Những ngã rẽ của chủ nghĩa xã hội - Kỳ 1: Ba nhà tư tưởng
Đó là vào dịp Giáng sinh năm 1920, ở thành phố Tours của Pháp. Một thanh niên 30 tuổi người
Đó là vào dịp Giáng sinh năm 1920, ở thành phố Tours của Pháp.
Một thanh niên 30 tuổi người Việt Nam có mặt ở đây để đưa ra một trong những quyết định quan trọng nhất của đời mình.
Châu Âu thời hậu chiến, lòng người chia năm xẻ bảy giữa những biến động chính trị long trời lở đất, từng bước định hình nên một trật tự thế giới mới. Ở phía Đông, một quốc gia mới đang hình thành, và dù đang vật lộn giữa rất nhiều thách thức mang tính sinh tồn, nó sẽ trở thành một trong những thế lực đáng gờm nhất của thế kỷ XX: nước Nga Xô-viết.
Một năm trước, để mở rộng ảnh hưởng, vị lãnh tụ cộng sản người Nga Vladimir I. Lenin sáng lập ra Quốc tế thứ Ba - hay còn gọi là Quốc tế Cộng sản - và thu hút sự tham gia của các đảng cộng sản và nhóm cánh tả từ nhiều quốc gia.
Đảng Xã hội Pháp khi đó đứng trước một lựa chọn mang tính lịch sử: ở lại với Quốc tế thứ Hai hay gia nhập Quốc tế Cộng sản.
Họ họp nhau ở Tours. [1] Và trong số những đảng viên tham gia đại hội đó, có một đại biểu đến từ thuộc địa Đông Dương tên Nguyễn Ái Quốc. [2]
Mặc dù cho đến nay, không ai thực sự biết Trần Dân Tiên là ai và có phải là Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh hay không, nhưng cuốn sách “Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của tác giả này vẫn là tài liệu hiếm hoi soi chiếu vào cuộc đời Nguyễn Ái Quốc ở giai đoạn có tính bước ngoặt này. [3]
Trong sách, khi được hỏi vì sao lại chọn Quốc tế thứ Ba, Nguyễn Ái Quốc trả lời rằng:
[...] tôi hiểu rõ một điều, Quốc tế thứ Ba rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa. Quốc tế thứ Ba nói sẽ giúp đỡ các dân tộc bị áp bức giành lại tự do và độc lập của họ. Còn Quốc tế thứ Hai không hề nhắc đến vận mệnh các thuộc địa. Vì vậy tôi đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ Ba. Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu.
Bằng việc gia nhập Quốc tế thứ Ba, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn con đường cách mạng vô sản, theo đuổi lý tưởng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sử dụng bạo lực cách mạng để chống lại ách thống trị thực dân. Quyết định của người thanh niên này đã đặt nền móng định hình toàn bộ lịch sử Việt Nam sau này, đưa đất nước đi theo con đường cộng sản.
Khi biểu quyết tại đại hội Tours, đa số đại biểu bỏ phiếu đồng ý gia nhập Quốc tế thứ Ba, nhóm này tách ra và thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Thiểu số còn lại tiếp tục duy trì Đảng Xã hội Pháp và ở lại với Quốc tế thứ Hai.
Vậy Quốc tế thứ Hai và Quốc tế thứ Ba giống và khác nhau như thế nào? Trong bài đầu tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu những trường phái và ngã rẽ khác nhau của chủ nghĩa xã hội, để biết rằng con đường mà Nguyễn Ái Quốc (và Đảng Cộng sản Việt Nam) chọn không phải là con đường duy nhất.
Cả hai “quốc tế” đều là những tổ chức quốc tế của phong trào công nhân, đấu tranh chống lại những khiếm khuyết và bất công của hệ thống tư bản chủ nghĩa, nhằm mục tiêu xây dựng một xã hội mới công bằng và bình đẳng hơn. Cả hai đều lấy chủ nghĩa Marx làm nền tảng tư tưởng.
Tuy nhiên, sự khác biệt giữa họ không hề nhỏ.
Quốc tế thứ Hai được thành lập vào năm 1889 tại Paris, Pháp, với thành viên chủ yếu đến từ các quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Nga, Ý, Bỉ, và các nước vùng Scandinavia. [4] Mặc dù các thành viên trong tổ chức chia rẽ sâu sắc về nhiều vấn đề, một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất đến nền tảng lý luận của Quốc tế thứ Hai là Eduard Bernstein, nhà lý luận xã hội chủ nghĩa người Đức. [5]
Bernstein cho rằng, thay vì sử dụng cách mạng bạo lực, quyền lợi của giai cấp công nhân nên được thúc đẩy thông qua các cải cách dân chủ và đấu tranh nghị trường một cách hòa bình.
Trong khi đó, Quốc tế thứ Ba được thành lập vào năm 1919 tại Moscow, Nga dưới sự lãnh đạo của Vladimir Lenin. [6] Tổ chức này nhấn mạnh vai trò của cách mạng bạo lực trong việc lật đổ hoàn toàn hệ thống tư bản và xây dựng xã hội cộng sản. Quốc tế thứ Ba cũng chú trọng đến việc hỗ trợ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa như Việt Nam.
Từ sự khác biệt trong đường lối và phương pháp đấu tranh giữa Quốc tế thứ Hai và Quốc tế thứ Ba, có thể thấy chủ nghĩa xã hội không phải là một khối thống nhất, mà bao gồm nhiều nhánh phát triển khác nhau. Những dòng tư tưởng lớn nhất bao gồm chủ nghĩa xã hội không tưởng (utopian socialism), chủ nghĩa cộng sản (communism) và chủ nghĩa dân chủ xã hội (social democracy).
Chủ nghĩa cộng sản đã dẫn đến nhiều thảm họa về kinh tế và xã hội cho các quốc gia áp dụng. Một khảo sát của Pew Research Center cho thấy, 30 năm sau khi hệ thống cộng sản sụp đổ, phần lớn người dân ở Ba Lan, Đông Đức, Cộng hòa Séc và Hungary hài lòng với việc chuyển đổi sang hệ thống chính trị đa đảng và nền kinh tế thị trường. [7]
Ngược lại, chủ nghĩa dân chủ xã hội được cho là đã mang đến thịnh vượng và phát triển cho nhiều nước châu Âu sau Thế chiến II. Tại các quốc gia Bắc Âu như Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy, chủ nghĩa dân chủ xã hội được chấp nhận rộng rãi và mang nhiều ý nghĩa tích cực do gắn liền với phong trào đấu tranh đòi quyền bầu cử và quá trình xây dựng nhà nước phúc lợi hiệu quả.
Chủ nghĩa xã hội ra đời vào thế kỷ 19 ở châu Âu như một sự phê phán đối với những hạn chế và bất công của chủ nghĩa tư bản công nghiệp (industrial capitalism). [8]
Trong thời kỳ này, các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như cơ khí, dệt may, khai thác mỏ và xây dựng đường sắt phát triển rất mạnh mẽ, nâng cao năng suất lao động và làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của nền kinh tế.
Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản sơ khai và thị trường hoàn toàn tự do cũng đem đến nhiều bất ổn, như bất bình đẳng ngày càng gia tăng, xã hội phân hóa sâu sắc, chủ nghĩa cá nhân cực đoan cùng với sự xói mòn của các giá trị cộng đồng. Điều này dẫn đến tình trạng mất niềm tin và bất mãn đối với hệ thống kinh tế - chính trị đương thời.
Trong giai đoạn này, công nhân ở các nước Tây Âu phải làm việc trong điều kiện rất khắc nghiệt: tiền lương thấp, thời gian làm việc kéo dài, điều kiện làm việc không đảm bảo vệ sinh và an toàn lao động, v.v. Nhiều trẻ em cũng phải làm việc trong các nhà máy với điều kiện khắc nghiệt không kém. Những bất công này đã làm gia tăng mâu thuẫn giữa tầng lớp công nhân, vốn ngày một bần cùng và giai cấp tư sản ngày càng kếch xù.
Chính bối cảnh đầy rẫy bất công đó là tiền đề cho sự phát triển của hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, nổi bật trong số các nhà lý thuyết thời kỳ này là Karl Marx, người đã phát triển học thuyết về sự bóc lột và đấu tranh giai cấp.
Karl Marx cho rằng lịch sử xã hội loài người là lịch sử của đối kháng giai cấp, và đấu tranh giai cấp là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của lịch sử. [9]
Xã hội tư bản được phân chia thành hai giai cấp chính là giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Trong đó, giai cấp tư sản là giai cấp thống trị, tìm kiếm lợi nhuận bằng cách bóc lột “giá trị thặng dư” của công nhân, bằng cách trả lương thấp hơn giá trị mà lao động của họ tạo ra.
Marx lập luận rằng khi chủ nghĩa tư bản phát triển, tài sản và quyền lực kinh tế sẽ dần tập trung vào tay một nhóm nhỏ những nhà tư sản lớn, trong khi giai cấp vô sản ngày càng bị bần cùng hóa.
Khi những mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa tư bản ngày càng gay gắt, kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất, cách mạng bạo lực được xem là phương tiện cần thiết để lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, từ đó tiến tới xây dựng một xã hội phi giai cấp dựa trên sở hữu chung về phương tiện sản xuất.
Những tư tưởng quan trọng nhất của Marx được thể hiện trong Tuyên ngôn Cộng sản (1848) và bộ sách Tư Bản (quyển I xuất bản lần đầu năm 1867). [10][11]
Sau khi các tác phẩm này ra đời, cuộc Đại suy thoái (1873-1896) diễn ra ở Mỹ và nhiều quốc gia tư bản châu Âu, khiến cho các quan điểm của chủ nghĩa Marx về tính bất ổn và sự sụp đổ tất yếu của chủ nghĩa tư bản được chú ý và trở nên thuyết phục hơn.
