TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị định 168
Thêm “thông điệp mới” của Tổng Bí thư Tô Lâm
Đề nghị án treo cho ông Mai Tiến Dũng, cựu bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
“Ông lớn” đài truyền hình chia tay khán giả
Thực hiện chính sách tinh gọn bộ máy, ngày 15/1 vừa qua, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC đã chính thức chia tay khán giả.
Toàn bộ các kênh như VTC1 HD, VTC2, VTC3 HD, VTC4 HD, VTC5 HD, VTC6 HD, VTC7 HD, VTC8, VTC9 HD, VTC10 HD, VTC11, VTC14 HD, VTC16 HD đã dừng sản xuất và phát sóng trên tất cả các hạ tầng tiếp phát sóng.
VTC được thành lập vào ngày 19/8/2004 và được mệnh danh là một trong ba “ông lớn” truyền hình phủ sóng trên toàn lãnh thổ nước ta, bên cạnh Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Đài Truyền hình TP. HCM (HTV). Đài này có nhiều kênh truyền hình được công chúng ưa chuộng như VTC1, VTC3 (thể thao), VTC10 (Netviet, dành cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài).
Mặc dù là một nhà đài tiên phong trong việc thử nghiệm phát sóng độ nét cao (HD) và truyền hình 3D, tuy nhiên trong những năm gần đây, doanh thu của VTC sụt giảm.
VTC thường xuyên gặp khó khăn về tài chính. Năm 2014, VTC tách khỏi Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC và trở thành cơ quan sự nghiệp trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông theo Nghị định 132/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, quá trình tách ra cũng dẫn đến việc chia tách tài sản và các khoản nợ. VTC phải chịu các khoản nợ vay để đầu tư cơ sở vật chất cho cả đài và tổng công ty.
Đến ngày 2/6/2015, thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 752/QĐ-TTg về việc chuyển VTC từ Bộ Thông tin và Truyền thông về trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Quyết định này nêu rõ về việc chuyển giao nguyên trạng tổ chức bộ máy, lao động, tài chính - tài sản, bao gồm cả mạng truyền dẫn phát sóng và các khoản nợ phải thu, phải trả từ việc đầu tư hình thành tài sản của VTC về VOV. Vào thời điểm đó, đại biểu Quốc hội có đem vấn đề này ra chất vấn và đề cập đến con số nợ hơn 1.200 tỷ đồng.
Tháng 4/2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan nghiên cứu và đề xuất phương án xử lý nợ của Đài VTC để chuẩn bị cho cuộc họp giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên đến nay các vướng mắc về khoản nợ này vẫn chưa được giải quyết cụ thể và báo cáo cho công chúng được biết.
Ngoài ra, Truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam (VOVTV) và Truyền hình Nhân Dân cũng chính thức ngừng phát sóng từ ngày 15/1.
Trước đó, đầu tháng Một, Truyền hình Quốc hội Việt Nam và Truyền hình Thông tấn đã dừng hoạt động.
Việc ngừng phát sóng các kênh truyền hình này nhằm thực hiện Nghị quyết số 64 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 141 của Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và chuyển chức năng, nhiệm vụ của các kênh truyền hình về VTV.
Tuy nhiên, đến nay, VTV mới chỉ thông báo sẽ tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của các kênh truyền hình này chứ chưa có thông tin cụ thể về phương án xử lý đối với đội ngũ nhân sự đang làm việc cho các nhà đài này. Các cơ quan chủ quản hiện hành của các đài truyền hình này có trách nhiệm tự cơ cấu lại, sắp xếp bộ máy, nhân sự của các đơn vị.
Trong một diễn biến có liên quan, theo Báo cáo 219/BC-BNV vào ngày 11/1 về bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, Bộ Nội vụ dự kiến kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp; chuyển 18/19 tập đoàn, tổng công ty của ủy ban này về Bộ Tài chính quản lý. Riêng Tổng công ty Viễn thông Mobifone sẽ chuyển giao cho Bộ Công an quản lý.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng tiếp nhận thêm nhiều nhóm chức năng, nhiệm vụ khác, như chức năng cai nghiện ma túy và phòng chống tệ nạn xã hội; cấp phiếu lý lịch tư pháp và cấp giấy phép lái xe; quản lý xuất nhập cảnh, v.v.
Sau tinh gọn bộ máy, Chính phủ dự kiến giảm còn 22 đầu mối, gồm 17 bộ, cơ quan ngang bộ và năm cơ quan trực thuộc.
TP. HCM, Hà Nội đang “chữa cháy” cho Nghị định 168 ra sao?
Hai tuần sau khi Nghị định 168 có hiệu lực, tình trạng kẹt xe tại các thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội đột ngột trở nên nghiêm trọng. Điều này buộc các nhà chức trách phải xắn tay “chữa cháy”.
Ngày 13/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao cho Bộ Công an cùng Bộ Giao thông - Vận tải, TP. Hà Nội và TP. HCM tổ chức giao thông khoa học, hợp lý nhằm sớm khắc phục tình trạng này.
Báo chí tiếp tục phản ánh về tình trạng kẹt xe trầm trọng ở thủ đô Hà Nội.
Đơn cử như ngày 17/1, VTC News có bài viết: “Chờ 5 nhịp đèn chưa thoát khỏi ngã tư ùn tắc, tài xế ngủ gục trên xe”.
Nhiều tờ báo cũng nêu lên tình trạng lưu lượng xe trên nhiều tuyến đường như cầu Thanh Trì, Vành đai 3, và cầu Chương Dương vượt 6 - 8 lần thiết kế ban đầu.
Hiện nay, lực lượng cảnh sát giao thông ở thủ đô phải căng mình phân luồng, điều tiết giao thông tại các khu vực trọng điểm để giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông.
UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 18 về việc thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố trong năm 2025. Theo kế hoạch này, thành phố hứa sẽ giải quyết từ 8 - 10 điểm ùn tắc giao thông, hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài quá 30 phút.
Trong khi đó, tại TP. HCM, nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc, Sở Giao thông Vận tải đã lên kế hoạch lắp đặt 1.900 đèn tín hiệu giao thông và đèn tín hiệu rẽ phải tại 524 giao lộ.
Hiện trong giai đoạn đầu, các cơ quan chức năng đã hoàn thành lắp 80 bộ đèn tại 38 giao lộ.
Ngoài ra, để giảm ùn tắc, thành phố còn huy động lực lượng Thanh niên Xung phong và đoàn viên thanh niên xuống đường để hỗ trợ điều tiết giao thông, rà soát các tuyến hẻm để giảm tải áp lực cho các tuyến đường chính.
Bên cạnh đó, để “giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) trước thực trạng ùn tắc nghiêm trọng trong những ngày qua, nhà chức trách cho biết các đơn vị có liên quan đang gấp rút thi công dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa với sáu làn xe để thông xe (giai đoạn 1) vào ngày 20/1. Toàn bộ dự án dự kiến sẽ được hoàn thành và thông xe trước ngày 30/4.
Nghị định 168/NĐ-CP được Chính phủ ban hành vào ngày 26/12/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong đó, nhà nước tăng mức phạt đối với nhiều lỗi vi phạm giao thông, điển hình là lỗi vượt đèn đỏ có mức phạt lên đến 18 - 20 triệu đồng (đối với người lái ô tô) và từ 4 - 6 triệu đồng (đối với người lái xe máy).
Trước luồng ý kiến cho rằng Nghị định 168 được ban hành trái luật, Cục Cảnh sát Giao thông của Bộ Công an cho biết do “tính chất cấp thiết liên quan đến tình hình trật tự, an toàn giao thông” nên cơ quan thẩm quyền quyết định ban hành Nghị định 168 theo trình tự rút gọn.
Vào ngày 14/1, Luật Khoa tạp chí cũng có bài viết liên quan đến ý kiến này của Cục Cảnh sát Giao thông, qua đó cho rằng Nghị định 168 không được ban hành theo thủ tục rút gọn, vì các lý do: không có quyết định chính thức về việc ban hành theo thủ tục rút gọn (điều này do thủ tướng Chính phủ phê duyệt); thời gian lấy ý kiến của nhân dân cho nghị định này kéo dài đến 60 ngày, tức là tuân theo thủ tục thông thường; các thông tin công khai không xác định tính cấp thiết đặc biệt để áp dụng trình tự rút gọn.
Ông Tô Lâm và phát ngôn đừng để Việt Nam “là bãi rác về công nghệ của thế giới”
Ngày 15/1, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu tại diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI.
Ông Tô Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, coi đây là "con đường sống còn" để đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong "kỷ nguyên mới". Đồng thời, ông dẫn ra các số liệu, báo cáo về thành tích của ngành công nghệ, rồi đặt câu hỏi có phải là “ngộ nhận”, “tự huyễn hoặc”, “tự ru mình” hay không.
Ông Tô Lâm nhận định tới đây phải thu hút tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài một cách chọn lọc hơn; tránh để Việt Nam trở thành nơi "lắp ráp - gia công" hoặc "bãi rác của thế giới", “trong khi doanh nghiệp trong nước lại không học hỏi được gì”.
Cùng ngày (15/1), nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam và Trung Quốc, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình.
Theo đó, ông Tô Lâm khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc.
Đáp lại, ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh Trung Quốc ưu tiên phát triển mối quan hệ với Việt Nam trong chính sách ngoại giao láng giềng.
Hai bên thống nhất thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có quốc phòng - an ninh và kinh tế, đồng thời nhất trí đẩy nhanh kết nối ba tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn giữa hai nước.
Ngoài ra, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề nghị giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Tuy nhiên, ông Tô Lâm không đề cập cụ thể đến những căng thẳng tại Biển Đông giữa hai nước trong thời gian gần đây, nhất là vụ chính quyền Bắc Kinh giam giữ nhiều ngư dân Việt Nam đánh bắt ở khu vực Hoàng Sa.
Đề nghị cho ông Mai Tiến Dũng hưởng án treo
Sáng 17/1, Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội đưa ra đề nghị mức án cho các bị cáo trong vụ án liên quan đến sai phạm tại Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng.
Theo đó, ông Mai Tiến Dũng, cựu bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bị đề nghị mức án từ 24 - 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, với cáo buộc "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Trước đó, vào ngày 16/1, ông Dũng xuất hiện tại tòa trong tình trạng sức khỏe yếu do rối loạn tiền đình, di chứng nhồi máu não.
Cùng bị xét xử trong vụ án này, ông Nguyễn Cao Trí, tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh, chủ tịch Công ty Đầu tư và Giáo dục Văn Lang, bị đề nghị mức án từ 3 - 4 năm tù về tội “nhận hối lộ”.
Theo cáo trạng, năm 2010, Công ty Sài Gòn Đại Ninh triển khai dự án thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái tại tỉnh Lâm Đồng.
Từ năm 2013 đến 2018, Thanh tra Chính phủ kết luận dự án có nhiều vi phạm về quản lý đất đai và đầu tư xây dựng. Khi biết thủ tướng Chính phủ có ý muốn chấm dứt hoạt động và thu hồi đất của dự án, ông Nguyễn Cao Trí đã tìm cách hủy bỏ kiến nghị này bằng việc sử dụng mối quan hệ và vật chất để tác động đến một số lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và Chính phủ, trong đó có ông Mai Tiến Dũng.
Sau khi nhận được đơn kiến nghị, ông Dũng đã nhận quà "cảm ơn" từ ông Trí trị giá 200 triệu đồng.
Sau đó, ông Trí đã bán dự án này cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Thiên Vương với giá 27.600 tỷ đồng, thu lợi 2.700 tỷ đồng.
Trước đó, giải thích về việc “tiếp tay” cho sai phạm, ông Dũng khai rằng đã nhận được chỉ thị của cấp trên. Vụ án này xảy ra trong nhiệm kỳ Chính phủ 2016 - 2021, thời điểm ông Nguyễn Xuân Phúc làm thủ tướng.
Trong một diễn biến khác, ngày 13/1, Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Bình đã tuyên phạt cựu đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng 13 năm tù về tội “cưỡng đoạt tài sản” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Ông Lê Thanh Vân cũng lãnh án bảy năm tù về tội “lợi dụng chức vụ. quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Tin vắn:
Xử lý một người dân có hành vi “xuyên tạc Nghị định 168”: Ngày 16/1, Công an TP. Hà Nội xử lý ông H. về hành vi xuyên tạc Nghị định 168. Theo báo chí nhà nước, các bài viết của ông H. trên Facebook chứa nội dung sai lệch về Nghị định 168. Cơ quan công an đã xử phạt hành chính đối với ông H. và thu giữ các tài liệu liên quan để tiếp tục điều tra.
Người bán trên sàn thương mại điện tử sắp phải định danh VNeID: Ngày 10/1, Chính phủ ban hành Nghị quyết 09, yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu, sửa đổi và đề xuất các văn bản pháp luật có liên quan đến thương mại điện tử. Trong đó, người kinh doanh trên các sàn phải định danh trên ứng dụng VNeID do Bộ Công an quản lý. Các thông tin cung cấp được thực hiện theo quy định tại Điều 37 của Nghị định 52 năm 2013 của Chính phủ như tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh; hàng hóa - dịch vụ kinh doanh; tình hình kinh doanh và nghĩa vụ thuế phí.
Nhà nước tính tăng giá điện: Bộ Công thương vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo quyết định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Bộ này đề xuất rút gọn bậc thang giá điện sinh hoạt từ sáu xuống năm bậc. Trong đó, đề xuất giữ nguyên giá hiện hành ở ba bậc đầu tiên. Riêng bậc bốn (từ 401 - 700 kWh), có mức giá tăng từ 3.302 đồng/kWh lên 3.407 đồng/kWh; và bậc năm (trên 700 KWh) tăng từ 3.302 đồng/kWh lên 3.786 đồng/kWh.
Bốn người Việt bị cáo buộc đốt xác đồng hương ở Nhật: Ngày 15/1, cảnh sát tỉnh Chiba, Nhật Bản, bắt giữ bốn nghi phạm người Việt Nam với cáo buộc trộm cướp, tống tiền, phá hoại tài sản và phi tang thi thể. Nạn nhân cũng là người Việt Nam, 29 tuổi. Được biết, nguyên nhân của vụ việc là do mâu thuẫn trong việc chia lợi nhuận từ trồng cần sa.
Hàn Quốc bắt 11 người Việt Nam rời đảo Jeju bất hợp pháp: Ngày 15/1, cảnh sát biển ở Jeju, Hàn Quốcphát hiện 11 người Việt Nam (gồm bảy nam, bốn nữ) trốn trong thùng xe tải năm tấn tại cảng Jeju. Chiếc xe này chuẩn bị lên phà đến Wando. Nhóm này nhập cảnh vào Jeju thông qua chương trình miễn thị thực, dự định di chuyển bất hợp pháp đến các khu vực khác ở Hàn Quốc để tìm việc. Trước đó, vào tháng 12/2024, cơ quan quản lý du lịch đảo Jeju cũng xác nhận có 38/90 khách du lịch đến từ Nha Trang đã mất liên lạc và biến mất tại điểm tham quan cuối cùng vào ngày 17/11. Giới chức Jeju chưa xác nhận liệu 11 người Việt bị bắt giữ lần này có thuộc trong số 38 du khách mất tích trước đó hay không.
Vingroup lập công ty người máy: Tập đoàn Vingroup quyết định góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Nghiên cứu Phát triển và Ứng dụng Người máy Đa năng VinMotion, với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, trong đó Vingroup sở hữu 51% vốn. Trước đó, vào tháng 11/2024, Vingroup cũng đã thành lập Công ty Cổ phần Nghiên cứu Phát triển và Ứng dụng Người máy VinRobotics với cùng vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.
Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án lấn biển Cần Giờ: Ngày 16/1, thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 148/QĐ-TTg, phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ. Dự án sẽ được triển khai tại cù lao Gò Con Chó (huyện Cần Giờ, TP. HCM) với tổng diện tích 571 ha. Tổng mức đầu tư ước tính khoảng 113.500 tỷ đồng (4,8 tỷ USD).
Đề nghị các ngân hàng khai và nộp thuế thay cho Agoda, Booking, AirBnb, Paypal: Tổng cục Thuế vừa thông báo rằng bốn nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài gồm Agoda, Booking.com, Airbnb, và Paypal chưa thực hiện đăng ký, kê khai, và nộp thuế tại Việt Nam theo quy định. Theo cơ quan thuế, những đơn vị này đã hoạt động tại Việt Nam từ chục năm nay và doanh thu đã lên hàng nghìn tỷ đồng. Để đảm bảo thu đúng và đủ nghĩa vụ thuế, Tổng cục Thuế đã đề nghị 100 ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán, kê khai, khấu trừ, và nộp thuế thay cho các nhà cung cấp nước ngoài này.
Táo Quân lấy chủ đề “tinh gọn bộ máy”: Chương trình "Gặp nhau cuối năm - Táo quân 2025" được ghi hình từ ngày 15 - 17/1 tại Cung Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội và dự kiến phát sóng vào đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tức ngày 28/1. Theo thông tin trên báo chí, Táo Quân năm nay sẽ tập trung vào chủ đề sáp nhập và tinh gọn bộ máy đang được triển khai trên cả nước.
Khởi tố ba cán bộ, phóng viên của Báo Giao thông: Ngày 17/1,Công an tỉnh Nam Định đã khởi tố ba cán bộ, phóng viên thuộc Ban Thời sự Nội chính của Báo Giao thông về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Các bị can bị cáo buộc thu thập thông tin về sai phạm của một số doanh nghiệp, sau đó đe dọa sẽ viết bài phản ánh và ép buộc các doanh nghiệp này ký hợp đồng quảng cáo với giá từ 30 - 50 triệu đồng để bỏ qua vi phạm.
Có lẽ chưa ai quên được vụ “ra quân dẹp vỉa hè” gắn với tên tuổi của ông Đoàn Ngọc Hải. [...] Thất bại có phải vì kém năng lực “dẹp loạn”? Chưa hẳn.
Sự kiện đáng chú ý tuần tới:
Từ ngày 15 - 23/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức nước Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Czech và tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ.