Xã hội dân sự và phát triển quốc gia: Hỗ trợ hay đối trọng với chính quyền?

Xã hội dân sự và phát triển quốc gia: Hỗ trợ hay đối trọng với chính quyền?
Một hội nhóm văn nghệ ở Sài Gòn. Ảnh: Long (lTiga) Nguyen / Unsplash.
🎧
Mời bạn nghe bản audio của bài này:
audio-thumbnail
Xã hội dân sự và phát triển quốc gia: Hỗ trợ hay đối trọng với chính quyền?
0:00
/353.736

Ở kỳ trước, tác giả đã giới thiệu với độc giả bài viết của học giả Robert Putnam về xã hội dân sự và ý nghĩa của nó đối với sự phát triển xã hội dân chủ, tập trung vào bối cảnh xã hội Mỹ vào thập niên 1990.

Sau khi bài nghiên cứu trên của Putnam được xuất bản, giới học thuật đã có nhiều thảo luận xung quanh khái niệm, ý nghĩa, và tác động của xã hội dân chủ trong các bối cảnh xã hội khác nhau. 

Phần này xin giới thiệu nghiên cứu của hai tác giả Michael Foley và Bob Edwards: “The Paradox of Civil Society” (tạm dịch: Tính hai mặt của xã hội dân sự), được đăng trên Journal of Democracy (Tạp chí Dân chủ) vào năm 1996. [1] Bài nghiên cứu này mở rộng cuộc tranh luận về xã hội dân sự, sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về tương tác của xã hội dân sự trong các nền chính trị khác nhau. 

Xã hội dân sự: hỗ trợ hay đối trọng với chính quyền?

Hai tác giả Foley (Catholic University of America) và Edwards (East Carolina University in Greenville) chia các nhóm quan điểm về xã hội dân sự thành hai trường phái.

Trường phái thứ nhất nhấn mạnh khả năng đời sống dân sự và các hội nhóm giúp thúc đẩy các hoạt động của công dân trong một nền chính trị dân chủ. 

Nhóm này coi xã hội dân sự chỉ bao gồm các tổ chức không liên quan đến chính trị, hoàn toàn do các công dân lập nên trên cơ sở tự nguyện và tất cả cùng có lợi. Nói chung, nó nhấn mạnh đến các hiệu quả tích cực của xã hội dân sự lên quản trị nhà nước dân chủ. 

Trường phái thứ hai cho rằng xã hội dân sự bao trùm nhiều thành phần rộng hơn, có thể gồm cả các nhóm mang tính chất đảng phái chính trị, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các tổ chức dân sự với vai trò đối trọng lại chính quyền. Nhóm này cho rằng xã hội dân sự không nhất thiết giúp cho chính quyền vận hành thuận lợi hơn. Trái lại, trong bối cảnh chính trị phi dân chủ, nó còn gây trở ngại cho chính quyền. 

Trường phái thứ nhất được khởi xướng bởi các triết gia như Alexis de Tocqueville, tác giả của bộ Democracy in America (Nền dân trị Mỹ), hay như triết gia trước đó là Adam Smith. Trường phái này tập trung vào đời sống xã hội - tức mọi người đến với nhau trên tinh thần tự nguyên, tự tổ chức, hỗ trợ nhau xây dựng các trách nhiệm công dân, tôn trọng, hợp tác, và có trách nhiệm với xã hội. 

Những phẩm chất này là tối quan trọng để vận hành một xã hội dân chủ lành mạnh. Quan điểm này cho rằng những hoạt động hội nhóm như câu lạc bộ, nhóm từ thiện, nhóm dân sự là tối quan trọng trong một xã hội dân sự, nơi mọi người học hỏi và cư xử theo các quy tắc dân chủ. 

Trường phái thứ hai nổi lên trong quá trình chống nhà nước cộng sản ở Ba Lan những năm 1980. Ở đây, XHDS độc lập, tách biệt khỏi chính quyền. Nó có thể là một công cụ mạnh mẽ để chống lại chính quyền độc tài. Theo đó, XHDS không giúp cho chính quyền vận hành một cách trơn tru, mà tạo ra nhiều chướng ngại chống lại các chính quyền này. 

