Bức tranh giao thông ở Hà Nội và TP. HCM sau hai tuần có Nghị định 168

Bức tranh giao thông ở Hà Nội và TP. HCM sau hai tuần có Nghị định 168
Người dân lưu thông tại Công trường Dân chủ, quận 10, TP.HCM vào ngày 15/1. Ảnh: Huỳnh Kha/ Luật Khoa.

Sau hai tuần Nghị định 168 có hiệu lực, theo ghi nhận của phóng viên Luật Khoa tạp chí, mức độ kẹt xe ở Hà Nội và TP. HCM ngày càng nghiêm trọng. Người dân quan ngại về mức phạt tăng cao, trong khi đó hạ tầng chưa được cải thiện một cách đồng bộ.

TP. HCM: Kẹt xe vẫn tiếp tục nghiêm trọng trong những ngày gần đây


  • Hầu hết các tờ báo đều ghi nhận về tình trạng kẹt xe đột ngột trở nên nghiêm trọng tại TP. HCM.
  • Một số tựa bài nổi bật như “TP HCM bùng phát kẹt xe nghiêm trọng” - VnExpress, ngày 9/1; "Dân 'rén' phạt, TP.HCM kẹt xe cục bộ, xe cấp cứu 'khóc thét' chờ đèn đỏ" - VGT News, ngày 12/1; “TP.HCM kẹt xe khủng khiếp, biển người chật vật nhích từng chút trên đường" - Công Lý, ngày 13/1; “Kẹt xe khắp nơi, người dân TP.HCM 'ngộp thở' đi làm sáng đầu tuần" - VTC News, ngày 13/1; TP HCM lo hàng Tết thiếu hụt cục bộ, tăng giá vì kẹt xe" - Người Lao Động, ngày 13/1.
  • Ngoài ra, nhiều người dùng tại TP. HCM cũng phản ánh tình trạng khó khăn trong việc đặt xe công nghệ dù giá cước tăng cao.

    Chẳng hạn như bài viết "Khách trầy trật cả tiếng không đặt nổi cuốc xe công nghệ ở TP.HCM" - VTC News, ngày 11/1, ghi nhận giá cước tăng từ 20 - 50% so với ngày thường; "Đợi cả tiếng chưa bắt được Grab dù giá tăng cao, vì sao?" - Tuổi Trẻ, ngày 12/1, ghi nhận việc người dân phản ánh khó đặt xe Grab trong giờ cao điểm, dù giá cước đã tăng gấp 1,5 - 2 lần; hay bài viết "TP.HCM lo hàng Tết thiếu hụt cục bộ, tăng giá vì kẹt xe" - Người Lao Động, ngày 13/1.
Người dân lưu thông tại Công trường Dân chủ, quận 10, TP.HCM vào ngày 15/1. Ảnh: Huỳnh Kha/ Luật Khoa.
  • Trên các diễn đàn, mạng xã hội, người dân cũng bàn luận sôi động không kém. Chẳng hạn như bài “Ngộp thở với tình trạng kẹt xe không lối thoát vào sáng thứ hai đầu tuần” của một fanpage có 1,2 triệu người theo dõi đã thu hút tới 1.700 lượt bình luận. Đa số đều quan ngại trước thực trạng kẹt xe.
  • Ngày 13/1, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM cho biết lưu lượng phương tiện giao thông tại các tuyến đường trung tâm thành phố đã tăng khoảng 17% so với thời điểm cuối năm 2024. Đồng thời, tại một số khu vực cửa ngõ thành phố cũng ghi nhận mức tăng lưu lượng xe khoảng 10%.
  • Theo một báo cáo từ Bộ Giao thông - Vận tải, vào năm 2022, TP. HCM thiệt hại kinh tế khoảng 6 tỷ USD (hơn 138.000 tỷ đồng) do vấn đề ách tắc giao thông.
  • Ngày 16/1, Phòng Cảnh sát Giao thông của Công an TP. HCM lạc quan cho biết rằng sau 15 ngày Nghị định 168 có hiệu lực, địa phương có tình trạng xe đông, nhất là tại các giao lộ vào giờ cao điểm, tuy nhiên người dân dừng ngay ngắn, đúng vạch, tạo diện mạo mới cho giao thông thành phố.

Bức tranh giao thông ở Hà Nội cũng không khả quan hơn


  • Tại Hà Nội, báo chí cũng nêu lên vấn nạn kẹt xe tương tự như ở TP. HCM. Theo tổng hợp của chúng tôi, trong khoảng thời gian từ ngày 2 - 15/1, tình trạng kẹt xe nghiêm trọng đã diễn ra tại nhiều tuyến đường chính như Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Ngã Tư Sở, Trường Chinh, Láng Hạ, v.v. Nhiều nơi ùn tắc kéo dài cả ngày lẫn đêm, không chỉ trong giờ cao điểm.
  • Tại đường Nguyễn Trãi - tuyến huyết mạch của Hà Nội, thường xuyên xuất hiện tình trạng kẹt xe với dòng phương tiện kéo dài khoảng 3 km, người dân mất gần một giờ để di chuyển qua đoạn đường này. 
  • Trước tình hình kẹt xe nghiêm trọng ở cả hai thành phố lớn, thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an phối hợp Bộ Giao thông - Vận tải và chính quyền TP. Hà Nội, TP. HCM tổ chức giao thông một cách khoa học, hợp lý nhằm nhanh chóng giải quyết tình trạng ùn tắc.

