Đảng Cộng sản muốn xóa sổ công an cấp huyện; TP. HCM tính cho người dân ‘leo lề’ để giảm kẹt xe

Đảng Cộng sản muốn xóa sổ công an cấp huyện; TP. HCM tính cho người dân ‘leo lề’ để giảm kẹt xe
Nguồn ảnh: daibieunhandan.vn.

Các sự kiện nổi bật:

  • Đảng Cộng sản thống nhất bỏ công an cấp huyện
  • TP. HCM muốn dùng vỉa hè để giảm tình trạng kẹt xe
  • Kiều hối về Việt Nam liên tiếp lập kỷ lục
  • Việt Nam tiếp tục nâng cấp mối quan hệ ngoại giao với nhiều nước

Ông Tô Lâm: Thống nhất bỏ công an cấp huyện

Từ ngày 23 - 24/1, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản khóa 13 (2021 - 2026) với nội dung trọng tâm là bàn về tinh gọn bộ máy.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh Đăng Khoa/ báo Nhân Dân.
  • Theo đó, Bộ Chính trị đã thống nhất phương án tinh gọn bộ máy trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, trong đó có đề xuất không tổ chức công an cấp quận/huyện trong hệ thống Công an Nhân dân.

    Trong phiên bế mạc hội nghị, ông Tô Lâm cho biết Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất đề xuất này.
  • Đến ngày 22/1, các cơ quan Đảng Cộng sản đã giảm 119 đầu mối cấp vụ. Khối Chính phủ giảm năm bộ, cơ quan ngang bộ; ba cơ quan trực thuộc. Các địa phương dự kiến cũng giảm nhiều đảng ủy, cơ quan chuyên môn.
  • Dự kiến vào tháng 2/2025, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội sẽ lần lượt tổ chức hội nghị và kỳ họp bất thường nhằm chốt phương án tinh gọn bộ máy.
  • Trong khi đó, tại báo cáo mới đây về công tác quy hoạch báo chí và tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW về tinh gọn bộ máy, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị TP. Hà Nội và TP. HCM nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ hợp hoặc tập đoàn báo chí - truyền thông. Trước đó, tháng 12/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã từng đưa ra phương án thí điểm mô hình này tại hai thành phố.
Ông Tô Lâm trao quyết định và tặng hoa chúc mừng ông Nguyễn Duy Ngọc lên chức thứ trưởng Bộ Công an vào năm 2019. Ảnh: báo Công an Nghệ An.
  • Tại hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương cũng bầu ông Nguyễn Duy Ngọc, ủy viên Trung ương Đảng, chánh Văn phòng Trung ương Đảng vào Bộ Chính trị và giữ chức chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương thay ông Trần Cẩm Tú.

    Ngoài ra, ông Trần Lưu Quang, ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng được bầu bổ sung vào Ban Bí thư Đảng Cộng sản khóa 13.

    Theo BBC News Tiếng Việt, điều này là sai quy định, căn cứ Quy định số 214-QĐ/TW ngày 2/1/2020 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

    Cụ thể, ông Nguyễn Duy Ngọc chưa đủ tiêu chuẩn vào Bộ Chính trị và giữ chức chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương do chưa làm tròn một nhiệm kỳ trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

    Sự nghiệp chính trị của ông Nguyễn Duy Ngọc gắn liền với ngành công an. Tháng 8/2019, ông được bổ nhiệm giữ chức thứ trưởng Bộ Công an, tức là cấp dưới của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khi đó.
  • Hiện nay Bộ Chính trị Đảng Cộng sản khóa 13 có 16 ủy viên, trong đó có chín người là tướng lĩnh công an, quân đội. Cụ thể, có sáu người xuất thân từ ngành công an, gồm Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Bí thư thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; ba người xuất thân từ quân đội, gồm Chủ tịch nước Lương Cường, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.
  • Danh sách Ban Bí thư hiện nay gồm 12 thành viên, bao gồm tổng bí thư, thường trực Ban Bí thư và sáu ủy viên Bộ Chính trị kiêm nhiệm vai trò bí thư Trung ương Đảng (gồm Phan Đình Trạc, Nguyễn Hòa Bình, Lê Minh Hưng, Nguyễn Trọng Nghĩa, Đỗ Văn Chiến và Nguyễn Duy Ngọc).

