Hai cuộc phỏng vấn đặc biệt với Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Văn Thiệu

Hai cuộc phỏng vấn đặc biệt với Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Văn Thiệu
Nguồn ảnh bìa sách: goodreads.com.

Cuốn sách Intervista con la storia (tạm dịch: Đối thoại với lịch sử) là một trong những tác phẩm nổi tiếng của nhà báo Ý Oriana Fallaci, được xuất bản lần đầu vào năm 1974.

Đây là tập hợp những cuộc phỏng vấn của Fallaci với nhiều chính khách nổi tiếng trên thế giới vào những năm 1960, 1970 - thời kỳ có nhiều biến động về địa chính trị.

Độc giả có thể thấy qua cuốn sách này không chỉ là những câu hỏi phỏng vấn sâu sắc, táo bạo, mà còn là những phân tích, cảm xúc và đánh giá cá nhân của Fallaci về các nhân vật mà bà phỏng vấn. Đó có thể là nhà lãnh đạo quốc gia, nhà hoạt động xã hội hay lãnh tụ tôn giáo.

Đặc biệt, có hai nhân vật Việt Nam thuộc hai chiến tuyến xuất hiện trong quyển sách này. Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp (phỏng vấn vào năm 1969) và Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (phỏng vấn vào đầu năm 1973). Cả hai cuộc phỏng vấn đều được thực hiện bằng tiếng Pháp.

Cuộc phỏng vấn bị kiểm duyệt với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nổi tiếng với nhiều chiến dịch quân sự, điển hình là Điện Biên Phủ năm 1954.

Thời điểm mà bà Fallaci đến gặp tướng Giáp tại Hà Nội thì cũng là lúc mà chiến tranh Việt Nam đang ở giai đoạn căng thẳng và hơn nửa triệu lính Mỹ đã tới miền Nam.

Phía tướng Giáp thông báo với Fallaci rằng đây chỉ là một buổi "mạn đàm" chứ không phải là cuộc phỏng vấn chính thức và nó sẽ kéo dài khoảng 45 phút. Ngoài ra, cuộc phỏng vấn phải có mặt của các thành viên thuộc phái đoàn cộng sản Ý.

Đại tướng Giáp cho biết theo ước tính của ông, số lính Mỹ tử vong tại Việt Nam lên đến 70.000, cao hơn nhiều so với con số chính thức mà Mỹ công bố là 34.000. Ông cũng thừa nhận rằng phía Việt Nam đã mất khoảng nửa triệu quân. 

Khi được hỏi về kết quả của cuộc tấn công Tết Mậu Thân, ông nói mình không đóng vai trò quyết định trong chiến dịch này vì nó thuộc thẩm quyền của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Ông đánh giá chiến dịch đã chứng minh khả năng tấn công bất ngờ, kể cả vào những thành phố được phòng thủ chặt chẽ như Sài Gòn.

Mặc dù tránh né bình luận về thất bại của chiến dịch Tết Mậu Thân, nhưng tướng Giáp cũng khẳng định rằng cuộc chiến có thể kéo dài hàng thập kỷ và chiến thắng chỉ có thể đạt được bằng quân sự. Ông tin chắc người Mỹ sẽ thất bại, giống như người Pháp đã từng thua ở Điện Biên Phủ.

Sau hôm phỏng vấn, phiên dịch viên đã trao cho Fallaci một văn bản chính thức ghi lại nội dung cuộc phỏng vấn, trong đó không có những phần thảo luận về chiến dịch Tết Mậu Thân, các cuộc đàm phán ở Paris cũng dự đoán của tướng Giáp về việc kết thúc chiến tranh.

Fallaci không chấp nhận việc bị kiểm duyệt. Bà đã công bố cả hai phiên bản là nội dung bà và các đồng nghiệp ghi lại theo trí nhớ và ghi chú, cùng với phiên bản chính thức được phê duyệt.

Chính quyền Bắc Việt đã chỉ trích bà vì chuyện này, đồng thời cáo buộc bà "hùa theo Mỹ để vu oan" cho tướng Giáp.

Trong một lần chia sẻ sau này (vào tháng 10/1975), bà Fallaci thừa nhận rằng cuộc gặp với tướng Giáp là một trong những trải nghiệm khó khăn nhất trong sự nghiệp của bà.

