Đảng Cộng sản muốn xóa sổ công an cấp huyện; TP. HCM tính cho người dân ‘leo lề’ để giảm kẹt xe
Các sự kiện nổi bật: * Đảng Cộng sản thống nhất bỏ công an cấp huyện * TP. HCM muốn dùng vỉa
Xã hội lý tưởng mà Marx và nhiều nhà lý luận xã hội chủ nghĩa hướng đến là một xã hội không có áp bức và bóc lột, nơi mọi cá nhân đều bình đẳng. Trong xã hội này, mọi người được tự do phát triển và theo đuổi đam mê của mình, “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”.
Ở nước ta, lãnh đạo qua các thời kỳ khẳng định “đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân.” Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra một viễn cảnh đầy hứa hẹn:
Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. [1]
Các quốc gia Trung Quốc, Việt Nam và Triều Tiên tuyên bố xây dựng chủ nghĩa xã hội dựa trên nền tảng chủ nghĩa Marx - Lenin, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đội quân tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Trong khi đó, các quốc gia có truyền thống dân chủ xã hội mạnh mẽ như Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Hà Lan, Đức và Áo đã chọn một cách tiếp cận khác. Họ đặt hệ thống chính trị dân chủ và quản trị công minh bạch làm nền tảng phát triển, đồng thời chú trọng vào việc xây dựng hệ thống phúc lợi toàn diện, với các dịch vụ công thiết yếu như y tế, giáo dục và bảo hiểm thất nghiệp được cung cấp miễn phí hoặc với chi phí thấp. Mô hình này chịu ảnh hưởng từ tư tưởng của Eduard Bernstein, nhấn mạnh việc cải cách chủ nghĩa tư bản thông qua các biện pháp dân chủ và nhân văn.
Vậy con đường nào là đúng đắn? Nhóm quốc gia nào đang thực sự xây dựng xã hội tiệm cận với lý tưởng xã hội chủ nghĩa?
Để trả lời các câu hỏi này, bài viết sẽ so sánh hai nhóm quốc gia qua bảy tiêu chí: quyền tự do kinh doanh; thu nhập bình quân đầu người; mức độ dân chủ và quyền tự do của công dân; thuế và chi tiêu công; mức độ minh bạch của chính quyền; chất lượng giáo dục và bất bình đẳng xã hội.
Quyền tự do kinh doanh phản ánh mức độ dễ dàng trong khởi nghiệp, vận hành, phát triển và đóng cửa doanh nghiệp, đồng thời thể hiện môi trường pháp lý và chất lượng cơ sở hạ tầng của một quốc gia. [2]
Môi trường kinh doanh tự do đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Các nước dân chủ như Đức, Thụy Điển, và Đan Mạch có chỉ số tự do kinh doanh rất cao và ổn định.
Trong khi đó, Việt Nam và Trung Quốc vẫn tồn tại nhiều rào cản đối với quyền tự do kinh doanh. Chỉ số tự do kinh doanh của Trung Quốc có nhiều biến động do chính sách kinh tế không ổn định. Mặc dù Việt Nam và Trung Quốc đã cải cách kinh tế theo hướng thị trường từ thập niên 1980, nhà nước vẫn giữ vai trò chi phối trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt thông qua các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Các DNNN thường có nhiều đặc quyền trong việc tiếp cận tín dụng, đất đai, hợp đồng mua sắm của chính phủ, ưu đãi thuế, dẫn đến một sân chơi bất bình đẳng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phát triển và cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân. [3][4]
Tại Triều Tiên, người dân hầu như không có quyền tự do kinh doanh chính thức, hàng hóa chủ yếu được phân phối qua hệ thống mậu dịch nhà nước. Tuy nhiên, "chợ đen" đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống, cung cấp nhiều mặt hàng từ thực phẩm, quần áo, đồ gia dụng đến các thiết bị điện tử nhập lậu. [5]
Một số quan chức địa phương có quyền quản lý các đặc khu kinh tế và thử nghiệm chính sách thị trường ở quy mô nhỏ. Dù vậy, nền kinh tế kế hoạch hóa kém hiệu quả, hạ tầng yếu kém, khan hiếm năng lượng và nguyên liệu thô, nợ nước ngoài kéo dài và tình trạng cô lập với thế giới gây nhiều khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh tại nước này. [6]
Thu nhập bình quân đầu người phản ánh trình độ phát triển kinh tế của các quốc gia và chất lượng sống của người dân.