    Ngoài ra, Ban Bí thư còn có bốn thành viên khác giữ chức bí thư Trung ương Đảng gồm: Lê Hoài Trung (trưởng Ban Đối ngoại Trung ương), Lê Minh Trí (chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao), Thượng tướng Trịnh Văn Quyết (chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam) và Trần Lưu Quang (trưởng Ban Kinh tế Trung ương).

TP. HCM đề xuất tạm thời dùng vỉa hè để giảm ùn tắc giao thông

Trong mấy tuần liền, tình trạng kẹt xe ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh diễn ra nghiêm trọng.

Việc các địa phương cập rập thực hiện Nghị định 168, cùng với nhu cầu đi lại và mua sắm tăng cao, đã khiến nhiều tuyến đường chính bị ùn tắc kéo dài, không chỉ vào giờ cao điểm mà còn cả ngoài giờ.

Cảnh ùn tắc trên quốc lộ 1A - cửa ngõ phía Tây Bắc, TP. HCM vào chiều 24/1. Ảnh báo Tin Tức/ Thông tấn xã Việt Nam.
  • Tại thủ đô Hà Nội, báo chí ghi nhận tình trạng kẹt ở nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

    Ở TP. HCM, các tuyến đường như Võ Nguyên Giáp (hướng về cảng Cát Lái, TP. Thủ Đức), khu vực cửa ngõ phi trường Tân Sơn Nhất, v.v cũng rơi vào tình trạng tương tự. 
  • Lực lượng cảnh sát giao thông ở hai thành phố lớn phải căng mình điều tiết, phân luồng giao thông.

    Tại TP. HCM, nhà chức trách đã lắp 500 đèn tín hiệu cho phép rẽ phải khi đèn đỏ tại 200 giao lộ.

    Theo thống kê đến cuối năm 2023, thành phố có hơn 10,9 triệu người sinh sống và làm việc, chưa kể lượng người nhập cư từ các nơi khác đến cư trú. Số lượng phương tiện giao thông cũng tăng cao, với hơn 9 triệu phương tiện. Trong khi đó, mật độ đường giao thông hiện tại chỉ đạt khoảng 2,26 km/km², thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn 10 - 13 km/km².
  • Ngày 20/1, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. HCM Phan Văn Mãi đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai các giải pháp cấp bách nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn. Ông yêu cầu Ban An toàn Giao thông, Sở Giao thông - Vận tải, Công an thành phố và các đơn vị liên quan xử lý ngay các điểm ùn tắc, đặc biệt ưu tiên hoàn thành trong 24 - 48 giờ.
  • Đáng lưu ý, ông Mãi đề nghị xem xét việc tạm thời sử dụng vỉa hè làm đường lưu thông để giảm áp lực lên lòng đường trong dịp cuối năm.

Kiều hối về Việt Nam đạt mức kỷ lục

Năm 2024, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam đạt khoảng 16 tỷ USD, tương đương với năm 2023 và chủ yếu đến từ khu vực châu Á và châu Mỹ. 

  • Tại TP. HCM, lượng kiều hối nhận được trong năm 2024 đạt khoảng 9,6 tỷ USD, chiếm khoảng 60% tổng lượng kiều hối của cả nước. Đáng lưu ý, nếu tính từ đầu năm 2024 đến hiện nay - thời điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cận kề - lượng kiều hối chảy về địa phương này đạt mức kỷ lục là hơn 10 tỷ USD. 
  • Dịp này, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) cũng tổ chức chương trình “Xuân quê hương 2025” để cho kiều bào tham gia các hoạt động vui xuân đón tết ở Việt Nam. Ngày 19/1, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu.
  • Hiện nay, nước ta có khoảng 6 triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có 2,2 triệu người ở Mỹ. Trong nhiều năm liền, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới.

    Trong hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối gửi về Việt Nam đã đạt hơn 200 tỷ USD, tương đương với lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân trong cùng thời kỳ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp tổng thống Ukraine

Bên lề Hội nghị Thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 55 tại Davos (Thụy Sĩ) vào tối 21/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp ngắn với Tổng Thống Volodymyr Zelensky. 

