Cấm phát hành sách về Thích Minh Tuệ; Báo tin vi phạm giao thông được thưởng tiền
Các sự kiện nổi bật: * Cấm phát hành sách về Thích Minh Tuệ * Bộ Nội vụ đề xuất chi 130.
Đời sống đã cho con người có năng lực để sống, nhưng cũng cho con người năng lực để giết nhau. Một xã hội văn minh sẽ cố gắng tìm mọi cách hạn chế sự giết chóc. Một kẻ giết người đương nhiên sẽ chịu hình phạt cho tội ác của mình. Do đó, người ta kêu gọi án tử hình trong các vụ án giết người.
Dù công chúng thường kêu gọi án tử hình trong các vụ án mạng, nhưng tòa án mới là bên tuyên án. Điều gì đã khiến tòa án tuyên hình phạt tử hình cho các nghi phạm giết người? Liệu án tử hình có phải là câu trả lời hợp lý hay lại khiến các vụ án mạng ngày càng nghiêm trọng hơn?
Chúng tôi đã thu thập các bản án tử hình (được báo chí tường thuật) dành cho tội phạm giết người trong các năm 2022, 2023 và 2024.
Theo đó, tòa án đã tuyên lần lượt 45, 53 và 46 bản án tử hình trong các năm 2022, 2023 và 2024 (10 tháng đầu năm) cho tội phạm giết người.
Trong ba năm này, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn là nơi tuyên án tử hình nhiều nhất, lần lượt 26 và 23 bản án tử hình dành cho tội phạm giết người. Tiếp đến là các tỉnh An Giang (9 bản án), Kiên Giang (6), Khánh Hòa (5), Bình Phước, Cà Mau, Quảng Ngãi, mỗi tỉnh đã tuyên 4 bản án. Bắc Giang, Hải Dương, Lai Châu, Long An, Tây Ninh đã tuyên ba bản án tử hình mỗi tỉnh trong ba năm này. Các tỉnh phía Nam chiếm phần lớn số lượng án tử hình dành tội phạm giết người.
Một phần lớn bị cáo bị tuyên án tử hình vì giết người với bốn nguyên nhân sau: ghen tuông, mâu thuẫn trong gia đình, giết người cướp của, trả thù (bao gồm cả mâu thuẫn liên quan đến tình ái như giết tình địch) và các mâu thuẫn khác.
Những vụ án giết người (với bị cáo bị tuyên án tử hình) vì các nguyên nhân (phổ biến) cũng biến đổi khác nhau theo các năm. Sự thay đổi này rất có thể phản ánh các diễn biến trong xã hội và việc tòa án dùng bản án nặng nề như án tử hình để kìm hãm các loại tội phạm. Năm 2021, tác động của đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, đã có nhiều bản án tử hình hơn đối với tội giết người cướp của.
Năm 2021, 2022, 2023 có số bản án tử hình dành cho tội phạm giết người trong gia đình do ghen tuông và các mâu thuẫn khác gia tăng. Đại dịch COVID-19 có tác động mạnh đến đời sống gia đình, gây ra các căng thẳng giữa các thành viên. Việt Nam đã ghi nhận tình trạng gia tăng ly hôn, đặc biệt là ly hôn vì bạo lực gia đình trong hai năm xảy ra đại dịch. [1] Bên cạnh đó, số bản án tử hình dành cho tội phạm giết người vì thù hằn cũng gia tăng vào năm 2022.
Hơn 93% nghi phạm giết người bị kết án tử hình là nam giới. Trong khi đó, tỷ lệ giới tính của các nạn nhân bị giết hại thì đa dạng hơn: hơn 45% nạn nhân là nữ (83/186 người) và 4,3% là trẻ em (8 em).
Mối quan hệ giữa các nghi phạm và nạn nhân cũng khác nhau giữa các năm. Năm 2021 và 2022, một tỷ lệ gần giống nhau giữa các vụ án mạng giết người quen biết và người trong gia đình. Khác biệt giữa hai năm này là sự gia tăng các vụ giết người trong các mối quan hệ yêu đương ngoài gia đình. Án giết người loại này tiếp tục gia tăng nhẹ trong năm 2023. Lưu ý rằng biểu đồ của năm 2024 là các vụ án mạng xảy ra năm 2024 và đã qua xét xử trong cùng năm. Nhiều vụ án mạng khác của năm 2024 sẽ bị xét xử trong năm 2025 và 2026.
Hầu hết các vụ án giết người không quen biết chủ yếu là cướp tài sản. Còn các vụ án giết hại người quen biết thì các lý do hàng đầu là giải quyết thù hằn, mâu thuẫn cá nhân liên quan đến vấn đề tiền bạc như nợ nần lẫn nhau. Các vụ án mạng xảy ra trong gia đình thì chủ yếu do mâu thuẫn giữa vợ và chồng, mâu thuẫn cha mẹ với con cái và một số ít trường hợp là bạo hành.
Biểu đồ dưới đây thể hiện tỷ lệ nghi phạm có liên quan đến việc sử dụng ma túy, uống rượu hoặc giết người theo kiểu băng nhóm, hoặc không có liên quan đến ba yếu tố này. Phần lớn các bản án tử hình được tuyên các nghi phạm không liên quan đến ba yếu tố này, tiếp đến là giết người sau khi đã uống rượu. Để so sánh sự tác động của ba yếu tố này đến việc tuyên án tử hình dành cho tội phạm giết người cần phải thu thập các vụ án mạng nói chung trong đó bị cáo bị tuyên án tử hình và cả không bị tuyên án tử hình. Chúng tôi hy vọng có thể thực hiện việc này vào năm sau.
Trong ba năm (2022, 2023, 2024), các tỉnh sau đây đã không tuyên án tử hình cho tội phạm giết người là Bắc Kạn, Đắk Nông, Điện Biên, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Giang, Hà Nam, Hậu Giang, Kon Tum, Lào Cai, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Trị, Sơn La, Vĩnh Phúc và Yên Bái.
Có những vụ giết người với các tình tiết gần như tương đương nhau, nhưng một tỉnh lại tuyên án tử hình còn tỉnh còn lại thì không. Ví dụ như trong trong hai vụ án giết vợ tại Bắc Giang và Kon Tum, hung thủ đều sử dụng dao và cố ý giết vợ cho bằng được, nhưng Bắc Giang đã tuyên án tử hình, còn Kon Tum thì tuyên án 13 năm tù giam. [2][3] Sự khác biệt giữa hai vụ án này là nghi phạm ở Kon Tum là người dân tộc thiểu số.
Khoảng 50% dân số tại Kon Tum là người dân tộc thiểu số. Dù mức độ án mạng có tàn nhẫn ra sao, trong số 16 nghi phạm giết người là người dân tộc thiểu số tại tỉnh này thì chỉ có một người bị tuyên án tù chung thân.
Trong các tỉnh không tuyên án tử hình cho tội giết người thì một số tỉnh có đông dân là người dân tộc thiểu số như Gia Lai (46% người dân tộc thiểu số), Bắc Kạn (88%), Điện Biên (70%), Hà Giang (87%), Lào Cai (66%), Yên Bái (57%).
Rất có thể yếu tố sắc tộc là vấn đề được tòa án những tỉnh này cân nhắc khi tuyên án tử hình cho tội phạm giết người. Trong số 144 bản án tử hình mà chúng tôi thu thập (2022-2024), chỉ có ba bản án dành cho người dân tộc thiểu số tại Lâm Đồng, An Giang và Lai Châu. Cả ba vụ án đều xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình. [4][5][6]
Trong lúc thu thập những vụ án mạng này, điều khiến chúng tôi băn khoăn là án tử hình chẳng những không giảm được số vụ án mạng, mà còn làm tăng yếu tố tàn nhẫn trong các vụ án giết người.
Án tử hình dễ gieo vào đầu người ta rằng dù giết một, hai, ba hay bốn nạn nhân, hay kể cả vụ án phóng hỏa mới đây giết chết 11 người thì mức án tối đa mà họ có thể nhận được là như nhau. Đó chính là án tử hình.
Có một số vụ án mạng hung thủ đã cố tình giết nhiều người trong một lần để trả thù. Ví dụ như một vụ án năm 2023 tại Cà Mau, một bị cáo đã giết vợ của mình vào lúc 7 giờ sáng, xong giết tiếp mẹ vợ vào lúc 4 giờ chiều, và chờ thêm một giờ đồng hồ nữa để giết cha vợ. [7]
Đối với các vụ án vô ý làm chết người, án tử hình có thể làm trầm trọng thêm tình hình. Người “lỡ tay” gây ra án mạng, hoặc tưởng như mình đã gây ra án mạng, vì không chắc mình sẽ bị tuyên án tử hình hay không, nên tốt hơn hết thì họ sẽ cố tình che giấu tội ác bằng mọi giá như giết nạn nhân cho bằng bằng được, trốn chạy hoặc tìm cách tiêu hủy xác chết bằng nhiều cách. Án tử hình lúc này khiến con người phi nhân tính hơn.
Trong khi đó, nếu như “lỡ tay” gây ra án mạng, một xã hội có một hình phạt tù giam nhất định (không có án tử hình) có thể khiến người đó phải suy nghĩ, bằng mọi giá phải giảm thiểu hậu quả để nhận được bản án thấp hơn.
Án mạng đã gia tăng trong những năm qua cả về số lượng và tính chất trầm trọng. Án tử hình rất có thể tác động rất thấp đến việc răn đe án mạng. Bản án này chỉ còn là một hình phạt nhằm loại bỏ người phạm tội ra khỏi xã hội, khi tòa án xét thấy người đó không còn khả năng cải tạo. Tuy nhiên, việc đánh giá này nhìn chung dù dựa trên căn cứ nào cũng đều cảm tính, gây nên tình trạng bất công khi các vụ án với tính chất nghiêm trọng khác nhau lại cùng bị tuyên một bản án giống nhau.