Kim Lefèvre và hành trình của 'Cô gái lai da trắng'
Cuốn tự truyện Métisse blanche (Cô gái lai da trắng) của Kim Lefèvre (1935 - 2021) được xuất bản bằng
Mỗi lần từ quê lên Sài Gòn, tôi nhớ khi vào đến Bình Chánh, đèn giao thông ở đây lúc nào cũng đột ngột chuyển từ xanh sang đỏ. Cảnh sát giao thông luôn có mặt ở đó, sẵn sàng thổi còi ngay khi xe chạm vào vạch.
Bây giờ, khi xuất hiện Nghị định 168, vụ việc "nhảy đèn" dường như mới được chú ý nhiều hơn, dù nó đã tồn tại suốt nhiều năm qua. Có lẽ vì mọi người lo sợ mình sẽ trở thành nạn nhân của đèn giao thông và phải chịu mức phạt cao ngất ngưởng.
Đóng phạt là làm giàu cho kho bạc hay cho ai thì… chưa biết.
"Không đủ tiền đóng phạt hả? Để anh giúp em" – Anh cảnh sát giao thông nói với bạn tôi, người đang bị giữ xe vì một lỗi mà cả hai chúng tôi đều chắc chắn rằng mình không phạm.
Và đúng là anh ấy đã "giúp" thật.
Thay vì phải nộp phạt 1.000.000 đồng và bị thu bằng lái, bạn tôi chỉ cần đưa anh ta 800.000 đồng mà không có bất kỳ biên bản nào được lập, cũng chẳng mất bằng lái.
Bạn tôi nói: "Thôi, đưa tiền cho xong chuyện".
Và tôi nghĩ, nếu rơi vào tình huống này, có lẽ ai cũng sẽ làm như vậy.
Khi Chính phủ ban hành Nghị định 168/2024/NĐ-CP để tăng mức phạt tiền, lập tức xuất hiện hai luồng ý kiến trái chiều. Bên ủng hộ cho rằng đây là động thái cần thiết để giảm thiểu tai nạn và cải thiện văn hóa giao thông của đất nước. Ngược lại, bên phản đối cho rằng nghị định này chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề, trong khi những vấn đề như nạn mãi lộ có thể trở nên trầm trọng hơn, tạo thêm cơ hội để cảnh sát giao thông trục lợi.
Mỗi bên đều có lý lẽ riêng, và tôi thấy rằng, những lập luận của phía phản đối không hẳn là không có căn cứ.
Việc hối lộ cho cảnh sát giao thông khi bị phạt, dù chỉ vì một lỗi nhỏ hay thậm chí là lỗi mà bạn không hề vi phạm, là chuyện xảy ra nhan nhản hàng ngày. Tuy nhiên, đây không phải là lý do duy nhất mà những người phản đối Nghị định 168 nêu ra.
Gần đây, một đoạn phim lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh xe cứu thương đang chở bệnh nhân đi cấp cứu nhưng không thể di chuyển khi gặp đèn đỏ. Những người tham gia giao thông phía trước sợ bị phạt nếu vượt vạch khi đèn đỏ nên không ai dám nhường đường.
Dù chưa rõ tính xác thực của đoạn phim trên, nhưng hàng trăm bình luận ở phía dưới lại thể hiện sự thông cảm với tâm lý e dè, ngại ngần của người dân khi đối diện với mức phạt vượt đèn đỏ theo nghị định mới.
Mức phạt tối đa đối với ô tô vượt đèn đỏ tại Việt Nam là 20 triệu đồng. Trong khi đó, tại Nhật Bản, mức phạt cao nhất cho hành vi này là khoảng 1,95 triệu đồng (tương đương 12.000 yên). Ở Đức, người vi phạm có thể chịu mức phạt tối đa là 388,50 Euro (khoảng 10,3 triệu đồng).
Mức phạt 20 triệu đồng đối với hành vi vượt đèn đỏ ở Việt Nam rõ ràng là một con số không nhỏ, đặc biệt khi thu nhập của người dân Việt Nam thấp hơn nhiều so với những quốc gia khác như Nhật Bản hay Đức. Trong khi các quốc gia áp dụng cơ chế tương tự, mức phạt thường sẽ tương xứng với mức sống và thu nhập trung bình của người dân.
Năm 2023, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ đạt khoảng 4.600 USD/năm, thấp hơn nhiều so với Nhật Bản (33.846 USD) và Đức (52.824 USD).
Điều này có nghĩa là mức phạt 20 triệu đồng ở Việt Nam tương đương gần 218% thu nhập bình quân tháng của một người dân, trong khi tại Nhật Bản và Đức, mức phạt tương đương chỉ chiếm khoảng 2,93% và 9,6% thu nhập bình quân tháng.
Vì vậy, việc cho rằng nghị định này không phù hợp với điều kiện kinh tế và xã hội hiện tại của người dân Việt Nam cũng là một quan điểm có cơ sở.
Một lý do quan trọng khác chính là về hạ tầng giao thông.
Chuyện đèn giao thông đang xanh bỗng đột ngột chuyển sang đỏ không hiếm. Chuyện này khiến các phương tiện bị dồn ứ lại, tạo thành các điểm ùn tắc. Điều này càng làm tình trạng kẹt xe trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt là vào giờ cao điểm.
Cục Cảnh sát Giao thông đã phản hồi vào ngày 2/1/2025, cho biết hiện tượng "đang xanh bỗng nhảy đỏ" là do các đèn giao thông thuộc thế hệ cũ và sắp được thay thế. Nếu thật sự được thay thế, đó sẽ là tín hiệu tích cực, nhưng nếu tình trạng này vẫn kéo dài thì cũng không có gì bất ngờ.
Thêm nữa, từ khi có Nghị định 168, nạn kẹt xe trên đường phố Sài Gòn trở nên nghiêm trọng hơn. Mặc dù các biện pháp xử phạt được thắt chặt, giúp giảm bớt một phần các vi phạm, nhưng cũng kéo theo hệ quả là tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng trầm trọng.
Nghị định này được sinh ra để xử lý phần ngọn của vấn đề, hay là cái hậu quả của quản trị giao thông; còn cái gốc thì bao nhiêu năm qua không mấy khi được đoái hoài tới.
Hạ tầng giao thông tại Sài Gòn vẫn thiếu tính đồng bộ và đang trong tình trạng quá tải, trong khi các giải pháp về tổ chức giao thông và quy hoạch đô thị chưa được cải thiện đáng kể.
Mặc dù việc xử phạt nghiêm khắc có thể giúp giảm vi phạm trong ngắn hạn, nhưng nếu không đầu tư mạnh mẽ vào cải thiện cơ sở hạ tầng, như mở rộng đường xá, thì những biện pháp này chỉ có thể giảm bớt ùn tắc tạm thời mà không thể giải quyết triệt để vấn đề.
Vì vậy, cũng không khó hiểu khi nhiều người cho rằng Nghị định 168 chỉ làm khổ dân và làm giàu cho cán bộ.
"Diễn đàn" là mục tản văn, nơi các tác giả có thể kể những câu chuyện, trải nghiệm và ý kiến của bản thân. Mời bạn đóng góp bài vở tại đây.