  • Về xung đột Nga - Ukraine, ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh lập trường của Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

    Ông khẳng định Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng cộng đồng quốc tế để thúc đẩy đối thoại và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột.
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính công du ở nhiều nước từ ngày 15 - 23/1 và đã đạt được nhiều thành quả ngoại giao.

    Điển hình, Việt Nam đã nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược với Ba Lan và Cộng hòa Séc; nâng cấp lên Đối tác Toàn diện với Thụy Sĩ.

Tin vắn:

Truy tố “vua rác” David Dương ở Mỹ: Ngày 17/1, Bộ Tư pháp Mỹ truy tố bà Sheng Thao, cựu Thị trưởng TP. Oakland, bang California cùng bốn nghi phạm, bao gồm ông David Dương và con trai ông, Andy Dương, về tội tham nhũng, nhận hối lộ. Theo cáo trạng, ông David Dương cùng các đồng phạm bị cáo buộc đã thanh toán cho Andre Jones (bạn đời bà Thao) số tiền 95.000 USD (trong tổng 300.000 USD theo thỏa thuận) và cam kết tài trợ 75.000 USD cho các hoạt động chính trị của bà Thao. Đổi lại, bà Thao đồng ý cho TP. Oakland mua nhà từ một công ty của gia đình ông Dương và gia hạn hợp đồng với công ty tái chế mà ông sở hữu. Ông David Dương nổi tiếng với biệt danh “vua rác”, là chủ sở hữu của công ty tái chế California Waste Solutions (CWS). Tại TP. HCM, ông Dương có một cơ sở xử lý chất thải với công suất hơn 5.000 tấn rác/ngày.

Singapore cáo buộc Vietjet “tấy xanh”: Cơ quan Tiêu chuẩn Quảng cáo Singapore (ASAS) đã gỡ các quảng cáo của Vietjet về chiến dịch "Green Friday" vì gây hiểu lầm về lợi ích môi trường. Trước đó, tháng 11/2024, Vietjet đã triển khai chiến dịch này, cung cấp một triệu vé máy bay "xanh" với giá từ 86 SGD (gần 1,6 triệu đồng) nhằm khuyến khích hành khách từ Singapore bay đến Việt Nam trong năm 2025. Tuy nhiên, sau khi điều tra, giới chức Singapore kết luận những lợi ích môi trường mà Vietjet tuyên bố chỉ áp dụng cho một phần đội bay và không thể đảm bảo mọi chuyến bay đều đạt mức giảm tiêu thụ nhiên liệu và khí thải như quảng cáo. Đây là lần thứ hai Vietjet bị chỉ trích tại Singapore liên quan đến quảng cáo.

Bắt giám đốc Đại học Huế: Ngày 20/1, Công an TP. Huế khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Anh Phương, giám đốc Đại học Huế, để điều tra về hành vi “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, ngày 26/12/2024, cơ quan này cũng đã khởi tố và bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Vinh, nguyên phó trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo sau đại học thuộc Trường Đại học Sư phạm Huế, với cùng tội danh. Theo kết quả điều tra ban đầu, từ năm 2020 - 2021, khi giữ chức vụ hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Huế, ông Phương cùng ông Vinh đã vượt quá chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt 2,6 tỷ đồng của sinh viên. Ông Phương được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư vào năm 2017.

Cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng được hưởng án treo: Ngày 20/1, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội tuyên phạt ông Mai Tiến Dũng 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Lý do được đưa ra là vì ông Dũng có nhiều cống hiến trong công tác, được tặng thưởng bốn huân chương lao động và nhiều bằng khen. Ngoài ra, ông Dũng đã hơn 60 tuổi và có nhiều bệnh nền. Ông Dũng bị cáo buộc đã ký duyệt và chỉ đạo cấp dưới chuyển đơn kiến nghị của chủ đầu tư trái quy định pháp luật và nhận 200 triệu đồng “quà cảm ơn” từ ông Nguyễn Cao Trí, tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh.

Khởi tố mẹ của “đại gia kim cương”: Ngày 18/1, Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam bà Chu Thị Thành (chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức) và các đồng phạm vì hành vi chiếm đoạt quỹ bình ổn xăng dầu. Bà Thành có một người con trai tên C.Đ.K, chuyên kinh doanh kim cương nên thường được gọi là "đại gia kim cương".

