Nghị định xử phạt vi phạm giao thông mới là “thủ phạm” gây kẹt xe nghiêm trọng ở TP. HCM?
Tinh gọn bộ máy, sẽ “không tổ chức công an cấp huyện”?
Ông Lưu Bình Nhưỡng bị đề nghị mức án tù cao nhất
Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải lý do siết việc dạy thêm
Vì sao kẹt xe ở TP. HCM đột ngột trở nên nghiêm trọng?
Những ngày qua, tình hình xử phạt vi phạm giao thông có những thay đổi đáng kể do việc áp dụng Nghị định 168/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025). Theo nghị định này, có nhiều mức phạt tăng mạnh, như hành vi vượt đèn đỏ có thể phạt từ 18 - 20 triệu đồng đối với người lái ô tô và 4 - 6 triệu đồng đối với người lái xe máy.
Cơ quan công an nêu lý do tăng mức phạt là nhằm tăng tính răn đe và đảm bảo an toàn giao thông. Sau một tuần thực hiện Nghị định 168, báo chí trong nước ghi nhận tình trạng "nhờn" luật đã giảm đi rất nhiều, người dân chấp hành luật giao thông tốt hơn. Ngoài ra, một số tờ báo cũng đưa tin rằng vỉa hè trở nên thông thoáng hơn.
Tuy nhiên, quy định mới cũng vấp phải một số ý kiến trái chiều. Điển hình là các mức phạt mới như đối với hành vi vượt đèn đỏ (lên đến 20 triệu đồng đối với ô tô) là quá cao so với thu nhập trung bình của người dân. Ngoài ra, nhiều luồng ý kiến cũng quan ngại về nguy cơ phát sinh tiêu cực trong quá trình xử phạt.
Tại TP. HCM, báo chí trong nước ghi nhận tình trạng kẹt xe đột ngột trở nên nghiêm trọng. Ngoài các lý do như cận tết, mật độ phương tiện cao thì một số ý kiến cho rằng nghị định mới đang gián tiếp dẫn đến tình trạng kẹt xe này. Người dân sợ bị phạt, di chuyển chậm lại, nhất là không dám rẽ phải khi đèn đỏ như thói quen và điều này làm ùn ứ phương tiện. Hiện nay, nhà chức trách đang gắn thêm đèn tín hiệu, mũi tên cho phép rẽ phải khi đèn đỏ tại một số giao lộ.
Cũng liên quan đến Nghị định 168, Cục Cảnh sát Giao thông cho biết, nếu các cá nhân, tổ chức khi vi phạm giao thông mà không nộp phạt đúng thời hạn sẽ bị tính lãi nộp chậm 0,05% mỗi ngày trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Nếu không chấp hành, người vi phạm sẽ không được làm thủ tục đăng ký xe; không được cấp hoặc đổi giấy phép lái xe.
Ngoài ra, từ ngày 1/1/2025, Nghị định 176 của Chính phủ có hiệu lực, trong đó có quy định cá nhân, tổ chức báo tin vi phạm giao thông sẽ được “thưởng” tiền. Tuy nhiên, hiện tại chưa có hướng dẫn hay quy định chính thức liên quan đến vấn đề này.
Sẽ không còn công an cấp huyện?
Đại tướng Lương Tam Quang - bộ trưởng Bộ Công an - nhấn mạnh về việc sớm hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của ngành công an địa phương theo hướng “giảm cấp trung gian”, “tăng cường cấp cơ sở”, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và đảm bảo an ninh trật tự.
Ngày 7/1, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin về hội nghị tổng kết công tác tổ chức cán bộ trong Công an Nhân dân năm 2024 và triển khai chương trình công tác năm 2025; đặc biệt dẫn lời phát biểu của ông Lương Tam Quang rằng sẽ “không tổ chức công an cấp huyện”.
Tuy nhiên, đến nay, theo ghi nhận của phóng viên Luật Khoa tạp chí, hầu hết các tờ báo đã bỏ nội dung này. Đơn cử như báo Tiền Phong đã đổi tiêu đề “Bộ Công an xây dựng đề án tinh gọn bộ máy, không tổ chức công an cấp huyện” thành “Bộ Công an xây dựng đề án tinh gọn bộ máy”.
Trước đó, ngày 26/12/2024, Thiếu tướng Phạm Quang Tuyến - phó cục trưởng Cục Tổ chức Cán bộ, Bộ Công an - cho hay, từ năm 2018 tới nay, bộ này đã giảm sáu tổng cục, một đơn vị tương đương cấp tổng cục, 55 đơn vị cấp cục , 280 đơn vị cấp phòng và hơn 1.200 đơn vị cấp đội.
Trong một diễn biến có liên quan, Bộ Nội vụ cho biết nhằm thực hiện cuộc tinh gọn bộ máy, các bộ, ngành, địa phương sẽ giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức. Theo tính toán của Bộ Nội vụ, cần 130.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và nguồn thu từ các đơn vị sự nghiệp công lập để hỗ trợ cán bộ “dôi dư” do cuộc tinh gọn bộ máy.
Ngày 6/1, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hiện kết dư 63.000 tỷ đồng, đủ để giải quyết chế độ thất nghiệp cho viên chức phải nghỉ việc trong quá trình sắp xếp bộ máy.
Đề nghị mức án từ 13 - 15 năm 6 tháng tù đối với ông Lưu Bình Nhưỡng
Chiều 8/1, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thái Bình đề nghị mức án đối với năm bị cáo trong vụ án liên quan đến hai cựu đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân.
Cụ thể, Viện Kiểm sát đề nghị mức án cao nhất với ông Lưu Bình Nhưỡng là từ 13 - 15 năm 6 tháng tù về tội “cưỡng đoạt tài sản”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Ông Lê Thanh Vân bị đề nghị án 7 - 9 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Dự kiến, ngày 13/1, sẽ tiến hành tuyên án sơ thẩm với năm bị cáo.
Trước khi bị bắt, ông Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân, được công chúng mến mộ vì thường xuyên phát biểu thẳng thắn tại nghị trường, điển hình là các vụ Đồng Tâm, Hồ Duy Hải, v.v.
Trong một diễn biến khác, ngày 10/1, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội tuyên phạt ông Trần Đình Triển, trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân ba năm tù về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. Theo cáo trạng, ông Triển đã dùng mạng xã hội đăng nhiều bài gây ảnh hưởng uy tín, danh dự hệ thống tòa án nhân dân và lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao.
Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải quy định mới về việc dạy thêm
Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm; có hiệu lực từ ngày 14/2/2025.
Thông tư này đưa ra các điều cấm, gồm: không dạy thêm học sinh tiểu học; không dạy thêm có thu tiền ngoài nhà trường với học sinh chính khóa; giáo viên công lập không được quản lý việc dạy thêm ngoài nhà trường; dạy thêm, học thêm trong trường không được thu tiền học sinh; không xếp giờ dạy thêm xen kẽ thời khóa biểu chính khóa.
Ngày 9/1, trả lời báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - cho biết Thông tư 29 có nhiều quy định nhằm siết chặt việc dạy thêm, học thêm để khắc phục tình trạng học sinh bị quá tải lịch học. Qua đó, đảm bảo thời gian nghỉ ngơi và quyền lợi của các em.
Ông Thành khẳng định không cấm giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường nhưng giáo viên phải “đăng ký kinh doanh hoặc tham gia giảng dạy ở các trung tâm đã đăng ký”.
Theo một nghiên cứu về đời sống giáo viên tại tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh và Hậu Giang do Viện Phát triển Chính sách Đại học Quốc gia TP. HCM thực hiện, có 15% số người được khảo sát phải làm thêm nghề phụ như giao hàng, bán hàng trực tuyến để đảm bảo sinh kế.
Cũng liên quan lĩnh vực giáo dục, mới đây, Hội đồng Anh thông báo rằng từ ngày 30/3, tất cả các kỳ thi IELTS tại Việt Nam sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang hình thức thi trên máy tính.
Tin vắn
Cựu sĩ quan an ninh “có tình cảm sâu sắc” với ông Thích Minh Tuệ: Ngày 4/1, trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt ở Thái Lan, Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, nguyên thượng tá, giảng viên khoa Tâm lý, Trường đại học An ninh Nhân dân, cho biết ông là trưởng đoàn tháp tùng ông Thích Minh Tuệ đến Ấn Độ. Điều này được ông Tuệ đồng ý và Công an tỉnh Gia Lai cũng đã có biên bản, ghi nhận bằng văn bản.
Khởi tố ông Hoàng Văn Thắng, nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Ngày 9/1, Bộ Công an cho biết đã khởi tố ông Thắng cùng 11 người khác với tội “nhận hối lộ” và “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Ông Hoàng Văn Thắng và các đồng phạm bị cáo buộc đã thỏa thuận, nhận tiền từ Công ty Hoàng Dân và các nhà thầu trong liên danh, sau đó chỉ đạo lãnh đạo các ban thuộc bộ này thông đồng, vi phạm quy định về đấu thầu.
Đề nghị kỷ luật 15 tổ chức đảng và 34 đảng viên Đảng Cộng sản: Ngày 6/1, trong kỳ họp thứ 52 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT TƯ), ông Trần Cẩm Tú, thường trực Ban Bí thư, chủ nhiệm UBKT TƯ, cho biết cơ quan này đã hoàn thành tám cuộc kiểm tra liên quan đến việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các dự án, gói thầu do công ty AIC, tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các doanh nghiệp liên quan thực hiện. Qua kiểm tra, UBKT TƯ kỷ luật 74 tổ chức đảng, 92 đảng viên; đồng thời đề nghị Ban Chấp hành TƯ và Bộ Chính trị kỷ luật 15 tổ chức đảng, 34 đảng viên. Năm 2024, UBKT TƯ đã kỷ luật 172 tổ chức đảng và 235 đảng viên, đề nghị kỷ luật thêm 26 tổ chức và 23 đảng viên.
Hà Nội kỷ luật cán bộ liên quan AIC, Thuận An: Ngày 7/1, Thành ủy TP. Hà Nội họp tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2024. UBKT Thành ủy đã kỷ luật 17 tổ chức, 21 đảng viên liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC); đồng thời kỷ luật một tổ chức đảng và chín đảng viên liên quan đến vụ án tại Tập đoàn Thuận An.
Hà Nội sẽ có ba thành phố: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 1668, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn năm 2065. Theo đó, Hà Nội dự kiến sẽ có ba thành phố (TP) trực thuộc. Trong đó, TP phía Bắc sẽ là trung tâm đô thị mới, với hạt nhân chính là quận Đông Anh; TP phía Tây là trung tâm khoa học, công nghệ và giáo dục; TP phía Nam phát triển dịch vụ công cộng, logistics, thương mại và công nghiệp hỗ trợ.
Đề xuất hơn 211.000 tỷ đồng làm đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: Ban Quản lý Dự án Đường sắt của Bộ Giao thông Vận tải đề xuất xây tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với tổng mức đầu tư khoảng 211.030 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ưu đãi từ Trung Quốc. Dự kiến, thời gian thực hiện dự án trong sáu năm, kể từ khi được phê duyệt và hiệp định vay có hiệu lực.
Thưởng tết bình quân 7,7 triệu đồng: Ngày 8/1, tại cuộc họp báo Chính phủ, ông Nguyễn Văn Hồi, thứ trưởng Bộ LĐ - XH, cho biết mức thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 bình quân toàn quốc là 7,7 triệu đồng, trong đó người lãnh nhiều nhất là hơn 1,9 tỷ đồng. Mức thưởng năm nay tăng 13% so với năm ngoái. Ngoài ra, mức tiền lương bình quân năm 2024 cả nước đạt 8,84 triệu đồng/tháng, tăng 4% so với năm 2023.
Hộ chiếu Việt Nam giảm hạng: Ngày 8/1, theo công bố mới nhất từ Henley Passport Index, hộ chiếu Việt Nam xếp hạng 91 trên thế giới, giảm một bậc so với lần công bố trước đó vào tháng 11/2024. Với thứ hạng này, công dân Việt Nam có thể nhập cảnh 51 điểm đến mà không cần visa hoặc chỉ cần e-visa, visa cửa khẩu, ETA (giấy phép du lịch điện tử).
Rút lại quyết định bổ nhiệm Lương Ngọc An: Ngày 4/1, Hội Nhà văn đã công bố việc thu hồi quyết định điều động ông Lương Ngọc An vào vị trí phó tổng biên tập tạp chí Nhà văn và Cuộc sống. Ông An bị nhà thơ Dạ Thảo Phương tố cáo cưỡng hiếp cách đây gần 25 năm.
[...] “Hiệu ứng rắn hổ mang” tạo ra một khuyến khích sai ngược [...], khi mục tiêu chính sách không đạt được vì các động lực về tiền bạc khiến cho nhiều đối tượng muốn duy trì vấn đề nhằm hưởng lợi [...].
“Cha mẹ mình thì sớm muộn gì cũng chết. Mình thì sớm muộn gì rồi cũng chết. Nhớ nhung thì cũng thế thôi. Khổ đau, ái luyến sinh sầu ưu, ái luyến sinh sợ hãi. Mình biết như thế rồi mình không ái luyến vào đó nữa”.
Sự kiện đáng chú ý tuần tới:
Từ ngày 14 - 15/1, Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin sẽ thăm chính thức Việt Nam, theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Ngày 14/1, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội mở phiên xử sơ thẩm ông Nguyễn Đức Thái - cựu chủ tịch nhà xuất bản Giáo dục cùng bảy người khác là cựu cán bộ nhà xuất bản này và lãnh đạo doanh nghiệp. Theo cáo trạng, ông Thái là người tiếp tay cho hành vi “thông thầu” và nhận hối lộ 24,9 tỷ đồng từ hai doanh nghiệp.
Ngày 16/1, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội mở phiên xử sơ thẩm 10 bị cáo - trong đó có cựu bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - trong vụ án xảy ra tại Công ty Sài Gòn Đại Ninh. Phiên dự kiến kéo dài năm ngày.
Để có cái nhìn sâu hơn về 'tinh giản bộ máy', video này sẽ cho bạn biết số phận của cán bộ, viên chức qua dưới các thời kỳ của chế độ xã hội chủ nghĩa. Họ là ai, vì sao họ lại đông đúc đến mức cần liên tục cắt giảm?