Độc đảng nhưng thức thời, Singapore vẫn thành công trong cải cách bộ máy nhà nước

Độc đảng nhưng thức thời, Singapore vẫn thành công trong cải cách bộ máy nhà nước
Tàu điện ở Singapore. Ảnh: AR / Unsplash.

Trong đề tài cải tổ bộ máy nhà nước đang được thảo luận sôi nổi ở Việt Nam, điểm nóng có vẻ rơi vào việc ai đi, ai ở, cơ quan nào sáp nhập với bộ ngành kia. Rất ít sự chú ý hướng về tầm nhìn rộng lớn của cuộc cải tổ này. 

Nhìn sang nước láng giềng Singapore, chúng ta có thể nhận diện những bài học hay. 

Singapore được đánh giá là một quốc gia thành công bậc nhất về tổ chức bộ máy nhà nước để hoạt động hiệu quả, thích ứng nhanh với các biến chuyển của xu hướng thế giới và nhu cầu của thị trường nội địa. 

Khác với các nước phương Tây, Singapore vẫn giữ mô hình chính trị phi dân chủ tự do, hoặc cùng lắm thì chỉ là độc tài cạnh tranh với một số đảng nhỏ không có mấy ảnh hưởng. Đảng Nhân dân Hành động (PAP) giữ vị trí độc tôn suốt từ khi thành lập quốc đảo này cho tới nay. PAP chi phối các chức vị cao nhất của nhà nước Singapore. 

Mặc dù ở vị trí độc tôn, PAP luôn năng động trong vấn đề cải cách, thích ứng. Chính đảng này đã khởi xướng nhiều đợt cải cách đi vào thực chất, nâng cao hiệu quả bộ máy. Các đợt thay đổi đường hướng chính sách quan trọng đã giúp đất nước này tránh khỏi các cơn suy thoái lớn và cất cánh. 

Cũng bằng việc ráo riết cải cách, nhà nước Singapore đã giữ vững niềm tin của dân chúng trong nước lẫn uy tín đối với thị trường quốc tế để tiếp tục thu hút đầu tư. 

Luật Khoa xin giới thiệu một bài báo khoa học về các chương trình cải cách mà nhà nước Singapore đã thực hiện từ cuối thập kỷ 1980 đến đầu những năm 2000: bài gốc của tác giả Shamsul Haque, có tựa đề “Governance and Bureaucracy in Singapore: Contemporary Reforms and Implications” (tạm dịch: Bài học từ cải cách trong quản trị chính quyền và bộ máy công chức ở Singapore”). Bài được đăng trên tạp chí International Political Science Association vào năm 2004. [1]

Ảnh: Singapore và 700 năm lịch sử – Kỳ 1
Vào ngày quốc khánh 9/8/2019, Singapore được biết đến như một thành phố hiện đại bậc nhất thế giới, trung tâm tài chính – thương mại châu Á, điểm đến hàng đầu của du học sinh khắp thế giới, và là một tiếng nói có trọng lượng trên trường quốc tế. Lãnh đạo lẫn người […]
Chính trị Singapore: “Giang hồ” có ai ngoài họ Lý?
Chính trị Singapore không chỉ có Đảng Nhân dân Hành động (PAP) hay gia đình nhà họ Lý.

Từ nhà nước o bế tới nhà nước điều tiết

Trong một vài thập niên sau khi lập quốc năm 1959, Singapore cũng đi theo mô hình nhà nước phát triển (mà ở ta hay gọi là nhà nước kiến tạo phát triển), thiết lập nhiều công ty nhà nước, bộ ngành để xây dựng và phát triển hạ tầng như nhà đất, điện, nước, hải cảng, hàng không, viễn thông - tức là “hứng” những công trình mà khối tư nhân còn quá non yếu để thực hiện. Tập đoàn khổng lồ Temasek là một minh chứng cho mô hình này. 

Trong quá trình nhà nước “đỡ đầu” nền kinh tế này, các công ty, bộ ngành nhà nước bổ nhiệm rất nhiều cán bộ kỹ thuật và các nhà kỹ trị đại diện quản lý để thích ứng dần với các đòi hỏi của thị trường. Đặc biệt, Singapore rất khôn khéo trong việc mượn tay các tập đoàn nước ngoài để tăng sức cạnh tranh quốc tế. 

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á cuối thập niên 1990, Singapore sớm nhận ra rằng vai trò của nhà nước phải giảm dần, trong khi vai trò của các lực lượng khác phải tăng lên để thích ứng với tình hình mới. 

Singapore quyết định giảm hẳn vai trò của nhà nước trong các mảng viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, tiếp đó là hàng hoạt các lĩnh vực khác thông qua ba chính sách cơ bản: tư nhân hóa, giảm kiểm soát, và tự do hóa. Chính quyền ráo riết mở các nút thắt thể chế để các công ty tư nhân được hoạt động năng động hơn, tự do hơn. 

Thay vì ôm trọn các dịch vụ, chính quyền ký hợp đồng với các công ty tư nhân để thực hiện nhiều hợp đồng dịch vụ, từ huấn luyện, in ấn cho tới vệ sinh, dịch vụ kỹ thuật. 