Metro số 1 ở TP. HCM bán vé viết tay vì quá đông khách: Sáng 21/1 -  ngày đầu tiên thu phí sau 30 ngày metro số 1 vận hành miễn phí, do lượng hành khách mua vé lượt quá đông nên hệ thống bán vé bị quá tải. Phòng vé phải “xử lý tạm thời” bằng vé giấy viết tay. Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 cho biết đang làm việc với các đối tác như MoMo và Napas để tích hợp phương thức thanh toán mới vào cổng soát vé.

Đặt mục tiêu xây đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong 10 năm: Ngày 21/1, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế (WEF) lần thứ 55 tại Thụy Sĩ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam dự kiến sẽ hoàn thành tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam trong 10 năm và chiến lược ban đầu để thực hiện mục tiêu này là phát triển ổn định cơ sở hạ tầng. Dự án này được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 11/2024, với tổng vốn dự kiến 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương 67 tỷ USD). Tuyến đường dài 1.541 km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đi qua 20 tỉnh thành.

Dự kiến chi 9.046 tỷ đồng/năm cho trợ cấp hưu trí: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang trình dự thảo Nghị định đề xuất chi tiết mức trợ cấp hưu trí xã hội theo Điều 21, Luật Bảo hiểm Xã hội 2024. Theo đó, từ ngày 1/7, người từ đủ 75 tuổi trở lên, không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, sẽ được nhận trợ cấp 500.000 đồng/tháng. Ngoài ra, nhà nước cũng chi trợ cấp cho người đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi, thuộc hộ nghèo, cận nghèo và đáp ứng điều kiện theo quy định. Hiện nay, cả nước có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu, trong đó có tới 35% đang nhận đang trợ cấp. Nhà nước ước tính cần 9.046 tỷ đồng/năm để chi trả trợ cấp.

Chưa bỏ bảo hiểm xe máy: Bộ Tài chính cho biết hiện nay nhà nước vẫn duy trì bảo hiểm xe máy trách nhiệm dân sự bắt buộc xe máy nhằm bảo vệ quyền lợi và giảm thiểu rủi ro cho người tham gia giao thông. Cơ quan này nhận định xe máy vẫn là phương tiện gây tai nạn chính, chiếm 63,48% các vụ tai nạn giao thông. Theo Nghị định 67/2023/NĐ-CP, mức phí bảo hiểm xe máy là 55.000 đồng/năm (với xe dưới 50cc) và 290.000 đồng/năm (đối với xe trên 50cc). Mức bồi thường tối đa cho thiệt hại về sức khỏe, tính mạng là 150 triệu đồng/người/vụ tai nạn.

Thủ tướng Slovakia được Việt Nam mời họp trong kỳ nghỉ cá nhân: Mới đây, truyền thông Slovakia dẫn lời Thủ tướng Robert Rico về việc ông đã có chuyến thăm Việt Nam kéo dài 9 ngày vào đầu tháng Một. Ông xác nhận rằng chuyến đi này là kỳ nghỉ cá nhân và ông lưu trú tại một khu nghỉ dưỡng phổ biến với du khách Slovakia. Ngoài ra, trong thời gian ở Việt Nam, ông Fico đã tham dự một cuộc họp không chính thức tại khách sạn Capella Hà Nội theo lời mời. Tuy nhiên, ông không tiết lộ chi tiết về người tham dự hay nội dung cuộc họp.


Bài đáng chú ý trong tuần:

Hai nửa tâm trạng người lao động khi tinh gọn bộ máy

Phan Dương - VnExpress

[...] Lạc Thủy nhận ra đây là “cơ hội vàng” để cô rời khỏi môi trường công chức.

Mời gọi chuyên gia Việt kiều: Rào cản và sự sẵn lòng

Bùi Mẫn - báo điện tử Dân trí

[...] nhiều người có tấm lòng hướng về quê hương, muốn trở về để đóng góp, nhưng nhiều năm nay vẫn còn trăn trở không dễ quyết định.

Đọc thêm:

Luật Khoa 360: Đề xuất 7 nhiệm vụ mới cho ngành công an
Theo phương án sắp xếp mới nhất mà Bộ Nội vụ trình lên Chính phủ, ngành công an sẽ tiếp nhận thêm 7 chức năng sau cuộc tinh gọn bộ máy.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.