Bà mô tả đây cuộc phỏng vấn là "tồi tệ nhất", vì bà cảm thấy tướng Giáp chỉ muốn thao thao bất tuyệt về quan điểm của mình và điều này khiến cuộc phỏng vấn thiếu đi tính đối thoại.

Tuy nhiên, bà cũng có một nhận xét gây ấn tượng về vị đại tướng này: "Đây là đôi mắt thông minh nhất mà tôi từng được thấy”.

Cuộc phỏng vấn với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu

Cuộc phỏng vấn với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu diễn ra trong bối cảnh Mỹ vừa thực hiện chiến dịch ném bom ở miền Bắc.

Trong cuộc phỏng vấn này, ông Thiệu nói về vai trò của ông trong vụ lật đổ anh em Ngô Đình Diệm, suy nghĩ của ông về Mỹ, Nga, Trung Quốc, cũng như những thách thức mà chính quyền Việt Nam Cộng hòa đối mặt.

Trong sách, bà Fallaci cho rằng thế giới có nhiều điều chưa hiểu hết về vị tổng thống này, và trên hết, theo bà, ông Thiệu không phải là bù nhìn của Mỹ, ngay cả khi ông có ký kết và đáp ứng nhiều điều Kissinger đòi hỏi.

“Là một tổng thống miền Nam Việt Nam, tôi không thể có đặc quyền là kẻ thù công khai của Mỹ, bởi cho dù thế nào, họ cũng là bạn và là đồng minh của tôi”, ông nói trong bài phỏng vấn.

Thiệu nhấn mạnh rằng có hai điều căn bản mà Kissinger chấp thuận nhưng ông phản đối quyết liệt. Đó là sự có mặt của quân đội miền Bắc tại miền Nam và “công thức chính trị” mà Bắc Việt muốn áp đặt cho một đất nước thống nhất.

Thiệu cho rằng cả Nixon và Kissinger đã quá sốt sắng để làm hòa với chính quyền miền Bắc. Ông cũng không ngại vạch trần chuyện Kissinger kiêu ngạo và thiếu kiên nhẫn ra sao.

Ông cho rằng với người Mỹ, những đòi hỏi của Bắc Việt chẳng gây hấn gì, nhưng đó là sự sống còn của người dân Việt Nam Cộng hòa.

Về căn bản, Kissinger, với tâm lý của một nước lớn, đã không đoái hoài gì đến việc một đất nước nhỏ Việt Nam Cộng hòa đang sắp sửa bị biến mất trên bản đồ thế giới.

Thiệu không phủ nhận việc ông đã phụ thuộc nhiều vào viện trợ cả về quân sự lẫn kinh tế của Mỹ. Do đó, ông cho rằng khi Mỹ rút đi thì chắc chắn Trung Quốc hay Nga sẽ không thể để yên cho Việt Nam Cộng hòa.

Bà Fallaci cũng nêu ra nhiều chiến dịch mà quân đội Việt Nam Cộng hòa thực hiện và chiến thắng bằng thực lực.

Nhưng bà cũng không ngần ngại chất vấn ngài tổng thống, về những suy nghĩ của ông đối với tướng Giáp, về cuộc bầu cử tại Việt Nam Cộng hòa mà ông là “ứng viên duy nhất”, về quan điểm của ông khi bị gọi là “nhà độc tài”, “kẻ tham nhũng nhất” hay “bù nhìn của Mỹ”.

Mời độc giả tìm đọc một trong những “di sản” báo chí của Fallaci và những bài học lịch sử quý giá từ những người đã góp phần làm nên lịch sử.


Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hằng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

Đọc thêm:

Nhập gia tuỳ… lãnh tụ
Có thể nói, trong cái nhìn của phần lớn người Việt Nam chúng ta, vị tướng lừng danh Võ Nguyên Giáp chỉ kém Chủ tịch nước Hồ Chí Minh một thứ, đó là một lăng mộ giữa quảng trường Ba Đình. Đại tướng Võ Nguyên Giáp chiếm giữ một vị trí đặc biệt trong văn […]

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.