Xét xử lưu động có phải là giải pháp ngăn chặn tội mua bán người?

Xét xử lưu động các vụ án mua bán người sẽ khó mở ra những đối thoại, giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề về bất bình đẳng về mặt cấu trúc đã và đang xảy ra dành cho các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội - nguyên nhân chính của tệ nạn buôn người.

Xét xử lưu động có phải là giải pháp ngăn chặn tội mua bán người?
Một phiên tòa xét xử lưu động ở Lâm Đồng. Nguồn: baolamdong.vn

Blue Dragon là một trong những tổ chức phi chính phủ hàng đầu tại Việt Nam với nhiều đóng góp tích cực vào các hoạt động phòng chống tội phạm mua bán người. 

Gần đây, một số bài viết bằng tiếng Anh trên trang web của Blue Dragon ca ngợi việc sử dụng “circuit court” như là một trong những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn tội mua bán người tại Việt Nam. 

Dù rất tán thành với nhiều hoạt động của Blue Dragon, người viết cho rằng việc sử dụng “circuit court” để chỉ “xét xử lưu động” trong bối cảnh tư pháp tại Việt Nam là thiếu chính xác trong việc chuyển ngữ.

Người viết cũng sẽ trình bày những lập luận còn bỏ ngỏ trong việc sử dụng xét xử lưu động như một công cụ nhằm ngăn chặn buôn người tại Việt Nam. 

“Circuit court” trong các bài viết của Blue Dragon

Trong nhiều bài viết bằng tiếng Anh được đăng tải trên website và các phương tiện truyền thông của Blue Dragon từ năm 2017 đến nay, “circuit court” được cho là một “phát kiến” (innovation) nhằm ngăn chặn và phòng ngừa các vụ mua bán người. 

🎧
Mời bạn nghe bản audio của bài này:
audio-thumbnail
Xét xử lưu động có phải là giải pháp ngăn chặn tội mua bán người?
0:00
/769.92

Theo tổ chức này, trong các vụ án mua bán người tại Việt Nam, các bị cáo thường phải được xét xử tại các tòa án cấp tỉnh hoặc thành phố trực thuộc tỉnh nằm ở trung tâm thành phố. 

Trong điều kiện mà tội phạm mua bán người thường hoạt động tại các vùng xa trung tâm, vùng biên giới miền núi phía Bắc, việc di chuyển để tham dự vào các phiên tòa như thế này thường rất khó khăn. 

Do đó, Blue Dragon coi “circuit court” là giải pháp cho vấn đề này khi cho phép các phiên tòa này được diễn ra tại địa phương (thông thường là huyện) nơi xảy ra vụ việc. 

Trong bài viết đăng tải trên website ngày 24/3/2023, Blue Dragon nhận định rằng “circuit court” đóng góp hai lợi ích lớn cho các vụ án liên quan đến tội phạm mua bán người. [1]

Người viết cho rằng việc dùng thuật ngữ “circuit court” để chỉ các phiên tòa xét xử mua bán người như được mô tả trong các bài viết của Blue Dragon là không rõ ràng và không phù hợp với hệ thống tòa án tại Việt Nam. 

Thay vào đó, có một dạng phiên tòa mang đặc trưng của hệ thống tư pháp tại Việt Nam với các mô tả phù hợp với các bài viết của Blue Dragon. 

Đó chính là các phiên tòa xét xử lưu động, khi các phiên tòa được mang về địa phương nơi xảy ra vụ án và được tổ chức tại một khu vực công cộng (UBND hoặc một bãi đất trống) và cho phép người dân tham gia tự do. 

“Xét xử lưu động” và vấn đề chuyển ngữ

Việc sử dụng thuật ngữ “circuit court” để chỉ “xét xử lưu động” là một cách chuyển ngữ thiếu chính xác trong bối cảnh tòa án Việt Nam. 

Circuit court (tòa án khu vực) là một dạng tòa án có lịch sử lâu đời trên thế giới, được hình thành ở Anh và Hoa Kỳ, nơi có hệ thống tòa án rất khác với Việt Nam.

Khi mới hình thành ở Anh vào cuối thế kỷ 12, các thẩm phán không nằm trong danh sách tòa cấp cao được chỉ định di chuyển trên những tuyến đường nhất định để tham gia xét xử các vụ án ở các khu vực (circuit) khác nhau nhằm thúc đẩy một hệ thống pháp luật đồng nhất khắp cả nước. [2]

Ở Hoa Kỳ, Đạo luật Tư pháp năm 1789 thành lập thêm các tòa án liên bang cấp thấp và cho phép các thẩm phán cấp cao hơn tham gia xét xử với các tòa án cấp thấp hơn. Các thẩm phán đó trở thành “circuit riding” - họ di chuyển đến các địa phương được chỉ định để tham gia xét xử phúc thẩm cùng với thẩm phán của tòa án cấp dưới. [3]

Hiện nay, các thẩm phán Anh và Mỹ không còn di chuyển để phán xử nữa, và “circuit court” trở thành các “tòa án khu vực” ổn định về vị trí địa lý. 

Tại Việt Nam, các cấp tòa án được tổ chức tương đương với các cấp hành chính. Như vậy, các tòa cấp tỉnh/thành phố và các tòa cấp huyện/thành phố trực thuộc tỉnh xét về mặt nào đó cũng có thể được coi là các tòa “khu vực” ổn định ở các địa phương.

Theo Luật Tổ chức Tòa án năm 2014, các tòa án tại Việt Nam được phân cấp theo các cấp địa phương từ cấp huyện/thành phố trực thuộc tỉnh, các tòa chuyên biệt, tòa án cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, tòa án cấp cao và tối cao. [4]

Ghi chú: Ảnh do tác giả minh họa.

Sử dụng “circuit court” để chỉ “xét xử lưu động” như vậy không những không chính xác về nghĩa hiện đại của thuật ngữ này, mà còn không phù hợp với hệ thống tòa án Việt Nam. 

Có lẽ lịch sử di chuyển của các thẩm phán về các cấp thấp hơn (circuit riding) khiến cho người viết các bài viết trên của Blue Dragon có một số nhầm lẫn. 

Để tránh hiểu lầm, Blue Dragon nên sử dụng thuật ngữ “xét xử lưu động” nhằm thể hiện tính đặc trưng của dạng tòa án này tại Việt Nam và mở ngoặc để giải thích cách triển khai của dạng tòa án này nếu bắt buộc phải viết bài bằng tiếng Anh.

Phần tiếp theo trong bài viết này, người viết sẽ trình bày về tội mua bán người trong quy định pháp lý tại Việt Nam và các vấn đề còn bỏ ngỏ trong các phiên tòa xét xử lưu động có sự tham gia của Blue Dragon, như đã được mô tả trong các bài viết của tổ chức này. 

Tại sao không nên dùng các phiên tòa xét xử lưu động nhằm giảm thiểu tội phạm mua bán người

Tội mua bán người được quy định tại Điều 150 (tội mua bán người) và 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi) Bộ luật Hình sự năm 2015, Điều 28 Bộ luật Hình sự Sửa đổi năm 2017Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP Hướng dẫn Áp dụng Tội mua bán Người, Mua bán Người dưới 16 tuổi được Hội đồng Thẩm phán của Tòa án Nhân dân Tối cao thông qua năm 2019. [5][6][7]

Các văn bản đó quy định các khung hình phạt, các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ và truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể. 

Do tính phức tạp của các vụ án mua bán người, các tòa án cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương thường xét xử các vụ án này. 

Tuy nhiên, Blue Dragon cho rằng việc đem các phiên xét xử về địa phương (huyện/khu vực) nơi xảy ra vụ án là cần thiết vì hai lý do. 

Thứ nhất, chính quyền địa phương tại nơi xảy ra vụ án có cơ hội học những kinh nghiệm thực tế đối với các vụ mua bán người. 

Thay vì diễn ra ở một nơi xa như trung tâm thành phố, việc tổ chức tòa án tại địa phương cho phép các lãnh đạo địa phương, công án, dân phòng và những người có trách nhiệm liên quan tham gia trực tiếp vào phiên xét xử. Qua đó, họ có thể học hỏi được cách thức phạm tội và chuẩn bị cho việc ngăn chặn các hành vi tương tự trong tương lai. 

Thứ hai, người dân địa phương có thể tham gia quan sát phiên tòa để hiểu cách thức một vụ mua bán người được diễn ra như thế nào, từ đó sẽ cảnh giác hơn với các hành động tương tự. Như vậy, tội phạm mua bán người sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận nạn nhân. [8]

Các mục tiêu mà Blue Dragon đề xuất là quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, người viết không cho rằng xét xử lưu động là công cụ hợp lý nhằm đạt được các mục đích trên. 

Thứ nhất, mặc dù tội phạm mua bán người là tội phạm nghiêm trọng và gây nhiều hậu quả lâu dài cho xã hội, các quyền của bị cáo cũng cần được xét đến tại các phiên tòa lưu động. 

Việc các phiên tòa được thiết kế nhằm đạt các mục tiêu giáo dục và phòng ngừa tội phạm (vốn là một trong những mục tiêu quan trọng của các phiên tòa xét xử lưu động) thường tạo ra nhiều vấn đề về đảm bảo các quyền con người cơ bản cho bị cáo như quyền được xét xử công bằng, quyền được suy đoán vô tội và xóa án tích được quy định trong pháp luật quốc tế và Việt Nam. 

