‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Giáo sư Surain Subramaniam cho rằng các giá trị văn hóa châu Á có thể đồng hành và điều chỉnh các nguyên tắc của nền dân chủ tự do để mang đến giải pháp phù hợp với sự đa dạng văn hóa của từng quốc gia cho các thách thức của hiện đại hóa và phát triển kinh tế.
Luật Khoa xin giới thiệu một nghiên cứu của học giả Surain Subramaniam có tựa đề “Tranh luận về các giá trị văn hoá châu Á: ý nghĩa đối với sự lan truyền của mô hình dân chủ tự do” (“The Asian Values Debate: Implications for the Spread of Liberal Democracy”), được đăng trên tạp chí Asian Affairs năm 2000.[1]
Tiến sĩ Surain Subramaniam là giáo sư nghiên cứu về quốc tế và châu Á tại trường đại học University of North Carolina Asheville từ năm 2001.
Trong bài này, Subramaniam truy tìm nguồn gốc của cuộc thảo luận về các giá trị châu Á, đặt nó trong bối cảnh học thuật, và phác thảo các trường phái tư tưởng chính.
Ông cũng xem xét các lập luận ủng hộ các giá trị văn hóa châu Á từ chủ nghĩa tương đối văn hóa (cultural relativism) và các lập luận phản bác từ chủ nghĩa phổ quát (universalism), và kết luận rằng lập trường này chỉ đúng một nửa.
Ông đề xuất một cách tiếp cận mang tính tổng hòa của các chủ nghĩa này.
Subramaniam không hoàn toàn bác bỏ tính chính đáng của các giá trị văn hóa, và cũng không hoàn toàn phủ nhận các mối quan tâm của các hệ thống dân chủ tự do.
Theo ông, mối quan tâm của các hệ thống dân chủ tự do về hiện đại hóa và phát triển kinh tế là những thách thức toàn cầu. Chính các cách giải quyết các thách thức toàn cầu đó mới cần phản ánh sự đa dạng của các giá trị văn hóa.
Như vậy, các giá trị châu Á có thể song hành cùng một nền dân chủ tự do.
Cuộc tranh luận về các giá trị châu Á bắt đầu tại Singapore từ giữa thập niên 1970. Tác giả dẫn lại nghiên cứu của Donald Emmerson chỉ ra rằng cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và các "cận thần" của ông đã đề xướng vấn đề này từ năm 1976, và sau đó đẩy mạnh cuộc thảo luận trong hai thập niên 1980 và 1990.
Học giả Singapore Seah Chee-Meow đã viết năm 1977 rằng nhiều quốc gia châu Á áp dụng nền dân chủ nghị viện nhưng đã thất bại sau nhiều thử nghiệm. Ông cho rằng điều này minh chứng của những hạn chế của việc cấy ghép các ý tưởng hoặc thể chế có nguồn gốc từ nước ngoài. Sự hạn chế này chủ yếu là do phần lớn người dân không đánh giá cao tính phù hợp của thể chế dân chủ với mình và không mong muốn thể chế hoặc ý tưởng đó.
Surain Subramaniam chia các thảo luận ở Singapore thành ba thành phần chính: thành phần hình thành (formative component), thành phần phản ứng (reactive component) và thành phần thực dụng (pragmatic component).
Subramaniam xem xét mỗi thành phần đó để làm rõ các vấn đề trong cuộc tranh luận về “tính tương thích của nền dân chủ tự do với các giá trị châu Á”.
Thành phần hình thành: Suy nghĩ ban đầu về các giá trị châu Á
Theo Subramaniam, ban đầu không phải tất cả các nhà bình luận ở Singapore đều ca ngợi các giá trị của các giá trị châu Á. Nếu các giá trị châu Á được hiểu là một tập hợp các thái độ, niềm tin, thói quen và thể chế thịnh hành trong các xã hội châu Á truyền thống, thì những giá trị đó là rào cản đối với quá trình hiện đại hóa, tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Tác giả dẫn ra quan điểm của học giả Singapore Ho Wing Meng và thậm chí của chính thủ tướng lập quốc của Singapore là Lý Quang Diệu. Họ cho rằng điều quan trọng là phải hiện đại hoá xã hội của mình, chỉ giữ lại một phần quá khứ truyền thống, nếu không, quốc gia của họ sẽ chỉ là một bản sao kém cỏi của phương Tây.
