Những ngã rẽ của chủ nghĩa xã hội - Kỳ 5: Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Thụy Điển
Với thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 47.000 đô la Mỹ vào năm 2022, Thụy Điển đứng
Với thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 47.000 đô la Mỹ vào năm 2022, Thụy Điển đứng vững trong nhóm các quốc gia có thu nhập cao trên thế giới, ngang hàng với các cường quốc như Canada, Đức và Australia. [1]
Chính phủ Thụy Điển không chỉ cung cấp các dịch vụ công miễn phí hoặc giá thấp, bao gồm giáo dục và y tế, mà còn hỗ trợ phúc lợi toàn diện cho người già, người thất nghiệp, và người khuyết tật.
Công dân Thụy Điển không phải lo lắng về học phí đại học. Với dân số chỉ hơn 10 triệu người, quốc gia này tự hào có mười trường đại học lọt vào top 500 thế giới theo xếp hạng năm 2025 của Times Higher Education. [2]
Thụy Điển áp dụng một hệ thống thuế thu nhập cao nhằm tái phân phối tài nguyên, duy trì mô hình nhà nước phúc lợi và giảm bất bình đẳng xã hội. Dù vậy, quốc gia này vẫn duy trì nền kinh tế thị trường tự do với nhiều chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo. Thụy Điển sở hữu nhiều tập đoàn nổi tiếng toàn cầu với các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao như IKEA, Volvo, Ericsson, H&M, Spotify, Electrolux.
Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Thụy Điển là kết quả của một quá trình lịch sử lâu dài, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những biến động lớn ở châu Âu trong nửa đầu thế kỷ 20. Cụ thể, trong giai đoạn này, châu Âu bị rung chuyển bởi hai cuộc chiến tranh thế giới, khủng hoảng kinh tế vào những năm 1930, sự trỗi dậy của các chế độ độc tài như phát xít Đức, phát xít Italia cũng như nạn diệt chủng người Do Thái.
Tuy nhiên, nửa sau thế kỷ 20, đặc biệt là sau Thế chiến II và sự hình thành của Liên minh Châu Âu, khu vực này đã trở thành một trong những nơi yên bình nhất trên thế giới, là biểu tượng cho hòa bình, hòa hợp và thịnh vượng.
Vậy, chìa khóa cho sự chuyển mình ngoạn mục này là gì?
Theo giáo sư Sheri Berman từ Đại học Columbia, câu trả lời nằm ở ý thức hệ dân chủ xã hội (social democracy), trong đó, chủ nghĩa tư bản được vận hành dưới sự kiểm soát của nền chính trị dân chủ, nhằm khắc phục các khiếm khuyết của thị trường tự do và đảm bảo thị trường phục vụ lợi ích chung [3].
Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) được coi là trụ cột tư tưởng của phong trào xã hội chủ nghĩa, nơi kết tinh các ý tưởng của Marx và Engels. Sau khi Marx qua đời, SPD trở thành đấu trường sôi động cho các cuộc tranh luận về tương lai của chủ nghĩa Marx, với Karl Kautsky đóng vai trò chủ chốt trong việc hệ thống hóa và bảo vệ “chủ nghĩa Marx chính thống,” trong khi Eduard Bernstein khởi xướng chủ nghĩa xét lại (revisionism). SPD không chỉ định hình tư tưởng mà còn dẫn dắt chiến lược cho phong trào xã hội chủ nghĩa toàn cầu.
Trong khi đó, Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển (SAP) được xem là một trong những chính đảng thành công nhất trong việc áp dụng các tư tưởng cải cách của Bernstein vào thực tiễn, góp phần phát triển xã hội Thụy Điển tiệm cận với lý tưởng về một xã hội công bằng và thịnh vượng. Đảng này đã đặt nền tảng cho việc xây dựng nhà nước phúc lợi Thụy Điển, trở thành một mô hình được xuất khẩu ra nhiều quốc gia châu Âu sau Thế chiến II.
Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, nhiều đảng cánh tả tại châu Âu lâm vào tình trạng trì trệ vì bị các giáo điều của chủ nghĩa Marx ràng buộc.
Theo Marx, nền dân chủ ở các nước tư bản phương Tây là "nền dân chủ tư sản" bởi nó chỉ phục vụ cho lợi ích của giai cấp thống trị. Những nhà Marxist giáo điều tin rằng họ không nên tham gia vào nền dân chủ nghị viện và phản đối việc hợp tác với các đảng phái phi xã hội chủ nghĩa nhằm bảo vệ sự thuần khiết ý thức hệ.
Thêm vào đó, học thuyết của Marx về chiến thắng tất yếu của chủ nghĩa xã hội trước chủ nghĩa tư bản khiến nhiều tín đồ trở nên thụ động về chính trị. Họ chờ đợi hệ thống tư bản tự sụp đổ do các mâu thuẫn nội tại, thay vì tìm cách cải cách nó từ bên trong. [4][5]
Trái ngược với sự đình trệ của nhiều đảng phái cánh tả, SAP đã sớm tìm ra con đường riêng cho mình.
Được thành lập vào năm 1889, SAP đặt ra mục tiêu ban đầu là đại diện cho quyền lợi của giai cấp công nhân Thụy Điển.
Hjalmar Branting (1860-1925) là một trong những lãnh đạo quan trọng nhất của SAP và được xem là cha đẻ của chủ nghĩa xã hội tại Thụy Điển.
Năm 1883 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Branting. Tại Paris, ông tham dự các buổi giảng của Paul Lafargue, nhà lý luận xã hội chủ nghĩa người Pháp và cũng là con rể của Karl Marx. Cùng năm, ở Zurich, Branting tìm hiểu về hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa Đức từ Eduard Bernstein, khi đó đang là biên tập viên của tờ Der Sozial-Demokrat, cơ quan ngôn luận chính thức của SPD. [6]
Branting chịu ảnh hưởng từ “chủ nghĩa xã hội dân chủ” (democratic socialism) của Bernstein và chủ trương bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân thông qua con đường nghị viện và các biện pháp hòa bình, thay vì cách mạng bạo lực. Ông tin rằng nền dân chủ đích thực chỉ có thể đạt được khi giai cấp công nhân tích cực tham gia vào đời sống chính trị.
Branting phản đối chủ nghĩa cộng sản, cho rằng chủ thuyết này không chỉ đối nghịch với các giá trị dân chủ, mà còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến thảm họa kinh tế do kêu gọi xóa bỏ quyền tư hữu.
Điều đáng nói, dù tự nhận là một đảng Marxist, SAP chưa bao giờ khẳng định chủ nghĩa Marx là kim chỉ nam cho mọi hành động trong mọi hoàn cảnh. Branting nhấn mạnh rằng Marx và Engels đã phát triển học thuyết từ thời đại trước và không thể dự đoán hết các thay đổi trong xã hội tư bản hiện đại, nên việc điều chỉnh các ý tưởng lỗi thời là cần thiết. Bên cạnh đó, lãnh đạo SAP không xem học thuyết Marx như một phương pháp luận tuyệt đối đúng, mà coi trọng các yếu tố “nhân văn” và “lý tưởng” của chủ thuyết này, bao gồm tầm nhìn về một thế giới tốt đẹp và công bằng hơn. [7]
Cuối thế kỷ 19, Thụy Điển là một trong những quốc gia kém dân chủ nhất châu Âu, vua Gustav V giữ quyền lực đáng kể trong chính phủ. Quốc hội Thụy Điển (Riksdag) gồm Hạ viện và Thượng viện. Quyền bầu cử bị giới hạn theo tài sản và thu nhập, khiến chỉ có một phần nhỏ dân số có quyền tham gia bầu cử. Thượng viện được bầu gián tiếp và do các lực lượng bảo thủ kiểm soát. Trong bối cảnh này, SAP non trẻ gần như không có đại diện hay ảnh hưởng chính trị nào đối với chính quyền. Vì vậy, cải cách chính trị trở thành ưu tiên hàng đầu của đảng.
Khác với nhiều đảng xã hội chủ nghĩa khác, SAP không xem nhẹ dân chủ, cũng không coi đây chỉ là công cụ giúp giai cấp thống trị duy trì quyền lực. SAP tích cực đấu tranh cho quyền bầu cử vì tin rằng quyền bầu cử phổ quát sẽ giúp gia tăng đại diện của SAP trong quốc hội, nâng cao vị thế của phong trào công nhân và tạo điều kiện để đảng có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc cải cách chế độ hiện hành. [8]
SAP đã hợp tác với những người tự do cánh tả (left-Liberals) nhằm đấu tranh thúc đẩy chính phủ dân chủ hóa. Nhờ sự ủng hộ của nhóm này mà vào năm 1896, Branting trở thành đại diện xã hội chủ nghĩa đầu tiên được bầu vào Quốc hội Thụy Điển.
Năm 1909, một cuộc tổng đình công kéo dài một tháng bùng nổ, thu hút gần nửa triệu công nhân tham gia. Dù bắt nguồn từ mâu thuẫn về tiền lương và điều kiện lao động giữa công nhân và giới chủ, cuộc đình công này đã nâng cao nhận thức của quần chúng về quyền lợi của người lao động và sức mạnh của hành động tập thể (collective action), từ đó góp phần quan trọng vào quá trình dân chủ hóa Thụy Điển. [9]
Sau một quá trình đấu tranh lâu dài, đến năm 1919, quyền bầu cử được mở rộng cho tất cả nam giới. Đến năm 1921, quyền bầu cử cho cả nam và nữ chính thức được công nhận. [10]
Năm 1914, SAP trở thành đảng lớn nhất trong Hạ viện, nhưng vẫn chưa đạt được đa số cần thiết để tự thành lập chính phủ.
Liên minh giữa SAP và Đảng Tự do ngày càng xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Trong khi đó, các đảng phái phi xã hội chủ nghĩa, bao gồm Đảng Tự do, đại diện cho nông dân và các nhóm bảo thủ, cũng rơi vào tình trạng chia rẽ, khiến cho việc thành lập một chính phủ trung lập hoặc trung-hữu ổn định trở nên khó khăn.
Kết quả là, trong giai đoạn 1919-1932, mười chính phủ liên tục được thành lập rồi giải thể, khiến tình hình chính trị của Thụy Điển trở nên bất ổn và trì trệ.
Về mặt kinh tế, Thế chiến thứ Nhất đã gây ra nhiều hệ lụy. Mặc dù không tham chiến, giá cả và chi phí sinh hoạt tăng gấp ba lần trong thời gian chiến tranh. Khủng hoảng kinh tế lan rộng khắp châu Âu sau đó đã tác động mạnh đến Thụy Điển, dẫn đến tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng suốt thập niên 1920. [11]
Trong bối cảnh xã hội chia rẽ, người dân vỡ mộng và bất mãn với hệ thống chính trị và chủ nghĩa tư bản, Per Albin Hansson (1885-1946) nổi lên như một lãnh đạo quan trọng và trở thành chủ tịch SAP vào năm 1928.
Hansson là người phát triển khái niệm "Folkhemmet" (Nhà của Nhân dân), một ý tưởng chủ chốt trong chính sách xã hội của SAP.
"Folkhemmet" biểu trưng cho nhà nước phúc lợi, nơi xã hội được xem như một gia đình lớn, trong đó, mọi người được đối xử công bằng và không có ai bị bỏ lại phía sau.
Hansson muốn thông qua Folkhemmet để thúc đẩy xây dựng một xã hội phúc lợi toàn diện, nhằm bảo đảm mọi người dân Thụy Điển đều có quyền tiếp cận các dịch vụ công như y tế, giáo dục và bảo hiểm xã hội, mục tiêu cuối cùng là tạo nên một xã hội công bằng, bình đẳng và đoàn kết ở Thụy Điển.
Năm 1928, các đảng tư sản liên minh với nhau và cáo buộc SAP là “con ngựa thành Troy” của chủ nghĩa cộng sản. Chiến lược này khiến SAP mất 15 ghế trong Quốc hội. Thất bại này khiến Hansson lo lắng và tìm cách chấm dứt vị thế là đảng thiểu số của SAP trong Quốc hội. Ông chủ trương mở rộng cơ sở cử tri của đảng và thu hút sự ủng hộ từ các thành phần khác trong xã hội, đặc biệt là nông dân.
SAP chủ trương không can thiệp vào chế độ sở hữu tư nhân đối với đất đai và cam kết có các chính sách hỗ trợ tài chính cho nông dân. Điều này giúp xoa dịu lo ngại của chủ đất và nông dân đối với SAP và giúp đảng gia tăng sự ủng hộ ở khu vực nông thôn.
Khi khủng hoảng kinh tế gây tác động tiêu cực lên xã hội, diễn ngôn của SAP khẳng định đảng không chỉ muốn giúp đỡ giai cấp công nhân mà còn cả những người yếu thế và người dân nói chung. Các thông điệp của đảng ngày càng xoay quanh khái niệm "folk" (dân tộc) thay vì "klass" (giai cấp) và đảng tuyên bố mong muốn trở thành một “đảng của nhân dân” thay vì “đảng của công nhân" như trước.
Các chiến lược này phát huy hiệu quả. Đến năm 1932, SAP giành được nhiều ghế nhất trong Hạ viện. Từ đây bắt đầu một thời kỳ cầm quyền dài của SAP trong chính trường Thụy Điển. [13]
Vậy về mặt kinh tế của Thụy Điển, SAP có đóng góp gì không?
Cho đến những năm 1930, cánh tả ở Bắc Âu và Tây Âu vẫn chưa có một chính sách kinh tế rõ ràng, mà chủ yếu tập trung vào việc chỉ trích chủ nghĩa tư bản, ca ngợi sự ưu việt của chủ nghĩa xã hội và đề xuất các chương trình quốc hữu hóa. Tuy nhiên, chính sách quốc hữu hóa không đạt được hiệu quả như mong đợi và gây ra nhiều vấn đề.
Ernst Wigforss, nghị sĩ của SAP và bộ trưởng tài chính của Thụy Điển từ năm 1932 đến 1949, nhận định rằng việc quốc hữu hóa các ngành công nghiệp buộc chính phủ phải vận hành như một doanh nghiệp tư nhân và đối mặt với “sự hỗn loạn của thị trường”.
Khi SAP từ bỏ quốc hữu hóa, họ cũng từ bỏ chính sách kế hoạch hóa nền kinh tế và thừa nhận tính hiệu quả và sự năng động của thị trường.
Tuy nhiên, sau khi từ bỏ chính sách quốc hữu hóa, SAP cũng không có chính sách kinh tế nào nổi bật, giúp phân biệt với các chính đảng khác. [14]
Chính trong bối cảnh khủng hoảng đường lối và đối mặt với cuộc Đại suy thoái (1929-1933), Ernst Wigforss đã đề xuất các chính sách sáng tạo nhằm giúp người dân vượt qua khó khăn. [15]
Với sự vận động của Wigforss, các thành viên của SAP nhận ra rằng trong giai đoạn suy thoái, nhà nước có thể chấp nhận thâm hụt ngân sách ở một mức độ nhất định để đầu tư vào các công trình công cộng, qua đó tăng tổng cầu, giảm tỷ lệ thất nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi nền kinh tế hồi phục, nhà nước có thể điều chỉnh ngân sách và trả nợ. [16]
Dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Tài chính Ernst Wigforss, chính phủ SAP đã cho phép thâm hụt ngân sách và sử dụng tiền vay để đầu tư vào cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống và các công trình công cộng khác. Bên cạnh đó, chính phủ mở rộng hệ thống phúc lợi xã hội, bao gồm trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm xã hội. Nhờ những biện pháp này, Thụy Điển đã vượt qua cuộc khủng hoảng với mức thiệt hại thấp hơn nhiều quốc gia khác.
Chính sách tài khóa mở rộng của Thụy Điển trong thập niên 1930 có nhiều điểm tương đồng với lý thuyết sau này của nhà kinh tế học Anh John Maynard Keynes và thường được coi là một ví dụ sớm của kinh tế học Keynes (Keynesianism before Keynes).
Theo Keynes, thay vì để thị trường tự điều tiết hoàn toàn, nhà nước có thể và nên can thiệp vào nền kinh tế thông qua các chính sách tài khóa và tiền tệ để điều chỉnh chu kỳ kinh tế, đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái.
Keynes đã chứng kiến hậu quả của cuộc Đại Suy thoái (1929-1933) cùng sự trỗi dậy của các phong trào cực đoan như chủ nghĩa phát xít ở Đức và chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô, từ đó ông nhận ra sự nguy hiểm của các quan điểm đương thời về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế.
Một mặt, Keynes bác bỏ quan điểm của phe cộng sản cho rằng cần tiêu diệt chủ nghĩa tư bản, quốc hữu hóa toàn bộ nền kinh tế và thực hiện kế hoạch hóa tập trung. Mặt khác, Keynes cũng nhận thấy việc để thị trường hoàn toàn tự do có thể dẫn đến khủng hoảng kinh tế, tình trạng thất nghiệp tràn lan và bất bình đẳng gia tăng, từ đó đe dọa cả nền dân chủ lẫn hệ thống tư bản. [17]
Keynes đã tìm ra “con đường thứ ba,” dung hòa giữa hai trường phái này, cụ thể là, nhà nước chủ động điều tiết nhằm khắc phục các thất bại của thị trường.
Khi ông hệ thống hóa lý thuyết của mình trong tác phẩm nổi tiếng Lý thuyết Tổng quát về Việc làm, Lãi suất và Tiền tệ (1936), các đảng phái cánh tả có trong tay cơ sở lý luận để biện minh cho sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế và thiết lập các chính sách tái phân phối có lợi cho người lao động - lực lượng cử tri quan trọng nhất của họ. Nhà nước, từ một nạn nhân thụ động của các chu kỳ kinh tế, đã trở thành một thiết chế có khả năng điều tiết khủng hoảng, bảo đảm việc làm và phúc lợi cho người lao động. [18]
***
Ngày nay, dân chủ thường được xem là đặc trưng hiển nhiên của các xã hội tư bản. Tuy nhiên, điều này không phản ánh đúng lịch sử. Thông qua ví dụ của Thụy Điển, chúng ta có thể thấy quyền bầu cử phổ thông ở các nước phương Tây là thành quả của những nỗ lực đấu tranh lâu dài và gian khổ, do các nhà dân chủ xã hội dẫn đầu.
Theo nhà khoa học chính trị Adam Przeworski, sự kết hợp giữa chủ nghĩa tư bản và nền dân chủ là một thỏa hiệp mang tính lịch sử. Thỏa hiệp này dựa trên nhượng bộ từ cả hai phía: giai cấp lao động, dù không sở hữu tư liệu sản xuất, chấp nhận việc duy trì quyền sở hữu tư nhân đối với tư bản; đổi lại, giai cấp tư sản chấp nhận thiết lập các thể chế dân chủ, cho phép người lao động tham gia vào quá trình phân bổ tài nguyên và lợi ích. Mục tiêu là giảm bất bình đẳng giữa các tầng lớp dân cư, từ đó hạn chế mâu thuẫn giai cấp và xung đột xã hội - những nguy cơ có thể đe dọa sự ổn định của hệ thống tư bản. [19]
Lý thuyết kinh tế của Keynes đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố và duy trì thỏa hiệp này. Việc nhà nước can thiệp vào nền kinh tế để điều tiết chu kỳ kinh tế, đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái, mang lại lợi ích kép: người lao động được đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định, trong khi giới tư sản vẫn duy trì được lợi nhuận nhờ nhu cầu tiêu dùng được kích thích. Bằng việc ổn định nền kinh tế và nâng cao đời sống của người lao động, lý thuyết của Keynes làm suy yếu sự ủng hộ dành cho các phong trào cực đoan, đặc biệt là chủ nghĩa cộng sản. Đây là yếu tố sống còn trong bối cảnh lịch sử thế kỷ 20, khi các quốc gia tư bản phương Tây phải đối mặt với áp lực từ các phong trào cách mạng.
Trong kỳ tới, chúng ta sẽ tìm hiểu quá trình phát triển của các đảng dân chủ xã hội ở Châu Âu. Rốt cục, chủ nghĩa xã hội có tính chất tự do, dân chủ tại châu Âu là như thế nào?
(Còn nữa)
Đọc thêm: