‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
“Để có một nghìn tàu chiến, nước Anh phải có ít nhất mười nghìn tàu buôn. Để có một vạn tàu buôn thì cần có ít nhất mười vạn thủy thủ. Để tạo ra mười vạn thủy thủ thì phải có khoa học hàng hải.”
Có vẻ như niềm hứng khởi về hiện đại hóa ở nước ta chỉ đi liền với những công trình đắt đỏ như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, nhưng quên đi một yếu tố quan trọng là Việt Nam chưa có sức làm chủ công nghệ cốt lõi của công trình này.
Tháng 11/2024, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Đây là một đại dự án với công nghệ cao hiện đại và kinh phí khổng lồ, gần 70 tỷ USD. Báo chí Việt Nam sử dụng lối diễn văn và một số từ ngữ mới mà ông Tô Lâm mới nói gần đây. Họ ca ngợi dự án như một biểu tượng của “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, “động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”. [1][2]
Mua được công trình đường sắt cao tốc đó về cũng không làm cho Việt Nam trở thành một nước hiện đại, một khi nước ta còn thiếu yếu tố cốt lõi là “tinh thần của nền văn minh.”
Fukuzawa Yukichi, nhà khai sáng của thời Minh Trị Nhật Bản, nhà sáng lập Đại học Keio, từng phát biểu trước sinh viên vào năm 1874 như thế này: [3]
“Không thể đánh giá nền văn minh của một quốc gia dựa theo hình thức bên ngoài. Trường học, công nghiệp, lục quân và hải quân chỉ là những hình thức bên ngoài của nền văn minh. Không khó để tạo ra những hình thức này, tất cả đều có thể mua được bằng tiền.
Ngoài những yếu tố hình thức trên, còn có một yếu tố mang tính tinh thần, không thể nhìn thấy hoặc nghe thấy, mua hoặc bán, cho mượn hoặc vay mượn. Ảnh hưởng của nó đối với mỗi quốc gia là rất lớn. Nếu không có nó, trường học, công nghiệp và năng lực quân sự sẽ mất đi ý nghĩa của chúng.
Đó là tinh thần của nền văn minh. Đến lượt mình, nó trở thành tinh thần độc lập của một dân tộc? Đó mới thực sự là giá trị quan trọng nhất.”
Vậy đối với nhà tư tưởng và kiến tạo Fukuzawa Yukichi, “tinh thần của nền văn minh” này là gì?
Đó là tinh thần công dân của con người cá nhân tự do của một xã hội tự do. Fukuzawa Yukichi phê phán rằng cuộc Duy tân Minh Trị vẫn được tiến hành như là sự nghiệp của nhà nước, do nhà nước thực hiện, còn người dân chỉ là kẻ đứng ngoài. Ông so sánh tinh thần xã hội đó với xã hội phương Tây, theo như ông quan sát, các phát minh thúc đẩy sự phát triển của nền văn minh đều thực hiện từ dưới lên, tức là do người dân thực hiện.
Đối với Fukuzawa, khi nào xã hội Nhật Bản trưởng thành về tinh thần tự do, mỗi người dân được tự do sáng tạo để đóng góp cho cuộc canh tân thì lúc đó Nhật Bản mới thành một xã hội văn minh và nền độc lập của xứ sở này mới trở nên vững chắc. [4]
Đương thời, đối với Fukuzawa, việc Nhật Bản học tập các kỹ thuật cụ thể của phương Tây là cần thiết, nhưng chưa đủ. Nếu áp dụng tư duy này của Fukuzawa vào trường hợp dự án đường sắt cao tốc của Việt Nam thì chúng ta có thể tư duy như thế nào?
Ngày nay, Trung Quốc đã làm chủ tinh thần khoa học và có nhiều bước tiến lớn về công nghệ. Công nghệ đường sắt cao tốc của Trung Quốc đã vượt xa Hoa kỳ. Giả sử Việt Nam cần mua đường sắt cao tốc từ Trung Quốc thì bản thân điều đó vẫn chưa đủ.