Thành phần phản ứng: Bảo vệ những thành quả khó khăn mới đạt được
Thành phần phản ứng là nhóm phản ứng lại một số diễn biến quốc tế ở thập niên 1980 và 1990 bằng cách dựa vào khái niệm các giá trị châu Á.
Nhóm này thường hùng biện về chủ nghĩa dân tộc văn hóa (cultural nationalism), coi châu Á như một lực lượng có thể thách thức, ngăn chặn chủ nghĩa đế quốc văn hóa (cultural imperialism) của phương Tây.
Theo Subramaniam, lối hùng biện của "chủ nghĩa dân tộc văn hóa" này là một sự phản ứng lại các diễn biến thời sự:
Thứ nhất, nó phản ứng lại lối hùng biện chiến thắng của những người theo chủ nghĩa phổ quát tự do phương Tây (western liberal universalism) sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc năm 1991.
Thứ hai, nó hân hoan chào đón sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục của các nước Đông Á đương thời.
Đặc biệt, tư duy về các giá trị châu Á này cũng là sự phản ứng trước hiện tượng tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Trung Quốc trong khi vẫn cự tuyệt các cải cách chính trị dân chủ của phương Tây.
Trên mặt trận trí thức, bài báo năm 1993 (về sau được phát triển thành sách) của Samuel Huntington “Sự xung đột của các nền văn minh?" (“The clash of civilizations?”) đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ các nhà bình luận châu Á. Họ nhấn mạnh các giá trị châu Á như một sự phản ứng đối với văn minh phương Tây.
Thực ra, nhu cầu tìm kiếm các giá trị châu Á ở khu vực này không phải là mới. Subramaniam chỉ ra rằng các phong trào hiện đại hoá như phong trào Ngũ Tứ ở Trung Quốc vào đầu thế kỷ 20 và cuộc Duy tân Minh Trị ở Nhật Bản vào cuối thế kỷ 19 cũng là những phong trào đi tìm các giá trị cội nguồn của họ.
Subramaniam không nhắc đến trường hợp Việt Nam. Tuy nhiên, ở thập niên 1920, Việt Nam cũng xuất hiện một phong trào tư tưởng hiện đại hoá như vậy. Giới tinh hoa Việt Nam đương thời một mặt đi tìm con đường canh tân, hiện đại hoá dân tộc nhưng mặt khác cũng tìm cách xây dựng và vun đắp những giá trị truyền thống của Việt Nam.
Thành phần thực dụng: Một chế độ quản trị thay thế
"Thành phần thực dụng" trong giới học thuật và chính khách Singapore đương thời là nhóm tìm cách biện hộ cho các giá trị châu Á mà không dùng đến lời lẽ đối đầu, chống lại phương Tây.
Lập luận có tính thực dụng của họ cho rằng một số giá trị dân chủ làm phức tạp một cách không cần thiết quá trình tăng trưởng, phát triển kinh tế và duy trì xã hội hài hoà.
Tác giả dẫn các nghiên cứu của De Bay và Kausikan để chỉ ra các đặc điểm chính của lập luận của nhóm “thực dụng” như sau.
Thứ nhất, nền dân chủ tự do phương Tây chỉ là một biến thể trong số nhiều biến thể của hệ thống chính phủ dân chủ.
Thứ hai, mỗi quốc gia có tập hợp tài nguyên thiên nhiên, con người và văn hóa riêng, cũng như kinh nghiệm lịch sử và chính trị riêng;
Thứ ba, chế độ quản trị hoặc hệ thống chính trị của một quốc gia không chỉ phải thích ứng với những đặc điểm riêng biệt đó mà còn phải đưa ra những giải pháp phù hợp với các thành viên của xã hội đó.
Tóm lại, theo nhóm thực dụng, “mỗi quốc gia phải tìm ra giải pháp cụ thể của riêng mình cho các vấn đề quản trị quốc gia”.
Nhìn lại các nhóm quan điểm và lý luận khác nhau về các giá trị châu Á ở Singapore, Subramaniam thấy ba điểm.
