Khi 'Kỷ nguyên vươn mình' đụng 'Nước Mỹ trên hết'

Kinh tế Việt Nam sẽ gặp rủi ro gì khi Trump trở lại Nhà Trắng?

Khi 'Kỷ nguyên vươn mình' đụng 'Nước Mỹ trên hết'
Ảnh gốc: TTXVN, Wikimedia. Đồ họa: Thiên Tân/ Luật Khoa.

Nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới sẽ chịu tác động sâu sắc bởi chính sách “Nước Mỹ trên hết” (America First) của Tổng thống Donald Trump. Với chính sách này, ông Trump nhấn mạnh vào các thỏa thuận song phương, ưu tiên cho các mối quan hệ đổi chác, và chú trọng giảm tình trạng mất cân bằng thương mại.

Thuế trong mắt Trump

Đáng chú ý nhất trong tầm nhìn kinh tế của Trump là việc ông đặt “thuế quan” (tariff) vào trung tâm của các quan hệ thương mại với cả đồng minh và đối tác. Trong cuộc phỏng vấn với John Micklethwait, tổng biên tập của Bloomberg News, vào tháng Mười năm ngoái, Trump khẳng định rằng với ông “từ đẹp nhất trong từ điển” là “thuế quan”. [1]

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Trump tuyên bố sẽ theo đuổi các chính sách thương mại công bằng để tạo ra nhiều việc làm hơn cho công dân Mỹ. Việc Trump ưu tiên các lợi ích kinh tế của Mỹ và công khai nhấn mạnh sẽ giảm tình trạng mất cân bằng thương mại có thể dẫn đến việc ông tăng cường các biện pháp thuế quan lên các đối tác. 

Quan hệ Việt - Mỹ đang phát triển mạnh mẽ và ở nấc thang cao nhất là “đối tác chiến lược toàn diện” (được nâng cấp vào năm 2023). Tuy vậy, sự tiến triển có ý nghĩa to lớn này không đảm bảo chính quyền Trump sẽ không áp thuế đối với Việt Nam.

Vào năm 2019, Trump công khai chê trách Việt Nam là “kẻ lạm dụng thương mại tệ hại nhất” khi tuyên bố “rất nhiều công ty đang chuyển đến Việt Nam, nhưng Việt Nam lợi dụng chúng ta còn tệ hơn cả Trung Quốc”. [2] Trong nhiệm kỳ thứ nhất của Trump, Việt Nam đã “vươn mình” từ vị trí thứ sáu lên thứ ba (xếp sau Trung Quốc và Mexico) trong danh sách các quốc gia mất cân bằng thương mại lớn nhất với Mỹ. [3] Việt Nam cũng là địa điểm thu hút các nhà sản xuất Trung Quốc, khi họ xem quốc gia láng giềng là nơi vận chuyển hàng hóa sang Mỹ mà không phải gánh chịu thuế quan. 

Chính sách đối ngoại của Trump: Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald J. Trump (74 tuổi), trong nhiệm kỳ đầu tiên đã theo đuổi một chính sách đối ngoại phản ánh đúng cam kết của ông lúc tranh cử là “Nước Mỹ trên hết” (America first), đối với các thương thảo ngoại giao của chính quyền. Là người hoài nghi các thể chế […]

Thâm hụt thương mại

Công bằng mà nói, chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để thể hiện thiện chí với chính quyền Trump. Vào tháng 2/2019, Việt Nam đã đồng ý mua một số máy bay Boeing trị giá 21 tỷ USD để giúp giảm thâm hụt thương mại với Mỹ. [4] Động thái này ít nhiều làm hài lòng Trump vì nó cho thấy Hà Nội biết cách ứng xử để đáp ứng kỳ vọng của Mỹ.

Tuy nhiên, tình hình lần này sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đã lên đến 111,6 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2024, tăng từ mức 94,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023. [5] Với tình trạng thâm hụt gia tăng như hiện nay, Việt Nam là một trong bốn quốc gia có tình trạng mất cân bằng thương mại cao nhất với Mỹ, chỉ sau Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU), và Mexico.

BMI, một công ty nghiên cứu và đánh giá rủi ro có trụ sở tại Mỹ, cho biết “Việt Nam (là) quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ ​​chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ”. [6] Báo cáo của BMI cũng nhấn mạnh rằng các mặt hàng điện tử như máy tính hoặc điện thoại thông minh, chiếm khoảng 36% trong tổng giá trị xuất khẩu 114 tỷ USD của Việt Nam sang Mỹ vào năm 2023, có nhiều khả năng bị áp thuế.

Một chính quyền Trump quyết đoán hơn có thể sẽ ưu tiên giảm mức thâm hụt trong quan hệ kinh tế giữa Mỹ với Việt Nam. Khoảng cách thâm hụt gia tăng tạo nên rủi ro rất lớn đối với Việt Nam – một quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu, đồng thời là một nền kinh tế nhỏ nhưng đang tăng trưởng nhanh chóng. [7]

Vào tháng 11/2024, Tổng thống đắc cử Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế lên tới 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ mọi quốc gia. Mức thuế này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. [8]

Trong những năm gần đây, Mỹ không những là đối tác thương mại quan trọng mà còn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, trong mười tháng đầu năm 2024, Mỹ vẫn giữ vị trí số một trong số các thị trường xuất khẩu của Việt Nam, với kim ngạch song phương đạt 98,4 tỷ USD. [9] Trong số các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ thì hải sản, dệt may, lốp xe, đồ nội thất và thép sẽ đối mặt với những khó khăn đáng kể vì chi phí nhập khẩu tăng có thể làm giảm nhu cầu từ phía Mỹ. [10]

Rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam không chỉ có bấy nhiêu. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn bởi hiện nay đồng tiền Việt Nam (VND) đang mất giá. VND đang giao dịch gần mức thấp nhất từ ​​trước đến nay so với đô la Mỹ (USD). Tỷ giá USD/VND tăng sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi khi xuất khẩu sang Mỹ. [11] Tuy nhiên, rủi ro là Việt Nam đối diện với nguy cơ bị Mỹ liệt vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ. Trong thực tế, Mỹ đang giám sát chặt chẽ Việt Nam vì quan ngại Hà Nội có khả năng đang thao túng tiền tệ. [12]

Cơ hội

Bức tranh cho nền kinh tế Việt Nam dưới nhiệm kỳ thứ hai của Trump không chỉ toàn màu xám. Việt Nam có thể hưởng lợi từ hoạt động sản xuất – đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ. Khi ông chủ Nhà Trắng sắp tới dự kiến duy trì lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, các công ty Mỹ có thể chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, đặc biệt sau khi Trump tăng thuế đối với hàng hóa từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Cuộc thăm dò của Reuters với hơn 50 nhà kinh tế vào tháng 11/2024 cho biết có khả năng cao là Trump sẽ áp thuế lên các mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc ngay khi lên nắm quyền tổng thống Mỹ. Mức thuế được dự báo dao động từ 15% đến 60%. [13] Bên cạnh đó, hai cường quốc hàng đầu thế giới đang cạnh tranh ở nhiều lĩnh vực, từ công nghệ, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, cho đến các phương tiện và vũ khí tối tân.

Hơn nữa, bất kỳ mức thuế mới nào mà Mỹ có thể áp lên hàng hóa của Việt Nam rất có thể sẽ thấp hơn mức thuế mà chính quyền Trump dành cho Trung Quốc. Mức thuế thấp có thể giúp thị trường Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh. Đối với một số công ty công nghệ, Việt Nam vẫn là một điểm đến đầy thu hút. Gã khổng lồ sản xuất chip của Mỹ là Nvidia cho biết họ có kế hoạch hợp tác với chính phủ Việt Nam để thành lập một Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. [14] John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ (SIA), coi trọng Việt Nam như một “điểm đến hấp dẫn nhất” của các nhà đầu tư Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn. [15]

Việt Nam cũng đang là mối quan tâm của Mỹ. Các nhà đầu tư từ xứ cờ hoa đang cân nhắc lựa chọn Việt Nam là điểm đến để chuyển các hoạt động sản xuất kinh doanh sang khu vực Đông Nam Á. [16] Cơ sở hạ tầng đang được đồng bộ với công nghệ, nguồn nhân công giá rẻ, và chính phủ cam kết cùng doanh nghiệp hội nhập tích cực vào chuỗi cung ứng toàn cầu là những lợi thế cạnh tranh của đất nước. [17]

***

Chưa chắc Mỹ sẽ “ngồi yên” để Việt Nam có thể dễ dàng “ngồi mát ăn bát vàng”. Để đổi lấy việc các công ty Mỹ tăng cường hoạt động sản xuất và đầu tư tại đất nước, Việt Nam cần thúc đẩy thương mại với Mỹ, mua sắm nhiều thiết bị quân sự, và giữ khoảng cách với Trung Quốc cùng Nga – hai đối thủ chiến lược của Washington.

Các chính sách với tính chất đổi chác (transactional) của Trump rất có thể sẽ gây áp lực lên đối ngoại và an ninh của Việt Nam. [18] Khi cạnh tranh giữa Mỹ và các quốc gia độc tài trên gia tăng thì áp lực “chọn phe” của Việt Nam cũng gia tăng.

Dưới thời Trump, Hà Nội sẽ gặp nhiều thử thách cả về ngoại giao và kinh tế. Và trong bối cảnh mà lãnh đạo Việt Nam gọi là “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, đây là lúc để kiểm chứng khả năng khéo léo của những người cầm lái: vừa cân bằng quan hệ với các cường quốc, vừa có thể hưởng lợi (hay chí ít là giảm thiểu rủi ro) từ các chính sách thuế quan và quan điểm giao dịch của chính quyền Trump. [19]

Đọc thêm

Việt Nam giữa hai làn đạn Mỹ - Trung
Sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã phủ bóng lên Đông Nam Á, khiến các nước trong khu vực phải xoay sở tìm cách cân bằng giữa hai bên. Các nước Đông Nam Á từ năm 2019 đã đưa ra thông điệp “xin
Dân chủ hóa Việt Nam: Trump hay không Trump?
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này: Dân chủ hóa Việt Nam: Trump hay không Trump?0:00/621.6481× Donald Trump gây tranh cãi ở khắp nơi về đủ mọi vấn đề. Nhìn từ khía cạnh cải cách chính trị và dân chủ hóa ở Việt Nam, liệu
3 chuyện ít được nói tới về quan hệ Việt – Mỹ
Về mối quan hệ phức tạp bậc nhất thế kỷ 20.

Chú thích

1. McCormick, J. (2024, October 15). Trump calls tariffs the ‘Most beautiful word.’ WSJ. https://www.wsj.com/livecoverage/harris-trump-election-10-16-2024/card/trump-calls-tariffs-the-most-beautiful-word--YMVPAupw4EjBRp6yobOy

2. Business Standard. (2019, June 26). Trump says Vietnam worse than China on trade. www.business-standard.com. https://www.business-standard.com/article/pti-stories/trump-says-vietnam-worse-than-china-on-trade-119062601045_1.html

3. Vietnam, China and rerouting: When perceptions matter as much as reality | FULCRUM. (2024, November 26). FULCRUM. https://fulcrum.sg/vietnam-china-and-rerouting-when-perceptions-matter-as-much-as-reality/

4. Salama, V., Hookway, J., & Millis/Reuters, L. (2019, February 27). Vietnam gives U.S. aviation industry $21 billion boost. WSJ. https://www.wsj.com/articles/vietnam-gives-u-s-aviation-industry-21-billion-boost-11551259441

5. US trade deficit with Vietnam soars beyond US$110 billion, as weak dong boosts exports. (2025, January 8). The Business Times. https://www.businesstimes.com.sg/international/asean/us-trade-deficit-vietnam-soars-beyond-us110-billion-weak-dong-boosts-exports

6. Guarascio, F. (2024, March 12). Vietnam trade surplus may reignite US tensions if Trump returns, experts warn. Reuters. https://www.reuters.com/world/vietnam-trade-surplus-may-reignite-us-tensions-if-trump-returns-experts-warn-2024-03-12/

7. Lin, L., Douglas, J., Feng, R., & Wsj, T. H. F. (2024, December 16). Vietnam won big in Donald Trump’s first trade war. Now, it’s a target. WSJ. https://www.wsj.com/economy/trade/vietnam-trump-trade-war-target-4182a943

8. Nelson, D. (2024, December 20). Trump Trade 2.0. Center for Strategic and International Studies. https://www.csis.org/analysis/trump-trade-20

9. Vov, B. Đ. T. (2024, November 6). Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. VOV.VN. https://vov.vn/kinh-te/hoa-ky-la-thi-truong-xuat-khau-lon-nhat-cua-viet-nam-post1133484.vov

10. Le, L. (2024, December 2). Vietnam must manage its Trump-era expectations. East Asia Forum. https://eastasiaforum.org/2024/12/02/vietnam-must-manage-its-trump-era-expectations/

11. Tỷ giá tăng 4,31% trong năm 2024 nhưng thấp hơn nhiều đồng tiền trong khu vực. (2024, December 31). Nhịp Sống Kinh Tế Việt Nam & Thế Giới. https://vneconomy.vn/ty-gia-tang-4-31-trong-nam-2024-nhung-thap-hon-nhieu-dong-tien-trong-khu-vuc.htm

12. US trade deficit with Vietnam soars beyond US$110 billion, as weak dong boosts exports. (2025, January 8). The Business Times. https://www.businesstimes.com.sg/international/asean/us-trade-deficit-vietnam-soars-beyond-us110-billion-weak-dong-boosts-exports

13. Mishra, V., & Yao, K. (2024, November 20). Trump to unleash nearly 40% tariffs on China in early 2025, hitting growth: Reuters poll. Reuters. https://www.reuters.com/markets/asia/trump-unleash-nearly-40-tariffs-china-early-2025-hitting-growth-2024-11-20/

14. Baochinhphu.Vn. (2024, December 5). Chính phủ Việt Nam và NVIDIA hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển, Trung tâm Dữ liệu AI. baochinhphu.vn. https://baochinhphu.vn/chinh-phu-viet-nam-va-nvidia-hop-tac-thanh-lap-trung-tam-nghien-cuu-va-phat-trien-trung-tam-du-lieu-ai-102241205191337156.htm

15. Khuê, V. (2024, February 28). Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư bán dẫn Hoa Kỳ. Nhịp Sống Kinh Tế Việt Nam & Thế Giới. https://vneconomy.vn/viet-nam-la-diem-den-hap-dan-nhat-cua-cac-nha-dau-tu-ban-dan-hoa-ky.htm

16. Lin, L., Douglas, J., Feng, R., & Wsj, T. H. F. (2024, December 16). Vietnam won big in Donald Trump’s first trade war. Now, it’s a target. WSJ. https://www.wsj.com/economy/trade/vietnam-trump-trade-war-target-4182a943

17. Hiền TTXVN, T. (2024, March 14). Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Copyright © 2020 by baotintuc.vn. https://baotintuc.vn/kinh-te/viet-nam-van-la-diem-den-hap-dan-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-20240314111837738.htm

18. Xem [8].

19. Baochinhphu.Vn. (2024, November 26). Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam' baochinhphu.vn. https://baochinhphu.vn/tong-bi-thu-to-lam-trao-doi-chuyen-de-ky-nguyen-phat-trien-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-viet-nam-102241125190606526.htm

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.