Luật Khoa tuyển dụng: Chuyên viên Thiết kế Đồ họa
Chiến dịch cứu Luật Khoa khỏi thảm họa thiết kế mang tên "tổng biên tập". Luật Khoa là
Giới thiệu một số góc nhìn phản biện của các nhà luật học nữ quyền (feminist legal studies) và một nhánh nghiên cứu mới trong luật học là đa nguyên pháp luật (legal pluralism) về luật pháp và quy trình tố tụng hình sự về tội hiếp dâm.
Cái tên Lương Ngọc An xuất hiện trở lại. Làn sóng tố cáo ông hiếp dâm cũng thế. Nhưng pháp luật về hiếp dâm - vốn thường phản ánh văn hóa trọng nam khinh nữ - có thể còn lâu mới thay đổi.
Nhà thơ Lương Ngọc An vừa được Hội Nhà văn bổ nhiệm làm Phó tổng biên tập tạp chí Nhà văn & Cuộc sống. [1] Cách đây hai năm, bà Dạ Thảo Phương đã đăng loạt bài tố cáo ông An hiếp dâm và gây nhiều hệ lụy tinh thần cho bà.
Vụ việc của bà Phương và ông An chỉ là một trong rất nhiều vụ tố cáo quấy rối tình dục và bạo lực giới thời gian gần đây trên mạng xã hội.
Bên cạnh việc “đụng chạm” đến các nhân vật trí thức hoặc các tổ chức đình đám, thì những tranh cãi liên quan đến pháp lý như suy đoán vô tội và nghĩa vụ chứng minh cho nạn nhân/người bị hại hay vai trò của công luận trong các vụ việc tương tự cũng được nhiều bên thảo luận.
Vấn đề là tại sao các nạn nhân của xâm hại tình dục và hiếp dâm lại không đưa vụ án ra tòa mà lại tố cáo trên các trang mạng xã hội?
Không đi sâu vào các tranh cãi trên, trong bài viết này người viết muốn đề cập đến một số góc nhìn phản biện của các nhà luật học nữ quyền (feminist legal studies) về cách mà luật pháp và quy trình tố tụng hình sự về tội hiếp dâm được thiết lập thông qua góc nhìn của đàn ông.
Ngoài ra, người viết cũng sơ lược đề cập đến một nhánh nghiên cứu mới trong luật học là đa nguyên pháp luật (legal pluralism), một lĩnh vực luật học thách thức việc nhìn luật pháp chỉ giới hạn trong luật nhà nước (state law).
Sau khi một vụ việc hiếp dâm xảy ra, người bị hại hoặc người đại diện của bị hại (trong trường hợp bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết) buộc phải đến cơ quan chức năng trình báo, tố giác.
Điều 155, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định, các vụ án liên quan đến hiếp dâm (Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015 và Điều 23 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) chỉ được khởi tố hình sự về tội phạm nêu trên khi có yêu cầu từ người bị hại hoặc người đại diện của bị hại. [2][3]
Sau đó, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ khởi tố vụ án. Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng sẽ thu thập các tài liệu/hồ sơ, vật chứng có liên quan, khám nghiệm hiện trường (nếu có) và thu nhận lời khai của người bị hại, người làm chứng và nghi can.
Để cơ quan có thẩm quyền có căn cứ khởi tố, truy tố và xét xử vụ án, người bị hại cần phải tham gia quá trình giám định pháp y về xâm hại tình dục được quy định tại Thông tư số 47/2013/TT-BYT của Bộ Y tế. [4]
Lời khai của bị hại, người làm chứng và nghi can là một trong những hồ sơ yêu cầu cần thiết cho quá trình giám định. Quá trình giám định gồm nhiều bước bao gồm: khám tổng quát, khám sinh dục nữ/nam, hậu môn, hầu họng, khám toàn thân và khám chuyên khoa (khi có chỉ định).
Toàn bộ quá trình trên tập trung vào người bị hại, nghi can chỉ tham gia giám định trong hai trường hợp: (1) khi cơ quan giám định trưng cầu; (2) khi không có sự phù hợp giữa tổn thương thực thể và các hành động do thủ phạm gây nên, giám định viên đề nghị cơ quan trưng cầu đưa nghi can đến giám định để có bằng chứng.
Sau khi có kết quả giám định, một mẫu hồ sơ gọi là “Bản kết luận giám định pháp y về tình dục” của cơ quan giám định được sử dụng như là một trong những bằng chứng quan trọng của vụ án hiếp dâm. [5]
Sau khi hoàn thành bước điều tra vụ án, cơ quan điều tra sẽ gửi hồ sơ về cho viện kiểm sát có thẩm quyền để truy tố vụ án. Tùy thuộc vào tính chất tội phạm mà thời gian truy tố có thể khác nhau.
Sau khi có quyết định truy tố từ viện kiểm sát, vụ án sẽ được đưa ra xét xử tại cơ quan có thẩm quyền. Trong thời gian khởi tố, điều tra, truy tố, và xét xử, người yêu cầu khởi tố có thể tự nguyện rút yêu cầu truy tố bất cứ lúc nào nhưng không thể yêu cầu khởi tố lại với củng một vụ án sau khi đã rút yêu cầu.
Có thể thấy, trong toàn bộ quá trình thụ lý trên, người bị hại phải đóng vai trò trung tâm trong việc yêu cầu và tham gia vào quá trình điều tra chứng cứ của cơ quan chức năng.
Yêu cầu về “trọng chứng hơn trọng cung” của quy trình tố tụng hình sự buộc người bị hại phải tỉnh táo, bỏ qua các vấn đề về tâm lý sau khi bị hiếp dâm để có thể đi đến yêu cầu khởi tố với cơ quan chức năng trong thời gian ngắn nhất nhằm thu thập được nhiều chứng cứ nhất có thể. [6]
Điều này vô tình tạo ra một “burden of proof” (nghĩa vụ chứng minh) dành cho người bị hại.
Carol Smart, một nhà luật học nữ quyền nổi tiếng dành một chương trong cuốn sách “Nữ quyền và quyền lực của luật pháp” (“Feminism and the Power of Law”) để phân tích về hiếp dâm và sự loại trừ tính dục phụ nữ trong luật. [7]
“Toàn bộ phiên tòa xét xử vụ hiếp dâm là một quá trình loại trừ (phụ nữ) và tôn vinh (chủ nghĩa dương vật trung tâm)”, bà nói.
Smart cho rằng quá trình xét xử tội hiếp dâm thường tập trung vào xem xét hành vi tình dục của nạn nhân ví dụ như hành vi, tính cách và tiền sử tình dục của nạn nhân thay vì hành động của bị cáo. Khi đó, phiên tòa xét xử vụ án hiếp dâm như là một phiên tòa xét xử tình dục của bị hại.
Thông qua các diễn ngôn pháp lý xung quanh các vụ án hiếp dâm, Smart lập luận, nó nhấn mạnh vào những khuôn mẫu có hại về tình dục của phụ nữ khi ngầm định rằng họ không tuân thủ một số kỳ vọng xã hội về các hành vi chuẩn mực, cho rằng “tính dục của phụ nữ (female sexuality) là vấn đề và cho rằng phản ứng tình dục (sexual responsiveness) của phụ nữ là thất thường và không nhất quán” (trang 31).
Phụ nữ nói không không phải lúc nào cũng có nghĩa là không. Vấn đề không chỉ là nói không, mà là cách cô ấy nói, cách cô ấy thể hiện và làm rõ. Nếu cô ấy không muốn, cô ấy chỉ cần khép chân lại và có dấu hiệu sử dụng vũ lực, ngược lại thì sẽ không có dấu hiệu nào (lời của Thẩm phán Wild 1982 được trích dẫn trong sách, trang 35)
Ngoài ra, Smart cho rằng, vấn đề của luật là nó nhấn mạnh vào tư duy nhị nguyên (có tội và vô tội, đồng thuận và không đồng thuận), nhưng những vấn đề về hiếp dâm thì không đơn thuần như thế.
Luật hình sự và quy trình tố tụng hình sự ngầm giả định rằng nạn nhân trong các vụ hiếp dâm phải/nên thể hiện một thái độ nhất quán hoặc là đồng thuận hoặc không trong xuyên suốt quá trình của hành vi xâm hại. Tuy nhiên, nạn nhân hoàn toàn có thể đồng thuận khi thể hiện hành vi thân mật nhưng không đồng ý quan hệ tình dục.
Carols Smart cho rằng, sự phục tùng (submission) là một yếu tố quan trọng đi song song với đồng thuận mà luật pháp khi nhìn nhị nguyên đồng thuận hay không đồng thuận thường hay bỏ qua. Sự phục tùng này có thể là khả năng mà các nạn nhân bị bạo hành trong tương lai, là mất việc hay thể diện.
Khi xác lập một tư duy nhị nguyên, luật pháp thông qua phán quyết, tính chính danh và hệ thống chính trị đằng sau phán quyết đó thu hẹp các khả thể có thể xảy ra và củng cố cho một sự thật duy nhất của vụ án.
Nó bỏ qua các góc nhìn xã hội khác và tạo ra sự thật “Laws claim to truth”.
Mở rộng hơn, Carol Smart cho rằng, luật pháp - đặc biệt là thông qua các phiên xử hiếp dâm - có nhiều tính chất tương đồng với văn hóa nam tính (masculine culture), bỏ qua nhiều giá trị cốt lõi của phong trào nữ quyền và chỉ tập trung vào chủ nghĩa duy dương vật (phallocentrism).
Các điều luật hình sự về hiếp dâm hầu như sẽ tập trung vào các chi tiết về xâm nhập, có xâm nhập không, xâm nhập ở đâu và ảnh hưởng ra sao. Luật tại một số quốc gia cho rằng sự xâm nhập của dương vật vào âm đạo là chỉ dấu quan trọng (nhất) cho việc xác định một hành vi xâm hại tình dục có phải là hiếp dâm hay không, qua đó loại trừ các hành vi quan hệ tình dục khác.
Smart cũng trích dẫn và đề cập đến một số nghiên cứu có liên quan, trong đó có nghiên cứu của Edward (1981) tập trung vào việc tham gia vào quá trình tố tụng hình sự và các phiên tòa xét xử hiếp dâm của các nạn nhân. Nghiên cứu cho thấy rằng luật pháp và các quy định có liên quan có thể trở thành một loại áp lực cho nạn nhân phải cung cấp chứng cứ như thế nào.
Tuy các phê phán của Carol Smart được viết hơn 30 năm trước và tập trung vào hệ thống luật pháp tại Anh, những ý kiến phản biện của bà vẫn còn nhiều tính thời sự ngày nay.
Trước những hạn chế và phản biện của hệ thống luật pháp và quy trình tố tụng nhà nước trong giải quyết vấn đề hiếp dâm, đa nguyên pháp luật trở thành một chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm từ các nhà luật học nữ quyền.
Đa nguyên pháp luật (legal pluralism) là một lĩnh vực luật học cho rằng luật pháp không chỉ/không nên giới hạn trong luật pháp của nhà nước (state law).
Đa nguyên pháp luật cho rằng có hai hay nhiều hệ thống pháp luật cùng tồn tại song song trong một nhà nước/khu vực. Các nhà nghiên cứu ủng hộ lý thuyết này cho rằng đây mới chính là bản chất của pháp luật, nhất là trong thời kỳ toàn cầu hóa khi mà không chỉ có một hệ thống luật pháp duy nhất chi phối và tồn tại trong một quốc gia. [8]
Đa nguyên pháp luật khi đó cho phép nạn nhân của các vụ hiếp dâm (vốn đa số là phụ nữ) có thể lựa chọn được phương án đỡ tồi nhất nhằm đạt được công lý cho bản thân. [9]
Một nghiên cứu của Mehari và Tadele vào năm 2015 về các vụ án hiếp dâm được thụ lý ra sao trong bối cảnh đa nguyên pháp luật tại cao nguyên Gamo, Ethiopia. Nhóm tác giả cho thấy sự phức tạp đan xen chồng chéo của nhiều hệ thống pháp luật khác nhau bao gồm: luật nhà nước, luật tục, và luật nhân quyền. Các hệ thống này tác động lẫn nhau và cùng tham gia giải quyết một vụ án hiếp dâm, hay mở rộng hơn là bạo lực giới.
Bức ảnh bên trên là mô hình mô tả lồng ghép lẫn nhau và các hệ thống pháp luật đa nguyên tại huyện Chenda và Dorze dere được cấu thành bởi ba thành tố luật pháp: (1) các tổ chức nhà nước (luật nhà nước, tòa án Woreda, và cảnh sát; (2) các tổ chức luật tục địa phương (derewoga, dubusha, and derecima) và (3) tòa án địa phương, một tổ chức kết hợp, được chính phủ thành lập nhưng có sự tham gia của địa phương. Những yếu tố này tác động lẫn nhau và cùng chịu nhiều sự chi phối bởi các chuẩn mực về nhân quyền.
Khi có nhiều hệ thống pháp luật cùng tồn tại, các nạn nhân trong vụ án hiếp dâm có thể lựa chọn hệ thống pháp luật để kiến nghị vấn đề của mình. Trong trường hợp của Gamo, một vụ án hiếp dâm có thể được thụ lý bởi cả tòa án quận (của nhà nước) hoặc hệ thống luật tục hoặc di chuyển qua lại giữa hai hệ thống.
Một nghiên cứu khác, trong luận án tiến sĩ tại Đại học Oxford, Arushi Garg khi nghiên cứu về các vụ án xét xử hiếp dâm tại Delhi, Ấn Độ cho thấy là đa nguyên pháp luật là một lý thuyết quan trọng để hiểu về thái độ thù địch của nạn nhân-nhân chứng (victim-witness hostility), cần lưu ý rằng trong các vụ án hiếp dâm, đa phần các nạn nhân cũng chính là nhân chứng. [11]
Thái độ trên chỉ hiện tượng nạn nhân-nhân chứng của tội phạm bạo lực hoặc tổn thương tâm lý thể hiện các hành vi thù địch hoặc không hợp tác trong quá trình xét xử hoặc lấy lời khai.
Trong khi lý thuyết pháp luật trung tâm (legal centralism) cho rằng luật pháp nhà nước là luật pháp duy nhất giải thích và ảnh hưởng đến toàn xã hội, đa nguyên pháp luật cho rằng có nhiều dạng thức luật pháp cùng tồn tại qua đó cho phép mọi người nghĩ về những vấn đề ngoài quy trình tố tụng và tòa án.
Garg không chỉ cho rằng đa nguyên pháp luật là một cách nhìn mà nó còn phản ánh một xã hội Ấn Độ đa nguyên. Trong vấn đề victim-witness hostility, dưới lăng kính đa nguyên pháp luật, nó cho thấy nhiều ràng buộc phi tư pháp mà nạn nhân của các vụ án hiếp dâm phải trải qua.
Đa nguyên pháp luật cho thấy những áp lực và đe dọa đè nặng lên nạn nhân bên ngoài tòa án: thành viên nam trong gia đình, là nghèo đói, mất cân xứng về quyền lực giữa bị cáo và nạn nhân, danh dự và tính nam (masculinity) của các thành viên nam trong gia đình bị tổn hại… Những yếu tố này tước đoạt cơ hội được tham gia tranh tụng của nạn nhân (stealing the dispute).
Khi đó, việc biết rằng có nhiều hệ thống luật pháp cùng tồn tại, nó sẽ giúp hiểu hơn các phản ứng thù nghịch của nạn nhân-nhân chứng trong các vụ án hiếp dâm.
Dĩ nhiên, đa nguyên pháp luật không phải là câu trả lời hoàn hảo cho các vụ án hiếp dâm. Vẫn còn nhiều tranh cãi liên quan đến tính phức tạp, khả năng thực thi tại nhiều bối cảnh văn hóa- chính trị khác nhau cũng như những hệ lụy của nó.
Luật pháp nhà nước cũng không phải luôn luôn là trở ngại. Cùng với phong trào nữ quyền và LGBTIQ+ toàn cầu, luật pháp nhà nước cũng thay đổi nhằm bảo vệ quyền của nạn nhân và tạo điều kiện để nạn nhân hiếp dâm tố cáo tội phạm.
Việt Nam cũng cải thiện đáng kể, trong đó có thay đổi từ việc định nghĩa hiếp dâm là “hành vi giao cấu” (Bộ luật Hình sự 2015) sang “giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác” (Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).
Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao năm 2019 cân nhắc các vấn đề về sức khỏe tinh thần của bị hại dưới 18 tuổi khi cho phép xét xử kín, cho phép người bị hại vắng mặt, các câu hỏi dành cho người bị hại được đặt gián tiếp với luật sư hoặc người nhà nếu người bị hại tham gia.
Một số bản án gần đây cho thấy các thẩm phán xem trọng lời khai của người bị hại bên cạnh các chứng cứ khác.
Nhưng những hạn chế của luật và quy định tố tụng hình sự vẫn tồn tại và tạo ra nhiều hệ lụy như các phân tích ở trên.
Tuy đa nguyên pháp luật vẫn chưa là chủ đề phổ biến tại Việt Nam, đây vẫn là một chủ đề đáng theo dõi và cân nhắc trong bối cảnh thảo luận chung trên thế giới như là một giải pháp khả thi cho các vấn đề về bạo lực giới.
Luật học nữ quyền: Feminist legal studies
Đa nguyên pháp luật: Legal pluralism
Luật nhà nước: State law
Burden of proof: Nghĩa vụ chứng minh
Tính dục của phụ nữ: Female sexuality
Phản ứng tình dục: Sexual responsiveness
Sự phục tùng: Submission
Văn hóa nam tính: Masculine culture
Chủ nghĩa duy dương vật: Phallocentrism
Thái độ thù địch của nạn nhân-nhân chứng: Victim-witness hostility
Lý thuyết pháp luật trung tâm: Legal centralism