Thứ nhất, khái niệm "các giá trị châu Á" không có nội hàm rõ ràng. Thuật ngữ này, cũng như khái niệm "dân chủ tự do" của phương Tây, đều đã xuất hiện và phát triển dần dần một quá trình lịch sử, văn hóa và chính trị.
Thứ hai, khái niệm "các giá trị châu Á" không ngừng thay đổi để phản ứng lại các diễn biến chính trị, xã hội tại các nước châu Á và môi trường quốc tế.
Thứ ba, cả ba nhóm "hình thành", "phản ứng" và "thực dụng" đều nhất quán bác bỏ các giá trị dân chủ tự do.
Subramaniam cũng phân tích cuộc đối đầu giữa chủ nghĩa tương đối văn hóa và chủ nghĩa phổ quát.
Chủ nghĩa tương đối văn hoá cho rằng các hệ thống chính trị cần phải phản ánh tính độc đáo về văn hóa của mỗi quốc gia.
Chủ nghĩa phổ quát khẳng định rằng dân chủ và nhân quyền có thể được áp dụng một cách phổ quát cho toàn nhân loại.
Liệu danh mục các giá trị châu Á có thực sự phản ánh các nền văn hoá châu Á hay không?
Hay diễn ngôn về các giá trị này thực chất chỉ là một công cụ chính trị để các chế độ độc tài ở đó duy trì quyền lực và quyền lợi của mình?
Đây rõ ràng là một cuộc tranh luận có ý nghĩa rộng đối với quá trình chuyển đổi dân chủ toàn cầu.
Subramaniam nhận định rằng các tranh luận này đã làm sáng tỏ một sự thật là các nước châu Á có thể điều chỉnh các nguyên tắc dân chủ cho phù hợp với các bối cảnh văn hóa đa dạng thay vì bác bỏ các nền tảng văn hoá này một cách hoàn toàn.
Những người sử dụng các lập luận về "giá trị châu Á" để phản đối dân chủ hóa cũng đồng tình rằng các yếu tố văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các hệ thống chính trị.
Subramaniam đề xuất một quan điểm tổng hòa (syncretist position) và linh hoạt.
Hiện đại hoá và phát triển kinh tế không phải là vấn đề của riêng một nền văn hoá nào.
Các vấn đề này bắt nguồn từ nền dân chủ tự do phương Tây, nhưng giờ đã trở thành các thách thức toàn cầu.
Các giải pháp cho các thách thức đó cho từng quốc gia cần phản ánh sự đa dạng về văn hóa ở quốc gia đó.
Nếu về mặt kinh tế, các quốc gia châu Á đã có thể áp dụng và điều chỉnh mô hình tư bản để thúc đẩy phát triển kinh tế và giải quyết các thách thức cụ thể.
Thì, tương tự, về mặt chính trị và xã hội, họ hoàn toàn cũng có thể áp dụng và điều chỉnh các nguyên tắc của một nền dân chủ tự do cho phù hợp với các giá trị văn hóa châu Á.
Như vậy, Subramaniam đã đưa ra một cách tiếp cận tinh tế và linh hoạt hơn đối với cuộc tranh luận về các giá trị châu Á và nền dân chủ tự do.
Một mặt, ông thừa nhận sự đa dạng văn hóa ở các châu lục và các quốc gia khác nhau.
Mặt khác, ông chỉ ra tầm quan trọng của việc chuyển đổi và thích ứng sao cho các nguyên tắc dân chủ tự do có thể được áp dụng ở các nền văn hoá đó mà không làm bị biến dạng các giá trị của chúng.
Từ khóa
Các giá trị văn hoá châu Á: Asian Values
Dân chủ tự do: liberal democracy
Chủ nghĩa tương đối văn hóa: cultural relativism
Chủ nghĩa phổ quát: universalism
Chủ nghĩa dân tộc văn hóa: cultural nationalism
Chủ nghĩa đế quốc văn hóa: cultural imperialism
Chủ nghĩa phổ quát tự do phương Tây: western liberal universalism
Quan điểm tổng hòa: syncretist position
Surain Subramaniam. 2000. “The Asian Values Debate: Implications for the Spread of LiberalDemocracy,” Asian Affairs 27(1): 19-35.