Luật Khoa 360 là dạng bài toàn cảnh về một sự kiện, cung cấp thông tin đa chiều, không kiểm duyệt.
Hội Nhà văn Việt Nam đã thu hồi quyết định điều động ông Lương Ngọc An làm phó tổng biên tập tạp chí Nhà văn và Cuộc sống.
Ông Lương Ngọc An bị nhà thơ Dạ Thảo Phương (tên thật là Phan Thị Thanh Thúy) tố cáo cưỡng hiếp cách đây gần 25 năm.
🎧
Mời bạn nghe bản audio của bài này:
Luật Khoa 360: Hội Nhà văn rút lại quyết định bổ nhiệm ông Lương Ngọc An
0:00
/595.44
Rút lại quyết định sau hơn một tháng ban hành
Vào tháng 6/2024, tại cuộc họp Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa, phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tổng biên tập tạp chí Nhà văn và Cuộc sống, đề xuất ông Lương Ngọc An làm phó tổng biên tập tạp chí này.
Ban Chấp hành đã đề nghị nhà thơ Lương Ngọc An giải trình về một số vấn đề liên quan đến cá nhân, thảo luận tình hình hoạt động của tạp chí và nhu cầu cần thiết phải bổ sung nhân lực.
Sau đó, Ban Chấp hành ra quyết định điều động nhà thơ Lương Ngọc An về làm phó tổng biên tập tạp chí Nhà văn và Cuộc sống từ ngày 28/11/2024.
Tuy nhiên, đến ngày 3/1/2025, tức chỉ hơn một tháng sau khi ra quyết định điều động, trong một bức thư gửi các hội viên, Ban Chấp hành hội này cho biết đã thu hồi quyết định “sau khi rà soát lại một số khâu trong quy trình và xem xét một số điều kiện liên quan đến việc điều động”.
Động thái này Hội Nhà văn Việt Nam được công chúng đặc biệt quan tâm vì ông An bị nhà thơ Dạ Thảo Phương tố cáo cưỡng hiếp vào thời điểm cả hai còn đang là đồng nghiệp tại báo Văn Nghệ - cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam. Cho tới nay, vụ việc này vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Bức tâm thư từ thân sinh của bà Phương
Sau khi Hội Nhà văn Việt Nam ra quyết định điều động, nhiều trí thức, văn nghệ sĩ đã lên tiếng phản đối và yêu cầu trách nhiệm giải trình của hội.
Điển hình là nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, nêu quan điểm tại Đại hội Nhà văn Khu vực phía Bắc (cụm 1) vào ngày 21/12: “[...] phải có biện pháp kịp thời để ứng phó, không để khủng hoảng tiếp tục lan rộng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Hội, đến các cơ quan và hội viên”.
Luật sư Ngô Anh Tuấn, Hoàng Thị Hạnh và các cộng sự sẽ đại diện pháp lý miễn phí cho bà Phương trong toàn bộ quá trình tố tụng của vụ án (nếu có).
Ngày 29/12, nhà thơ Trần Duy Bảo Khang tuyên bố ngừng hợp tác với nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam.
Ngày 30/12/2024, chị gái của bà Phương đăng bài kèm theo hình ảnh của một bức tâm thư do thân sinh của hai người viết.
Trong thư, ông Phan Lạc Kiên và bà Tạ Thị Nội đề gửi ông Đỗ Hồng Quân, bí thư Đảng đoàn, chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và ông Nguyễn Quang Thiều, bí thư Đảng đoàn, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
Gia đình nhà thơ Dạ Thảo Phương phản đối việc bổ nhiệm Lương Ngọc An làm phó tổng biên tập tạp chí Nhà văn và Cuộc sống.
Kể lại câu chuyện xảy ra cách đây hơn 20 năm với con gái mình, ông Phan Lạc Kiên - cha của bà Phương - cho rằng vào thời điểm đó, lãnh đạo báo Văn Nghệ là ông Hữu Thỉnh và Trương Vĩnh Tuấn chỉ “hứa hão” xử lý vụ việc, biến sự việc xảy ra vào ngày 14/4/2000 từ “cưỡng hiếp không thành” thành “hành hung, gây mất trật tự trong cơ quan”.
Trong thư, ông Kiên nói thêm bà Phương đã nhiều lần tự tử và giấu kín những sự việc như bị ông An khống chế, uy hiếp, làm nhục trong thời gian dài.
Sau khi Hội Nhà văn rút lại quyết định bổ nhiệm ông Lương Ngọc An, nhà văn Đặng Chương Ngạn tuyên bố ngừng hợp tác với tạp chí Nhà văn và Cuộc sống “cho đến khi Hội Nhà văn Việt Nam làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến đơn tố cáo của nạn nhân, nhà thơ Dạ Thảo Phương”.
Ngày 4/1, nhà khoa học Dương Tú có bài viết “Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục thiếu minh bạch”. Ông Tú đánh giá cả hai quyết định “bổ nhiệm” rồi “thu hồi” của hội với ông Lương Ngọc An đều có nội dung “mơ hồ” và “thiếu minh bạch”, “hoàn toàn không thể hiện trách nhiệm giải trình”.
Trong bài viết của mình, ông Tú cho rằng ông Trần Đăng Khoa ở vai trò phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kiêm tổng biên tập tạp chí Nhà văn và Cuộc sống, chưa một lần lên tiếng trước tố cáo suốt gần ba năm qua của nhà thơ Dạ Thảo Phương. Đã đành, ông Khoa còn chọn ông An làm người kế nhiệm mình.
Ngày 6/1, nhà giáo Thái Hạo - một trong những người tích cực theo dõi và lên tiếng về vụ việc - viết trên Facebook cá nhân: [...] Tôi không biết các hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam cảm thấy thế nào khi đọc những dòng trên, riêng tôi, nếu là hội viên tôi sẽ thấy mình bị coi khinh và không thể im lặng. Thu hồi một quyết định bổ nhiệm nhưng không hề nói lý do, không có bất cứ lời giải thích nào, chỉ là những lời lẽ chung chung mơ hồ”.
Về Hội Nhà văn Việt Nam
Được thành lập vào ngày 4/4/1957, Hội Nhà văn Việt Nam là một tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động trong phạm vi cả nước; chuyên về các hoạt động sáng tác, dịch thuật và phê bình văn học. Hội hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam theo đường lối văn hóa, văn nghệ của đảng và chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Hội Nhà văn Việt Nam trực thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam - thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đang giữ chức chủ tịch hội nhiệm kỳ X (2020 - 2025). Trước đó, nhà thơ Hữu Thỉnh giữ vị trí này liên tiếp bốn khóa (2000 - 2020).
Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam hiện có 11 thành viên, bao gồm Nguyễn Quang Thiều (chủ tịch), Trần Đăng Khoa (phó chủ tịch), Nguyễn Bình Phương (phó chủ tịch), Khuất Quang Thụy, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Hùng, Vũ Hồng, Bích Ngân, Hữu Việt, Lương Ngọc An và Phan Hoàng.
Hiện chưa rõ hội có tổng cộng bao nhiêu hội viên nhưng số lượng lên đến hàng trăm người. Hồi tháng 12/2023, hội này đã kết nạp thêm 66 hội viên mới trong hơn 900 hồ sơ đăng ký xin gia nhập.
Hội Nhà văn Việt Nam cũng quản lý nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Hiện nay, bà Nguyễn Thúy Hằng giữ chức giám đốc nhà xuất bản này. Ngoài ra, hội còn sở hữu hai ấn phẩm đang hoạt động là báo Văn Nghệ (người chỉ đạo là Nguyễn Bình Phương; người phụ trách là Nguyễn Hồng Liên) và tạp chí Nhà văn và Cuộc sống (nhà thơ Trần Đăng Khoa làm tổng biên tập).
Kinh phí hoạt động của hội hiện nay có cả từ nguồn ngân sách nhà nước và tư nhân. Năm 2016, kinh phí cấp cho hội khoảng 4,8 tỷ đồng. Ông Nguyễn Quang Thiều từng đánh giá khoản trợ cấp từ ngân sách nhà nước là “quá hẹp hòi, không làm được gì”, đồng thời kêu gọi “xã hội hóa” mạnh hơn nữa.
Vào tháng 1/2019, trong một buổi lễ tổng kết hoạt động, nhà thơ Hữu Thỉnh, lúc bấy giờ còn là chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, cho biết “nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta”. Ông Thỉnh nêu quan điểm rằng nếu bỏ cơ chế bao cấp các hội văn học nghệ thuật là “nhà nước mất đi đội quân 4 vạn chiến sĩ canh giữ mặt trận văn hóa tư tưởng của đất nước”.
Ông Lương Ngọc An là ai?
Ông Lương Ngọc An sinh năm 1965 tại Hà Nội, từng là lính xe tăng. Ông theo học và tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du khóa 5 (1993 - 1997).
Bắt đầu sự nghiệp ở báo Văn Nghệ từ năm 1990, ông An làm nhân viên phòng hành chính, kiêm công việc lái xe cho lãnh đạo. Sau đó ông trải qua nhiều vị trí khác nhau, từ phóng viên cho tới chức tổng thư ký tòa soạn và được điều động làm phó tổng biên tập của tờ này vào tháng 9/2021. Từ năm 2006, ông An là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam.
Trong sự nghiệp nghệ thuật và làm báo của mình, ông An từng đoạt giải Nhì với phóng sự “Ra khơi cùng thợ săn” trong một cuộc thi do báo Lao Động tổ chức và giải Nhất bút ký do tạp chí Văn nghệ Quân đội khởi xướng.
Về vụ việc Dạ Thảo Phương tố Lương Ngọc An cưỡng hiếp
Ngày 6/4/2022, nhà thơ Dạ Thảo Phương đăng bài trên trang cá nhân, tố cáo ông Lương Ngọc An đã nhiều lần “thao túng, khống chế, bạo hành, cưỡng bức bà như một nô lệ tình dục”, khi cả hai là đồng nghiệp tại báo Văn Nghệ vào những năm 2000.
Sau một lần bị ông An cưỡng hiếp bất thành vào ngày 14/4/2000, bà Phương đã làm đơn tố cáo ông An. Nhưng vào thời điểm này, bà Phương bị ông An vu khống ngược lại, cho rằng “hai người có mối quan hệ tình cảm”.
Lãnh đạo báo Văn Nghệ khi đó chỉ kết luận hai người “gây lộn xộn ở cơ quan”.
Sau bài viết của bà Phương, lãnh đạo báo Văn Nghệ cũng như Hội Nhà văn Việt Nam chọn cách im lặng.
Đến ngày 15/4/2022, Ban Chấp hành hội quyết định cho ông Lương Ngọc An thôi giữ chức phó tổng biên tập báo Văn Nghệ để “nhận nhiệm vụ mới”, song không đề cập đến nhiệm vụ gì và cũng không phản hồi đơn tố cáo của bà Phương.
Về phía ông An, sau sự việc, ông đã đăng bài viết kèm theo hình ảnh đơn thư với nội dung tố cáo bà Phương vu khống mình, gửi trưởng phòng An ninh Chính trị Nội bộ (PA03) TP. Hà Nội, trưởng phòng An ninh sử dụng công nghệ cao (PA05) TP. Hà Nội và giám đốc Công an TP. Hà Nội.
Để biết thêm thông tin chi tiết về vụ việc nhà thơ Dạ Thảo Phương tố cáo ông Lương Ngọc An cưỡng hiếp, mời độc giả xem bài viết của Luật Khoa tạp chí tại đây.
Sau gần ba năm bị nhà thơ Dạ Thảo Phương tố cáo cưỡng hiếp, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Văn nghệ Lương Ngọc An được điều động giữ chức phó tổng biên tập tạp chí Nhà văn và Cuộc sống.
Giới thiệu một số góc nhìn phản biện của các nhà luật học nữ quyền (feminist legal studies) và một nhánh nghiên cứu mới trong luật học là đa nguyên pháp luật (legal pluralism) về luật pháp và quy trình tố tụng hình sự về tội hiếp dâm.
Chủ trương tinh gọn bộ máy của Tổng Bí thư Tô Lâm lần này khởi sự bằng việc sắp xếp lại các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và một số báo đài cấp trung ương.