Trong các bài viết của Blue Dragon, tổ chức này còn cung cấp thông tin thêm về việc “làm việc với bộ tư pháp” (“worked with justice department”) để mang các phiên tòa này về địa phương. [9] Sau đó, các luật sư của Blue Dragon đại diện cho các nạn nhân trong các vụ mua bán. Qua nhiều năm, Blue Dragon đã “đại diện cho 172 nạn nhân của tội buôn người tại tòa án, với kết quả là 219 tội phạm buôn người bị  kết án tù”. [10] 

Điều này tạo ra nhiều lo ngại về quyền của bị cáo và tính công bằng của các phiên tòa xét xử lưu động được tổ chức với mục tiêu chính nằm ngoài việc phân định vụ án và xét xử bị cáo. 

Để đọc thêm về các quyền của bị cáo có thể bị vi phạm trước, trong, và sau phiên xét xử lưu động như thế nào, mời độc giả đọc thêm bài viết “Quyền của bị cáo trong xét xử lưu động” đã được đăng tải trên Luật Khoa Tạp Chí của người viết. [11]

“Phiên tòa giả định” thay vì “xét xử lưu động” cho mục đích giáo dục và phòng ngừa

Trên thực tế, các tổ chức có thâm niên trong việc phòng chống tội phạm mua bán người như Văn phòng về Ma túy và Tội phạm (UNODC) hay Văn phòng Cao ủy Nhân quyền (OHCHR) của Liên Hợp Quốc cũng cho rằng tòa án là một trong những công cụ quan trọng nhằm giáo dục và phòng ngừa tội phạm mua bán người. 

Tuy nhiên, chưa bao giờ các phiên tòa xét xử thực tế được dùng làm công cụ nhằm đạt được mục đích này do các vấn đề về đảm bảo quyền con người của bị cáo. 

Do đó, các phiên tòa giả định (mock trials) trở thành một trong những giải pháp quan trọng mà các tổ chức này thiết kế. 

Họ xây dựng các quy chế và hướng dẫn thực hiện các phiên tòa giả định với các tình tiết vụ án được giả lập như các phiên tòa thực tế. 

Đây là giải pháp nhằm giúp giáo dục người dân, tăng tính nhạy cảm và kỹ năng chuyên môn cho các cơ quan chức năng nhưng cũng đảm bảo các quyền cơ bản của bị cáo trong các phiên tòa thực tế. [12] [13]

Cần giải quyết các vấn đề cấu trúc về phân biệt đối xử và nghèo đói - nguyên nhân chính của nạn buôn người

Các phiên tòa xét xử lưu động trong các vụ án mua bán người tạo cảm giác là công lý đã được hoàn trả và quy trách nhiệm cho cá nhân bị cáo. 

Trong các bài viết của Blue Dragon, bị cáo được mô tả bằng những từ ngữ như “sự phản bội” (betrayals) và việc đưa họ ra xét xử là khi công lý được thực thi. Công lý được mô tả trong các bài viết của họ là số năm mà các bị cáo này buộc phải lãnh án vì “tội ác” mà mình đã gây ra. 

Việc dựa vào các phiên tòa này để ngăn chặn nạn buôn người và thực thi công lý sẽ bỏ qua những yếu tố mang tính cấu trúc - nguyên nhân nền tảng của vấn nạn này. 

Trong một báo cáo của OHCHR về quyền con người và mua bán người, họ cho rằng những vấn đề về phân biệt đối xử và việc không được đảm bảo các quyền kinh tế - xã hội khiến cho một số nhóm như phụ nữ, người di cư, trẻ em trở thành những nhóm dễ bị tổn thương, dễ dàng trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. [14] 

Sự phân biệt đối xử và nghèo đói khiến cho những nhóm này có ít lựa chọn hơn trong cuộc sống. 

Do đó, họ dễ dàng chấp nhận những rủi ro, những lựa chọn mà họ sẽ không bao giờ làm nếu như những nhu cầu cơ bản được đáp ứng. 

Theo OHCHR, những yếu tố về phân biệt đối xử và không đảm bảo các quyền con người cơ bản này mới chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mua bán người ngày càng phức tạp và khó lường như hiện nay.

Khi đó, việc tổ chức các phiên tòa với sự tham gia của chính quyền địa phương và người dân, tập trung vào việc xét xử và thụ án của một/một vài cá nhân tham gia vào quá trình mua bán người chỉ cho chúng ta cảm giác là vụ án đã được giải quyết và công lý đã được thực thi. 

Tội phạm của các vụ án mua bán người quả thực cần được xét xử và thụ lý với những hậu quả mà họ gây ra. 

