Thư cuối tuần - 4/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Chúng tôi chúc bạn có những ngày đầu năm hanh
Một hãng bảo hiểm tại Việt Nam ước tính chi phí để nuôi một đứa trẻ đến khi học hết đại học là 1 tỷ đến 1,4 tỷ đồng. Không chỉ là vấn đề tài chính, nuôi nấng một con người còn là vấn đề thời gian chăm sóc, dạy dỗ để con người đó có thể hòa nhập, đóng góp cho xã hội. Con người còn là sự gắn bó về tình cảm, nơi nương tựa của những con người khác.
Trái ngược với sự sống là cái chết. Cái chết có thể đến bằng nhiều cách khác nhau. Chết do bệnh tật. Chết do đột tử. Chết do dịch bệnh. Chết do tai nạn. Để bảo vệ mạng sống của con người, người ta làm mọi cách để phòng ngừa những cái chết xảy đến. Nhưng có một cái chết mà người ta không thể phòng ngừa được. Đó là chết do bị giết hại.
Án mạng là một trong những cái chết đến một cách bất ngờ, tàn nhẫn nhất đối với con người. Người ta có thể bị giết ở bất cứ nơi nào, trên bàn nhậu, trên đường phố, trong khách sạn, nơi làm việc và kể cả tại nhà riêng của mình. Người ta có thể bị giết bởi bất kỳ ai, người lạ, người quen, họ hàng và kể cả người nhà của mình.
Vào tháng 12/2024, một người đàn ông đã châm lửa đốt một quán cà phê tại Hà Nội. Vụ phóng hỏa đã giết chết 11 người.
Hiếm ai nghĩ rằng mình sẽ bị giết. Vậy mà chỉ trong năm 2023 đã có 857 người bị giết hại. Số vụ án giết người đang gia tăng. [1]
Theo chính quyền, số vụ án mạng trong năm 2021 giảm đi do đại dịch COVID-19, nhưng tính chất của các vụ án giết người ngày càng tàn độc hơn. Năm 2022, số vụ án mạng tăng lên 26%. Năm 2023 trở thành năm có số vụ án mạng cao nhất. [2]
Năm 2014, 2016 và 2017 là những năm chúng tôi chưa tìm được số liệu. Trong ba năm này đều ghi nhận trên 1.000 vụ án mạng. Trong chín tháng đầu năm 2016, số vụ án mạng tăng 10% so với năm 2015. [3]
Vì sao người giết người? Liệu những cái chết tức tưởi vì bị giết hại có chính là những dấu hiệu phản ánh những biến đổi tiêu cực trong xã hội? Câu trả lời là có.
Từ tháng 9/2019, Bộ Công an đã đưa lên website của mình tỷ lệ phần trăm án giết người trong tổng số vụ phạm pháp mỗi tháng. [4] Số liệu mỗi tháng được tính từ giữa tháng trước đó đến giữa tháng được nêu số liệu. Số liệu này đã được tính ra thành số vụ án mạng như biểu đồ dưới đây. Bạn sẽ thấy năm 2022 và 2023 đã tạo ra một số lượng lớn các vụ án mạng trong tổng số vụ án giết người. Nguyên nhân do đâu?
Biến động lớn nhất trong các năm này là đại dịch COVID-19. Từ năm 2020, Việt Nam bắt đầu chịu tác động của đại dịch. Tổng cục Thống kê cho biết mức tăng trưởng kinh tế trong sáu tháng đầu năm 2020 là thấp nhất so với cùng kỳ của 10 năm trước đó. [5] Một trong những biện pháp phòng chống dịch đã gây ảnh hưởng lên sức khỏe, tinh thần, kinh tế của người dân là giãn cách xã hội, hay phong tỏa các khu vực dân cư. Trong tháng 5 và tháng 6/2020, số vụ án mạng đã tăng hơn 50% (từ 80 lên đến 121 vụ).
Năm 2021, chính quyền thực hiện giãn cách xã hội mạnh mẽ hơn. Các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh với ba tháng giãn cách xã hội, Hà Nội với 4 đợt giãn cách cùng với sự giãn cách ở hơn 60 tỉnh khác đã khiến các vụ án mạng giảm đáng kể do người dân bị hạn chế đi lại. [6][7]
Tuy nhiên, trong hai năm 2022 và 2023, sau thời gian dài chịu đựng các sang chấn trong đại dịch cũng như các cách ứng phó yếu kém của chính quyền, số vụ án mạng lại gia tăng.
Chỉ có một tháng trong năm 2020 có số vụ án mạng qua con số 100 (tháng 6). Tương tự, đối với năm 2021 cũng chỉ có một tháng (tháng 5). Tuy nhiên, năm 2022, có đến 9 tháng số vụ án mạng vượt qua con số 100 vụ, và đối với năm 2023 là 8 tháng. Đến năm 2024, có 6 tháng xảy ra từ 90 đến hơn 100 vụ án giết người.
Nếu các tỉnh, thành có thể giảm số vụ án mạng thì tổng số vụ án mạng sẽ giảm. Tài liệu thống kê hiếm hoi về các vụ án mạng được công bố năm 2024 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) cho biết có 10 tỉnh có số vụ án mạng gia tăng và 10 tỉnh giảm trong ba năm gần đây. Chênh lệch giữa số vụ án mạng giảm và tăng là 155 vụ. [8]
So sánh hai khoảng thời gian 2021-2023 và 2018-2020. số vụ án mạng tại TP. Hồ Chí Minh giảm nhẹ, số vụ án mạng tại Hà Nội chỉ tăng hai vụ. Trong khi đó, tổng số vụ án giết người trong ba năm 2021, 2022, 2023 gia tăng đáng kể. Điều này có nghĩa là án mạng đang xảy ra nhiều hơn ở các tỉnh.
Chúng tôi đã thu thập số vụ án mạng xảy ra theo năm tại các tỉnh, thành có công bố số liệu trên Internet. Một số tỉnh có số vụ án mạng gia tăng rất nhanh như Thanh Hóa, Gia Lai. Một số nơi có các vụ án mạng gia tăng trong những năm 2021, 2022, tức là trong thời gian xảy ra dịch COVID-19.
Số nạn nhân đương nhiên gia tăng theo số vụ án mạng. Trong ba năm, từ năm 2021 đến năm 2023, số nạn nhân đã tăng thêm 583 người (tổng số 4.291 người) so với ba năm trước đó (tổng số 3.171 người). [9]
Điều gì đã khiến những người này bị giết hại? Mối quan hệ giữa họ và hung thủ ra sao? Họ đã bị giết hại như thế nào? Hung thủ đã bị trừng phạt ra sao? Nếu cố gắng tìm câu trả lời từ các công bố của nhà nước, bạn sẽ có những đáp án sơ sài.
Chúng tôi đã thu thập số vụ án giết người xảy ra tại hai tỉnh là Bắc Giang và Kon Tum từ các tường thuật báo chí nhà nước. Đây là hai tỉnh mà chính quyền có khi phải báo động về tình trạng án mạng xảy ra hàng loạt trong một thời gian ngắn. Điều gì ẩn giấu đằng sau những vụ án mạng này?
Năm 2023, Bắc Giang với 2 triệu dân cho biết tỉnh này xảy ra 6 vụ án giết người chỉ trong vòng một tháng, và cả năm là 19 vụ giết người. [10]
Trong khi đó, Kon Tum chỉ có hơn 200 nghìn dân vào năm 2021 nhưng đã xảy ra 24 vụ án mạng, trung bình mỗi tháng có 2 vụ giết người, cao gấp 3 lần năm 2020. [11]
Sau đây là số vụ án giết người (đa số có nạn nhân bị giết hại) từ năm 2021 đến năm 2024 tại Bắc Giang và Kon Tum. Số liệu này được thu thập từ các bài báo trên Internet. Cũng như xu hướng chung, hai tỉnh Bắc Giang và Kon Tum đều có số vụ án mạng gia tăng sau thời kỳ giãn cách xã hội.
