‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Vào ngày 16/11, chính quyền Lào trao trả 10 tín đồ Đạo Bà Cô Dợ cho Việt Nam do xuất cảnh trái phép.
Được biết các tín đồ này đến từ tỉnh Lai Châu và bị phát hiện ngay khi vừa đặt chân đến Lào. Không loại trừ khả năng các tín đồ này vượt biên trái phép vì lý do tôn giáo.
Lai Châu là một trong các địa phương ở phía Bắc ra sức triệt đường hoạt động của các tôn giáo độc lập, và vì thế nhiều tín đồ đã vượt biên sang các nước láng giềng do lo sợ đàn áp tôn giáo.
Điển hình vào tháng 1/2023, Công an tỉnh Lai Châu cho biết đã có 70 người Mông sang Thái Lan tị nạn tính từ năm 2012 đến 2023.
Từ ngày 13 - 26/11, mạng xã hội dậy sóng khi báo Gia Lai bất ngờ đăng tải ba bức thư viết tay được cho là của Thích Minh Tuệ, sau một thời gian dài ông vắng bóng.
Cụ thể, vào ngày 13/11, báo Gia Lai đăng lá thư viết tay đầu tiên. Trong thư, Thích Minh Tuệ đề nghị không đưa hình ảnh của ông lên mạng xã hội và yêu cầu không tụ tập đông người khi ông xuất hiện để đảm bảo an toàn giao thông.
Tuy nhiên, có nhiều luồng ý kiến nghi ngờ tính xác thực của bức thư này, cho rằng nội dung thư không phù hợp với phong cách và quan điểm trước đây của Thích Minh Tuệ.
Đến ngày 17/11, một bức thư tay khác cũng được cho là của ông Thích Minh Tuệ xuất hiện. Bức thư này có chữ ký "Minh Tuệ" và con dấu đỏ của Công ty TNHH Phát Tâm Thiên Định Tuệ. Trong thư, ông thông báo tạm dừng việc đi khất thực do "điều kiện xã hội và an ninh chính trị phức tạp, chưa phù hợp với việc học tập theo hạnh khất thực". Cùng ngày, ông cũng lập giấy ủy quyền công dân cho anh trai là ông Lê Anh Tuấn và Công ty TNHH Phát Tâm Thiên Định Tuệ.
Đến ngày 26/11, báo Gia Lai tiếp tục đăng tải bức thư tay thứ ba. Trong thư, Thích Minh Tuệ muốn tự mình đi bộ đến Ấn Độ, quê hương Đức Phật.
Thích Minh Tuệ tên thật là Lê Anh Tú. Ông trở thành hiện tượng mạng vào tháng Tư nhờ chuyến bộ hành xuyên Việt. Ngày 16/5, Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định ông không phải tu sĩ Phật giáo và cáo buộc một số cá nhân đã lợi dụng hình ảnh của ông để xuyên tạc đời sống tu hành của tăng lữ.
Từ ngày 25 - 26/11, Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã xét xử và tuyên án chín tín đồ Phật giáo Khmer Krom với các mức án từ hai đến sáu năm tù theo Điều 331 và Điều 157 Bộ luật Hình sự.
Theo truyền thông nhà nước, nhóm này đã xây dựng một công trình trái phép (chưa rõ công trình này là gì) trên phần đất trồng lúa của bà Thạch Thị Ôi tại xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình.
Tòa án Nhân dân huyện Tam Bình đã xét xử và yêu cầu họ trả lại phần đất này cho bà Ôi. Tuy nhiên, các tín đồ cho rằng đây là đất do bà Thạch Thị Xà Bách (chị gái bà Ôi) hiến tặng để xây giảng đường nên không thực hiện yêu cầu của tòa án, dẫn đến tranh chấp kéo dài.
Ngoài vụ việc này, các tín đồ cũng có nhiều mâu thuẫn với chính quyền địa phương. Điển hình vào tháng 11/2023, các tín đồ đã xô xát với tổ công tác thuộc Ủy ban Nhân dân huyện Tam Bình tại chùa Đại Thọ.
Chính quyền cáo buộc Thạch Chanh Đa Ra, người tự xưng là trụ trì của chùa, đã cùng các tín đồ hành hung gây thương tích, khống chế, khóa cửa, canh giữ không cho các thành viên của tổ công tác ra ngoài; đồng thời đăng tải các bài viết trên Facebook có nội dung vu khống cơ quan chức năng, v.v.
Tháng 3/2024, chính quyền tỉnh Vĩnh Long đã liên tiếp bắt giữ các tín đồ theo Phật giáo Khmer Krom này về tội "lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 và tội “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật" theo Điều 157 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, vào tháng Hai, Tòa án Nhân dân huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đã tuyên phạt ông Danh Minh Quang mức án 3 năm 6 tháng tù theo Điều 331 Bộ luật Hình sự. Ông Danh bị cáo buộc dùng Facebook cá nhân để đăng tải, chia sẻ và phát trực tiếp những nội dung liên quan đến nhân quyền và Phật giáo Khmer.
