Bốn yếu tố giúp Hàn Quốc đánh bại lá bài 'thiết quân luật' của tổng thống
Nền dân chủ non trẻ của Hàn Quốc chứng tỏ sự trưởng thành.
Dương Thu Hương là một trong những nhà văn nổi tiếng viết về chủ đề chiến tranh, đặc biệt là con người và xã hội Việt Nam thời hậu chiến.
Bà có nhiều tác phẩm tiêu biểu như Những thiên đường mù, Tiểu thuyết vô đề, Hành trình ngày thơ ấu và Chốn vắng.
Lấy bối cảnh ở một ngôi làng tại miền Trung, tiểu thuyết Chốn vắng kể về bi kịch của những con người bình thường trong thời kỳ hậu chiến.
Nhân vật chính của câu chuyện là Miên, một người phụ nữ bị giằng xé giữa hai cuộc hôn nhân với Bôn và Hoan.
Ban đầu, Miên kết hôn với Bôn trước khi anh lên đường ra trận. Sau nhiều năm không biết tin tức gì của Bôn, một ngày nọ, Miên nhận giấy báo tử của chồng.
Sau đó, Miên tái hôn với Hoan - một doanh nhân thành đạt. Cuộc hôn nhân viên mãn của Miên và Hoan được cả làng ngưỡng mộ.
Nhưng rồi một ngày nọ, Miên trở về nhà và nhìn thấy đám đông vây quanh một “người hùng”. Người chồng đầu tiên của Miên là Bôn bỗng dưng trở về.
Thế là từ chỗ được ngưỡng mộ, đôi vợ chồng trẻ bỗng trở thành những kẻ bị xã hội đối đãi như tử tù trước giờ hành quyết.
Dưới áp lực của xã hội và như một luật bất thành văn, Miên phải trở về với Bôn - "kẻ đã mất đi một phần đời, giờ trở lại đòi phần còn sót".
Dù đau đớn nhưng Hoan vẫn chấp nhận nghịch cảnh với lòng bao dung đáng kinh ngạc, thậm chí anh còn hỗ trợ tài chính cho Miên để chăm sóc Bôn.
Trước đây, Hoan từng vào quân ngũ, và anh biết việc "trở thành quân nhân là cách duy nhất để khẳng định phẩm giá con người".
Anh hiểu rằng những người lính trở về từ chiến trường luôn được xã hội ưu ái, và dù có chiến công hay không thì họ luôn có trong tay tấm kim bài dẫn tới mọi đặc quyền. Nếu họ lên tiếng đòi lại phần hạnh phúc của mình thì không ai đủ sức tranh giành, vì sự hy sinh của họ đã mặc nhiên trở thành một thứ quyền lực không lời đặt lên trên tất thảy.
Trong khi đó, dù Miên đã quay lại bên cạnh mình, Bôn vẫn mang nặng mặc cảm vì anh trở về từ chiến trường và không có tiền bạc hay kinh nghiệm gì, sức lực thì cũng đã cùng kiệt.
Hành trang duy nhất còn lại trong Bôn chỉ là ký ức của một thời đạn bom, khói lửa.
Để cầm tù trái tim của Miên và xoa dịu nỗi mặc cảm thua kém Hoan, Bôn tìm mọi cách để có con với Miên. Bôn nuôi oán hận trong lòng, cho rằng chính Hoan đã phá nát cuộc đời mình và thậm chí toan tính giết Hoan...
Chốn vắng không chỉ xoáy sâu vào bi kịch cá nhân, mà qua đó, Dương Thu Hương còn phản ánh những hệ lụy nhức nhối của chiến tranh.
Đó là câu chuyện chính quyền kêu gọi phụ nữ chưa chồng kết hôn với thương binh như một cách "đền ơn đáp nghĩa".
Đó là vấn đề mại dâm, khi phụ nữ phải chọn con đường bán thân để sinh tồn và bị xã hội khinh rẻ.
Đó là sự thao túng tâm lý của đám đông, khi cá nhân bị những luật lệ bất thành văn áp đặt mà không thể nào kháng cự.
Dương Thu Hương đã vẽ nên bức tranh sắc nét về những số phận bị chiến tranh nghiền nát. Ở thời kỳ hậu chiến, có những con người sống sót nhưng không thể hòa hợp với thực tại.
Họ trở thành những mảnh đời lạc lõng, bị bỏ rơi giữa thời kỳ mà hòa bình không đồng nghĩa với hạnh phúc hay sự giải thoát.
Để biết cái kết của câu chuyện, mời bạn tìm đọc Chốn vắng của Dương Thu Hương.