Hàng loạt đảng chính trị chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx xuất hiện và trở thành những lực lượng chính trị quan trọng ở châu Âu, như Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), Đảng Lao động Na Uy (Arbeiderpartiet), Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển (SAP) và Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Áo (SDAP).
Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa Marx rơi vào khủng hoảng và đối mặt với nhiều thách thức cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn.
Cuối thập niên 1890, chủ nghĩa tư bản phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào các cải tiến kỹ thuật, tái cơ cấu tài chính, cùng các cuộc cách mạng trong lĩnh vực giao thông và thông tin liên lạc. Các công ty châu Âu phát triển và mở rộng ra thị trường toàn cầu.
Ngoài ra, dưới sức ép của phong trào công nhân, các nhà nước tư sản bắt đầu thực hiện những cải cách chính trị - xã hội nhằm xoa dịu căng thẳng giai cấp, như cải thiện điều kiện làm việc trong các nhà máy, cũng như mở rộng các chương trình phúc lợi và quyền bầu cử.
Các dự đoán của Marx về sự bần cùng hóa của giai cấp công nhân, sự biến mất của nền nông nghiệp nhỏ lẻ và các doanh nghiệp nhỏ, cũng như sự thu hẹp rồi sụp đổ của tầng lớp trung lưu, cũng không đúng với thực trạng kinh tế của thời kỳ này. [12]
Bối cảnh này tạo điều kiện thuận lợi để một số trường phái xét lại chủ nghĩa Marx xuất hiện, đại diện tiêu biểu nhất trong số đó là Eduard Bernstein.
Vào cuối thế kỷ 19, phong trào xã hội chủ nghĩa phải đối mặt với nhiều mâu thuẫn nội bộ. Eduard Bernstein, nhà lý luận xã hội chủ nghĩa người Đức, đã mạnh mẽ phản biện các giả định và nhận định cơ bản của Marx. [13] Nói cách khác, Bernstein là người khởi xướng phong trào xét lại chủ nghĩa Marx.
Ông cho rằng thay vì chờ đợi một cuộc cách mạng bạo lực để lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, lý tưởng xã hội chủ nghĩa có thể đạt được thông qua các cải cách dân chủ và hòa bình.
Tầm nhìn của Bernstein về con đường tiến tới chủ nghĩa xã hội một cách ôn hòa được trình bày trong cuốn sách Die Voraussetzungen des Sozialismus und die Aufgaben der Sozialdemokratie (tạm dịch: Những tiền đề của chủ nghĩa xã hội và nhiệm vụ của chủ nghĩa dân chủ xã hội), xuất bản lần đầu năm 1899, và được xem là tài liệu đặt nền tảng cho “chủ nghĩa xét lại”. [14]
Những quan điểm của Bernstein đã dẫn đến cuộc luận chiến nổi tiếng giữa “chủ nghĩa xã hội cải cách” và “chủ nghĩa xã hội cách mạng” trong phong trào công nhân.
Tư tưởng của ông có ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của phong trào công nhân và các hệ thống chính trị dân chủ tại châu Âu, đặc biệt là trong thế kỷ 20.
Trong khi đó, Vladimir Lenin là một nhà lý luận Marxist kiên định với tư tưởng về cách mạng vô sản và đã phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa xét lại của Bernstein. [15]
Lenin cho rằng giai cấp tư sản sẽ không bao giờ tự nguyện từ bỏ quyền lực, và chỉ có cách mạng vô sản mới là con đường khả thi để tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, Lenin cũng có quan điểm khác với Marx.
Lenin không tin rằng giai cấp vô sản sẽ tự mình phát triển ý thức cách mạng một cách tự phát.
Trong tác phẩm "Làm gì?" xuất bản năm 1902, Lenin khẳng định rằng sự phát triển tự phát của giai cấp công nhân sẽ chỉ dẫn đến các cuộc đấu tranh kinh tế hạn hẹp như đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. [16]
Theo Lenin, để đánh thức tiềm năng cách mạng của giai cấp vô sản, phong trào công nhân cần được lãnh đạo bởi một “đảng tiên phong” gồm những nhà cách mạng chuyên nghiệp, được tổ chức chặt chẽ và có tính kỷ luật cao.
Nhiệm vụ của đảng tiên phong này là truyền bá ý thức cách mạng, nâng cao nhận thức chính trị cho giai cấp công nhân và quần chúng lao động, đồng thời tổ chức họ thành lực lượng cách mạng có khả năng lật đổ chế độ tư bản.
Từ đây, phong trào công nhân rẽ theo hai hướng: chủ nghĩa xã hội cách mạng (revolutionary socialism) của Marx - Lenin và chủ nghĩa xã hội dân chủ (democratic socialism) của Eduard Bernstein.
Việc lựa chọn giữa hai con đường này đã để lại hệ quả sâu sắc đối với sự phát triển chính trị, kinh tế và xã hội của các quốc gia.
(Còn nữa)
Đọc thêm