Hay tại Trà Vinh, vào tháng Ba, Tòa án Nhân dân huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, đã xét xử và tuyên phạt ông Thạch Cương (36 tuổi) mức án 4 năm tù giam và ông Tô Hoàng Chương (37 tuổi) mức án 3 năm 6 tháng tù giam cũng theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Hiện nay, Việt Nam có nhiều chính sách đặc biệt đối với cộng đồng người Khmer Krom. Nhiều tín đồ đã vượt biên qua Campuchia vì cho rằng họ bị đàn áp và phân biệt đối xử.
Vào ngày 30/10, nhóm luật sư bào chữa cho các thành viên Tịnh thất Bồng Lai cáo buộc ông Lê Thanh Nhất Nguyên bị ngược đãi trong trại giam. Cũng theo RFA, trên mặt ông Lê Thanh Nhất Nguyên xuất hiện nhiều vết thương và có dấu hiệu cho thấy ông Nguyên bị tước đoạt quyền tự do tôn giáo hay niềm tin.
Vào tháng 7/2022, Tòa án Nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, đã xét xử và tuyên án sáu thành viên của Tịnh thất Bồng Lai (còn được gọi là "Thiền am bên bờ vũ trụ") với tổng mức án 23 năm 6 tháng tù giam. Các bị cáo bị kết tội theo Điều 331 Bộ luật Hình sự Việt Nam về hành vi "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Trong đó, ông Lê Thanh Nhất Nguyên bị kết án bốn năm tù. Được biết trong phiên xét xử, ông Nguyên từng đề cập việc mình bị bức cung, nhục hình và tra tấn trong thời gian bị tạm giam. Tuy nhiên, ông không cung cấp được chứng cứ theo yêu cầu của hội đồng xét xử.
Vào ngày 1/11, trên Facebook lan truyền một clip được cho là ghi lại cảnh xô xát giữa các tín đồ Cao Đài Chơn Truyền 1926 và Cao Đài 1997, tại một đám tang ở tỉnh Tây Ninh.
Theo tìm hiểu của phóng viên Luật Khoa, tang gia mời tín đồ Cao Đài Chơn Truyền 1926 cử hành lễ, dẫn đến xô xát với nhóm Cao Đài 1997. Hiện chưa rõ phương án giải quyết của chính quyền.
Cao Đài Chơn Truyền 1926 là một tổ chức tôn giáo độc lập ở Việt Nam. Có nhiều thông tin cho thấy các tín đồ của tổ chức này thường xuyên bị chính quyền sách nhiễu và phân biệt đối xử.
Vào ngày 10/11, Công an tỉnh Hải Dương cho biết đã chuyển hồ sơ đề nghị truy tố ba đối tượng cốt cán của tổ chức Năng lượng gốc Trống Đồng Việt Nam về tội "đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" theo Khoản 2, Điều 288 Bộ luật Hình sự.
Theo cơ quan chức năng, nhóm tín đồ này đã lập các nhóm Zalo, kênh YouTube và Facebook với tổng số trên 55.000 thành viên để truyền đạo trái pháp luật.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cáo buộc Năng lượng gốc Trống Đồng Việt Nam là tà đạo, gây hoang mang tâm lý, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống hạnh phúc gia đình những người tham gia.
Tổ chức này do ông Lê Văn Phúc (sinh năm 1956, quốc tịch Mỹ, quê quán Đồng Nai) thành lập. Vào tháng 6/2020, ông Phúc được bổ nhiệm làm chủ nhiệm bộ môn Năng lượng gốc tại Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Tiềm năng con người TP. HCM, trực thuộc Viện Nghiên cứu Ứng dụng Tiềm năng con người. Tuy nhiên, đến tháng 10/2021, quyết định bổ nhiệm này đã bị thu hồi, và một số cán bộ của trung tâm bị kỷ luật.
Vào ngày 19/11, báo Nhân dân cho biết tỉnh Tuyên Quang đã xóa bỏ hoàn toàn các tổ chức tôn giáo độc lập. Theo bài báo, tính đến tháng Sáu, tỉnh Tuyên Quang đã xóa bỏ 12 tổ chức tôn giáo độc lập và hoàn thành trước 76 ngày so với kế hoạch đề ra.
Trong hơn 12 năm qua, chính quyền tỉnh này đã có nhiều động thái triệt đường hoạt động của các tổ chức tôn giáo độc lập.
Hồi tháng 5/2022, Tòa án Nhân dân huyện Hàm Yên đã xét xử và tuyên án tổng cộng hơn 38 năm tù giam và phạt 285 triệu đồng đối với 15 tín đồ người H’mong theo đạo Dương Văn Mình. Các cáo buộc bao gồm "chống người thi hành công vụ" và "vi phạm an toàn ở nơi đông người".