Ông Tô Lâm có thể nhường lại ghế chủ tịch nước cho ông Lương Cường để tái lập thế Tứ Trụ, nhưng điều đó không có nghĩa ông từ bỏ vai trò nguyên thủ đích thực. [1] [2]
Dù về danh nghĩa chỉ là người đứng đầu một đảng chính trị, trong mô hình đảng-nhà nước (party-state) của Việt Nam, Tô Lâm vẫn là nhà lãnh đạo số 1. Và ông không ngần ngại thể hiện điều đó trong những bước đi chính trị của mình.
Chủ tịch nước, theo Hiến pháp, là người “đứng đầu nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại”. Nhưng trong cả hai mảng đối nội và đối ngoại, ông Tô Lâm đều lấn sân sang địa hạt của Lương Cường theo một cách không thể rõ ràng hơn. Bài này chỉ dẫn hai ví dụ cụ thể để minh họa.
Trước khi đi vào chi tiết, cần phải khẳng định rằng những động thái dưới đây rất có thể chỉ tái khẳng định trật tự quyền lực vốn có giữa Đảng Cộng sản và nhà nước hơn là giữa Tô Lâm và Lương Cường.
Đối nội: Trao Huân chương Sao Vàng
Kỳ thực mà nói việc tổng bí thư trao Huân chương Sao Vàng không phải chuyện hiếm, nhất là khi trao cho lãnh đạo cấp Tứ Trụ. Nông Đức Mạnh lẫn Nguyễn Phú Trọng đều từng trao Huân chương Sao Vàng trước đây. [3]
Nhưng điều đó không phủ nhận một điều: chữ ký trên tấm huân chương vẫn là của Chủ tịch nước Lương Cường.