Fukuzawa so sánh hai con đường hiện đại hóa của Nhật Bản và Trung Quốc cuối thế kỷ 19, khi cả hai đều đang cố gắng hiện đại hoá. Lúc đó, Trung Hoa (Mãn Thanh) chỉ cố gắng mua các thiết bị hiện đại của phương Tây như tàu chiến, súng ống.
Theo ông, Nhật Bản cũng cần những phương tiện đó, nhưng chỉ riêng chúng thì không đủ. Điều Nhật Bản cần làm là phải học được các nguyên lý hoặc tinh thần vốn là nền tảng của công nghệ để tạo ra các thể chế kinh tế, xã hội, chính trị phù hợp đối với mình.
Năm 1875, ông xuất bản cuốn sách “Văn minh khái luận”, tức một cương lĩnh về xây dựng nền văn minh. [5] Cuốn sách được hai nhà Nhật Bản học David A. Dilworth và G.Cameron Hurst dịch sang tiếng Anh năm 1973. Trong sách này, ông triển khai kỹ hơn điều ông đã phát biểu năm 1874 được trích dẫn ở trên.
“Ở Nhật Bản, nhiều người cho rằng nước Anh có một nghìn tàu chiến cho nên Nhật Bản cũng phải có một nghìn tàu chiến. Suy nghĩ như vậy là chưa đầy đủ. Đó là lối suy nghĩ của những người không biết gì về mối quan hệ chằng chịt giữa các vấn đề khác nhau. Cần phải làm nhiều hơn thế nữa.
Để có một nghìn tàu chiến, nước Anh phải có ít nhất mười nghìn tàu buôn. Để có một vạn tàu buôn thì cần có ít nhất mười vạn thủy thủ. Để tạo ra mười vạn thủy thủ thì phải có khoa học hàng hải. Thậm chí cần nhiều hơn thế nữa. Để có một vạn thuyền buôn, mười vạn thuỷ thủ cùng khoa học hàng hải đi kèm, chúng ta cần có một tầng lớp học giả tài năng, cần có tầng lớp thương gia tài giỏi.
Vẫn chưa đủ. Nhật Bản cần có một nền luật pháp phát triển đầy đủ, có một nền thương mại phát triển.
Khi các điều kiện xã hội nêu trên chín muồi - tức là khi Nhật Bản có tất cả các điều kiện tiên quyết để cần đến một nghìn tàu chiến - thì khi đó chúng ta mới có thể có một nghìn tàu chiến."
Giả sử Nhật Bản thời Minh Trị vẫn chỉ có một nền ngoại thương què quặt, lèo tèo vài chiếc thuyền buôn đi ra nước ngoài nhưng lại bỏ tiền ra mua một nghìn tàu chiến và dồn nguồn lực quốc gia duy trì hạm đội hùng hậu đó thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Không khó để có câu trả lời: quốc gia nhỏ bé đó không thể lớn được vì kiệt quệ.
Fukuzawa sẽ nói gì về Việt Nam?
Nếu Fukuzawa Yukichi sinh ra ở Việt Nam thời nay, ông sẽ nói gì về dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam chạy 350 km/giờ và dài hơn 1.500 km?
Có lẽ ông sẽ không ngần ngại nói rằng không phải cứ thấy Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp có đường sắt cao tốc thì Việt Nam cũng cần có đường sắt cao tốc. Không phải cứ bỏ ra gần 70 tỷ USD mua hệ thống đường sắt cao tốc về là tiến lên “hiện đại.”
Để có một tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam dài hơn 1.500 km, Việt Nam trước hết phải có những điều kiện kinh tế, xã hội, công nghệ, luật pháp, chính trị tiên quyết cho chính hệ thống đó.
Không thể dồn nguồn lực quốc gia vào việc mua và duy trì một hệ thống đường sắt đồi hỏi công nghệ cao khi mà như một chuyên gia trong nước đặt câu hỏi, nếu “ghé Nhà máy xe lửa Gia Lâm, cách trụ sở Quốc hội chừng 3 km, để xem với đội ngũ nhân sự (khoảng 50 lao động) như hiện nay, liệu chúng ta có đủ trình độ để tiếp nhận được công nghệ đường sắt cao tốc không?” [6]