Những ngã rẽ của chủ nghĩa xã hội - Kỳ 4: Luận chiến Bernstein và Lenin

Những ngã rẽ của chủ nghĩa xã hội - Kỳ 4: Luận chiến Bernstein và Lenin
Eduard Bernstein và Vladimir I. Lenin. Ảnh gốc: Britanica, snl.no, Canva. Đồ họa: V.K / Luật Khoa.

Đầu thế kỷ XX, hai trường phái của phe xã hội chủ nghĩa đấu khẩu kịch liệt với nhau, đến mức coi nhau là kẻ thù. Một bên là chủ nghĩa dân chủ xã hội do Eduard Bernstein khởi xướng, một bên là chủ nghĩa Bolshevik - với đại diện tiêu biểu là Vladimir I. Lenin. 

Nhưng trước khi bàn về cuộc luận chiến này, hãy bàn về một cuộc luận chiến khác, diễn ra giữa Bernstein với một đồng chí của ông trong Đảng Dân chủ Xã hội Đức.

Cuộc đối đầu giữa Bernstein và Kautsky trong Đảng Dân chủ Xã hội Đức

Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) được hình thành từ sự hợp nhất của Hiệp hội Công nhân Đức (ADAV), do Ferdinand Lassalle sáng lập, và Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội (SDAP), do August Bebel và Wilhelm Liebknecht lãnh đạo.

Marx và Engels đã có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của SPD. Trước khi hội nghị hợp nhất diễn ra vào năm 1875 để chính thức thành lập SPD tại Gotha, Marx đã viết tác phẩm nổi tiếng “Phê phán Cương lĩnh Gotha” để chỉ trích các quan điểm cải cách của Ferdinand Lassalle mà ông cho là chưa triệt để và thiếu tính cách mạng.

Sau khi Marx qua đời, phong trào xã hội chủ nghĩa ở Đức đối mặt với nhiều thách thức. Nội bộ SPD xuất hiện nhiều rạn nứt, chủ yếu do mâu thuẫn tư tưởng giữa Karl Kautsky (1854-1938), đại diện cho chủ nghĩa Marx chính thống và Eduard Bernstein, người đề xướng chủ nghĩa xét lại.

Kautsky là một trong những lý thuyết gia nổi bật nhất trong phong trào xã hội chủ nghĩa nhờ công lao hệ thống hóa và phổ biến các tư tưởng Marxist. Những nhân vật cánh tả hàng đầu thời bấy giờ, như Rosa Luxemburg, Leon Trotsky và Vladimir Lenin đều coi ông là một nhà lý luận Marxist hàng đầu và nguồn tham khảo quan trọng.

Mâu thuẫn giữa hai trường phái xã hội chủ nghĩa chính thống và cải cách được thể hiện một cách sinh động trong Cương lĩnh Erfurt của SPD vào năm 1891. 

Ảnh: Một ấn bản của Cương lĩnh Erfurt năm 1891, bản tuyên ngôn quan trọng của SPD. Nguồn ảnh: Jaconbin.

Phần lý thuyết ở đầu, do Karl Kautsky biên soạn, tập trung phân tích những tác động tiêu cực của xã hội tư bản đối với giai cấp vô sản, đồng thời dự báo một viễn cảnh đen tối cho tương lai của chủ nghĩa tư bản.

Phần thứ hai, chủ yếu do Eduard Bernstein soạn thảo, lại đề xuất một loạt cải cách thực tiễn nhằm cải thiện quyền lợi của người lao động, bao gồm quyền bầu cử phổ thông đầu phiếu, trả lương cho các đại diện dân cử, giới hạn ngày làm việc 8 giờ, bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do tín ngưỡng, khẳng định tôn giáo là vấn đề riêng tư, khuyến khích việc thế tục hóa trường học, và ủng hộ đánh thuế thu nhập và thuế tài sản lũy tiến. [1]

Trong khi phần đầu chỉ trích gay gắt giai cấp tư sản và xã hội tư bản, phần thứ hai lại nhiệt thành đưa ra các giải pháp cải cách thực tiễn. [2] 

Ảnh: Eduard Bernstein và Karl Kautsky, năm 1910. Nguồn ảnh: Left Voice.

Bernstein bị chỉ trích gay gắt sau khi tác phẩm “Những tiền đề của chủ nghĩa xã hội” được xuất bản năm 1899. Việc ông ủng hộ các cải cách ôn hòa đã dẫn đến mâu thuẫn nghiêm trọng với những người theo chủ nghĩa Marx chính thống, khiến ông bị gán mác là "kẻ phản bội" trong phong trào xã hội chủ nghĩa.

Tại hội nghị đảng được tổ chức ở Hanover vào mùa thu năm đó, vấn đề về chủ nghĩa xét lại trở thành chủ đề chính trong chương trình nghị sự. August Bebel, một trong những lãnh đạo chủ chốt của SPD, đã có bài phát biểu kéo dài sáu giờ nhằm bác bỏ các quan điểm của Bernstein.

Năm 1901, Bernstein trở về Đức sau nhiều năm sống lưu vong ở Thụy Sĩ và Anh, do “đạo luật chống xã hội chủ nghĩa” (anti-socialist laws), được ban hành dưới thời Thủ tướng Otto von Bismarck, đã bị bãi bỏ vào một năm trước đó.

Năm 1902, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội Đức (Reichstag) đại diện cho khu vực Breslau (nay là Wrocław, Ba Lan).

Những năm đầu thế kỷ 20, mối quan hệ giữa Bernstein và các lãnh đạo khác trong SPD, đặc biệt là Kautsky, trở nên căng thẳng hơn. Kautsky và các thành viên khác trong SPD thường chỉ trích tư tưởng cải cách của Bernstein mà họ cho rằng thiếu tính cách mạng và sẽ dẫn đến sự suy yếu của phong trào xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, chủ nghĩa Marx chính thống mà Kautsky cổ súy chỉ có thể giải thích quá khứ và khơi dậy niềm lạc quan về một tương lai huy hoàng của chủ nghĩa xã hội, nhưng lại tỏ ra thiếu hiệu quả trong các hoạt động thực tiễn của SPD. Do niềm tin vào thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa xã hội trước chủ nghĩa tư bản, Kautsky có xu hướng theo thuyết định mệnh và thể hiện thái độ thụ động trong chính trị. 

Trên thực tế, những đề xuất của Kautsky, chẳng hạn như việc SPD nên tập trung củng cố bộ máy, duy trì sự ủng hộ từ các công đoàn và cố gắng giành phiếu bầu để chiếm ưu thế trong nghị viện, không có nhiều khác biệt so với quan điểm cải cách ôn hòa của Bernstein. Đối diện với thực tế này, Kautsky đã phát biểu rằng: “SPD là một đảng cách mạng, nhưng không phải là một đảng tiến hành các cuộc cách mạng.” [3]

Bernstein, Kautsky và cuộc luận chiến với Lenin

Sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Bernstein phê phán mạnh mẽ những người Bolshevik. Ông cáo buộc họ diễn giải một cách cứng nhắc và máy móc một số luận điểm của Marx để biện minh cho bạo lực cách mạng, đồng thời phớt lờ lý thuyết kinh tế của Marx khi thúc ép chủ nghĩa xã hội ở Nga – nơi mà trình độ phát triển của chủ nghĩa tư bản thấp hơn nhiều các quốc gia phương Tây khác. Bernstein phản đối cách tiếp cận cực đoan nhằm đạt được chủ nghĩa xã hội, cho rằng những người Bolshevik đã biến chủ nghĩa Marx thành một công cụ chuyên chế, đặt tham vọng quyền lực lên trên các giá trị dân chủ và quá trình tiến bộ xã hội. [4]

Vladimir Lenin diễn thuyết ở Moscow, Nga năm 1920. Ảnh: snl.no.

Năm năm sau Cách mạng Tháng Mười, Bernstein nhận định như sau về sự kiện này và những hệ quả của nó:

Vào ngày 7 tháng 11 năm 1917, một cuộc đảo chính đã diễn ra, và tôi cho rằng, chỉ có thể coi đây là một “cuộc cách mạng" nếu hiểu theo nghĩa là hành động bạo lực đã dẫn đến một sự thay đổi chế độ, bất kể hậu quả ra sao. Về bản chất, đây là một cuộc nổi dậy được tiến hành với sự hỗ trợ của những binh lính thô kệch và thiếu hiểu biết chính trị [...] Cuộc cách mạng đã bị triệt tiêu bởi một đảng độc tài, duy trì quyền lực bằng chế độ độc tài quân sự. Và nếu trong suốt năm năm qua, Đảng Cộng sản không cho phép bất kỳ chính đảng nào, dù là xã hội chủ nghĩa hay tư bản, được tự do hoạt động, thì thực tế này là minh chứng rõ ràng cho sự yếu kém nội tại của họ. [...]
Bolshevik đã bóp nghẹt tự do tinh thần và tiêu diệt báo chí độc lập, điều này khiến họ giống với chế độ Sa hoàng cũ hơn bất kỳ đảng phái nào từng tham gia cuộc cách mạng. Dù các lãnh đạo của cuộc đảo chính có ý định tốt đẹp đến đâu, lịch sử sẽ không coi đây là một cuộc cách mạng thực sự, bởi vì Bolshevik đã đẩy cả đất nước vào tình trạng nô lệ về mặt tinh thần và đạo đức. [5]

Thú vị thay, vào cuối đời, quan điểm của Karl Kautsky ngày càng tiệm cận với Bernstein, ông cũng phê phán mạnh mẽ Lenin và chính quyền Bolshevik. Trong tác phẩm “Nền chuyên chính vô sản” (1918), Kautsky nhấn mạnh rằng chủ nghĩa xã hội là sự giải phóng giai cấp vô sản, nhưng điều này phải được thực hiện thông qua tiến trình dân chủ, chứ không phải bằng cách cưỡng ép hay độc tài. 

Kautsky chỉ ra rằng Hiến pháp Xô Viết đã bóp méo khái niệm “nền chuyên chính vô sản” của Marx, khi tước quyền bầu cử của các nhóm bị coi là “tư sản” và những người không kiếm sống bằng lao động “hữu ích”, bao gồm tất cả những người sử dụng lao động làm thuê để kiếm lợi nhuận. Ông cảnh báo rằng việc phủ nhận nguyên tắc dân chủ phổ quát, kết hợp với đàn áp các đối thủ chính trị, sẽ chỉ dẫn đến sự chia rẽ trong xã hội và sự bất mãn ngày càng gia tăng trong dân chúng. [6]

Trong tác phẩm “Chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cộng sản” (1919), Kautsky tiếp tục phê phán các chính sách cai trị của Bolshevik dưới thời Lenin. [7] Ông lập luận rằng cái gọi là "nền chuyên chính vô sản" mà Lenin thiết lập thực chất đã trở thành chế độ độc tài của một nhóm nhỏ trong Đảng Cộng sản, thay vì đại diện cho giai cấp vô sản. Đồng thời, Kautsky lên án việc những người Bolshevik sử dụng bạo lực và khủng bố để đàn áp các lực lượng đối lập, triệt tiêu tự do ngôn luận và áp đặt quyền kiểm soát toàn diện lên xã hội. 

Trong nước Nga Xô viết, tầng lớp tư sản bị tước đoạt toàn bộ tài sản, quyền bầu cử và buộc phải lao động cưỡng bức. Họ bị coi là “tư sản” dựa trên tài sản và nghề nghiệp trước Cách mạng, bản chất giai cấp của họ là không thể xóa bỏ ngay cả khi những người này phải lao động chân tay hoặc trở thành ăn mày sau Cách mạng. 

Kautsky cũng phê phán cách Bolshevik cưỡng chế quốc hữu hóa nền kinh tế và tập trung quyền lực kinh tế vào tay nhà nước mà không có sự chuẩn bị hợp lý.

Những chuyển biến trong tư tưởng của Kautsky khiến Lenin vô cùng tức giận, bởi Kautsky từng được mệnh danh là “giáo hoàng của chủ nghĩa Marx” (the Pope of Marxism) và là một đồng minh tư tưởng quan trọng của Lenin. Với tư cách là một trong những nhà lý luận Marxist hàng đầu, việc Kautsky công khai phản đối Lenin đe dọa đến tính chính danh của Cách mạng Nga.

Lenin gọi Kautsky là “kẻ phản bội,” cáo buộc ông từ bỏ tinh thần cách mạng vô sản và lý tưởng về nền chuyên chính vô sản của Marx để đi theo con đường cải lương và thỏa hiệp với giai cấp tư sản. Lenin mỉa mai một cách cay đắng: “Tên phản bội Bernstein chỉ là tay mơ so với tên phản bội Kautsky!” [8]

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít và di sản của Bernstein

Sau Thế chiến thứ Nhất (1914-1918), Đức đã trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, đặc biệt là sau cuộc Đại Suy thoái năm 1929. Tình trạng thất nghiệp cao, lạm phát, và suy thoái kinh tế gây ra sự bất mãn sâu sắc trong xã hội. Nhiều người tìm kiếm một giải pháp mạnh mẽ và quyết đoán, điều mà tư tưởng phát xít của Adolf Hitler hứa hẹn.

Mặc dù Bernstein và các lực lượng cánh tả khác đã cố gắng xây dựng một hệ thống xã hội chủ nghĩa ôn hòa, nhưng họ không thể thu hút đủ sự ủng hộ trong bối cảnh khủng hoảng. Sự chia rẽ trong phong trào công nhân và thiếu đoàn kết giữa các nhóm cánh tả đã tạo điều kiện cho hệ tư tưởng phát xít của Hitler nổi lên và chiếm ưu thế.

Bức ảnh này của Eduard Bernstein được chụp vào sinh nhật lần thứ 80 của ông vào năm 1930. Nguồn ảnh: German History Docs.

Trong những năm cuối đời, Bernstein phải chứng kiến sự trỗi dậy của Đảng Quốc xã, chủ nghĩa dân tộc cực đoan và sự suy thoái của nền dân chủ. Ông qua đời vào ngày 18 tháng 12 năm 1932, chỉ sáu tuần trước khi Hitler lên nắm quyền và thiết lập chế độ phát xít ở Đức.

Mặc dù trong suốt cuộc đời, Eduard Bernstein không có được sự công nhận xứng đáng cho những đóng góp của mình, tư tưởng của ông ảnh hưởng mạnh mẽ đến các chính sách cải cách của nhiều đảng xã hội ở châu Âu. Đặc biệt, những ý tưởng của ông đã trở thành nền tảng cho sự phát triển của Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển (SAP) và góp phần quan trọng vào việc định hình mô hình nhà nước phúc lợi tại các quốc gia Bắc Âu.

Câu chuyện về di sản của Bernstein sẽ tiếp tục được khám phá trong kỳ sau. 

(Còn nữa)

Đọc thêm:

Chủ nghĩa xã hội không chỉ có mây đen. Hãy nhìn ra ngoài cửa sổ
Luôn có hơn một cách hiểu về mọi điều. Miễn là ta đọc nhiều hơn một chút.
3 điều cần làm rõ về “chủ nghĩa xã hội” trước khi dán nhãn người khác
Đóng thuế nhiều? Chủ nghĩa xã hội! Đất nước có an sinh, phúc lợi tốt? Chủ nghĩa xã hội! Các quốc gia Bắc Âu? Chủ nghĩa xã hội! Ngày nay, ta dễ dàng bắt gặp những quy chụp giản tiện trên trong các cuộc thảo luận chính trị. Không biết vô tình hay hữu ý, […]
Nghe Hayek đả phá chủ nghĩa xã hội trong “Đường về nô lệ”
“Ở miền Nam, những người trước đây nhờ chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ mà có một mức sống vật chất vượt xa khả năng của nền kinh tế trong nước và kết quả lao động của bản thân họ … cần trở lại với thực tế, trở về với cuộc sống của […]

Chú thích

  1. SPD (1891). The Erfurt Program. (Thomas Dunlap, Trans). German History in Documents and Images https://www.marxists.org/history/international/social-democracy/1891/erfurt-program.htm
  2. Berman, S. (2006). The primacy of politics: Social democracy and the making of Europe's twentieth century. Cambridge University Press.
  3. Greene, D. E. (2018, October 3). Karl Kautsky: From Pope to Renegade. Left Voice. https://www.leftvoice.org/karl-kautsky-from-pope-to-renegade
  4. Gay, P. (1962). The Dilemma of Democratic Socialism: Eduard Bernstein’s Challenge to Marx. Columbia University Press, page 20
  5. Bernstein, E. (1922, December 7). On the Russian and German Revolutions. Volkswacht. Retrieved from https://www.marxists.org/reference/archive/bernstein/works/1922/xx/rusgerrev.htm
  6. Kautsky, K. (1918). The dictatorship of the proletariat. National Labour Press. Retrieved from https://www.marxists.org/archive/kautsky/1918/dictprole/index.htm
  7. Kautsky, K. (1919). Terrorism and communism: A contribution to the natural history of revolution (W.H. Kerridge, Trans.). The National Labour Press Ltd. Retrieved from: https://www.marxists.org/archive/kautsky/1919/terrcomm/index.htm
  8. Nguyên văn câu này trong bản tiếng Anh là: “The renegade Bernstein has proved to be a more puppy compared with the renegade Kautsky.” Tham khảo: Lenin, V. I. (1918). The proletarian revolution and the renegade Kautsky. Lenin’s Collected Works, Progress Publishers, Moscow, Volume 28, 1974, pages 227-325. Retrieved from: https://www.marxists.org/archive/lenin/works/1918/prrk

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.