Nguyên nhân do đâu?


Theo tổng hợp của chúng tôi trên các thông tin báo chí, có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng kẹt xe đột ngột trở nên nghiêm trọng tại hai thành phố lớn.

  • Thứ nhất, người dân “rén” với mức phạt tăng cao (ví dụ như đối với ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, mức phạt tăng từ 4 - 6 triệu đồng lên 18 - 20 triệu đồng). Do đó, người tham gia giao thông trở nên thận trọng hơn, đặc biệt trong việc rẽ phải khi đèn đỏ như thói quen trước đây.
  • Thứ hai, lưu lượng phương tiện gia tăng vào dịp cuối năm, do nhu cầu đi lại, mua sắm tăng cao.
  • Thứ ba, thiếu bãi đỗ xe và điểm dừng nghỉ. Theo Nghị định 168, tài xế không được phép lái xe liên tục quá 4 giờ và phải nghỉ ngơi ít nhất 15 phút trước khi tiếp tục hành trình. Tuy nhiên, tại hai thành phố lớn đều thiếu bãi đổ xe nên còn nhiều tài xế đỗ xe không đúng nơi quy định, nhất là ở lòng đường. Theo một thống kê vào năm 2023, Hà Nội chỉ có các bãi đỗ xe đáp ứng khoảng 8 - 10% nhu cầu.
  • Thứ tư, cũng là nguyên nhân chính, cơ sở hạ tầng không chưa được cải thiện nhiều. Tại Hà Nội, tốc độ phát triển hạ tầng đô thị chỉ tăng 0,6% mỗi năm, trong khi phương tiện cá nhân tăng từ 4 - 5% mỗi năm, đặc biệt ô tô cá nhân tăng 10%.
  • Hồi năm 2022, bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải lúc này là ông Nguyễn Văn Thể từng phát biểu rằng giao thông ở TP. HCM ách tắc là do thiếu đường cao tốc kết nối nội thành thành phố với các địa phương.

    “Tình hình này nếu không cải thiện được thì TP. HCM sẽ trở thành đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam và có thể là trong khu vực Đông Nam Á”, ông Thể nhận định trong bài viết.

Tiền phạt lên tới hơn 110 tỷ đồng ở hai thành phố


Trong ngày đầu tiên Nghị định 168 có hiệu lực (1/1), Cục Cảnh sát Giao thông của Bộ Công an cho biết lực lượng cảnh sát giao thông cả nước đã phạt gần 28 tỷ đồng với hơn 13.000 lỗi vi phạm.

  • Tính chung cả hai tuần sau khi áp dụng Nghị định 168, lực lượng cảnh sát giao thông TP. HCM đã xử phạt các vi phạm giao thông với tổng số tiền lên đến 80 tỷ đồng với hơn 22.500 trường hợp. Hà Nội đã xử lý 12.267 trường hợp, phạt tiền trên 30,5 tỷ đồng.
  • Ngoài ra, từ 1 - 15/1, trên toàn quốc xảy ra 681 vụ tai nạn giao thông, làm 365 người chết (giảm 11,03% cùng kỳ năm trước).

    Lực lượng cảnh sát giao thông đã xử phạt 174.653 trường hợp vi phạm, tước 17.595 giấy phép lái xe, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ 955 ô tô, 49.649 mô tô và trừ điểm giấy phép lái xe đối với 12.691 trường hợp.

Báo chí nhà nước: Nghị định 168 làm người dân “biết sợ”


Theo ghi nhận của chúng tôi, đa số các tờ báo trong nước và một số bình luận trên các diễn đàn cũng đồng tình với chủ trương và mức phạt tại Nghị định 168. 

  • Lao Động Thủ Đô đăng tin vào ngày 6/1 rằng sau một tuần áp dụng Nghị định 168, “mức xử phạt đã khiến nhiều người biết sợ”.
  • Công An Nhân Dân cũng có bài vào ngày 6/1 về “Thủ đoạn xuyên tạc, gây nhiễu Nghị định 168 về xử phạt vi phạm an toàn giao thông đường bộ”. Bài viết cho rằng việc tăng mức phạt theo Nghị định 168 nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, giảm tai nạn, ùn tắc và tình trạng “nhờn luật”.

    Đồng thời nhận định “trong tình hình ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của nhiều người còn thấp, cố tình vi phạm, coi thường các quy tắc giao thông thì việc “đánh vào kinh tế” là một biện pháp có tính ngăn ngừa hữu hiệu, đòi hỏi người điều khiển phương tiện giao thông phải tuân thủ nghiêm túc hơn”.

    Bài viết cũng cho rằng các bình luận trên mạng xã hội như “hút máu dân”, “tận thu”, “bóc lột”, “cố ý giăng bẫy thu tiền”, v.v từ việc tăng mức phạt ở Nghị định 168 hay vấn đề trục trặc đèn giao thông là xuyên tạc, thiếu cơ sở.
  • Ngày 8/1, Thông Tấn Xã Việt Nam cập nhật sau một tuần áp dụng Nghị định 168, “hiệu ứng lan tỏa rất tích cực, chỉ sau một ngày triển khai, ý thức tham gia giao thông chấp hành của người dân được cải thiện”. 
  • Ngày 12/1, giải thích trước luồng dư luận cho rằng Nghị định 168 được ban hành trái luật, báo Tuổi Trẻ thông tin từ Cục Cảnh sát Giao thông rằng Nghị định 168 có hiệu lực chỉ sau sáu ngày ban hành là do tính chất cấp thiết, liên quan đến trật tự an toàn giao thông. Vì vậy, Nghị định 168 được ban hành theo trình tự rút gọn tại quy định.
  • Ngày 15/1, báo Lao Động tiếp tục dẫn lời ông Hồ Quang Huy, cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm pháp luật của Bộ Tư Pháp, cho biết rằng Nghị định 168 được ban hành đúng quy định.
  • Ngày 15/1, báo Vietnamplus cũng đưa tin “Nghị định 168 - Chỉ bàn tiến, không bàn lùi!”. Theo đó, bài viết điểm lại một số tin cũ về việc tắc đường ở thành phố lớn là chuyện bình thường.

    “Ý thức chấp hành trật tự, an toàn giao thông của một số không nhỏ người dân thực sự “có vấn đề” […], Nghị định 168/2024/NĐ-CP ra đời chính là để cảnh tỉnh, răn đe tình trạng tùy tiện tham gia giao thông, coi thường pháp luật”, bài viết nhận định.

Báo chí độc lập viết gì về Nghị định 168?


  • Ngày 3/1. RFA viết bài ”Nghị định 168 làm giàu cho cảnh sát giao thông?”. Bài viết đặt ra câu hỏi liệu văn bản luật này có đang làm giàu thêm cho ngành công an hay không, do chỉ trích một phần nhỏ số tiền xử phạt để nộp vào ngân sách nhà nước.

    Ngày 13/1, RFA cũng tiếp tục đăng tải bài viết: “Nghị định 168 và 176: Chính phủ ca ngợi, người dân ca thán”. Qua đó, ghi nhận ý kiến của cơ quan nhà nước và quan điểm của người dân. Đồng thời, RFA đánh giá Nghị định 168 được ban hành một cách “vội vã”.
  • Ngày 9/1, BBC News Tiếng Việt có bài viết “Phạt nặng giao thông: xử phạt hay trừng phạt?”. Báo này phỏng vấn luật sư Phùng Thanh Sơn, qua đó cho biết quan điểm của luật sư về việc các mức phạt mới quá cao so với thu nhập trung bình của người dân.

    Điều này dẫn tới một hệ lụy là đẩy người vi phạm vào thế khó khăn về kinh tế, làm tăng nguy cơ tiêu cực giữa người dân và cảnh sát cũng như không xây dựng được ý thức giao thông tự giác cho người dân, mà thay vào đó, buộc họ phải chấp hành vì sợ hãi.
  • Trong những ngày qua, Luật Khoa cũng liên tục có nhiều bài viết liên quan đến Nghị định 168.

    Điển hình là bài viết của tác giả Thúc Kháng: “Nghị định 168: Làm khổ và làm giàu”, được đăng trên mục Diễn đàn. Tác giả kể lại trải nghiệm về hiện tượng "nhảy đèn" giao thông, thực trạng mãi lộ. Đồng thời, tác giả cũng cho rằng đèn giao thông lỗi thời, tình trạng kẹt xe gia tăng, và quy hoạch đô thị thiếu đồng bộ là những vấn đề khiến Nghị định 168 bị chỉ trích là chỉ giải quyết phần ngọn, chứ không giải quyết gốc rễ.

    Luật Khoa cũng đăng tải video nêu hai phương án tốt hơn, đó là hoặc (1) thi hành nghiêm hơn với các quy định cũ hoặc (2) ban hành quy định mới, nhưng dành thời gian đủ rộng, có thể từ nửa năm cho tới một năm, để người dân chuẩn bị.

    Trong thời gian đó, cơ quan nhà nước có thể khắc phục được những vấn đề về hệ thống điện báo, đèn tín hiệu hay nâng cao chất lượng hạ tầng, v.v.

    Luật Khoa cũng cho rằng báo chí cần phát huy tốt "vai trò đón đầu" để truyền thông, phân tích một cách khách quan, lấy hiến kế của người dân và chuyên gia về các chính sách, quy định mới, nhất là những chính sách có tác động lớn tới xã hội như Nghị định 168.

Đọc thêm:

Nghị định 168: Hai phương án tốt hơn - và không đánh úp
Nâng cao năng lực thực thi pháp luật trước khi nâng mức phạt

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.