Hợp lý với Bộ Công an, vô lý với người dân: 3 lý do Nghị định 168 được ban hành
Bước chân ra đường hiện nay, điều bạn lo lắng không phải đi làm trễ hay hỏng xe giữa đường.
Trong thế kỷ 20, các quốc gia như Liên Xô và Trung Quốc đã triển khai các chương trình cải cách xã hội chủ nghĩa sâu rộng, bao gồm quốc hữu hóa nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và tập thể hóa nông nghiệp.
Mặc dù ít gặp sự phản kháng từ xã hội, các chính sách này đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, như nạn đói thảm khốc ở Liên Xô vào thập niên 1930 và thảm họa Đại Nhảy Vọt ở Trung Quốc vào cuối thập niên 1950, khiến hàng triệu người thiệt mạng.
Vậy tại sao các nền dân chủ đa nguyên ở châu Âu lại không gặp phải những thảm họa tương tự, ngay cả khi các đảng cánh tả cầm quyền?
Điều này chủ yếu xuất phát từ bản chất đa nguyên của nền dân chủ, khiến các đảng cánh tả phải cân nhắc nhiều yếu tố và không thể đơn phương áp đặt các chính sách cực đoan.
Trong tác phẩm "Những tiền đề của chủ nghĩa xã hội", xuất bản lần đầu năm 1899, Eduard Bernstein đưa ra nhận xét như sau về nền dân chủ:
Chúng ta nói đến tính chất bảo thủ của nền dân chủ, và điều này khá chính xác […] Trong nền dân chủ, các đảng phái và giai cấp đứng sau chúng sớm nhận ra giới hạn quyền lực của mình, và chỉ thực hiện những điều khả thi trong hoàn cảnh cho phép. Ngay cả khi đưa ra các yêu sách vượt mức mong muốn để có dư địa nhượng bộ trong các thỏa hiệp – và nền dân chủ là môi trường rèn luyện sự thỏa hiệp – họ vẫn phải giữ thái độ chừng mực. [1]
Dù đôi khi làm chậm quá trình giải quyết các vấn đề cấp thiết, tính bảo thủ của nền dân chủ đóng vai trò như “lá chắn,” giúp ngăn chặn các cải cách vội vàng, bồng bột và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trên thực tế, các chương trình cải cách xã hội chủ nghĩa toàn diện rất khó thực hiện tại các quốc gia dân chủ châu Âu, vì các đảng dân chủ xã hội thường chỉ tham gia chính phủ với tư cách là đảng thiểu số hoặc một phần của liên minh đa đảng. Trong bối cảnh này, họ buộc phải thích ứng bằng cách đưa ra các cải cách nhỏ và có thể thực hiện được.
Ví dụ, vào năm 1928, Đảng Lao động Na Uy (Arbeiderpartiet), được sự ủng hộ mạnh mẽ từ giới công nhân và phong trào lao động, đã thành lập một chính phủ thiểu số do Christopher Hornsrud lãnh đạo. Đây là lần đầu tiên một đảng xã hội chủ nghĩa lên nắm quyền tại quốc gia này.
Tuy nhiên, chương trình nghị sự của chính phủ, đặc biệt là kế hoạch tăng quyền kiểm soát của nhà nước đối với các ngành công nghiệp chủ chốt, đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các đảng bảo thủ, đảng tự do và giới kinh doanh. Các đảng này, vốn chiếm đa số trong quốc hội, nhanh chóng liên minh với nhau nhằm ngăn chặn chính sách của Đảng Lao động. Chỉ ba ngày sau khi lên nắm quyền, chính phủ đã phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Kết quả là chính phủ sụp đổ, buộc Hornsrud phải từ chức.
Sự kiện này cho thấy chính phủ xã hội chủ nghĩa phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi cố gắng thực hiện các cải cách lớn mà không có đủ sự ủng hộ trong quốc hội. Bài học rút ra là việc đạt được sự đồng thuận rộng rãi là yếu tố sống còn. Đảng Lao động Na Uy chỉ có thể trở lại cầm quyền vài năm sau đó, sau khi đã điều chỉnh chính sách để thu hút sự đồng tình của đa số. [2]
Vậy rốt cục, đâu là điểm khác biệt giữa chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô và Trung Quốc với chủ nghĩa dân chủ xã hội ở các nước tư bản phương Tây? Phần sau sẽ so sánh các nguyên lý cơ bản của hai hệ tư tưởng này.
Chủ nghĩa cộng sản (communism) và chủ nghĩa dân chủ xã hội (social democracy) là hai nhánh phát triển quan trọng của chủ nghĩa xã hội. Cả hai đều có mục tiêu cải cách xã hội hướng đến các giá trị công bằng và bình đẳng; tuy nhiên, chúng có nhiều khác biệt rõ rệt.