Sơ đồ dưới đây so sánh thu nhập bình quân đầu người trong giai đoạn 1939 - 2022 giữa các quốc gia.
So sánh thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 1939-2022, đã điều chỉnh theo sức mua tương đương và lạm phát. Dữ liệu được biểu thị theo giá năm 2011, kết hợp tỷ giá sức mua tương đương (PPP) của năm 2011 và 1990 cho các dữ liệu lịch sử. Nguồn: The Maddison Project Database / Our World in Data.
Các nước châu Âu như Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan, Thụy Điển, Đức, Áo, và Phần Lan có GDP bình quân đầu người cao vượt trội, với Na Uy đạt mức cao nhất, vượt trên 80.000 USD vào năm 2022. Các nước này đã tăng trưởng ổn định kể từ sau Thế chiến II.
Trung Quốc hiện thuộc nhóm thu nhập trung bình cao, chủ yếu nhờ quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường từ thập niên 1980.
Từ khi thực hiện Đổi mới, mức sống của người Việt Nam đã ổn định và tăng trưởng từ thập niên 1990, nhưng tốc độ chậm hơn so với Trung Quốc, và hiện vẫn ở nhóm thu nhập trung bình thấp.
Trong khi đó, Triều Tiên hầu như không có sự cải thiện đáng kể và duy trì mức GDP đầu người rất thấp.
Báo cáo “Freedom in the World 2024” của Freedom House xếp hạng các quốc gia về quyền tự do chính trị (political rights) và quyền tự do dân sự (civil rights) như sau:
Các quốc gia dân chủ châu Âu đều đạt điểm cao, với tổng điểm từ 93 đến 100, thuộc nhóm "Tự do". Quyền tự do chính trị của họ gần như tuyệt đối (gần 40 điểm), cho thấy người dân được tự do bầu cử, thể hiện chính kiến, và tham gia vào các tổ chức chính trị. Quyền tự do dân sự cũng rất cao, thể hiện việc người dân được bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do tôn giáo, và được sống trong một xã hội ít chịu sự kiểm soát của nhà nước.
Ngược lại, các quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc và Triều Tiên thuộc nhóm "Không tự do" với tổng điểm rất thấp. Ở các nước này, quyền tự do chính trị gần như bị triệt tiêu (điểm từ -2 đến 4), với hệ thống chính trị độc tài đảng trị, không có các cuộc bầu cử tự do, cũng như không cho phép người dân tham gia vào các hoạt động chính trị độc lập.
Trung Quốc thậm chí bị đánh giá điểm âm vì sử dụng các biện pháp cưỡng chế nhằm thay đổi nhân khẩu học và làm suy yếu bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng và Nội Mông, bao gồm việc giam giữ, triệt sản cưỡng bức, và lao động cưỡng bức. [7]
Gánh nặng thuế (tax burden) là một chỉ số tổng hợp phản ánh mức độ ảnh hưởng của thuế lên nền kinh tế của một quốc gia. Chỉ số này được tính dựa trên mức thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp và tổng gánh nặng thuế tính trên GDP. [8]
Điểm số được đánh giá trên thang điểm từ 0 đến 100:
Theo sơ đồ trên, các quốc gia dân chủ xã hội như Thụy Điển, Đức, Hà Lan và Phần Lan có điểm số thấp, tức là gánh nặng thuế cao. Ngược lại, Việt Nam và Trung Quốc có điểm số cao, nghĩa là gánh nặng thuế thấp hơn.
