‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc0:00/212.281× Được xuất bản vào
Được xuất bản vào năm 2022, Dọc đường là tuyển tập gồm 34 bài ghi chép của Nguyên Ngọc - nhà văn nổi tiếng với các tác phẩm viết về đời sống và con người ở vùng núi rừng Tây Nguyên.
Qua Dọc đường, Nguyên Ngọc còn cho thấy những suy ngẫm sâu sắc của ông về tự do ngôn luận và con đường tri thức của dân tộc Việt Nam.
Cuốn sách có thể được chia thành ba phần.
Ở phần đầu tiên, Nguyên Ngọc nhìn lại nỗ lực của những danh nhân Việt Nam trong việc đặt nền móng và bảo vệ tự do ngôn luận. Theo ông, họ cần được đánh giá đúng với tầm vóc và cống hiến của mình.
Nguyên Ngọc tôn vinh Nguyễn Văn Vĩnh là “người khổng lồ” của đầu thế kỷ XX. Nguyễn Văn Vĩnh là một trí thức tiên phong trong việc truyền bá quốc ngữ và hiện đại hóa văn hóa Việt Nam. Vừa là dịch giả tài hoa, vừa là người khai sáng sân khấu hiện đại, đồng thời là đồng sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục, Nguyễn Văn Vĩnh từng bị một số người trong hệ thống giáo dục chính thống coi là "bồi bút" và "tay sai cho Pháp".
Nguyên Ngọc cũng nhắc tới những trí thức Tây học nhưng đậm cốt cách nhà Nho như Phan Bội Châu, Nguyễn Đình Chiểu. Theo ông, họ học tập không phải để trở thành nô lệ cho tư duy Nho giáo, mà để tự do vượt qua những khuôn mẫu cố định. Như Phan Bội Châu đã kết hợp giữa tư tưởng Nho giáo và tinh thần cách tân, sáng lập phong trào Đông Du với mong muốn đưa thanh niên Việt Nam sang Nhật học tập để về giúp nước. Như Nguyễn Đình Chiểu, dù bị mù, vẫn kiên trì sáng tác những tác phẩm văn học yêu nước.
Từ đó, Nguyên Ngọc không khỏi ngậm ngùi và tự hỏi bao giờ đất nước mới lại có được những thế hệ vàng như thế kỷ XX.
Nguyên Ngọc cũng bày tỏ suy nghĩ của mình về nhiều trí thức và văn nghệ sĩ Việt Nam như Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Quỳnh, Lê Đạt, Đặng Thị Hạnh, Nguyễn Ngọc Tư trong việc thúc đẩy văn hóa và tư tưởng Việt Nam.
Phần hai của Dọc đường, Nguyên Ngọc suy ngẫm về ngôn ngữ, giáo dục và dịch thuật. Theo ông, dịch thuật không chỉ làm giàu tri thức mà còn là quá trình dân chủ hóa tư tưởng và mở ra cánh cửa hiện đại hóa đất nước. Nó không chỉ ở chuyện văn chương, mà còn phản ánh những quan niệm sống.
Từ đó, ông nhấn mạnh vai trò của trí thức, ghi nhận công lao của các nhà nghiên cứu Pháp trong việc khai sáng tri thức Việt Nam, đồng thời lưu ý với hậu thế rằng trí thức không chỉ đấu tranh cho tự do ngôn luận, mà còn cần lên tiếng thay cho những người bị lãng quên ở rìa xã hội.
Và để làm được điều đấy, theo ông, trí thức phải thường xuyên tự ý thức, tự phê bình và không ngừng cải thiện: “Một xã hội muốn tiến lên thì phải thường xuyên tự nhìn lại mình, tự ý thức lại về chính mình. Trí thức là sự tự ý thức lại thường trực của xã hội. Tự ý thức lại, tự phê bình lại thường trực, không ngừng”.
“Trí thức do vậy mà trở thành lương tâm của xã hội, phát ngôn nhân của những lực lượng tiến bộ trong xã hội ở bất cứ giai đoạn nào của lịch sử”, ông viết.
Phần cuối cuốn sách bao gồm những hồi ký của nhà văn về các chuyến phiêu du tới những vùng đất chưa được ghi chép, khám phá.
Đối với tôi, Dọc đường không chỉ là hành trình của một nhà văn mà còn chứa đựng những tư duy sâu sắc của ông về văn hóa, lịch sử và xã hội Việt Nam.
Nếu bạn muốn khám phá những viên ngọc tri thức bị thời gian phủ bụi, hãy tìm đọc Dọc đường của Nguyên Ngọc.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.