng xung đột, như cộng đồng người Thượng, người Chăm ở Tây Nguyên. Hay đưa vào quyển sách sự kiện “di cư miền Nam”, “tập kết ra Bắc”, cuộc Hải chiến Hoàng Sa năm 1974.

Nguyễn Một cũng gợi lên những hình ảnh đầy ám ảnh, từ chuyện người lính chiêu hồi bị ruồng bỏ, những người mẹ hóa điên vì mất con, các cuộc biểu tình sinh viên ở Sài Gòn từ năm 1967 đến 1972 cho tới những “dịch vụ ngầm” trong hành trình vượt biên…

Những nghi lễ, lời cầu nguyện của Diễm và những giai điệu, lời thơ của các nhạc sĩ, nhà thơ miền Nam, như tiếng vọng của một thời đại vừa bi thương, vừa lãng mạn.

Sơn, từ một thanh niên “trốn lính cả hai phía, không nghề nghiệp, không lý tưởng”, trở thành một vụ trưởng giàu có và quyền thế trong xã hội mới. Trong khi đó, Diễm xây dựng cuộc đời mới cùng gia đình ở Mỹ.

Tuy nhiên, Sơn không chọn im lặng để giữ mãi vai trò “kẻ thắng cuộc” như mọi người nghĩ. Anh dũng cảm thừa nhận rằng mình không phải là anh hùng, rằng anh không chiến đấu vì bất cứ lý tưởng nào, mà chỉ đơn thuần là một thường dân bị dòng chảy lịch sử cuốn đi.

Sơn từ bỏ tất cả chức vụ, trở về miền Nam - nơi anh coi là quê hương thực sự - để sống một cuộc đời giản dị và không phụ thuộc vào những huyễn hoặc mà hoàn cảnh dựng nên.

Đọc Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, độc giả có thể sẽ bị ám ảnh khi nghĩ về những cuộc đời, dù đã vượt qua chiến tranh, vẫn mang trong mình những vết sẹo sâu hoắm của một thời khói lửa.

Và nếu bạn đang tò mò muốn biết hơn nữa về câu chuyện tình của hai nhân vật chính, mời bạn tìm đọc quyển sách này của Nguyễn Một.


Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

Đọc thêm:

‘Ba người khác’: Tô Hoài viết về Cải cách Ruộng đất
Lời sám hối hay tiểu thuyết mắng vua?

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.