Cấm phát hành sách về Thích Minh Tuệ; Báo tin vi phạm giao thông được thưởng tiền
Các sự kiện nổi bật: * Cấm phát hành sách về Thích Minh Tuệ * Bộ Nội vụ đề xuất chi 130.
Dù trong thời điểm khó khăn nhất, báo chí và in ấn vẫn luôn là phần không thể thiếu trong cuộc đấu tranh vì độc lập và tự do.
Trong không khí hừng hực của cuộc “tinh gọn bộ máy”, báo chí trong nước cũng đang trải qua cuộc đại quy hoạch lần hai, kể từ lần tái cơ cấu đầu tiên diễn ra vào năm 2019.
Khi cơn giông này qua đi, có thể nhiều tờ báo chỉ còn được nhắc nhớ như một cái tên kỷ niệm. Và một trong những ấn phẩm ra đi đầu tiên, để lại nhiều nuối tiếc nhất là Phụ nữ chủ nhật.
Nhìn về lịch sử, ngành báo chí phát triển song hành cùng in ấn. Do đó, vào ngày cuối năm, người viết xin mạn phép giới thiệu với độc giả quyển sách chuyên khảo Lần theo dấu chữ - Thời kỳ đầu in ấn sách báo chữ Latinh ở Việt Nam (1862 - 1920) của nhà nghiên cứu Trịnh Hùng Cường, như một cách tìm lại thời tự do in ấn của nước ta.
Trịnh Hùng Cường đã tận dụng một khối lượng lớn tài liệu học thuật và các nguồn báo chí bằng nhiều ngôn ngữ để phân tích quá trình phát triển của ngành in qua từng giai đoạn.
Theo đó, sự phát triển của ngành in ấn ở nước ta không chỉ chịu ảnh hưởng của hai nền văn hóa Đông - Tây, mà còn gắn liền với bối cảnh thuộc địa và nỗ lực giành độc lập của nhiều thế hệ trí thức.
Cuốn sách tập trung khai thác về hai thời kỳ lịch sử thuộc địa (Bắc thuộc và Pháp thuộc) có ảnh hưởng quyết định đến sự hình thành và phát triển ngành in ấn.
Trong giai đoạn đầu, kỹ thuật in khắc gỗ từ Trung Quốc đã ảnh hưởng lớn đến việc in ấn các tác phẩm chữ Hán và chữ Nôm. Sau đó, ngành in ấn ra đời và gắn liền với tham vọng bành trướng thuộc địa của Pháp.
Khi chinh phục Nam Kỳ, chính quyền thực dân ưu tiên xây dựng các nhà in. Vào cuối năm 1861, Pháp cho xây nhà in đầu tiên ở Sài Gòn và đặt tên là Imprimerie Impériale (Nhà in Hoàng gia), nhằm xuất bản các ấn phẩm bằng tiếng Pháp, phục vụ cho các nhu cầu hành chính và tuyên truyền.
Sau này, sự tham gia của nhiều nhóm như quân đội Pháp, nhà truyền giáo, thương gia và các mối quan hệ ngoại giao đã thúc đẩy sự ra đời của các nhà in tư nhân.
Ban đầu, thị trường in ấn chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của người Pháp, nhưng sau này, các nhà tư sản Việt gốc Hoa cũng bắt đầu tham gia vào lĩnh vực mới nổi. Nhờ vậy, những tên tuổi lớn ở Nam Kỳ như Nguyễn Đình Chiểu, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của có thể xuất bản các tác phẩm của mình.
Ngành in ấn ở Bắc Kỳ phát triển chậm hơn Nam Kỳ khoảng 20 năm. Các thiết bị in ở Bắc Kỳ cũng có nguồn gốc từ Nam Kỳ. Nhưng cũng nhờ công cuộc “Bắc tiến” của ngành in mà báo chí tại khu vực còn chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo này mới trở nên đa dạng.
Điều đáng lưu ý là sự phát triển của in ấn gắn liền với sự bùng nổ của báo chí và chữ Quốc ngữ. Những nhân vật tiêu biểu tham gia ngành in thời kỳ này có thể kể đến là Đỗ Thận và Nguyễn Văn Vĩnh.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều rào cản từ chính quyền nhà Nguyễn, báo chí thời kỳ này đã đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá phát triển chữ Quốc ngữ.
Khi đọc xong cuốn sách này, chắc hẳn độc giả sẽ cảm nhận được một phần lịch sử đầy biến động của ngành in ấn sách báo của nước ta. Ở đó có những bước đi chập chững cho tới khi nó trở thành công cụ quan trọng để thúc đẩy chữ Quốc ngữ và mở ra con đường tự do ngôn luận.
Độc giả sẽ nhận ra rằng, dù trong những thời điểm khó khăn nhất, báo chí và in ấn vẫn luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc đấu tranh vì độc lập và tự do của dân tộc.
Do đó, cuốn sách này không chỉ đơn thuần là một tài liệu về kỹ thuật in ấn hay các giai đoạn lịch sử, mà còn là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của tự do in ấn đối với nền dân chủ.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hằng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.