Những ngã rẽ của chủ nghĩa xã hội - Kỳ 1: Ba nhà tư tưởng
Đó là vào dịp Giáng sinh năm 1920, ở thành phố Tours của Pháp. Một thanh niên 30 tuổi người
Cuốn tự truyện Métisse blanche (Cô gái lai da trắng) của Kim Lefèvre (1935 - 2021) được xuất bản bằng tiếng Pháp vào năm 1989, kể lại cuộc đời của tác giả trong một bối cảnh lịch sử và xã hội đầy biến động.
Sau khi trình làng, Métisse blanche được công chúng đón nhận nồng nhiệt vì đã mở ra nhiều khía cạnh ít được nhắc đến trong lịch sử thuộc địa của Pháp.
Kim đã vượt qua nghèo đói, chiến tranh, kỳ thị sắc tộc và giới tính bằng một nỗ lực phi thường.
Do đó, quyển hồi ký này không chỉ vẽ nên bức tranh lịch sử sống động của Việt Nam, mà còn phản ánh góc nhìn của một người phụ nữ đã từng lớn lên trong sự khinh miệt và hắt hủi của thời kỳ thuộc địa và xã hội phụ quyền.
***
Nhân vật chính là Kim - một cô gái mang hai dòng máu Việt - Pháp. Kim là con gái của một sĩ quan người Pháp và một phụ nữ nông thôn Việt Nam.
Cha của Kim đã rời Việt Nam trước khi cô ra đời. Từ nhỏ, cô đã mang trong mình nỗi đau không có danh phận.
Là con ngoài giá thú, Kim không được làm giấy khai sinh và phải chịu sự ghẻ lạnh từ gia đình và xã hội.
Là con lai, cô bị xem như "người ngoài cuộc" cả ở Việt Nam lẫn trong cộng đồng người Pháp.
Vì sợ bị dư luận phán xét có quan hệ với người Pháp nên mẹ của Kim phải giả vờ lạnh nhạt với con gái.
Sau khi đi bước nữa với một người Việt gốc Hoa, bà đành lòng đưa Kim vào một trại trẻ mồ côi của Pháp do nhà thờ Công giáo bảo trợ.
Ở đây, Kim được đặt một cái tên Pháp, không còn nói tiếng Việt và phải học Kinh Thánh. Kim cũng được dạy rằng tổ quốc của cô là Pháp, chứ không phải Việt Nam.
Kim cũng phải đối mặt với nhiều trận bạo lực tinh thần và thể xác, đồng thời chứng kiến sự sợ hãi của các sơ khi Pháp dần thất thế. Nhưng nhờ sự bảo trợ của nhà thờ, cô và những đứa trẻ khác vẫn thoát khỏi nạn đói kinh hoàng năm 1945.
Khi cuộc chiến giữa Pháp và Việt Minh trở nên leo thang, Kim bị kẹt giữa hai thế giới. Là con lai, cô bị nghi ngờ làm gián điệp và phải đối mặt với sự kỳ thị từ mọi phía.
Khi Pháp thất bại trước Việt Minh, không phải tất cả hai trăm đứa con lai trong trại trẻ mồ côi đều được đưa sang Pháp. Kim được mẹ đón về sống cùng với dượng và gia đình ngoại ở vùng nông thôn miền Bắc.
Nhưng cho dù được đoàn tụ với mẹ, Kim cũng phải trải qua một thời thơ ấu đầy khó khăn. Kim không được đi học như trẻ em trai và chứng kiến những điều bất công mà mẹ mình - một người vợ lẽ - phải chịu đựng trong một gia đình đa thê.
Hình ảnh người mẹ, người chị bị cầm tù trong những cuộc hôn nhân không tình yêu đã khơi dậy trong Kim quyết tâm giành quyền kiểm soát vận mệnh của mình.
Gia đình Kim sau đó chuyển vào miền Nam. Nhờ mang họ của cha dượng, Kim được đến trường. Và từ đó, tri thức trở thành nguồn sáng giúp Kim giải phóng bản thân khỏi những áp lực của xã hội phụ quyền và định kiến sắc tộc.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Văn Khoa, Kim trở thành giáo viên dạy tiếng Pháp và sau đó sang Pháp để theo đuổi con đường nghiên cứu, sáng tác.
Trong suốt cuộc đời, Kim Lefèvre phải mang nhiều họ, sống ở nhiều nơi, làm đủ mọi nghề. Kim cũng mang theo bên mình một nỗi mặc cảm về thân phận và khát khao được công nhận như một-người-Việt-Nam-bình-thường.
Xin mời bạn đọc tìm hiểu về Kim Lefèvre và hành trình của "Cô gái lai da trắng".
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hằng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.