Lợi thế của Việt Nam và Trung Quốc là mức thuế thấp có thể thúc đẩy hoạt động kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng, từ đó góp phần vào tăng trưởng kinh tế. [9]
Tuy nhiên, cần lưu ý là tại các quốc gia theo mô hình nhà nước phúc lợi, mặc dù thuế suất cao, nhưng người dân được hưởng dịch vụ công và phúc lợi xã hội chất lượng. Chẳng hạn, tại Thụy Điển, cha và mẹ có thể chia sẻ 480 ngày nghỉ phép có lương để chăm sóc con cái. [10] Tại Phần Lan, chính phủ cung cấp một mức lương hưu cơ bản cho mọi công dân, không phụ thuộc vào thu nhập hay lịch sử đóng góp. Khoản lương hưu cơ bản này tương đương khoảng 25% thu nhập trung bình của người lao động Phần Lan. [11]
Trong khi đó, tại Việt Nam và Trung Quốc, chất lượng và mức đầu tư vào dịch vụ công và phúc lợi xã hội thường thấp hơn so với các quốc gia dân chủ châu Âu.
Ví dụ, hình dưới đây thể hiện chi tiêu y tế của chính phủ tính trên GDP của các nước dân chủ châu Âu và Trung Quốc trong giai đoạn 2000 đến 2021.
Nhìn chung, tỷ lệ chi tiêu của chính phủ cho y tế so với GDP ở các quốc gia có xu hướng tăng dần theo thời gian, đặc biệt là trong giai đoạn 2019-2021, có thể do gia tăng chi phí y tế liên quan đến đại dịch COVID-19. Tại các nước châu Âu, tỷ lệ này thường dao động từ 7% đến 10% GDP.
Trong khi đó, tỷ lệ chi tiêu y tế của chính phủ Trung Quốc lại thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 1% GDP vào năm 2000 và tăng dần lên 3% GDP vào năm 2019.
Khi nhắc đến các quốc gia xã hội chủ nghĩa, người ta thường nghĩ đến hệ thống nhà nước bao cấp hoặc cung cấp miễn phí các dịch vụ công, đặc biệt là trong các lĩnh vực như giáo dục và y tế. Mô hình này phản ánh nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa xã hội, đó là đảm bảo mọi người đều có cơ hội tiếp cận các dịch vụ công thiết yếu, bất kể thu nhập hay hoàn cảnh cá nhân, từ đó giảm thiểu bất bình đẳng xã hội. Nhiều người sẽ băn khoăn là liệu chính phủ Trung Quốc có thực sự cam kết với các lý tưởng xã hội chủ nghĩa hay không khi tỷ lệ chi tiêu cho y tế thua xa nhiều quốc gia phát triển khác?
Trung Quốc khác các nước tư bản phát triển khác đã đành, vậy trong nội bộ các nước tư bản, mô hình chi tiêu công có nhiều khác biệt không?
Câu trả lời là có.
Sơ đồ dưới đây trình bày tỷ lệ chi tiêu chính phủ cho các chương trình an sinh xã hội tại các quốc gia dân chủ châu Âu so với Hoa Kỳ.
Có thể thấy, các nhà nước phúc lợi châu Âu dành từ 35 - 45% ngân sách cho các chương trình an sinh xã hội, nhằm bảo vệ và hỗ trợ người dân trong các tình huống như ốm đau, khuyết tật, thất nghiệp, hưu trí và trợ cấp nuôi con. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Hoa Kỳ chỉ khoảng 20% chi tiêu công. Nhà nước phúc lợi châu Âu có tỷ lệ tái phân phối tài sản và thu nhập cao hơn Mỹ, đồng thời chú trọng nhiều hơn đến việc xây dựng lưới an sinh xã hội.
Mức độ trong sạch và minh bạch của chính quyền thường được đánh giá thông qua chỉ số cảm nhận tham nhũng (Perception Corruption Index - PCI). Điểm số càng cao (tối đa 100 điểm) thể hiện chính quyền càng minh bạch và ít tham nhũng.
