Cấp tập ‘tinh gọn bộ máy’

Chủ trương tinh gọn bộ máy của Tổng Bí thư Tô Lâm lần này khởi sự bằng việc sắp xếp lại các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và một số báo đài cấp trung ương.

Cấp tập ‘tinh gọn bộ máy’
Nguồn ảnh: TTXVN. Đồ họa: Ngọc Giàu/ Luật Khoa.

Ông Tô Lâm đặt thời hạn cho việc tinh gọn bộ máy là quý I/2025, với phương châm "trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng".


Ngày 1/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, đề ra giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.

Đặc biệt, hội nghị này còn nhằm quán triệt và triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trước đó, ngày 25/11, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh việc tinh gọn bộ máy phải được thực hiện đồng bộ và gắn với việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. 

🎧
Mời bạn nghe bản audio của bài này:
audio-thumbnail
Cấp tập ‘tinh gọn bộ máy’
0:00
/539.952

Phương án sắp xếp, sáp nhập bộ máy hành chính


Phương án sắp xếp, sáp nhập để giảm năm bộ và bốn cơ quan thuộc Chính phủ gồm:

1/ Giữ nguyên bảy bộ, cơ quan ngang bộ là Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2/ Sáp nhập và cơ cấu lại 15 bộ, cơ quan ngang bộ:

  • Sáp nhập Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính, dự kiến tên mới là Bộ Tài chính - Đầu tư Phát triển hoặc Bộ Kinh tế Phát triển.
  • Sáp nhập Bộ Giao thông Vận tải với Bộ Xây dựng, dự kiến tên mới là Bộ Hạ tầng - Đô thị.
  • Sáp nhập Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dự kiến tên mới là Bộ Nông nghiệp - Tài nguyên, Môi trường.
  • Sáp nhập Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Khoa học và Công nghệ, dự kiến tên mới là Bộ Chuyển đổi số - Khoa học, Công nghệ hoặc Bộ Chuyển đổi số, Khoa học, Công nghệ - Thông tin.
  • Sáp nhập Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với Bộ Nội vụ, dự kiến tên mới là Bộ Nội vụ - Lao động.

3/ Chuyển giao chức năng quản lý:

  • Chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sang Bộ Giáo dục và Đào tạo.
  • Chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sang Bộ Y tế.

4/ Sắp xếp các cơ quan thuộc Chính phủ:

  • Kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp và Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
  • Sắp xếp Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ; Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. HCM.

Theo phương án này, bộ máy hành chính sẽ giảm từ 30 xuống còn 21 đầu mối, gồm 13 bộ, bốn cơ quan ngang bộ và bốn cơ quan thuộc Chính phủ.

Ngoài ra, Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ được chuyển về Ủy ban Dân tộc để thành lập Ủy ban Dân tộc - Tôn giáo.

Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII cũng chủ trương nghiên cứu, đề xuất kết thúc mô hình tổng cục trực thuộc các bộ, sắp xếp các đơn vị như Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và một số cơ quan khác. 

Phương án sắp xếp, sáp nhập báo đài cấp trung ương


Chính phủ cũng trình phương án sắp xếp, sáp nhập một số báo đài cấp trung ương như sau:

  • Kết thúc hoạt động của các kênh truyền hình: Thông tấn (thuộc Thông tấn xã Việt Nam), VOVVTC (thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam), Nhân Dân (thuộc báo Nhân Dân) để chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam.
  • Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam chuyển về báo Nhân Dân; các tạp chí của các ban đảng cấp trung ương chuyển về Tạp chí Cộng sản

Phương án sắp xếp, sáp nhập các ban đảng cấp trung ương


  • Sáp nhập Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương.
  • Kết thúc hoạt động của Ban Đối ngoại Trung ương, chuyển các nhiệm vụ chính về Bộ Ngoại giao và một phần công việc về Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản.
  • Kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương, chuyển nhiệm vụ về Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Y tế và một số bệnh viện cấp trung ương.

Lộ trình thực hiện


Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Tô Lâm, lộ trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy các cơ quan cấp trung ương được triển khai như sau:

  • Từ ngày 1/12/2024, tạm dừng việc bổ nhiệm và giới thiệu ứng cử giữ chức vụ cao hơn đối với các cơ quan, đơn vị dự kiến sắp xếp, tinh gọn.
  • Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổng kết, đề xuất các phương án đúng tiến độ (trong tháng 12/2024), hướng tới mục tiêu chung là hoàn thành và báo cáo Ban Chấp hành Trung ương trong quý I/2025.
  • Theo Bộ Nội vụ, hiện tại, việc sắp xếp bộ máy mới chỉ được triển khai ở các cấp trung ương. Các đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ được sắp xếp sau; hiện cũng chưa có chủ trương sáp nhập các tỉnh, thành. 
  • Trước đây, ngành công an dưới quyền của ông Tô Lâm đã sắp xếp bộ máy ở cấp trung ương và cấp tỉnh. Đồng thời, tăng cường lực lượng ở cơ sở bằng việc điều động hơn 50.000 cán bộ công an chính quy về công tác tại các xã trên toàn quốc vào năm 2023.

Ghi nhận của Luật Khoa tạp chí


  • Theo quan sát của phóng viên Luật Khoa, quá trình sáp nhập các cơ quan nhà nước hiện cũng gây ra tâm lý hoang mang và lo lắng trong đội ngũ công nhân viên chức. Đặc biệt, có một sự tiếc nuối bao trùm lên những người đã gắn bó với ngành lao động, thương binh và xã hội - lĩnh vực có truyền thống lâu đời và tiệm cận trực tiếp với đời sống của người dân. Một số chuyên gia công tác xã hội cũng cảnh báo phương án sáp nhập nếu không được thực hiện cẩn thận có thể làm gián đoạn việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho nhóm đối tượng yếu thế như người nghèo và người khuyết tật.
  • Các báo đài cũng đang trải qua một cuộc “quy hoạch báo chí” lần hai trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy này. Một nguồn tin từ bạn đọc gửi cho Luật Khoa ghi nhận rằng người lao động như phóng viên, biên tập viên trong nhiều cơ quan báo đài đang lo ngại về tương lai của họ. Đài VTC cho rằng thông tin VTC sẽ được sáp nhập về VTV đang khiến cho dư luận hiểu là VTC bị xóa sổ và khiến nhiều doanh nghiệp quay lưng với các chương trình dịp tết do đài này tổ chức. Một số vấn đề như trưng dụng trụ sở sau khi cơ quan chấm dứt hoạt động, VTV hay Thông tấn xã Việt Nam sẽ tiếp nhận nhân lực từ các đơn vị thế nào, v.v, cũng được nêu ra trong nguồn thông tin mà bạn đọc gửi về.
  • Ngày 3/12, tờ BBC News Tiếng Việt đưa ra nhận định rằng chủ trương tinh gọn bộ máy của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII lần này là “phép thử cho Tổng Bí thư Tô Lâm trước Đại hội XIV” (đại hội dự kiến diễn ra vào tháng 1/2026). Chủ trương này cũng cho thấy sự khác biệt trong phong cách lãnh đạo của ông Tô Lâm so với người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng khi ông Trọng chỉ tập trung vào củng cố các ban đảng hơn là tinh gọn bộ máy hành chính. Trong khi đó, bộ máy hiện tại quá cồng kềnh, nhiều cơ quan chồng chéo và "ngốn" tới 70% ngân sách quốc gia.
  • Viết trên Dân Việt, nhà báo Lê Thọ Bình bày tỏ lo ngại về việc cắt giảm bộ máy và nhân sự một cách cơ học, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc xử lý hợp lý nguồn nhân lực dôi dư. Ông nêu ra sáu giải pháp gồm đánh giá năng lực và tái phân bổ nguồn nhân lực; đào tạo lại và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; chính sách nghỉ hưu hoặc nghỉ việc có chế độ; cơ chế minh bạch và công bằng; đảm bảo an sinh xã hội; thay đổi tư duy và văn hóa quản lý.
  • Trả lời phỏng vấn Dân Trí, Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, nhấn mạnh rằng việc tinh gọn bộ máy cần đi đôi với giảm biên chế để tránh ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ và gánh nặng ngân sách. Ông cảnh báo rằng nếu không thực hiện đồng bộ thì có thể dẫn đến tình trạng cán bộ "nhìn nhau, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm". 
  • Trả lời phỏng vấn Vietnamnet.vn, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đã chỉ ra mô hình quản lý hành chính theo cơ chế "song trùng trực thuộc" của nước ta hiện nay (tức là các cơ quan vừa trực thuộc bộ, vừa trực thuộc ủy ban nhân dân) và điều này đang làm cho bộ máy hành chính cồng kềnh, phức tạp. Trong khi đó, pháp luật hiện hành làm phình to bộ máy, làm chậm và ách tắc các dự án đầu tư công. Do đó, ông cho rằng cùng với việc sáp nhập các bộ, cần xem xét sửa đổi luật pháp để tránh tình trạng ách tắc trong quản lý hành chính.

Đọc thêm:

Luật Khoa 360: ‘Tinh gọn bộ máy’ - thông điệp mới từ cuộc họp bất thường của Trung ương Đảng
Khi mới nhậm chức, Tổng Bí thư Tô Lâm truyền tải thông điệp đưa đất nước “bước vào kỷ nguyên mới”. Đến nay, cụm từ “tinh gọn bộ máy” - cũng là di sản của vị đại tướng thời còn làm bộ trưởng Bộ Công an - tiếp tục được nêu ra như một công tác trọng tâm của nhà nước sắp tới.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.