Tổ chức bộ máy trọng hiệu quả đầu ra

Việc tổ chức và cách vận hành bộ máy nhà nước được cải thiện đáng kể. Trong thời kỳ đầu, hệ thống hành chính dựa trên mô hình quan liêu viên chức (bureaucratic model), tức đề cao nhân tài, tính chính trực, tổ chức hành chính trên dưới chặt chẽ. 

Nhưng sau đó, Singapore chuyển sang mô hình nhấn mạnh vào tính hiệu quả kinh tế của bộ máy hành chính (business-oriented public administration) - mô hình phổ biến hơn trong các nước tư bản những năm 1980 - 1990. Hai đặc điểm quan trọng nhất của mô hình này là: 

  1. Tách nhiều cơ quan bộ, ngành, sở thành các cơ quan độc lập. Trao cho các cơ quan này quyền tự chủ lớn hơn trong cách tuyển dụng, vận hành.  
  2. Giao quyền tài chính và quản lý cho các cơ quan tự chủ này, cho phép họ tự thiết lập và thực hiện các chương trình, dự án trên cơ sở đánh giá kết quả cuối cùng, chứ không trọng về cách thức thực hiện. 

Các chính sách này đã được chứng thực thành công trong nhiều mảng như hệ thống công trình công cộng, phát triển nhà đất, hệ thống cảng, giao thông nội địa, phát thanh truyền hình, v.v. 

Trong các đơn vị vận hành độc lập này, người đứng đầu được trao quyền hạn lớn về cách sử dụng nhân lực, cách quản lý công việc và điều phối tài chính. 

Đặc biệt là trong vấn đề nhân sự, có các sáng kiến như ký hợp đồng lao động có thời hạn thay vì biên chế trọn đời. Các vị trí quản lý cấp cao được khuyến khích quản lý cơ quan, bộ ngành của mình như là một doanh nghiệp, tức là đánh giá hiệu quả nhân lực dựa trên kết quả làm việc hay vì các yêu cầu khác. 

Sự thay đổi về vai trò của nhà nước và cách vận hành bộ máy nói trên chủ yếu đến từ sự nhanh nhạy của đảng cầm quyền PAP - đảng này đã rất thức thời trước những biến chuyển cả trong nước lẫn quốc tế. 

Trong nước, chỉ sau vài thập niên phát triển, Singapore đã nổi lên là một nền kinh tế giàu tiềm lực. Song song với quá trình phát triển, người dân Singapore cũng đã tăng cường hiểu biết, được giáo dục cao. Chính quyền nhận ra rằng vai trò làm “cha mẹ dân” đã không còn phù hợp nữa. Trái lại, đòi hỏi của người dân đối với nhà nước đã khác trước. Nhà nước phải chuyển đổi sang vai trò tư vấn và điều tiết, hơn là chỉ bảo và áp đặt từ trên xuống. Thêm vào đó, nhà nước cũng thừa nhận người dân có nhu cầu tổ chức hội nhóm cho các mục đích dân sự như bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. 

Các yếu tố bên ngoài cũng có tác động đến sự chuyển hướng cải tổ của nhà nước Singapore như sự kết nối toàn cầu hoá, các doanh nghiệp nhà nước và các công ty liên kết ngày càng mở rộng đầu tư sang vùng lân cận. Sự mở rộng này thúc đẩy chính bộ máy nhà nước phải nhanh nhạy hơn, hiểu biết thị trường hơn, và nghiêng về quản lý theo mô hình doanh nghiệp hơn. 

Nhìn chung, mô hình quản trị và cải tổ cách bộ máy quản lý nhà nước của Singapore đã thay đổi liên tục. Tuy nắm giữ vị trí độc tôn chính trị, đảng PAP đã chứng tỏ khả năng lắng nghe các nhu cầu phát triển của đất nước và sẵn sàng thích ứng để thay đổi. Nhờ vậy, đất nước Singapore đã luôn giữ vững sức cạnh tranh kinh tế của mình trong nhiều thập niên qua.

Đọc thêm:

Nền chuyên chế Singapore – Kỳ 1: Lược sử
Dịch từ bài “Justifying Colonial Rule in Post-Colonial Singapore” của tác giả Thum Ping Tjin, được đăng trên New Naratif ngày 9/9/2017. Thum Ping Tjin là giám đốc điều hành của New Naratif, đồng thời là nghiên cứu viên về Đông Nam Á tại Đại học Oxford (Anh). Tựa chính, tựa phụ và cách chia […]
Cơ chế bầu cử độc nhất vô nhị của Singapore
Cộng hòa Singapore có một hệ thống chính quyền đại nghị, nơi người dân bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử để chọn các nghị sĩ của họ. Theo cơ chế “cán đích đầu tiên” (first past the post), người đắc cử của mỗi đơn vị bầu cử là ứng viên hoặc nhóm ứng viên […]
Sự “đánh đổi” của Singapore: Tự do hay “bánh mì và bơ sữa”?
Quốc đảo Singapore luôn được ngưỡng mộ khắp nơi trên thế giới vì những thành công của họ, dù là thực tế hay chỉ là qua cảm nhận: sự ổn định về chính trị; pháp luật và trị an; sự thịnh vượng về kinh tế; các tài năng trẻ; tỷ lệ tội phạm thấp và […]

Chú thích

  1. M. Shamsul Haque, Governance and Bureaucracy in Singapore: Contemporary Reforms and Implications International Political Science Review, Vol. 25, No. 2 (Apr., 2004), pp. 227-240

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.