Tuy vậy, việc đưa các vụ án ra xét xử lưu động và nhấn mạnh vào khả năng giáo dục và răn đe đối người dân, mô tả bị cáo như những con quái thú cần bị trừng phạt, tạo ra những băn khoăn hợp lý về quyền con người của bị cáo.

Các phiên tòa xét xử lưu động trong các vụ án mua bán người cũng sẽ khó mở ra những đối thoại, giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề về bất bình đẳng về mặt cấu trúc đã và đang xảy ra dành cho các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội. 

Từ khóa:

Tòa án khu vực: circuit court
Phát kiến: innovation
Làm việc với bộ tư pháp: worked with justice department
Các phiên tòa giả định: mock trials
Sự phản bội: betrayal

Chú thích

  1.  Dragon, Blue. “Circuit Courts: An Innovative Strategy to Prevent Human Trafficking.” Blue Dragon Children’s Foundation, 24 Mar. 2023, https://www.bluedragon.org/latest-news/circuit-courts/.
  2. “Overview of the Judiciary.” Courts and Tribunals Judiciary, https://www.judiciary.uk/about-the-judiciary/history-of-the-judiciary-in-england-and-wales/history-of-the-judiciary/. Accessed 24 Nov. 2024.
  3. Circuit Riding | Federal Judicial Center. https://www.fjc.gov/history/spotlight-judicial-history/circuit-riding. Accessed 24 Nov. 2024.
  4. thuvienphapluat.vn. “Luật Tổ Chức Tòa Án Nhân Dân 2014 Số 62/2014/QH13 Áp Dụng 2024 Mới Nhất.” THƯ VIỆN PHÁP LUẬT, 19 Sept. 2024, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-to-chuc-Toa-an-nhan-dan-2014-259724.aspx.
  5.  thuvienphapluat.vn. “Bộ Luật Hình Sự 2015 Số 100/2015/QH13 Áp Dụng 2024 Mới Nhất.” THƯ VIỆN PHÁP LUẬT, 7 Nov. 2024, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Trach-nhiem-hinh-su/Bo-luat-hinh-su-2015-296661.aspx.
  6.  thuvienphapluat.vn. “Luật Sửa Đổi Bộ Luật Hình Sự 2017 Số 12/2017/QH14 Áp Dụng 2024 Mới Nhất.” THƯ VIỆN PHÁP LUẬT, 21 June 2024, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-sua-doi-Bo-luat-Hinh-su-2017-354053.aspx.
  7.  LuatVietnam. “Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi.” LuatVietnam, https://luatvietnam.vn/hinh-su/nghi-quyet-02-2019-nq-hdtp-hoi-dong-tham-phan-toa-an-nhan-dan-toi-cao-170791-d1.html. Accessed 25 Nov. 2024.
  8.  Dragon, Blue. “Circuit Courts: An Innovative Strategy to Prevent Human Trafficking.” Blue Dragon Children’s Foundation, 24 Mar. 2023, https://www.bluedragon.org/latest-news/circuit-courts/.
  9. Dragon, Blue. “Circuit Court Held in Remote Mountainous District.” Blue Dragon Children’s Foundation, 16 Mar. 2017, https://www.bluedragon.org/latest-news/circuit-court-held-in-remote-mountainous-district/.
  10.  “[O]ver the years, Blue Dragon lawyers have represented 172 victims of trafficking in court, resulting in 219 human traffickers being put behind bars”. Dragon, Blue. “Circuit Courts: An Innovative Strategy to Prevent Human Trafficking.” Blue Dragon Children’s Foundation, 24 Mar. 2023, https://www.bluedragon.org/latest-news/circuit-courts/
  11. “Quyền Của Bị Cáo Trong Xét Xử Lưu Động.” Luật Khoa Tạp Chí, 28 Aug. 2023, https://www.luatkhoa.com/2023/08/quyen-cua-bi-cao-trong-xet-xu-luu-dong/.
  12. “5 Frequently Asked Questions about Mock Trials for Human Trafficking Cases.” United Nations : Office on Drugs and Crime,/www.unodc.org/unodc/en/news/2024/January/5-frequently-asked-questions-about-mock-trials-for-human-trafficking-cases.html. Accessed 25 Nov. 2024.
  13.  “Making a Difference: How Mock Trials Help Combat Human Trafficking.” United Nations : Office on Drugs and Crime, //www.unodc.org/unodc/en/frontpage/2023/May/making-a-difference_-how-mock-trials-help-combat-human-trafficking.html. Accessed 25 Nov. 2024.
  14. About trafficking in persons and human rights.” United Nations: Office of the High Commissioner, https://www.ohchr.org/en/trafficking-in-persons/about-trafficking-persons-and-human-rights. Accessed 25 Nov. 2024.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.