Tóm lại, quan điểm thứ nhất coi xã hội dân sự là con đường để xây dựng và phát triển chính quyền dân chủ, trong khi quan điểm thứ hai xem đây là phương cách để đối kháng lại nhà nước độc tài.  

Xã hội dân sự có luôn giúp gắn kết xã hội?

Đối với các lập luận của Putnam trong bài viết “Bowling Alone”, các tác giả Foley và Edwards phản biện lại một số điểm quan trọng. 

Putnam cho rằng các mạng lưới các mối quan hệ dân sự  dày đặc tạo ra bởi các tổ chức dân sự khiến cho cộng đồng gắn kết nhau, từ đó phát triển thêm các giá trị dân chủ, và giúp nhà nước dân chủ vững vàng hơn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là điều này có đúng ở mọi các bối cảnh xã hội, chính trị? Liệu có phải ở những nơi khác trên thế giới, xã hội dân sự cũng đều mang lại ảnh hưởng tốt trong việc nuôi dưỡng nền dân chủ hay không? 

Các tác giả cho rằng tuỳ thuộc vào cách thiết lập và vận hành của các tổ chức dân sự này, nó có thể thúc đẩy các giá trị dân chủ, vốn xã hội con người, gia tăng vai trò của khối dân sự, hoặc nó cũng có thể góp phần làm tăng cường sự chia cắt xã hội, bồi đắp thêm cho các nền tảng độc tài, hoặc đơn giản là hoàn toàn tách biệt với chính trị. 

Đồng thời, Putnam đã đánh giá thấp khả năng của các tổ chức mới, đặc biệt là các tổ chức chính trị, phong trào xã hội, các đảng phái chính trị trong việc gắn kết cộng đồng xã hội và thúc đẩy dân chủ. 

Thứ hai, Putnam đã không chú ý đúng tầm mức tới thực tế các trong xã hội dân sự cũng chứa đầy các mâu thuẫn. Những mâu thuẫn này, một khi không có các thỏa thuận chính trị cụ thể, có thể gây ra các xung đột xã hội và bạo lực. 

Thứ ba, điểm quan trọng nhất, là để hiểu bất cứ một nền chính trị nào, chúng ta phải xem xét đến các nền tảng chính trị của nó, và các ảnh hưởng của cấu trúc chính trị này lên xã hội. 

Nói chung, các tác giả chỉ ra những vấn đề cơ bản trong cách định nghĩa xã hội dân sự của Putnam là quá hạn hẹp. Putnam chỉ nhìn thấy các mặt tích cực của xã hội dân sự như làm tăng cường niềm tin của mọi người trong xã hội thông qua các mạng lưới và tổ chức dân sự dày đặc, mang tính chất tự nguyện, tự vận hành, và đôi bên cùng có lợi. 

Tuy nhiên, phải lưu ý rằng chính Putnam cũng thừa nhận các tổ chức dân sự xã hội chỉ có ý nghĩa như trên nếu như chúng vận hành tổng hoà, có thành viên thuộc nhiều nhóm xã hội khác nhau, chứ không chỉ đơn giản là tổ chức của những nhóm khu biệt đã có sẵn. 

Tóm lại, khi bàn về xã hội dân sự và vai trò của nó trong thúc đẩy văn minh xã hội và các giá trị dân chủ nói chung, chúng ta phải xem xét trong bối cảnh cụ thể.

(Còn nữa)

Đọc thêm:

Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội0:00/3301× Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa ra tín hiệu cải cách,
Xã hội dân sự Việt Nam: Giọt máu ngoài sân
Bài viết này nằm trong số báo tháng Mười Hai năm 2022 của Luật Khoa tạp chí, được phát hành lần đầu trên ấn bản PDF đề ngày 1/12/2022. “Giọt máu ném ra ngoài sân Thì em trong số vô phần” – Trầm Tử Thiêng Xã hội dân sự

Chú thích

Foley, M.W., & Edwards, B. (1996). The Paradox of Civil Society. Journal of Democracy 7(3), 38-52. https://dx.doi.org/10.1353/jod.1996.0048.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.