Trong các vụ án mạng trên, Bắc Giang có 39 nạn nhân, Kon Tum có 30 nạn nhân. Bắc Giang xuất hiện tình trạng giết nhiều người một lần. Năm 2021, một người đàn ông đã giết hại ba người thân của mình là em gái, mẹ và cha. [12] Một vụ án khác với hai người chết chưa rõ nguyên nhân. [13] Còn Kon Tum chỉ xảy ra một vụ án với hai nạn nhân theo kiểu thanh toán băng nhóm. [14]
Tại hai tỉnh này, một phần đáng kể các vụ án mạng là giết người thân trong gia đình, ví dụ như giữa cha với con, chồng với vợ, anh với em.
Tại Bắc Giang, 40% các vụ giết người liên quan đến ghen tuông, mâu thuẫn vợ chồng (15/30 vụ án). Tỷ lệ này ở Kon Tum chỉ là 10% (3/30 vụ án). Tuy nhiên, trong 16 vụ án do mâu thuẫn khác tại Kon Tum thì 10 vụ việc xảy ra trong gia đình.
Hơn 80% các nạn nhân tại Bắc Giang và Kon Tum đã bị sát hại bằng dao. Những cách thức giết người khác là treo cổ (vụ án này có nghi phạm là chồng của nạn nhân và nghi phạm cũng đã tự tử tại hiện trường vụ án), giăng bẫy điện, đẩy xuống lầu đều xảy ra ở Bắc Giang. Tại Kon Tum là dùng phương tiện tông nạn nhân. [15][16][17][18]
Bia rượu là một trong những tác nhân đáng kể trong các vụ án giết người tại hai tỉnh này. Bắc Giang có 30% nghi phạm đã uống rượu khi gây án (11/36 người), trong đó có ba người uống rượu và giết người thân của mình. Tỷ lệ này tại Kon Tum là 47% (16/34 người), trong đó có 10 người giết hại người thân sau khi uống rượu. 14% nghi phạm (5/36 người) tại Bắc Giang giết người theo kiểu thanh toán băng nhóm, và tại Kon Tum là 26% (8/34).
Bạn có thể thấy các vụ án mạng xảy ra dưới rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Có những nguyên nhân riêng như khúc mắc, sự dồn nén, căng thẳng trong những vấn đề riêng giữa những con người đó với nhau. Và có những nguyên nhân chung liên quan đến sự bất ổn của xã hội, bấp bênh kinh tế có thẻ khiến một người vốn đã căng thẳng nay lại càng căng thẳng hơn.
Mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi trong đời sống. Tuy nhiên, mâu thuẫn đến mức phải giết người là điều có thể tránh. Giảm bớt những sự tác động tiêu cực về khía cạnh cá nhân và xã hội có thể sẽ là cách giảm bớt số vụ án mạng.
Trong những vụ án giết người có chủ đích, kẻ thủ ác có thể đã không tìm được cách giải quyết nào khác ngoài đi đến hành động giết chóc. Nhưng nếu họ biết sẽ có những phương cách giúp họ có một lối thoát, và dễ dàng tiếp cận được thì có thể án mạng đã không xảy ra. Đó có thể là việc được tư vấn tâm lý, được tạo việc làm, được can thiệp kịp thời và triệt để trong bạo lực gia đình, thì có thể án mạng đã không xảy ra.
Rất tiếc, xã hội Việt Nam đang thiếu những cách tiếp cận này. Thay vào đó, hình phạt được cho là một trong những giải pháp nhằm trấn áp tội phạm giết người, trong đó có án tử hình.