Hai Huân chương Sao Vàng và một dấu hỏi

Hai Huân chương Sao Vàng và một dấu hỏi
Ông Tô Lâm trao Huân chương Sao Vàng cho ông Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Báo Nhân Dân.
💡
Luật Khoa 360 là dạng bài toàn cảnh về một sự kiện, cung cấp thông tin đa chiều, không kiểm duyệt.

Sau một thời gian dài vắng mặt, ông Nông Đức Mạnh và ông Nguyễn Tấn Dũng bỗng dưng xuất hiện trở lại ở nhiều sự kiện. Và mới đây, ngày 20/1, hai cựu thành viên Tứ Trụ này được trao Huân chương Sao Vàng.

Người trao là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Tô Lâm.

Trao trái thẩm quyền?

Từ khi bước chân vào Tứ Trụ, đây là lần thứ hai ông Tô Lâm trao Huân chương Sao Vàng, nhưng ở hai tư cách khác nhau.

  • Lần thứ nhất, vào tháng 7/2024, ông đã ký quyết định và trao Huân chương Sao Vàng cho tổng bí thư đương nhiệm khi đó là Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, vào thời điểm này, ông Tô Lâm đang giữ chức chủ tịch nước.
  • Lần thứ hai diễn ra vào ngày 20/1 vừa qua, tại một hội nghị do Ban Bí thư Đảng Cộng sản tổ chức.

    Tại sự kiện này, ông Tô Lâm, với tư cách là tổng bí thư, đã trao Huân chương Sao Vàng cho ông Nông Đức Mạnh (cựu tổng bí thư), Nguyễn Tấn Dũng (cựu thủ tướng Chính phủ).
  • Huân chương Sao Vàng là huân chương của nhà nước, không phải của Đảng Cộng sản. Theo Điều 77 của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022, thẩm quyền tặng huân chương thuộc về chủ tịch nước. 
  • Luật cũng quy định người có thẩm quyền quyết định tặng cũng là người trực tiếp trao tặng hoặc ủy quyền trao tặng (Điều 82). Do đó, thông thường, đáng lý ra người trực tiếp trao Huân chương Sao Vàng là Chủ tịch nước Lương Cường chứ không phải ông Tô Lâm.
  • Đáng chú ý, ông Lương Cường cũng có mặt tại sự kiện này. 
  • Việc tổng bí thư trao Huân chương Sao Vàng cũng không phải chưa có tiền lệ. Đơn cử như vào ngày 25/12/2007, ông Nông Ðức Mạnh - tổng bí thư vào lúc này - trực tiếp trao Huân chương Sao Vàng cho ông Lê Khả Phiêu.

    Hoặc vào ngày 30/3/2018, tại Cung Cách mạng ở Thủ đô La Habana, ông Nguyễn Phú Trọng trao huân chương này cho ông Raul Castro Ruz, bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba.

Huân chương Sao Vàng là gì?

Đây là “huân chương cao quý nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

  • Điều này được quy định tại Khoản 1, 2 Điều 34 của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022. Muốn nhận Huân chương Sao Vàng, cán bộ Đảng Cộng sản và nhà nước phải “có nhiều công lao to lớn, xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng” của đảng hoặc “đóng góp trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, nghệ thuật, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh hoặc lĩnh vực khác”.
  • Theo Điều 8 của Nghị định 98/2023/NĐ-CP, có hai điều kiện đủ để được xem là “có nhiều công lao to lớn, xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng”:

    (1) phải “tham gia hoạt động cách mạng liên tục từ năm 1935 về trước” hoặc trước Cách mạng Tháng Tám; hoặc “tham gia liên tục trong hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ”; hoặc “công tác liên tục trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ hoặc thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

    (2) phải đảm nhận một trong các chức vụ quan trọng như tổng bí thư, thủ tướng Chính phủ, chủ tịch Quốc hội, v.v. 
  • Ngoài ra, cán bộ ở các bộ, ban, ngành của Quốc hội; tổ chức thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã được tặng Huân chương Hồ Chí Minh và làm việc liên tục từ 25 năm trở lên trong cơ quan đảng cũng sẽ có cơ hội nhận Huân chương Sao Vàng.
  • Bên cạnh đó, Huân chương Sao Vàng cũng có thể được trao cho nguyên thủ quốc gia nước ngoài có công lao với Việt Nam.

Nhận Huân chương Sao Vàng có được thưởng tiền không?

Có.

  • Mức tiền thưởng của loại huân chương này được quy định tại Điều 55 của Nghị định 98/2023/NĐ-CP: bằng 46 lần mức lương cơ sở.
  • Hiện nay, mức lương cơ sở của nước ta là 2,34 triệu đồng. Do đó, người nhận Huân chương Sao Vàng sẽ được thưởng hơn 107,6 triệu đồng.

Ai từng được nhận Huân chương Sao Vàng?

  • Một thống kê của VOV cho thấy có 141 cá nhân, tập thể trong nước và 28 cá nhân nước ngoài đã được tặng huân chương này (trong đó người đầu tiên nhận là Tôn Đức Thắng). Ông Hồ Chí Minh cũng được tặng huân chương này, tuy nhiên, báo chí nhà nước nói rằng ông đã hai lần từ chối.
  • Một số nhân vật nổi bật khác từng được nhận Huân chương Sao Vàng có thể kể đến là Nguyễn Phú Trọng (2024), Huỳnh Thúc Kháng (2013), Phan Văn Khải (2008), Lê Khả Phiêu (2007), Trần Đức Lương (2007), Lê Trọng Tấn (2007), Võ Văn Kiệt (1997), Đỗ Mười (1997), Nguyễn Chí Thanh (1996), Nguyễn Văn Linh (1992), Võ Nguyên Giáp (1992), Lê Đức Thọ (1990), v.v.
  • Tập thể nhận Huân chương Sao Vàng nhiều lần nhất là Quân đội Nhân dân Việt Nam với năm lần và Công an Nhân dân Việt Nam với bốn lần.
  • Ngoài ra, có nhiều người nước ngoài là lãnh đạo cấp cao của một số quốc gia cũng được nhận Huân chương Sao Vàng, điển hình như Raul Castro (2018), Kim Il-sung (1987), Mikhail Sergeyevich Gorbachyov (1985), Fidel Castro (1982), Leonid Ilyich Brezhnev (1980), v.v.

Nông Đức Mạnh là ai?

Ông Nông Đức Mạnh là một trong những người tại vị lâu nhất trong Tứ Trụ. 

  • Ông giữ chức chủ tịch Quốc hội trong tám năm (từ năm 1992 đến năm 2001). Sau đó, ông làm tổng bí thư Đảng Cộng sản hai khóa liên tiếp (khóa IX, 2001 - 2006 và khóa X, 2006 - 2011).
  • Về dấu ấn ngoại giao, ông Nông Đức Mạnh là người nâng cấp mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 5/2008, trong chuyến công du thăm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.

    Tháng 5/2009, trong chuyến thăm Nhật Bản lần thứ hai, ông Nông Đức Mạnh đã nâng cấp chính thức mối quan hệ Việt Nam và Nhật Bản lên “Đối tác Chiến lược vì hòa bình Châu Á”. Đây là cơ sở cho Nhật Bản hỗ trợ vốn ODA cho Việt Nam trong nhiều dự án, công trình về sau.
  • Tuy nhiên, vào thời ông Nông Đức Mạnh tại nhiệm, có một biến cố chính trị được công chúng cả nước quan tâm: dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên.

    Dự án này được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản thông qua từ năm 2001 và tới ngày 1/11/2007, ông Nguyễn Tấn Dũng - thủ tướng Chính phủ vào thời điểm này - ký Quyết định 167 phê duyệt quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô xít từ giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025.

    Đây là dự án gây nhiều tranh cãi và vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia vì hiệu quả kinh tế thấp, có nguy cơ gây hại cho môi trường, dễ phá hủy cảnh quan và hệ sinh thái Tây Nguyên và đặc biệt là vấn đề an ninh quốc gia khi có các công ty Trung Quốc tham gia dự án.

    Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hai lần viết thư kiến nghị dừng dự án này, lần lượt vào tháng 1 và tháng 5 năm 2009.
  • Ông Nông Đức Mạnh nghỉ hưu vào tháng 1/2011 sau khi kết thúc nhiệm kỳ tại Đại hội Đảng Cộng sản toàn quốc lần thứ XI. Người kế nhiệm là Nguyễn Phú Trọng.

Nguyễn Tấn Dũng là ai?

Từng có một thời gian dài, công chúng Việt Nam gọi ông Nguyễn Tấn Dũng là “đồng chí X”.

  • Cụm từ “đồng chí X” trở nên nổi tiếng từ năm 2012, sau Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản khóa XI diễn ra vào ngày 15/10/2012.

    Tại sự kiện này, ông Nguyễn Phú Trọng, khi đó là tổng bí thư, thông báo rằng “sau khi thảo luận, cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp hành Trung ương đã bỏ phiếu quyết định không kỷ luật Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị”.

    Ngày 17/10/2012, trong một buổi tiếp xúc cử tri ở TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã giải thích về quyết định không kỷ luật này và gọi người này là “đồng chí X”.

    Mặc dù không nêu rõ danh tính, nhưng vào thời điểm đó, nhiều người cho rằng “đồng chí X” ám chỉ ông Nguyễn Tấn Dũng.
  • Ông Nguyễn Tấn Dũng từng giữ chức thủ tướng Chính phủ trong hai nhiệm kỳ, từ năm 2006 đến năm 2016. Trước đó, ông từng là phó thủ tướng thường trực Chính phủ và thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
  • Ông nghỉ hưu sau Đại hội Đảng Cộng sản XII đầu năm 2016. 
  • Những dấu ấn của ông Nguyễn Tấn Dũng trong thời gian tại nhiệm là đưa Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007 và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do.
  • Tuy nhiên, trong hai nhiệm kỳ làm thủ tướng của mình, ông Nguyễn Tấn Dũng từng gặp nhiều chỉ trích khi để xảy ra các vụ bê bối của một số tập đoàn nhà nước. Cụ thể là vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) với khoản nợ lên đến hơn 80.000 tỷ đồng; hay sai phạm tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) với việc tuyên án tử hình Dương Chí Dũng, nguyên chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines. Ngoài ra, trong giai đoạn 2011 - 2015, nợ công của Việt Nam cũng tăng nhanh từ 50,1% GDP lên 62,2% GDP.

Đọc thêm:

Chính trị vùng miền Việt Nam: Lời nguyền địa chính trị
Chính trị vùng miền Việt Nam bắt rễ từ rất xa trong lịch sử.
Khi ‘Kỷ nguyên vươn mình’ đụng ‘Nước Mỹ trên hết’
Kinh tế Việt Nam sẽ gặp rủi ro gì khi Trump trở lại Nhà Trắng?

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.