Các lý thuyết của Karl Marx, sau này được phát triển thêm bởi Lenin, đã đặt nền tảng lý luận cho chủ nghĩa cộng sản. Trong khi đó, Eduard Bernstein được xem là người có vai trò quan trọng nhất trong việc phát triển chủ nghĩa dân chủ xã hội. Bernstein vừa là học trò của Marx, vừa là người phản biện nổi bật nhất, không ngần ngại thách thức và bác bỏ các quan điểm của thầy, từ đó mở ra cái gọi là “chủ nghĩa xét lại” trong phong trào xã hội chủ nghĩa.
Bảng dưới đây so sánh các đặc điểm chính của hai hệ nhánh này của hệ tư tưởng chủ nghĩa xã hội:
Nguồn: Heywood (2021), trang 97. [3]
Về phương pháp cải biến xã hội, chủ nghĩa cộng sản kêu gọi thực hiện một cuộc cách mạng bạo lực nhằm lật đổ chủ nghĩa tư bản và thiết lập nền chuyên chính vô sản, mục tiêu cuối cùng là xây dựng một xã hội phi giai cấp. Ngược lại, chủ nghĩa dân chủ xã hội chủ trương cải cách dần dần và hợp pháp trong khuôn khổ xã hội tư bản hiện đại. Thay vì xóa bỏ hoàn toàn chủ nghĩa tư bản, chủ thuyết này tìm cách khiến nó trở nên nhân văn hơn.
Về phương thức quản lý kinh tế, chủ nghĩa cộng sản chủ trương thực hiện sở hữu công đối với phương tiện sản xuất và thiết lập nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Trong khi đó, chủ nghĩa dân chủ xã hội cổ súy phát triển một nền kinh tế hỗn hợp, là sự kết hợp giữa sở hữu tư nhân và sự can thiệp của nhà nước nhằm tái phân phối tài sản, giảm bất bình đẳng và bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Về vai trò của nhà nước và đảng chính trị, chủ nghĩa cộng sản nhấn mạnh vai trò của một đảng tiên phong đại diện cho giai cấp vô sản (công nhân), lãnh đạo cuộc cách mạng vô sản và tiến tới xây dựng một nền chuyên chính vô sản. Trong khi đó, chủ nghĩa dân chủ xã hội chủ trương đa nguyên chính trị và xây dựng nhà nước tự do dân chủ, nơi các chính đảng khác nhau có thể tham gia vào chính quyền thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng.
Chủ nghĩa Marx-Lenin là xương sống của chủ nghĩa cộng sản, tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế, chủ thuyết này đã phát triển thành nhiều biến thể khác nhau.
Một ví dụ là chủ nghĩa Stalin (Stalinism), gắn liền với sự cai trị của Joseph Stalin ở Liên Xô trong giai đoạn 1924-1953. Chủ nghĩa Stalin có đặc trưng là sự kiểm soát toàn trị của nhà nước Xô Viết và Đảng Cộng sản đối với mọi khía cạnh của đời sống kinh tế, chính trị và xã hội.
Về kinh tế, thị trường và doanh nghiệp tư nhân bị loại bỏ hoàn toàn, thay thế bằng hệ thống kế hoạch hóa tập trung với các Kế hoạch 5 năm do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước soạn thảo. Từ năm 1929, nông dân Liên Xô bị buộc phải từ bỏ đất đai và gia nhập các nông trại tập thể, một quá trình cưỡng bức khiến hàng triệu người thiệt mạng.
Trong những năm 1930, Stalin sử dụng lực lượng cảnh sát mật để thanh trừng các phần tử “phản động” và “phản cách mạng”. Số đảng viên giảm xuống gần một nửa, hơn một triệu người bị giết, bao gồm tất cả các Ủy viên trong Bộ Chính trị của Lenin. Hàng triệu người khác bị giam giữ trong các trại lao động cưỡng bức (gulag). [3]
Trong khi đó, chủ nghĩa Mao (Maoism) được phát triển trong bối cảnh Trung Quốc vào giữa thế kỷ 20, khi đây vẫn là một quốc gia nông nghiệp lạc hậu. Khác với lý thuyết của Marx và Lenin, vốn tập trung vào giai cấp công nhân và tầng lớp vô sản thành thị, chủ nghĩa Mao nhấn mạnh vào vai trò quan trọng của nông dân và kêu gọi tiến hành cách mạng từ cơ sở nông thôn.