Bảng dưới đây thể hiện rõ sự khác biệt về mức độ minh bạch của chính quyền giữa hai nhóm quốc gia.
Các quốc gia châu Âu có truyền thống dân chủ xã hội mạnh mẽ nằm trong nhóm các quốc gia minh bạch nhất thế giới. Đồng thời, các quốc gia này cũng sở hữu nền báo chí tự do hàng đầu thế giới. [12]
Ngược lại, các quốc gia độc tài như Trung Quốc, Việt Nam và Triều Tiên có chính quyền kém minh bạch và tình trạng tham nhũng nghiêm trọng. Tại các quốc gia này, quyền lực tập trung vào các cấp ủy đảng, thiếu các cơ chế giám sát độc lập và truyền thông bị kiểm soát chặt chẽ. Người dân cũng không có quyền tự do ngôn luận hay quyền bầu cử thực chất để yêu cầu sự minh bạch và trách nhiệm giải trình từ chính phủ.
Tại Trung Quốc, từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền tổng bí thư vào năm 2012, hơn một triệu quan chức đã bị điều tra và xử lý vì các cáo buộc tham nhũng. [13] Tại Việt Nam, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động chiến dịch “đốt lò” trong thời gian tại nhiệm, khiến nhiều quan chức cấp cao, bao gồm ủy viên Trung ương Đảng và ủy viên Bộ Chính trị, phải chịu kỷ luật và/hoặc án tù.
Tuy nhiên, giới quan sát quốc tế đánh giá rằng việc thực thi luật chống tham nhũng ở cả Trung Quốc và Việt Nam có động cơ chính trị, liên quan đến đấu đá phe nhóm trong nội bộ đảng. Tham nhũng vẫn ăn sâu vào hệ thống độc đảng do thiếu vắng các cơ chế kiểm soát tham nhũng hiệu quả như báo chí tự do và hệ thống tư pháp độc lập. [14]
Các nhà lý luận xã hội chủ nghĩa rất coi trọng giáo dục. Marx xem giáo dục là công cụ mạnh mẽ để cải biến xã hội và cổ xúy giáo dục công miễn phí cho tất cả trẻ em. [15][16]
Chất lượng giáo dục của một quốc gia thể hiện rõ qua chất lượng của các trường đại học. Times Higher Education (THE) là một trong những tổ chức uy tín hàng đầu thế giới trong việc đánh giá và xếp hạng đại học. Bảng dưới đây liệt kê số lượng trường đại học của mỗi quốc gia lọt vào nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới theo xếp hạng của THE năm 2025.
Các quốc gia dân chủ đều có đại học lọt vào danh sách 500. Trong đó, Đức dẫn đầu với 41 trường, tiếp theo là Hà Lan với 12 trường và các quốc gia Bắc Âu khác như Thụy Điển (10 trường) và Phần Lan (8 trường).
Các trường đại học ở các quốc gia này thường có mức độ tự chủ cao trong quản lý và xây dựng chương trình học, phương pháp giảng dạy khuyến khích tư duy phản biện và sáng tạo. Các quốc gia Bắc Âu như Thụy Điển và Phần Lan cung cấp giáo dục đại học miễn phí hoặc với chi phí thấp cho công dân, cùng với các khoản trợ cấp cho sinh viên.
Trong số các quốc gia xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc là nước duy nhất có đại học lọt vào top 500 với 33 đại diện. Tuy nhiên, nếu xét theo quy mô dân số, con số này vẫn còn thấp so với các quốc gia dân chủ khác.
Các đại học hàng đầu của Trung Quốc, như Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh và Đại học Phúc Đán, đã nhận được các khoản đầu tư lớn từ chính phủ và chú trọng vào nghiên cứu các lĩnh vực trọng điểm. Số lượng các công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín từ các trường đại học này ngày càng tăng, giúp nâng cao thứ hạng toàn cầu.
Tuy nhiên, tất cả các trường đều chịu sự lãnh đạo của cấp ủy đảng và bị kiểm soát tư tưởng từ chính quyền, các giáo sư và chuyên gia phải tự kiểm duyệt trong giảng dạy và nghiên cứu. Điều này làm suy yếu nghiêm trọng tự do học thuật và tính liêm chính khoa học. Mặc dù đưa ra mức lương hấp dẫn, các trường đại học Trung Quốc vẫn khó thu hút các giáo sư nổi tiếng quốc tế làm thành viên cơ hữu. [17]
Trong khi đó, Việt Nam và Triều Tiên không có trường đại học nào nằm trong danh sách này. Dân số Việt Nam gấp 1,8 lần tổng dân số của các nước Hà Lan, Thụy Điển, Phần Lan, Áo, Đan Mạch và Na Uy; nhưng không có đại học nào trong danh sách 500. [18]
Chủ nghĩa xã hội đề cao bình đẳng (equality), coi đây là giá trị cốt lõi để bảo đảm tự do và công lý, cũng như là nền tảng cho sự ổn định và gắn kết xã hội. [19]
Hệ số Gini thường được sử dụng để đánh giá mức độ bất bình đẳng về thu nhập hoặc tài sản trong xã hội; chỉ số này càng cao thì mức độ bất bình đẳng càng lớn.
Biểu đồ dưới đây thể hiện mức độ bất bình đẳng của một số quốc gia giai đoạn 1992-2022.
Biểu đồ trên thể hiện một số xu hướng đáng chú ý.
Ở các quốc gia dân chủ châu Âu, mức độ bất bình đẳng thường duy trì ở mức thấp, với hệ số Gini ổn định trong khoảng từ 0,25 đến 0,3. Những quốc gia này nổi tiếng với hệ thống phúc lợi toàn diện và chính sách thuế lũy tiến, giúp tái phân phối thu nhập hiệu quả, giảm thiểu chênh lệch giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư.
Các quốc gia như Trung Quốc và Việt Nam có mức độ bất bình đẳng thu nhập cao hơn, với hệ số Gini dao động quanh mức 0,35 đến 0,42.
Mỹ là quốc gia có mức độ bất bình đẳng cao nhất, với hệ số Gini duy trì ở mức từ 0,4 trở lên. Điều đáng ngạc nhiên là trong giai đoạn 2002-2012, Trung Quốc “xã hội chủ nghĩa” thậm chí còn vượt mặt Mỹ về mức độ bất bình đẳng!
Karl Marx, nhà tư tưởng luôn đề cao sự bình đẳng, hẳn sẽ nặng lòng khi đọc biểu đồ này.
Giấc mơ bình đẳng của ông không được hiện thực hóa ở các nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc hay Việt Nam, mà là ở … Hà Lan và Phần Lan!
Vậy câu hỏi đặt ra là: Tại sao những quốc gia tự nhận theo lý tưởng xã hội chủ nghĩa như Việt Nam và Trung Quốc lại có mức độ bất bình đẳng cao đến vậy?
Và xa hơn nữa, sau khi xem xét bảy tiêu chí trên, liệu nhóm quốc gia nào đang tiệm cận với lý tưởng xã hội chủ nghĩa nêu ở đầu bài viết? Giữa hai con đường của Marx và Bernstein, con đường nào đem đến sự thịnh vượng, dân chủ và tự do? Phải chăng Marx vẽ ra giấc mơ về một thiên đường xã hội chủ nghĩa nhưng chưa hẳn đã biết cách biến nó thành hiện thực?
***
Vào tháng 10/2024, giải Nobel Kinh tế được trao cho Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson nhờ công trình nghiên cứu về nguồn gốc của sự thịnh vượng và nghèo đói giữa các quốc gia. Trong kỳ cuối, bài viết sẽ soi rọi tư tưởng của Marx và Bernstein qua lăng kính kinh tế học thể chế của các học giả này. Liệu những nhà kinh tế vừa đoạt giải Nobel sẽ đồng tình với quan điểm của Marx hay của Bernstein?
(Còn nữa)
Đọc thêm: