Nhân viên Mỹ kể chuyện sơ tán trăm người Việt trước ngày Sài Gòn thất thủ
Cuốn hồi ký Getting out of Saigon: How a 27-year-old banker saved 113 Vietnamese civilians (tạm dịch: Thoát khỏi Sài
Cuốn hồi ký Getting out of Saigon: How a 27-year-old banker saved 113 Vietnamese civilians (tạm dịch: Thoát khỏi Sài Gòn - Cách một nhân viên ngân hàng cứu 113 người dân Việt Nam) của Ralph Robert White, được xuất bản vào năm 2023, kể lại câu chuyện của tác giả trong việc sơ tán nhân viên ngân hàng và gia đình họ khỏi Sài Gòn trước khi thành phố sụp đổ vào tháng 4/1975.
Ralph Robert White làm việc tại chi nhánh Ngân hàng Chase Manhattan ở Sài Gòn trong thời điểm ấy. Trước đó, Ralph làm việc tại chi nhánh Bangkok (Thái Lan).
Khi đến Sài Gòn vào những ngày hỗn loạn, Ralph được giao nhiệm vụ đóng cửa chi nhánh và đảm bảo an toàn cho các nhân viên người Việt Nam. Tuy nhiên, khi đến nơi, ông nhận thấy tình hình nguy hiểm hơn nhiều so với dự đoán.
Ông kể trong quyển sách rằng lúc này quân đội Bắc Việt đã tiến vào miền Nam. Nhiều thành phố lớn như Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn đã thất thủ. Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Trần Thiện Khiêm từ chức.
Các ngân hàng khác của Mỹ không còn bất kỳ người quản lý nước ngoài nào. Hơn nữa, Quốc hội Mỹ đã bác bỏ đề nghị của Tổng thống Gerald Ford về khoản viện trợ khẩn cấp trị giá 722 triệu USD cho Việt Nam Cộng hòa.
Trong bối cảnh rối ren ấy, giới lãnh đạo Chase Manhattan Sài Gòn ước tính có 113 nhân viên người Việt và gia đình của họ sẽ gặp nguy hiểm, vì vậy buộc phải sơ tán họ càng sớm càng tốt.
Theo Ralph kể lại, vào lúc này còn tồn tại sự phân biệt trong chính sách của lãnh đạo Mỹ. Trung tâm Kiểm soát Sơ tán tại Đại sứ quán Hoa Kỳ chỉ hỗ trợ công dân Mỹ, trong khi các đại sứ quán khác cũng ưu tiên tiến hành giải cứu công dân của họ.
Đại sứ Mỹ Graham Martin còn không tin rằng Sài Gòn sẽ thất thủ và gây khó cho việc sắp xếp các cuộc sơ tán. Thậm chí khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức và Trần Văn Hương lên nắm quyền, Đại sứ quán Mỹ vẫn không có động thái rõ ràng nào.
Tác giả mô tả không khí ở Sài Gòn trong những ngày cuối cùng thật căng thẳng. Cả người dân địa phương và người nước ngoài đều sống trong lo sợ và thấp thỏm.
Một số phụ nữ sẵn sàng trả tiền để kết hôn với người Mỹ nhằm có được visa sang Mỹ.
Các khách hàng của ngân hàng cũng đối mặt với tình huống tiến thoái lưỡng nan: chần chừ rút tiền vì sợ tiền mất giá, nhưng để lại tiền trong ngân hàng thì cũng chẳng ích gì.
Bất chấp những trở ngại, Ralph nỗ lực đi gặp gỡ và xây dựng mối quan hệ với các quan chức trong Đại sứ quán Mỹ để đảm bảo an toàn cho nhân viên của ngân hàng.
Ông đã liên lạc thành công với những người Mỹ sẵn sàng giúp đưa mình và những nhân viên người Việt ra khỏi Sài Gòn trên các chuyến bay cuối cùng.
Ralph chia các nhân viên thành hai nhóm (ưu tiên và ít ưu tiên), tự tay ký bảo lãnh tài chính cho họ và coi họ như gia đình của mình. Ông nhớ rõ đã đau buồn ra sao khi nghe âm thanh nặng nhọc của chiếc máy bay quá tải, hay khi thấy nhân viên người Việt òa khóc vì biết sẽ phải rời xa quê hương.
Ngày 27/4/1975, nhóm của Ralph đặt chân đến Philippines. Họ may mắn thoát khỏi trận bom ác liệt tại phi trường Tân Sơn Nhất vào hai ngày sau đó. Chỉ chậm một ngày, có lẽ họ sẽ không thể rời khỏi Sài Gòn.
Dẫu vậy, hành trình tị nạn này chưa yên ổn. Trong cuốn hồi ký, Ralph kể về chuyện Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos không chào đón những người tị nạn từ Việt Nam và yêu cầu họ rời khỏi ngay lập tức.
Ông cũng ghi lại chuyện nhóm của mình phải đến đảo Guam và trải qua những tháng ngày sống trong điều kiện vô cùng tồi tệ.
Cuối cùng khi đến được Mỹ, Ngân hàng Chase Manhattan tại New York đã hỗ trợ họ tái định cư. Các nhân viên tại Mỹ cũng chào đón và giúp đỡ các đồng nghiệp Việt Nam. Con em của người Việt cũng được nhập học tại các trường địa phương.
Theo người viết đánh giá, câu chuyện của Ralph không chỉ thể hiện sự khéo léo và lòng dũng cảm của một nhân viên ngân hàng trẻ tuổi trong những giờ phút cuối của Sài Gòn, mà còn cho thấy vai trò cá nhân trong bối cảnh khủng hoảng nhân đạo – nhất là khi chính phủ không thể hoặc không sẵn sàng hỗ trợ.
Những người như Ralph và các cán bộ phụ trách sơ tán xứng đáng được thế giới biết đến nhiều hơn, bởi họ đã dám đánh cược sự nghiệp và thậm chí tính mạng của mình để hỗ trợ người khác trong cơn hoảng loạn của thời cuộc.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hằng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.