Mao cũng không hoàn toàn tuân theo các nguyên lý duy vật của chủ nghĩa Marx. Ông cho rằng nếu có đủ chí và nghị lực, con người có thể vượt qua mọi thách thức để xây dựng xã hội mới theo lý tưởng cộng sản. Vào cuối thập niên 1950, Mao tin rằng Trung Quốc có thể “nhảy vọt” trở thành một nước công nghiệp hiện đại bằng cách huy động toàn xã hội gia tăng sản xuất thép. Một phần lớn lao động từ các hợp tác xã nông nghiệp được chuyển sang vận hành các "lò thép sau vườn." Sản phẩm thu được là sắt phế liệu kém chất lượng, trong khi mùa màng bị bỏ hoang, kết quả là hàng chục triệu người chết vì đói và dịch bệnh. [4]
Karl Marx cho rằng các giai cấp chỉ thực sự được hình thành trong quá trình đấu tranh giai cấp, và những người vô sản chỉ tồn tại như một giai cấp khi họ đối đầu trực tiếp với giai cấp tư sản. Theo Marx, đấu tranh giai cấp là động lực chính của sự phát triển lịch sử và xã hội loài người. [5]
Mao Trạch Đông chịu ảnh hưởng từ Marx, nhưng cũng phát triển quan điểm của riêng mình. Mao tin vào giá trị của của “đấu tranh” (斗争), cho rằng thông qua quá trình này, con người không chỉ xây dựng nhân cách và lòng dũng cảm mà còn có thể cải tạo xã hội. Quá trình đấu tranh cũng giúp phá vỡ các quan hệ giai cấp và cấu trúc thứ bậc lạc hậu trong xã hội Khổng giáo, từ đó thúc đẩy tiến bộ về văn hóa và xã hội.
Trong các cuộc đấu tố dưới thời Mao, nạn nhân không chỉ là những “giai cấp xấu” như tư sản, địa chủ hay phú nông, mà còn bao gồm những tầng lớp vốn được tôn trọng trong xã hội như trí thức, nhà giáo và người lớn tuổi.
Giai đoạn cai trị của Mao, với các chiến dịch như cải cách ruộng đất, chống hữu khuynh và Cách mạng Văn hóa, đặc trưng bởi bạo lực, đàn áp và các thảm họa kinh tế - xã hội nghiêm trọng.
Trong khi đó, mô hình nổi bật nhất hiện thực hóa các lý tưởng của chủ nghĩa dân chủ xã hội là mô hình Scandinavia, bao gồm các quốc gia Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch và Na Uy.
Kể từ sau Thế chiến II, nhận thấy những hạn chế và hậu quả tiêu cực của các chính sách quốc hữu hóa và kế hoạch hóa tập trung, đặc biệt là sau khi chứng kiến những thảm họa kinh tế và xã hội tại các quốc gia cộng sản như Liên Xô và Trung Quốc, các nhà dân chủ xã hội đã điều chỉnh chương trình chính trị của mình. Họ chuyển trọng tâm sang ba mục tiêu khiêm tốn hơn, bao gồm:
Để hiểu rõ hơn sự khác biệt giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa dân chủ xã hội, chúng ta có thể xếp Joseph Stalin và Eduard Bernstein trên một hệ tọa độ hai chiều. Trục hoành thể hiện quan điểm kinh tế, trong khi trục tung thể hiện quan điểm về chính trị và xã hội.
Có thể thấy, Stalin đại diện cho chế độ chính trị chuyên chế và quan điểm cực tả về kinh tế. Trong khi đó, Bernstein ủng hộ một thể chế chính trị đa nguyên và nền dân chủ. Ông tán thành việc duy trì một khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh, nhưng đồng thời cho rằng nhà nước cần can thiệp vào nền kinh tế để giảm bất bình đẳng xã hội, thông qua các biện pháp như đánh thuế tài sản và thuế thu nhập lũy tiến.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, các nguyên tắc dân chủ xã hội và mô hình nhà nước phúc lợi được chấp nhận rộng rãi trên khắp châu Âu, trở thành nền tảng vững chắc cho sự ổn định và thịnh vượng của thời kỳ hậu chiến. Mô hình này không chỉ thay đổi mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội mà còn mang lại một cách hiểu mới về khái niệm công bằng xã hội.
Một trong những yếu tố quan trọng của mô hình nhà nước phúc lợi là hệ thống thuế lũy tiến, trong đó, những người có thu nhập cao phải đóng góp nhiều hơn vào ngân sách nhà nước. Điều này giúp giảm bớt sự chênh lệch giữa các tầng lớp trong xã hội và đảm bảo rằng những người nghèo và yếu thế không bị bỏ lại phía sau.
Nhà nước, qua việc đảm bảo các phúc lợi cơ bản như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, và các dịch vụ xã hội khác, đã thay thế vai trò truyền thống của gia đình và cộng đồng địa phương trong việc chăm sóc những người không thể tự lo liệu cho mình.
Tuy nhiên, sự bền vững của mô hình này phụ thuộc chặt chẽ vào tinh thần đoàn kết xã hội. Chỉ khi người dân cùng chia sẻ niềm tin rằng việc bảo đảm phúc lợi cho tất cả mọi người là một bổn phận đạo đức và mục tiêu cao cả, mô hình này mới có thể phát triển bền vững. [7]
Cùng với sự phát triển của nhà nước phúc lợi, các đảng xã hội cũng dần trở nên ôn hòa theo thời gian. Nguyên nhân chủ yếu của sự thay đổi này là những biến động trong đặc điểm nhân khẩu học của cử tri.
Từ giữa thế kỷ 20, sự suy giảm của các ngành công nghiệp truyền thống như than, thép, đóng tàu và dệt may đã làm giảm số lượng công nhân và tầng lớp vô sản đô thị, khiến họ trở thành lực lượng thiểu số trong khối cử tri.
Chủ nghĩa tư bản hiện đại ngày càng yêu cầu người lao động có trình độ chuyên môn cao và làm việc trong các ngành nghề đòi hỏi kỹ năng thay vì lao động tay chân. Nhờ có sự đảm bảo về kinh tế và điều kiện sống tốt, lực lượng này trở nên bảo thủ hơn về mặt chính trị.
Những thay đổi khách quan này buộc các đảng dân chủ xã hội phải đưa ra lựa chọn: (1) duy trì tính giai cấp nhưng chấp nhận thất bại trong các cuộc bầu cử, hoặc (2) “pha loãng” tính giai cấp để thu hút lá phiếu từ các tầng lớp khác trong xã hội nhằm gia tăng cơ hội chiến thắng. [8]
Các đảng đã chọn phương án (2). Những đảng vốn được thành lập để đại diện cho giai cấp công nhân đã chuyển mình thành các đảng của quần chúng. Họ hứa hẹn cung cấp tín dụng cho tầng lớp tiểu tư sản, đảm bảo mức lương tối thiểu cho người thu nhập thấp, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo lương hưu cho người lao động, v.v.
Nhìn chung, các diễn ngôn Marxist về đấu tranh giai cấp dần phai nhạt khi các đảng công nhân chuyển đổi thành các đảng đại diện cho quần chúng.
Theo thời gian, các đảng dân chủ xã hội không còn khác biệt rõ rệt về bản chất so với các chính đảng khác. Lòng trung thành giai cấp không còn là yếu tố quyết định sự ủng hộ của cử tri. Giờ đây, người lao động nhìn nhận bản thân như những cá nhân độc lập trong xã hội, thay vì là thành viên của một giai cấp. [9]
Từ sau Thế chiến II cho đến thập niên 1970, các đảng dân chủ xã hội tại châu Âu phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu.
Trong giai đoạn này, kinh tế tăng trưởng bền vững, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát thấp. Nhờ vậy, các chính phủ đã thành công trong việc cải thiện mức sống cho mọi tầng lớp dân cư, đồng thời xây dựng một nhà nước phúc lợi hào phóng. Trong giai đoạn này, việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và giảm bất bình đẳng xã hội vẫn còn dễ dàng, chưa gặp nhiều thách thức. [10]
Tuy nhiên, các cuộc suy thoái kinh tế diễn ra sau đó, đặc biệt là cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, đã gây ra nhiều khó khăn tài chính nghiêm trọng cho mô hình nhà nước phúc lợi, chủ yếu do tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, kéo theo nhu cầu trợ cấp tăng trong khi nguồn thu từ thuế lại giảm.
Tình trạng này khiến các đảng dân chủ xã hội phải chuyển sang các chính sách ủng hộ thị trường tự do hơn, đồng thời cải cách các chương trình phúc lợi sao cho phù hợp với thực tế kinh tế.
Họ cũng chuyển từ việc tập trung vào “bình đẳng xã hội” (social equality) – tức là nỗ lực giảm bớt sự chênh lệch về thu nhập, tài sản và điều kiện sống giữa các tầng lớp dân cư – sang nhấn mạnh “bình đẳng cơ hội” (equality of opportunity), nghĩa là tạo môi trường để mọi cá nhân có cơ hội phát huy tiềm năng và thành công một cách công bằng, bất kể họ có xuất thân, giới tính, chủng tộc hay tình trạng kinh tế ra sao.
Trong kỳ tới, chúng ta sẽ phân tích sự khác biệt về thành tựu phát triển của các quốc gia chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx - Lenin và các quốc gia theo con đường cải cách chính trị, kinh tế trong khuôn khổ nền dân chủ tự do, theo quan điểm của Eduard Bernstein.
(Còn nữa)
Đọc thêm: